Bé Bị Nổi Mẩn Đỏ Ở Mông

Cơ bản

Bé bị nổi mẩn đỏ ở mông thường là dấu hiệu của một số bệnh da liễu. Tình trạng này khiến bé ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc và biếng ăn. Vậy nên khi phát hiện bệnh, cha mẹ cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị dứt điểm để giúp con phát triển khỏe mạnh.

Nguyên nhân

Khi phát hiện bé nổi mẩn đỏ ở mông, cha mẹ cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, tình trạng nổi mẩn đỏ ở trẻ xuất phát từ những căn bệnh ngoài da sau đây:

Bị mẩn đỏ ở mông do hăm tã

Đối với các bé, hăm tã là một trong những tình trạng thường gặp nhất, khiến làn da mông của các con bị mẩn đỏ và ngứa. Biểu hiện dễ thấy nhất là da đỏ, nổi mẩn ngứa, kèm theo đó là cảm giác đau rát và khó chịu.

Khi da trẻ dị ứng với chất liệu làm tã, trẻ sẽ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm, đặc biệt là khi cha mẹ không vệ sinh sạch sẽ cho con khiến vùng mông bí bách, ẩm ướt trong thời gian dài. Khi bị hăm tã, bé thường có những biểu hiện sau đây:

  • Bé thường xuyên quấy khóc, ngủ không sâu giấc
  • Vùng da mông, bộ phận sinh dục hay ngấn ở đùi bị nổi mẩn đỏ
  • Vùng da bị dị ứng có thể khô hoặc ướt, lở loét hoặc không tùy vào mức độ bệnh

Rôm sảy

Khi bị rôm sảy, trẻ cũng có dấu hiệu bị nổi nốt đỏ ở mông. Nguyên nhân của tình trạng rôm sảy là do lỗ chân lông bị bít tắc do bụi bẩn, các tế bào chết và tình trạng ứ mồ hôi. Đặc biệt vào những thời điểm nóng bức, trẻ rất dễ mắc bệnh rôm sảy.

Rôm sảy có thể xuất hiện ở mông, chân, vai, nách, ngực, lưng, kẽ háng,... Biểu hiện đặc trưng của bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ đó là:

  • Trẻ ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc
  • Trên da xuất hiện những mụn đỏ hồng, nhỏ li ti và tụ thành từng đám

Thông thường, rôm sảy có thể tự lặn khi thời tiết mát mẻ hoặc được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu cha mẹ không đảm bảo vệ sinh cho bé, để con gãi xước các nốt mẩn thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, từ đó hình thành các nốt nhọt, mủ.

Nổi hột đỏ ở mông do mề đay

Bệnh mề đay ở trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như dị ứng thời tiết, côn trùng cắn, cơ thể trẻ phản ứng với thành phần thức ăn, sản phẩm tắm gội ... Khi bị mề đay, bé cũng có thể nổi mẩn đỏ gây ngứa ở mông.

Bệnh mề đay sẽ được chia thành mề đay cấp tính và mề đay mãn tính. Trong đó mề đay cấp tính chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ hoặc dưới 6 tuần, có thể tự thuyên giảm. Còn mề đay mãn tính thì các triệu chứng sẽ kéo dài trên 6 tuần, xảy ra thành nhiều đợt.

Hầu hết những trường hợp bị mề đay cấp tính không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mề đay mãn tính. Lúc này, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm như nhiễm trùng da, khó thở, co thắt thanh quản, sốc phản vệ,...

  • Khi bị mề đay, cơ thể trẻ thường có những biểu hiện như sau:
  • Trên da xuất hiện những vết ban dạng sẩn, mọc theo mảng hoặc hình tròn
  • Những vết ban này thường có màu trắng nhạt, màu hồng hoặc đỏ, có ranh giới rõ ràng với các vùng da xung quanh
  • Bé có thể bị ngứa ngáy, ngứa âm ỉ. Nếu bị kích ứng, các vết ban thường đau nhức, nóng rát. Ngoài ra, trẻ còn mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc,...

Bé bị nổi mẩn đỏ ở mông do nhiễm nấm

Trong một số trường hợp, bé bị nổi mẩn đỏ ở mông có thể do nhiễm nấm. Nấm da thường xuất hiện ở kẽ ngón tay, ngón chân, vùng mông hay những nơi ẩm ướt. Từ đó khiến vùng da này nổi bọng nước hoặc mẩn đỏ, kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy và nóng rát.

Khi phát hiện trẻ bị nấm, cha mẹ cần tìm cách trị dứt điểm cho trẻ càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ, tình trạng này có thể lan rộng, kéo dài, gây ra sẹo hoặc các biến chứng không đáng có.

Chăm sóc tại nhà

Chăm sóc da đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ chóng lành bệnh. Từ đó hạn chế được tình trạng viêm nhiễm, gây sẹo và nhiều hậu quả khác.

Thứ nhất, cha mẹ cần vệ sinh da sạch sẽ sạch sẽ cho con, đặc biệt là tại vùng mông. Bởi đây là khu vực thường xuyên tiếp xúc với phân và nước tiểu, vậy nên cần vệ sinh sạch sẽ để điều trị và phòng bệnh ngoài da.

Cha mẹ cần đảm bảo da trẻ hoàn toàn khô thoáng trước khi được đóng bỉm, khăn dùng cho trẻ cũng cần phải sạch để tránh viêm nhiễm. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chọn cho con những loại xà bông lành tính, dịu nhẹ để hạn chế tình trạng kích ứng, bảo vệ làn da nhạy cảm của con.

Thứ hai, cha mẹ cần chọn quần áo, tã bỉm phù hợp với trẻ. Nhiều chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra rằng, trẻ thường xuyên mặc đồ bó sát, chất liệu không thấm hút mồ hôi hoặc tã bỉm quá chật, chất liệu không phù hợp sẽ khiến bé đổ nhiều mồ hôi, nang lông bị bít tắc. Từ đó có thể tăng nguy cơ nổi mẩn đỏ ngứa ở mông của trẻ. 

Để giúp tình trạng bé bị nổi mẩn đỏ ở mông thuyên giảm và hạn chế tái phát, cha mẹ cần chọn tã bỉm và quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi, được làm từ chất liệu an toàn cho làn da bé.

Điều trị

Có rất nhiều cách được áp dụng khi bé bị nổi mẩn đỏ ở mông tùy vào nguyên nhân của bệnh. Vậy nên để giúp con nhanh chóng lành bệnh, cha mẹ cần xác định nguyên nhân, từ đó chọn phương pháp xử lý phù hợp. Phụ thuộc vào mức độ bệnh, bạn có thể đưa trẻ đi khám bác sĩ, chăm sóc trẻ đúng cách, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hay trị bệnh bằng thảo dược thiên nhiên.

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Cách an toàn nhất đối với bé là đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xác định nguyên nhân nổi mẩn đỏ ở mông. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc bôi da cùng với thuốc dùng toàn thân cho bé, cụ thể:

  • Thuốc bôi ngoài da như thuốc Antimycose hoặc BSI,...
  • Thuốc dùng toàn thân cho bé như Ketoconazole, Itraconazole,...

Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Đối với những bé có cơ địa nhạy cảm, dễ tổn thương hoặc đề kháng yếu, cha mẹ cần thận trọng khi dùng thuốc cho con.
  • Thông báo đầy đủ với bác sĩ về sức khỏe của trẻ và những loại thuốc, thực phẩm con dị ứng.
  • Dùng thuốc tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, đúng thuốc và đúng liều lượng, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khác nếu chưa thông qua ý kiến bác sĩ.
  • Trong quá trình dùng thuốc cho con, cha mẹ cần theo dõi bé sát sao. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện, bạn cần ngưng thuốc và đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám.

Điều trị mẩn đỏ ngứa ở mông trẻ bằng phương pháp dân gian

Điều trị tình trạng mẩn đỏ ngứa ở mông trẻ bằng thuốc Tây tuy có thể mang lại hiệu quả cao nhưng lại ảnh hưởng ít nhiều đến cơ thể nhạy cảm của trẻ. Do đó nên nếu tình trạng bệnh mới khởi phát hoặc không nghiêm trọng, cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp dân gian để giúp bé điều trị bệnh. 

Tắm nước lá trầu không giúp bé đẩy lùi tình trạng mẩn đỏ ngứa

Trong dân gian, lá trầu không từ lâu đã được biết đến với tính kháng viêm, chống khuẩn vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, tắm nước lá trầu còn giúp ngăn ngừa vi khuẩn và một số bệnh ngoài da, giảm ngứa, làm dịu các nốt mẩn đỏ, làm sạch da tránh gây bít tắc lỗ chân lông, cấp ẩm và chống khô da.

Để chữa mẩn đỏ ngứa ở mông cho trẻ, mẹ cần chuẩn bị một nắm lá trầu không, một ít phèn chua rồi thực hiện như sau:

  • Rửa sạch lá trầu bằng nước muối rồi đun lá với khoảng 2 lít nước
  • Giã nát phèn chua rồi cho vào nước lá lốt đang đun sôi
  • Sau khi nước sôi khoảng 10 phút thì tắt bếp, lúc này tinh chất lá trầu đã được hòa vào nước
  • Đợi nước nguội bớt thì cha mẹ dùng nước này vệ sinh mông cho bé hoặc tắm toàn thân. Sau đó dùng bã trầu để đắp lên những khu vực bị nổi mẩn đỏ ngứa
  • Tắm nước lá trầu cho trẻ đều đặn từ 3-4 lần mỗi tuần để giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu

Giảm ngứa, kháng viêm cho trẻ bằng lá chè xanh

Lá chè xanh có chứa phenol, catechin có tác dụng diệt khuẩn, giảm cảm giác ngứa ngáy và làm dịu vùng da đang bị nổi mẩn đỏ, làm sạch da và loại bỏ các vi khuẩn trên da. Bên cạnh đó, lá chè xanh còn có khả năng cấp ẩm, tăng cường hệ miễn dịch cho da và phòng ngừa, hỗ trợ điều trị mề đay, rôm sảy.

Để chữa mẩn đỏ ngứa trên mông cho trẻ bằng lá chè xanh, bạn cần chuẩn bị một nắm lá chè xanh, một ít muối rồi thực hiện các bước sau:

  • Rửa sạch chè xanh bằng cách ngâm rửa nước muối, đảm bảo lá không còn bụi bẩn
  • Đem lá chè xanh vò nát rồi đun với 2 lít nước, đun sôi trong 10 phút
  • Sau 10 phút thì tắt bếp, pha nước chè với nước lạnh để giảm nhiệt độ. Cha mẹ dùng nước này tắm cho con, đặc biệt massage da nhẹ nhàng cho trẻ thêm 5 phút
  • Cha mẹ nên tắm nước chè xanh cho con từ 3 đến 4 lần mỗi tuần để giảm nhanh tình trạng ngứa và mẩn đỏ, hạn chế viêm nhiễm

Dùng nước mướp đắng tắm cho bé bị nổi mẩn đỏ ngứa ở mông

Trong mướp đắng có chứa những chất kháng sinh tự nhiên giúp kháng viêm, sát khuẩn và làm sạch da. Từ đó làm dịu da và đẩy lùi các nốt mẩn đỏ, ngứa. Ngoài ra, tắm nước mướp đắng cũng giúp trẻ phòng tránh tình trạng khô da, hăm tả, mề đay,...

Cách tắm cho trẻ bằng nước mướp đắng rất đơn giản, bạn cần chuẩn bị hai quả mướp đắng rồi thực hiện như sau:

  • Rửa sạch mướp đắng bằng nước muối, đảm bảo không còn đất bụi
  • Cắt đôi trái mướp đắng, dùng dao hoặc muỗng loại bỏ phần hạt, sau đó cắt nhỏ mướp và cho vào nồi
  • Đun sôi mướp đắng với 2 lít nước trong khoảng 15 phút. Sau đó pha nước này để làm nguội nước. Lưu ý không dùng nước quá nóng để tắm cho trẻ khiến con bị tổn thương da.
  • Tắm cho trẻ bằng nước mướp đắng từ 3 - 4 lần mỗi tuần để cải thiện tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở mông và phòng tránh các bệnh lý ngoài da khác.

Rèn luyện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học cho trẻ

Chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Khi hệ miễn dịch được nâng cao, cơ thể trẻ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm và bệnh ngoài da. Từ đó đẩy lùi tình trạng nổi mẩn đỏ ở mông.

Đặc biệt, đối với những bé còn bú sữa mẹ, chế độ ăn của người mẹ có và trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Do đó mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp hạn chế nguy cơ trẻ dị ứng với sữa mẹ, đồng thời cho con nguồn dinh dưỡng đầy đủ.

Dưới đây là một số lưu ý giúp bé có được chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học:

  • Đảm bảo trong bữa ăn luôn có nhiều rau xanh, trái cây và các nhóm thực phẩm giàu vitamin, canxi và các khoáng chất quan trọng khác. Chỉ khi được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, con mới được nâng cao sức đề kháng và phát triển toàn diện. 
  • Hạn chế những thực phẩm dễ gây dị ứng, khiến cơ thể sản sinh histamin và khiến tình trạng viêm da diễn ra nặng nề hơn như hải sản, đậu phộng, lòng trắng trắng, những thực phẩm nóng, nhiều chất béo không lành mạnh và dầu mỡ.
  • Cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể, có thể cho con uống nước ép trái cây, sữa,... để giúp cung cấp đủ độ ẩm cho da và giúp da nhanh lành vết thương.
  • Rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và đúng giấc, tránh để bé thức đêm trong thời gian dài khiến đồng hồ sinh học bị đảo lộn. Điều này có thể khiến sức đề kháng của con bị suy giảm.

Cha mẹ không nên quá lo lắng khi bé bị nổi mẩn đỏ ở mông, thay vào đó cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ cần đưa con đến cơ quan y tế chuyên môn để được thăm khám nhanh và chính xác nhất giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android