Bao Hoạt Dịch: Cấu Tạo, Chức Năng Và Các Vấn Đề Hay Gặp

Bao hoạt dịch có chức năng sản xuất chất lỏng bôi trơn và chống nhiễm trùng cho khớp. Cũng như nhiều cơ quan khác, bộ phận này có thể gặp phải nhiều vấn đề như viêm bao hoạt dịch, u nang bao hoạt dịch hay vôi hóa bao hoạt dịch.

Bao hoạt dịch là gì?

Bao hoạt dịch là những túi nhỏ được phân bố gần các đầu xương và khớp, bên trong chứa đầy chất lỏng. Bộ phận này hoạt động tương tự như một lớp đệm mỏng giúp giảm lực ma sát giữa các mô mềm và đầu xương mỗi khi vận động khớp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng cho khớp.

bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch là những túi chứa chất lỏng có chức năng bôi trơn, chống nhiễm trùng cho khớp

Cũng như nhiều cơ quan khác, bao hoạt dịch có thể chịu tác động bởi các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cơ thể dẫn đến tổn thương, sưng viêm hoặc nổi u. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của khớp.

Cấu tạo của bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch có kích thước nhỏ, mỏng. Đường kính trung bình của các bao nằm dưới 4cm. Cấu trúc của bao hoạt dịch được tạo thành từ 2 bộ phận nhỏ gồm:

  • Màng hoạt dịch: Đây là một lớp mô rất mỏng, chỉ dày khoảng 2mm và có chứa tế bào đặc biệt. Lớp màng có khả năng tiết ra chất lỏng hoạt dịch.Do có dạng bán thấm, một số vật liệu có thể đi vào hoặc rời khỏi túi hoạt dịch. Chính vì vậy mà đôi khi ngoài chất dịch ra, trong túi hoạt dịch còn tìm thấy cả máu, vi khuẩn hay tế bào bạch cầu.
  • Chất lỏng hoạt dịch: Chất này có kết cấu lỏng nhớt và trơn tương tự như lòng trắng trứng.

Bao hoạt dịch có ở đâu? Gồm những loại nào?

Ở người bình thường, trong cơ thể có tất cả khoảng 140 bao hoạt dịch. Chúng được phân bố rải rác tại các khớp động, tức những khớp có khả năng vận động trong trên cơ thể. Điển hình như bao hoạt dịch khớp háng, bao hoạt dịch khớp vai, bao hoạt dịch khớp cổ tay hay bao hoạt dịch khớp cổ chân.

Bao hoạt dịch được chia thành 3 loại chính như sau:

  • Bao hoạt dịch khớp: Đây là loại phổ biến nhất. Chúng nằm gần các khớp di động trên cơ thể.
  • Bao hoạt dịch xuất hiện sau kích thích: Lực tác động lặp đi lặp lại thường xuyên tại một vị trí dẫn đến sự xuất hiện của dạng bao hoạt dịch này. Chúng có thể không xuất hiện tại khớp mà gặp ở các vị trí khác như gót chân, ngón chân.
  • Bao hoạt dịch dưới da: Túi hoạt dịch nằm giữa da với xương khớp. Chúng chủ yếu xuất hiện ở những vị trí xương có điểm nhô ra, thường gặp nhất là ở mặt sau khuỷu tay.
các loại bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch dưới da thường nằm ở mặt sau của khuỷu tay

Chức năng của bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch chứa chất nhầy bên trong (hoạt dịch) đảm nhận chức năng bôi trơn ổ khớp, giảm lực ma sát giữa các đầu xương và mô mềm mỗi khi vận động. Hoạt dịch cũng cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng để nuôi dưỡng và tái tạo các mô sụn, đảm bảo cho sụn khớp luôn khỏe mạnh và vận động trơn tru, linh hoạt.

Đặc biệt, chất nhầy trong bao hoạt dịch còn có khả năng chống nhiễm khuẩn, giúp giảm thiểu nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng. Tuy nhiên, sự tấn công ồ ạt của vi khuẩn có thể làm giảm chức năng của hoạt dịch dẫn đến viêm khớp, viêm bao hoạt dịch.

Các vấn đề thường gặp ở bao hoạt dịch

Các bệnh thường gặp ở bao hoạt dịch bao gồm:

1. U bao hoạt dịch

U bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những vị trí như bao khớp hay bao gân nằm gần các khớp, hay gặp nhất là ở khớp cổ tay, khớp cổ chân hoặc khoeo. Khối u tiến triển một cách âm thầm, kích thước tăng chậm , thường không tự mất đi mà phải điều trị.

Bệnh u nang hoạt dịch có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, gặp ở nữ nhiều hơn so với nam. Khối u phát triển to có thể gây chèn ép vào thần kinh, đồng thời gây mất thẩm mỹ, làm giảm khả năng vận động của người bệnh.

Dấu hiệu nhận biết u bao hoạt dịch:

  • Xuất hiện các khối u cứng, rắn chắc, có thể di động
  • Có thể gây đau hoặc không đau
  • Kích thước khối u tăng dần theo thời gian nhưng khá chậm.
  • Cứng khớp, khó vận động
  • Khớp có thể bị sưng viêm, bầm tím da.

Phương pháp điều trị:

Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa để chữa u bao hoạt dịch.

Trường hợp khối u nhỏ, không tăng trưởng về kích thước, không gây đau và bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến khả năng vận động thì không cần phải điều trị. Một số ít trường hợp u nang bao hoạt dịch có thể tự biến mất.

Các trường hợp xuất hiện triệu chứng bệnh sẽ được bác sĩ đề nghị điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như: Băng nẹp cố định khớp, sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, chọc dịch kim thông qua dẫn siêu âm, chườm đá giảm sưng đau, vật lý trị liệu phục hồi chức năng…

Phẫu thuật được chỉ định khi u nang bao hoạt dịch chèn ép vào thần kinh, bệnh gây đau nhiều hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng vận động. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ, rạch 1 đường nhỏ ngoài da và bóc tách cơ để lấy khối u ra ngoài.

2. Viêm bao hoạt dịch

Đây là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở bao hoạt dịch. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp thường xuyên phải vận động như bao hoạt dịch khớp cổ tay, khớp gối hay khớp vai.

Tình trạng sưng viêm ở bao hoạt dịch thường khởi phát sau khi bị chấn thương, vận động khớp liên tục gây căng thẳng cho bao hoạt dịch hoặc do nhiễm trùng. Đôi khi, bệnh còn xảy ra ở người lớn tuổi, bao hoạt dịch và xương khớp bị lão hóa theo sự gia tăng của tuổi tác nên dễ bị tổn thương, viêm nhiễm.

các vấn đề ở bao hoạt dịch thường gặp
Viêm bao hoạt dịch là một trong những vấn đề thường gặp ở khớp gối

Dấu hiệu nhận biết viêm bao hoạt dịch:

  • Sưng viêm, tấy đỏ khớp
  • Đau nhức khớp. Dùng tay ấn vào hoặc vận động khớp sẽ thấy đau nặng hơn
  • Cứng khớp gây khó khăn cho việc vận động
  • Phản ứng viêm gây xuất tiết dịch nhiều khiến cho bao hoạt dịch bị ứ dịch hoặc dẫn đến tràn dịch khớp.

Phương pháp điều trị

Viêm bao hoạt dịch có thể gây ra những cơn đau đớn kéo dài hoặc bất động khớp nếu không được điều trị sớm. Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ kê đơn cho các trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng. Các loại thuốc khác có thể được chỉ định kèm theo bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid ( Ibuprofen, naproxen…).

Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong ít nhất 2 – 3 tuần và băng thun cố định để tổn thương ở bao khớp nhanh phục hồi và giảm thiểu cơn đau. Đôi khi, bệnh nhân còn được chọc hút dịch để lấy bớt dịch tiết trong bao khớp nhằm tạm thời giảm đau.

Tuy nhiên, nếu sau 12 tuần điều trị nội khoa mà bệnh không thuyên giảm, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành mổ nội soi hoặc phẫu thuật mở để loại bỏ các mô bị tổn thương và giải phóng áp lực lên túi hoạt dịch.

3. Vôi hóa bao hoạt dịch

Tình trạng vôi hóa không chỉ xảy ra tại khớp mà còn ảnh hưởng đến cả bao hoạt dịch. Đây là hậu quả của tình trạng viêm và kích ứng kéo dài. Bệnh vôi hóa bao hoạt dịch chủ yếu ảnh hưởng đến vai và khi tiến triển nặng có thể gây viêm quanh khớp vai.

Dấu hiệu nhận biết vôi hóa bao hoạt dịch:

  • Đau nhức khớp kéo dài. Cơn đau chỉ âm ỉ hoặc đau nhói khi vận động.
  • Khớp bị cứng
  • Giới hạn phạm vi vận động.

Phương pháp điều trị:

Hầu hết các trường hợp bị vôi hóa bao hoạt dịch thường được điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Các thuốc chống viêm, giảm đau nếu không đáp ứng tốt có thể được thay thế bằng thuốc tiêm cortisone cho tác dụng nhanh và mạnh hơn.

Sau khi khớp đã bớt sưng viêm, người bệnh được tiến hành làm vật lý trị liệu và tập phục hồi chức năng khớp.

4. Viêm màng bao hoạt dịch

Với bệnh lý này, tình trạng viêm chỉ mới ảnh hưởng đến lớp màng bên ngoài chứ chưa gây tổn thương toàn bộ bao hoạt dịch. Bệnh khởi phát do bị chấn thương, sử dụng khớp quá mức, lao động nặng nhọc hoặc do lớn tuổi.

Dấu hiệu nhận biết viêm màng bao hoạt dịch:

  • Khớp bị ảnh hưởng có biểu hiện sưng, đau nhức
  • Tê và ngứa ran ngoài khớp
  • Khô khớp
  • Tràn dịch khớp do dịch tiết ra nhiều
  • Khớp bị cứng và làm giảm khả năng vận động
  • Khu vực tổn thương có thể bị bầm tím
  • Nóng sốt, nhất là vào buổi chiều tối
  • Có thể nghe thấy âm thanh lục cục phát ra ở khớp khi vận động.

Phương pháp điều trị:

Các thuốc giảm đau, kháng viêm thường đáp ứng tốt với người bị viêm màng bao hoạt dịch. Nếu bị đau nhiều và sưng viêm kéo dài, bệnh nhân có thể được tiêm cortisone trực tiếp vào trong khớp.

Ngoài ra, các phương pháp như chọc hút dịch, vật lý trị liệu, chườm đá lạnh cũng giúp giảm sưng viêm màng bao hoạt dịch, phục hồi chức năng vận động cho khớp.

5. Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng

Bệnh viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng ảnh hưởng nhiều nhất đến khớp gối hay khớp khuỷu tay. Nguyên nhân gây bệnh là do bị nhiễm trùng. Vi khuẩn thường xâm nhập vào từ bên ngoài khớp thông qua vết thương hở, chọc hút dịch khớp hay tiêm khớp bằng dụng cụ chưa được tiệt trùng sạch sẽ hoặc từ cơ quan khác theo máu đến bao hoạt dịch.

Bệnh viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng là một vấn đề y tế nghiêm trọng cần được điều trị sớm để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Các bệnh về bao hoạt dịch
Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở màng bao hoạt dịch

Dấu hiệu nhận biết:

  • Khớp sưng to, nóng ấm
  • Đau khớp
  • Cứng khớp
  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có cảm giác ớn lạnh trong người.
  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn
  • Vận động khớp khó khăn.

Phương pháp điều trị:

Bệnh viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng được điều trị bằng phác đồ kháng sinh. Nếu bị sưng đau quá mức hoặc có dấu hiệu ứ dịch, bác sĩ sẽ dùng kim tiêm để chọc hút dịch ra ngoài nhằm loại bỏ ổ nhiễm trùng nhanh hơn.

6. Viêm bao hoạt dịch dạng gout

Bệnh gout có thể ảnh hưởng đến bao hoạt dịch khớp và khiến cho bộ phận này bị viêm. Khi mắc căn bệnh này, các tinh thể axit uric tích tụ nhiều quanh bao hoạt dịch và khớp dẫn đến kích ứng, tổn thương và sưng phù.

Các dấu hiệu nhận biết:

  • Sưng khớp đột ngột vào ban đêm
  • Viêm khớp, chạm tay vào thấy nóng ấm
  • Cơn đau có thể kéo dài trong vài ngày hoặc xảy ra trong vài tuần
  • Có thể sốt không giai đoạn gout cấp tính
  • Nổi cục u nhỏ dưới da được gọi là cục tophi do nhiều tinh thể muối urat kết hợp tạo thành.

Phương pháp điều trị:

  • Sử dụng thuốc giảm axit uric trong máu (Allopurinol, Probenecid, Colchicine), thuốc kháng viêm không steroid, tiêm cortisone.
  • Thay đổi chế độ ăn uống, cắt giảm lượng thực phẩm giàu purin trong chế độ ăn.
  • Vật lý trị liệu giảm đau, phục hồi chức năng vận động cho khớp bị ảnh hưởng.
  • Phẫu thuật cắt cục tophi hoặc sửa chữa tổn thương ở bao hoạt dịch và khớp, phục hồi cấu trúc tự nhiên của khớp hoặc thay khớp nhân tạo nếu cần thiết.

Phòng ngừa bệnh ở bao hoạt dịch

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề ở bao hoạt dịch, bạn cần lưu ý:

  • Không lặp lại các hoạt động ở một khớp liên tục khiến bao hoạt dịch bị tổn thương.
  • hạn chế khuân vác, bưng bê vật nặng hoặc lao động quá sức gây áp lên lên khớp cũng như bao hoạt dịch.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, D, canxi vào thực đơn để tăng khả năng miễn dịch khi bao hoạt dịch bị vi khuẩn tấn công và giúp các khớp chắc khỏe hơn.
  • Kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể và giảm cân nếu đang bị béo phì. Điều này sẽ giúp giải phóng áp lực lên khớp và giảm thiểu nguy cơ bị bệnh ở bao hoạt dịch.
  • Tập thể dục mỗi ngày để duy trì cân nặng khỏe mạnh và giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
  • Cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày để hạn chế chấn thương cho bao hoạt dịch.
  • Thận trọng tìm đến các cơ sở y tế uy tín khi thực hiện các thủ thuật như tiêm khớp, hút dịch hay phẫu thuật khớp nhằm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android