Teo Cơ Ở Người Lớn Tuổi

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh teo cơ ở người lớn tuổi thường xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là tình trạng giảm khối lượng cơ dẫn đến yếu tay chân, khó khăn khi vận động. Thậm chí nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể bị giảm tuổi thọ hoặc có nguy cơ bị tàn phế suốt đời.

Định nghĩa

Bệnh teo cơ ở người lớn tuổi ( tên khoa học: Sarcopenia) là tình trạng thiểu cơ có sự suy giảm khối lượng cơ bắp khiến cho các cơ ngày càng teo nhỏ và mất đi sức mạnh. Đây được xem là hậu quả tất yếu của tình trạng thoái hóa cơ thường khởi phát ở tuổi 75.

Trong cơ thể, cơ bắp là bộ phận có nhiều chức năng quan trọng như kiểm soát nhịp tim, giúp cơ thể vận động, di chuyển và hỗ trợ giảm tải áp lực cho xương khớp. Ở người trẻ tuổi, hệ thống cơ bắp sẽ phát triển mạnh khi có chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học. Tuy nhiên, sau tuổi trung niên, cơ bắp sẽ bị thoái hóa dần do sự mất cân bằng giữa quá trình tăng trưởng với quá trình phá hủy tế bào. Trung bình, mỗi năm cơ thể sẽ mất đi khoảng 3% sức mạnh cơ bắp . Tình trạng này kéo dài cho đến khi lớn tuổi thì hệ thống các cơ đã bị suy yếu đáng kể.

Tùy theo vị trí bị ảnh hưởng mà bệnh teo cơ ở người cao tuổi có các dạng phổ biến như:

  • Teo cơ tay
  • Teo cơ chân
  • Teo cơ tủy sống
  • Teo cơ đùi...

Teo cơ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng yếu cơ ở người lớn tuổi. Tình trạng này khiến cho người bệnh dễ té ngã khi đi lại và dẫn đến gãy xương. Các triệu chứng bệnh có khuynh hướng tiến triển nhanh và nặng hơn ở những người lớn tuổi ít hoạt động thể chất, nằm bất động trên giường trong thời gian dài hoặc ăn uống không đầy đủ.

Bệnh teo cơ ở người lớn tuổi nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nguy cơ tàn tật cao. Nghiên cứu cũng cho thấy, người cao tuổi bị teo cơ có tuổi thọ thấp hơn so với người khỏe mạnh.

Hình ảnh

Triệu chứng

Bệnh teo cơ ở người lớn tuổi có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu sau:

  • Thể chất suy nhược
  • Teo cơ tay gây khó khăn khi cần nắm, xách hay nâng đỡ đồ nặng.
  • Khả năng giữ thăng bằng kém
  • Dễ bị té ngã khi đi lại, nhất là khi bị teo cơ chân.
  • Kích thước cơ bắp giảm, khu vực bị bệnh teo nhỏ, kích thước chênh lệch rõ so với những nơi khác.
  • Vận động chậm chạp, nhanh mất sức nên không cảm thấy thích thú với các hoạt động thể chất.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng còn tùy thuộc vào tình trạng teo cơ và tuổi tác của người bệnh. Thêm vào đó, những dấu hiệu trên cũng có thể được bắt gặp ở nhiều bệnh lý khác. Bệnh nhân cần thăm khám để được chẩn đoán phân biệt bệnh và có hướng điều trị đúng đắn.

Nguyên Nhân

Lão hóa là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh teo cơ ở người lớn tuổi. Ngoài ra, sự khởi phát của bệnh còn liên quan đến nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, béo phì, hoạt động thể chất và tình trạng sức khỏe.

Các yếu tố thuận lợi khiến người lớn tuổi bị teo cơ bao gồm:

  • Lão hóa: Càng lớn tuổi, cơ bắp càng bị lão hóa nhanh. Khả năng sản xuất các protein cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp cũng giảm đi dẫn đến sự sụt giảm của khối lượng cơ. Chứng teo cơ thường phát triển ở lứa tuổi 75 nhưng cũng có những trường hợp bắt đầu sớm hơn ( 65 tuổi) hoặc muộn hơn (85 tuổi).
  • Suy giảm hormone và IGF-1 : Sự suy giảm nồng độ testosterone ở những người đàn ông lớn tuổi có thể ảnh hưởng đến khối lượng cơ bắp. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt yếu tố tăng trưởng IGF-1 ở người già cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ bắp và dẫn đến teo cơ.
  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ: Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không bổ sung đủ protein khiến cơ thể phải sử dụng bớt lượng acid amin dự trữ trong cơ bắp. Tình trạng này kéo dài tất yếu sẽ dẫn đến mất cơ, teo cơ ở người lớn tuổi. Bên cạnh đó, một số người cao tuổi có vấn đề về răng nướu hoặc mắc bệnh dẫn đến việc ăn uống khó khăn, từ đó làm tăng nguy cơ bị teo cơ.
  • Ít vận động: Hoạt động ít khiến các cơ bắp thường xuyên không được sử dụng và dẫn teo lại. Nguyên nhân gây bệnh này thường gặp ở những người lớn tuổi có thời gian dài nghỉ ngơi bất động sau chấn thương, phẫu thuật, bị bệnh nặng hoặc nằm liệt giường.
  • Thừa cân, béo phì: Sự gia tăng của lượng mỡ trong cơ thể cũng làm giảm khối lượng cũng như sức mạnh cơ bắp. Hơn nữa, béo phì thường đi kèm với các vấn đề khác về sức khỏe như xơ vữa mạch máu, tiểu đường tuýp 2 hay kháng insulin. Tất cả đều góp phần gây mất cơ, tạo điều kiện cho bệnh teo cơ ở người cao tuổi phát triển.
  • Suy giảm chức năng thần kinh: Các cơ bắp trên cơ thể vận động sau khi tiếp nhận thông tin chỉ huy từ hệ thần kinh. Ở người lớn tuổi, số lượng các dây thần kinh kiểm soát hoạt động của cơ bị giảm đáng kể khiến cơ bị yếu đi và ngày càng teo nhỏ. Ngoài ra, các tổn thương ở hệ thần kinh trung ương hay hệ thần kinh ngoại vi cũng có thể khiến người cao tuổi bị teo cơ chân, teo cơ tay hay teo cơ toàn thân.
  • Hội chứng suy mòn: Căn bệnh này gây mất cơ liên tục và liệu pháp dinh dưỡng dường như không thể giúp cải thiện tình trạng này. Hội chứng suy mòn là nguyên nhân gây teo cơ phổ biến cho người lớn tuổi bị ung thư, suy thận mãn tính hay một số bệnh lý khác.
  • Bỏng: Một số người bị teo cơ sau khi bị bỏng nghiêm trọng, các cơ bị tổn thương không thể phục hồi.
  • Các vấn đề sức khỏe: Bên cạnh các nguyên nhân trên, người lớn tuổi còn có thể bị teo cơ do ảnh hưởng của các vấn đề khác về sức khỏe như: Hội chứng Guillain-Barre, xơ cứng teo cơ, suy giáp, viêm cơ, loạn dưỡng cơ, AIDS,...
  • Tác dụng phụ của thuốc tây: Sử dụng thuốc corticosteroid hay một số loại thuốc khác trong thời gian dài có thể khiến người già gặp phải nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, bao gồm tình trạng teo cơ.

Biến chứng

Cơ bắp bị teo khiến mọi hoạt động của người lớn tuổi đều trở nên khó khăn. Người bệnh không thể hoạt động linh hoạt hay thực hiện những công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Các trường hợp bị teo cơ chân còn dễ bị té ngã dẫn đến chấn thương, gãy xương khó phục hồi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như chất lượng sống của người bệnh.

Bệnh teo cơ ở người lớn tuổi còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như dáng người. Khi vận động, bệnh nhân sẽ cảm thấy nhanh bị mất sức, cơ thể mệt mỏi và không muốn tham gia  các hoạt động thể chất rèn luyện sức khỏe. Việc giảm vận động càng khiến cho tình trạng teo cơ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thêm vào đó, khả năng phục hồi của người lớn tuổi khá chậm nên rất khó để các cơ hồi phục lại như ban đầu. Bệnh không được điều trị tốt còn dẫn đến nguy cơ phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Mất khả năng vận động
  • Liệt, tàn phế
  • Thoái hóa cơ...

Phòng ngừa

Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ bị teo cơ rất cao. Để phòng ngừa bệnh, hãy áp dụng những cách sau:

  • Tập thể dục hàng ngày, tăng cường các hoạt động thể chất có cường độ vừa phải, phù hợp với sức khỏe để cải thiện sức mạnh cho cơ bắp.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu protein, omega 3 và Creatine vào trong thực đơn để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của cơ bắp.
  • Không lạm dụng thuốc tây bừa bãi, nhất là corticosteroid.
  • Cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày. Tránh bị bỏng, chấn thương.
  • Điều trị tốt các bệnh lý liên quan để giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh teo cơ ở người lớn tuổi.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Nhiều kỹ thuật chẩn đoán khác nhau được bác sĩ thực hiện nhằm mục đích xác định chính xác bệnh nhân có phải bị teo cơ hay không, đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh, đồng thời tìm ra nguyên nhân cơ bản.

Khám lâm sàng:

  • Khai thác lịch sử bệnh, các chấn thương trên cơ thể, các thuốc đang sử dụng, thói quen ăn uống, vận động...
  • Ghi nhận các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải, thời điểm xuất hiện cùng mức độ nghiêm trọng của chúng.
  • Kiểm tra ngoài khu vực bị teo cơ để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan.
  • Đánh giá chức năng hoạt động của cơ xương khớp thông qua một số động tác.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp CT, X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI.
  • Khảo sát dẫn truyền thần kinh
  • Sinh thiết mẫu cơ ở cơ hay dây thần kinh.

Biện pháp điều trị

Phương pháp điều trị teo cơ chân ở người lớn tuổi sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa trên nguyên nhân mà mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số bệnh nhân có thể phục hồi sau điều trị nhưng cũng có trường hợp bị teo cơ vĩnh viễn.

1. Chữa teo cơ ở người lớn tuổi do lão hóa

Phần lớn người già, người cao tuổi bị teo cơ có liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Trường hợp này thường không cần can thiệp điều trị bằng y khoa. Bệnh có thể gây yếu cơ và khó phục hồi hơn so với người trẻ tuổi.

Các dụng cụ hỗ trợ như gậy, xe lăn... có thể giúp hỗ trợ người lớn tuổi trong việc di chuyển và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Liệu pháp dinh dưỡng là phương pháp được áp dụng, giúp bệnh nhân làm chậm quá trình lão hóa và ức chế sự tiến triển của bệnh. Cần chú trọng bổ sung các thực phẩm chứa nhiều protein và vitamin nhóm B giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp cho người cao tuổi.

2. Điều trị bệnh teo cơ ở người lớn tuổi bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị cơ bản, được áp dụng cho nhiều bệnh nhân bị teo cơ. Hiệu quả nhận được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại teo cơ, tuổi tác, thể trạng chung, mức độ bệnh, sự kiên trì và khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân.

Quá trình trị liệu sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ, cải thiện khả năng vận động, giảm đau và thúc đẩy tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng các cơ. Người lớn tuổi sẽ được điều trị teo cơ bằng các phương pháp như:

  • Sóng siêu âm
  • Kích thích điện
  • Thủy trị liệu
  • Tập vận động...

3. Phẫu thuật

Nếu vật lý trị liệu và các phương pháp điều trị bảo tồn không đáp ứng, bệnh nhân có thể được đề nghị làm phẫu thuật. Ca mổ được thực hiện nhằm mục đích khắc phục các nguyên nhân gây teo cơ như rách gân, tổn thương dây thần kinh, gãy xương...

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Song song với quá trình điều trị, người cao tuổi bị teo cơ cũng cần duy trì một chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp để nâng cao hiệu quả và cải thiện sức mạnh cũng như tính linh hoạt cho hệ thống cơ xương khớp.

1. Tập luyện

Trong quá trình vận động, các sợi cơ sẽ căng lên và cải thiện khả năng vận động cho người lớn tuổi. Tập luyện cũng kích thích giải phóng hormone và các yếu tố tăng trưởng. Chúng giúp phát triển các tế bào cơ mới để thay thế cho các sợi cơ bị teo, đồng thời tự điều chỉnh hoạt động của nhóm cơ hiện có.

Các bộ môn vận động có cường độ cao không thích hợp cho người lớn tuổi bị teo cơ. Bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động thể chất có cường độ thấp như đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, tập dưỡng sinh, các bài tập giữ thăng bằng hay yoga để duy trì hoạt động ở các cơ bắp, làm tăng sức bền cũng như khả năng chịu lực của cơ. Mỗi tuần, người lớn tuổi nên tập luyện từ 2 - 4 buổi để thấy được sự tiến triển rõ ràng của bệnh.

2. Chế độ dinh dưỡng tốt cho bệnh teo cơ ở người lớn tuổi

Khi bị teo cơ, người lớn tuổi cần chú trọng hơn về mặt dinh dưỡng để cải thiện các triệu chứng và ức chế quá trình teo cơ một cách tự nhiên. Các thực phẩm tốt nhất cho người bệnh bao gồm:

Thức ăn giàu chất đạm:

Protein có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ bắp. Khi được cơ thể hấp thụ, một phần chất này sẽ phân hủy thành các axit amin giúp xây dựng tế bào cơ. Trên thực tế, bệnh teo cơ bắp ở người lớn tuổi có liên quan mật thiết với chế độ ăn thiếu protein. Vì vậy, người bệnh cần tăng cường bổ sung chất này thông qua các thực phẩm như:
  • Thịt
  • Trứng
  • Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành
  • Sữa chua
  • Phô mai
  • Hạnh nhân
  • Bông cải xanh.

Thực phẩm giàu omega 3:

Ngoài tác dụng tăng cường thị lực và sức khỏe não bộ, omega 3 còn giúp phát triển cơ bắp cho người cao tuổi. Chất này được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm sau:

  • Cá béo: Cá hồi, cá thu, cá tuyết...
  • Hạt óc chó
  • Hạnh nhân
  • Hàu
  • Dầu ô liu
  • Hạt lanh
  • Ngũ cốc...

Thực phẩm chứa Creatine

Bản chất của Creatine là một loại protein nhỏ do gan sản sinh. Chất này cũng giúp hỗ trợ tích cực cho sự phát triển cơ bắp.

Để tăng cường Creatine cho cơ thể, người lớn tuổi nên thêm thịt vào chế độ ăn. Ngoài ra, có thể bổ sung chất này thông qua thực phẩm chức năng.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android