Sạm Da Nghề Nghiệp

Triệu chứng và nguyên nhân

Theo nhiều chuyên gia da liễu, bệnh sạm da nghề nghiệp mặc dù không dẫn tới tử vong nhưng gây mất thẩm mỹ và là một vấn đề sức khỏe cần được hỗ trợ. Vậy, nghề nào dễ bị sạm da? Tình trạng này có thể đảo ngược không? Phòng tránh thế nào?… Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp chi tiết ngay sau đây.

Định nghĩa

Sạm da nghề nghiệp nằm trong nhóm bệnh da nghề nghiệp (Occupational skin diseases) – những bệnh da do tác động hay tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường lao động. Sở dĩ gọi như vậy vì nguyên nhân gây bệnh liên quan đến chất quang động hay chất tiếp xúc kết hợp với ánh sáng mặt trời. Điều này sẽ khiến lượng hắc tố melanin bình thường của da không thể duy trì ở mức độ cân bằng, lành mạnh mà tăng lên đột biến và khiến da bị thâm sạm, đổi màu.

Sạm da nghề nghiệp thường xuất hiện ở các vị trí vùng da tiếp xúc với các tác nhân đã liệt kê ở trên hoặc vùng da hở. Bởi vậy, bất cứ vùng da nào trên cơ thể cũng có nguy cơ bị sạm, đặc biệt là: Da bụng, lưng, bàn chân, cẳng chân, đùi, bàn tay, cẳng tay, trán, góc hàm, cổ, má… Trong đó, thường gặp nhất là vùng mặt (51 – 78%) rồi tới bàn tay và cẳng tay (18 – 62%).

Hình ảnh

Triệu chứng

Biểu hiện ban đầu của sạm da nghề nghiệp rất khó phân biệt, thường giống với bị cảm và viêm da. Người bệnh chỉ đơn giản là nhận thấy sức khỏe suy giảm, da bị ngứa, khô.

Biểu hiện toàn thân:

  • Biểu hiện đầu tiên báo hiệu bệnh, rất dễ nhầm lẫn với cảm thông thường.
  • Bao gồm: Mệt mỏi, giảm năng suất lao động, sút cân, suy giảm trí nhớ, ăn kém ngon, mất ngủ, nhức đầu…

Biểu hiện ngoài da:

  • Xuất hiện sau các triệu chứng toàn thân.
  • Người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát và ngứa ở các vùng bị tổn thương. Da đỏ lên, sau đó chuyển biến thành các dát thâm, sẫm màu.
  • Da bị sạm thâm theo hình mạng lưới, khô, có mảng da teo xen kẽ.
  • Da bị giãn mạch thấy rõ và bong vảy.

Nguyên Nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh sạm da nghề nghiệp là:

  • Thường xuyên tiếp xúc với những chất quang động, bao gồm: Bức xạ ion hóa, phenol, hợp chất lưu huỳnh, hóa chất cao su, sa thạch, than đen, asen, chì, bạc, creosote, bitum, nhựa đường, anthracene, acridin, nhựa than, parafin, benzen, dầu đá phiến, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa, xăng.
  • Thường xuyên làm việc tại môi trường có hơi và bụi hydrocacbua vượt quá giới hạn cho phép (0,30mg/l).

Yếu tố nguy cơ

Nhừng người lao động trong các ngành công nghiệp nặng như sau có nguy cơ mắc sạm da nghề nghiệp cao:

  • Công nghiệp hóa dầu
  • Phim ảnh
  • Luyện kim
  • Nhựa đường
  • Nhựa than
  • Tẩm gỗ rải nhựa đóng lái tàu
  • Luyện than

Viện Da liễu (Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường) đã có nghiên cứu và đưa ra số liệu thống kê về tỷ lệ nghề nghiệp mắc bệnh sạm da như sau:

  • Công nhân luyện than: 60%
  • Công nhân rải nhựa đường: 24%
  • Sản xuất thuốc lá: 24%
  • Công nhân tẩm gỗ: 24%
  • Ngành xăng dầu: 20%

Phòng ngừa

Chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa bệnh sạm da nghề nghiệp hiệu quả với những chỉ dẫn sau đây:

Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: Cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Đầu tư hệ thống thông gió, hút bụi, dây chuyền sản xuất khép kín…

Đối với người lao động:

  • Vệ sinh da sạch sẽ sau khi kết thúc ngày làm việc.
  • Khi làm việc, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động chất lượng.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và có chiến lược chống nắng hiệu quả.
  • Có chế độ ăn lành mạnh.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Điều đầu tiên người bệnh cần làm là vệ sinh sạch sẽ vùng da bị tác động. Có thể sử dụng dung dịch như nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch trung hòa. Sau đó, áp dụng theo các chỉ dẫn sau:

1. Thoa thuốc mỡ hoặc dung dịch làm dịu da, như kẽm oxit 10%, urea 10% hoặc 20%.

2. Bôi thuốc corticosteroid, có thể lựa chọn một trong những loại sau:

  • Kem hoặc thuốc mỡ hydrocortison, clobetason, desonid 0,5% hoặc 1%.
  • Kem hoặc mỡ bôi betamethason 0,5% – 1%.
  • Triamcinolon acetonid 0,025%, 0,1% và 0,5%.
  • Fluocinolon acetonid 0,05%. Thuốc này cần thận trọng vì có thể gây tác dụng phụ như teo da, giảm sắc tố và dễ nhiễm trùng. Không nên dùng liên tiếp quá 2 tuần.
  • Thuốc bôi kháng sinh, dung dịch milian hoặc thuốc xanh methylen trong trường hợp sạm da bao gồm loét, trợt.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng những loại thuốc hoặc sản phẩm bổ sung sau để khắc phục sạm da nghề nghiệp hiệu quả hơn:

  • Bổ sung vitamin C liều cao: 1 – 2gr/ngày theo đường uống.
  • Thuốc kháng viêm không steroid.
  • Thuốc kháng sinh chống bội nhiễm.
  • Thuốc kháng histamin.

Cả phương pháp điều trị sạm da tại chỗ hoặc toàn thân đều tiềm ẩn những ưu, nhược điểm nhất định. Người bệnh cần chỉ sử dụng thuốc trị sạm da khi có sự chỉ định, tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa, sử dụng theo đúng liều lượng đã được chỉ định.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu vẫn muốn áp dụng phương pháp trị sạm da nghề nghiệp tại nhà, bạn có thể thực hiện theo những cách sau:

  • Lô hội: Dùng 100gr gel lô hội trộn với 1 ít nước vo gạo, trộn đều để tạo một hỗn hợp sền sệt rồi thoa lên vùng da sạm. Thư giãn 15 phút rồi rửa sạch với nước ấm, vô lại với nước mát giúp se khít lỗ chân lông. Nếu bạn lỡ pha nhiều quá vẫn có thể để tủ lạnh hôm sau dùng tiếp. Công thức lành tính này có thể sử dụng mỗi ngày.
  • Mướp non và dưa leo: Gọt vỏ 2 loại quả, rửa sạch và ép lấy nước rồi thoa lên mặt. Thư giãn 15 phút rồi rửa sạch. Có thể để nước ép sẵn trong tủ lạnh và sử dụng mỗi ngày.
  • Mật ong và cà chua: Trộn nước cốt cà chua với mật ong, thoa lên vùng da bị sạm và thư giãn 15 phút. Rửa sạch với nước ấm. Công thức này chỉ nên sử dụng 2 – 3 lần/tuần, không nên lạm dụng.
  • Dứa ép: Thoa nước ép lên da, để 15 phút và rửa lại bằng nước mát. Dùng 2 – 3 lần/tuần để có hiệu quả rõ rệt.
  • Sữa chua, chanh, mật ong: Vắt chanh lấy nước cốt rồi trộn với sữa chua không đường và mật ong theo tỷ lệ 1:1:1. Thoa một lớp mỏng lên da để trong 15 phút và nhẹ nhàng rửa lại với nước. Áp dụng 2 – 3 lần/tuần.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android