Bệnh Trĩ Ngoại

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh trĩ ngoại là tình trạng căng giãn tĩnh mạch và hình thành các búi trĩ ở vùng da xung quanh hậu môn. Bệnh có thể gây ngứa ngáy, nứt nẻ, sưng tấy kèm theo chảy dịch và viêm nhiễm hậu môn trong các trường hợp nghiêm trọng.

Định nghĩa

Bệnh trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng phồng lên, dẫn đến viêm nhiễm, khó chịu, đau đớn, đặc biệt là khi đi đại tiện. Tùy thuộc vào vị trí, bệnh trĩ được chia thành trĩ nội hoặc trĩ ngoại.

Bệnh trĩ ngoại là thuật ngữ đề cập đến tình trạng giãn các đám rối tĩnh mạch ở bên dưới đường lược, dẫn đến ứ máu và gây hình thành búi trĩ. Khác với trĩ nội, búi trĩ ngoại hình thành ở bên ngoài hậu môn và có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, ngay cả trong giai đoạn đầu.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bệnh trĩ ngoại được chia thành 4 mức độ, bao gồm:

  • Trĩ ngoại độ 1: Trĩ ngoại độ 1 là cấp độ nhẹ nhất của bệnh trĩ. Trong giai đoạn này, búi trĩ hình thành ở rìa hậu môn với kích thước nhỏ, chỉ bằng một hạt đậu và dẫn đến cảm giác cộm nhẹ ở hậu môn.
  • Trĩ ngoại độ 2: Trong giai đoạn này các búi trĩ phát triển về kích thước ở rìa hậu môn. Điều này khiến người bệnh cảm thấy đau đớn dữ dội và chảy nhiều máu khi đi đại tiện. Nếu người bệnh không vệ sinh hậu môn sạch sẽ sau khi đại tiện, búi trĩ có thể bị viêm nhiễm. Trĩ ngoại độ 2 được xem là một dạng bệnh trĩ nhẹ, tuy nhiên người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán phù hợp.
  • Trĩ ngoại độ 3: Ở độ 3, các búi trĩ phát triển lớn có thể gây tắc nghẽn hậu môn. Điều này có thể gây cọ xát khi người bệnh đi đại tiện, dẫn đến đau đớn và chảy máu. Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng có thể dẫn đến thiếu máu, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
  • Trĩ ngoại độ 4: Trong giai đoạn này, búi trĩ to về kích thước, bắt đầu tiết dịch, gây ẩm ướt, ngứa ngáy và đau đớn dữ dội khi đi đại tiện. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm hậu môn, áp xe và thậm chí là ung thư.

Hình ảnh

Triệu chứng

Người bệnh trĩ ngoại có thể gặp một số triệu chứng chẳng hạn như:

  • Có khối thịt thừa ở hậu môn: Búi trĩ ngoại nằm ở bên ngoài ống hậu môn, do đó người bệnh có thể quan sát hoặc sờ thấy búi trĩ ở phần rìa của hậu môn.
  • Đau rát hậu môn: Đau rát hậu môn là dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ, đặc biệt là bệnh trĩ ngoại. Nguyên nhân dẫn đến cơn đau do là búi trĩ gây cọ sát hậu môn khi người bệnh ngồi, di chuyển hoặc đại tiện.
  • Ngứa hậu môn - trực tràng: Búi trĩ ngoại có thể khiến hậu môn tăng tiết dịch nhầy, điều này khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.
  • Hậu môn tiết dịch: Khi búi trĩ tăng kích thước, hậu môn có xu hướng tiết dịch và ẩm ướt. Điều này có thể khiến búi trĩ có mùi hôi và tăng nguy cơ viêm nhiễm búi trĩ.
  • Đại tiện ra máu: Khác với trĩ nội, búi trĩ ngoại ít khi gây chảy máu khi đi đại tiện. Chảy máu chỉ xảy ra khi búi trĩ đạt kích thước lớn, nghiêm trọng, gây tắc nghẽn một phần hậu môn. Đôi khi người bệnh có thể nhận thấy máu dính trên phân hoặc giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện.

Nguyên Nhân

Búi trĩ ngoại hình thành là do tăng áp lực ở tĩnh mạch hậu môn - trực tràng trong thời gian dài. Rặn nhiều khi đi đại tiện được xem là nguyên nhân chính gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn, cản trở quá trình lưu thông máu. Điều này dẫn đến căng thẳng, ứ huyết và hình thành búi trĩ.

Rặn nhiều thường phổ biến ở bệnh nhân táo bón nghiêm trọng. Ngoài ra, tiêu chảy thường xuyên cũng có thể gây áp lực lên hậu môn và dẫn đến bệnh trĩ ngoại. Do đó, để điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ ngoại, điều quan trọng là người bệnh cần xác định được các nguyên nhân để có kế hoạch xử lý phù hợp.

Bên cạnh việc sử dụng sức rặn khi đi đại tiện, bệnh trĩ ngoại có thể liên quan đến một số nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Ngồi nhiều: Người có tính chất công việc ngồi nhiều hoặc có thói quen ít vận động, thường xuyên mang vác vật nặng, có thể gây tăng áp lực lên tĩnh mạch, ứ huyết, cản trở lưu thông máu và dẫn đến bệnh trĩ.
  • Chế độ ăn uống thiếu chất xơ: Người có chế độ ăn uống không chứa chất xơ có thể khiến phân trở nên khô cứng, khó đi đại tiện, táo bón và tăng nguy cơ bệnh trĩ. Ngoài ra, rặn nhiều do táo bón kéo dài có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch ở hậu môn và hình thành búi trĩ.
  • Lao động nặng trong thời gian dài: Người lao động nặng hoặc có chế độ tập luyện quá sức có thể khiến các tĩnh mạch ở hậu môn và cơ thắt bị chèn ép, dẫn đến mất chức năng, phình giãn, gây ra bệnh trĩ.
  • Thói quen xấu: Một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ngoại bao gồm thói quen ngồi lâu khi đi đại tiện, căng thẳng và rặn mạnh khi đi đại tiện, ngồi xổm hoặc quan hệ thông qua đường hậu môn.
  • Bệnh lý tiềm ẩn: Một số bệnh lý về đường hô hấp, chẳng hạn hen phế quản, giãn phế quản, viêm phế quản và các bệnh về đường tiêu hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ngoại.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai và sau sinh cũng có thể mắc bệnh trĩ ngoại. Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh thường dễ bị táo bón và có hệ thống tĩnh mạch hoạt động kém, điều này có thể dẫn đến bệnh trĩ. Bên cạnh đó, phụ nữ khi sinh thường dùng sức rặn, điều này có thể gây áp lực lên tĩnh mạch và cơ vòng hậu môn, khiến phụ nữ dễ bị trĩ ngoại sau sinh.

Biến chứng

Bệnh trĩ ngoại thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này thường dẫn đến những cơn đau, khó chịu khi đi đại tiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuy nhiên nếu không được điều trị, bệnh trĩ ngoại có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Trĩ ngoại tắc mạch: Tình trạng này thường xảy ra khi các mạch máu bên trong búi trĩ bị vỡ dẫn đến hình thành các cục máu đông. Cục máu đông gây cản trở quá trình tuần hoàn máu, khiến búi trĩ bị viêm, sưng và dẫn đến đau đớn dữ dội.
  • Nghẹt búi trĩ: Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh trĩ ngoại độ, khi búi trĩ có kích thước lớn sa ra khỏi hậu môn. Điều này có thể nghẹt các mạch máu, dẫn đến phù nề và đau đớn.
  • Thiếu máu mãn tính: Trĩ ngoại có thể gây chảy máu khi đi đại tiện và khi búi trĩ ma sát với quần áo. Tình trạng chảy máu kéo dài có thể dẫn đến viêm nhiễm, đau đớn và gây thiếu máu mãn tính.
  • Hoại tử búi trĩ: Hoại tử búi trĩ xảy ra khi tình trạng sa búi trĩ và nghẹt búi trĩ không được điều trị dứt điểm. Hoại tử có thể dẫn đến đau đớn dữ dội và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trên thực tế, trĩ ngoại là hiện tượng phình giãn và ứ máu ở hậu môn, dẫn đến hình thành búi trĩ. Do đó, trĩ ngoại thường không thể tự khỏi nếu không được điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các búi trĩ nhẹ, không có nguy cơ biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp chăm sóc tại nhà và thay đổi phong cách sống. Trong các trường hợp trĩ ngoại độ 3 hoặc 4, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh trĩ ngoại có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra các tổn thương và triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để kiểm tra các loại trĩ khác, chẳng hạn như bệnh trĩ nội, trĩ hỗn hợp hoặc trĩ huyết khối.

Các xét nghiệm phổ biến bao gồm:

  • Khám trực tràng: Phương pháp này cho phép bác sĩ kiểm tra trương lực cơ và mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Xét nghiệm này cũng có thể giúp bác sĩ phân biệt bệnh trĩ nội, trĩ ngoại và các vấn đề hậu môn - trực tràng khác. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ mang găng tay, thoa một ít gel bôi trơn và đưa ngón tay vào trực tràng để kiểm tra.
  • Nội soi ống hậu môn: Bác sĩ sử dụng một ống chuyên dụng, dài, nhỏ, có gắn camera ở đầu, vào sâu bên trong hậu môn để quan sát hậu môn.
  • Kiểm tra đại tràng: Trong quá trình chẩn đoán bệnh trĩ ngoại, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng để xác định nguyên nhân gây bệnh có kế hoạch điều trị phù hợp.
  • Sinh thiết: Sinh thiết búi trĩ ngoại thường được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh có nguy cơ ung thư hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Biện pháp điều trị

So với trĩ nội, bệnh trĩ ngoại có thể được kiểm soát và điều trị với các biện pháp đơn giản. Tùy thuộc vào tình trạng cơ bản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp điều trị như:

1. Biện pháp điều trị tại nhà

Trong trường hợp các búi trĩ mới khởi phát hoặc khi các triệu chứng không nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh điều trị bệnh trĩ tại nhà. Cụ thể, các biện pháp bao gồm:

  • Tắm và ngâm hậu môn với nước ấm: Ngâm nước ấm, đặc biệt là trước khi đi đại tiện có thể làm giãn ống hậu môn, làm mềm phân và giúp phân đi ra khỏi hậu môn dễ dàng hơn. Ngoài ra, ngâm nước ấm cũng có thể hạn chế tình trạng chảy máu, đau rát và khó chịu sau khi đi đại tiện.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh lên vùng hậu môn trong 5 - 10 phút mỗi lần có thể cải thiện tình trạng viêm, sưng và đau rát ở hậu môn. Ngoài ra, người bệnh có thể chườm lạnh ngay sau khi đi đại tiện, điều này có thể làm dịu niêm mạc trực tràng - hậu môn và ngăn ngừa nguy cơ chảy máu.
  • Giữ vệ sinh hậu môn: Để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm ở hậu môn, người bệnh trĩ nên thường xuyên vệ sinh và giữ hậu môn luôn sạch sẽ. Theo khuyến cáo, người bệnh nên vệ sinh hậu môn và thay quần lót 2 - 3 lần mỗi ngày hoặc sau mỗi lần tiết dịch ở hậu môn. Bên cạnh đó, người bệnh nên sử dụng quần lót bằng cotton để tăng khả năng thấm hút và giúp hậu môn luôn thông thoáng.
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Người bệnh trĩ ngoại nên uống nhiều nước và thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ, chẳng hạn như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, để chống táo bón và cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ.
  • Thay đổi thói quen đi đại tiện: Người bệnh trĩ ngoại cần hạn chế rặn khi đi đại tiện, không ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh và tạo thói quen đi đại tiện mỗi ngày vào một khung giờ nhất định.
  • Bổ sung rau diếp cá vào chế độ ăn uống: Rau diếp cá có chứa quercetin, là hợp chất chống oxy hóa có thể làm tăng độ bền thành mạch và bảo vệ các tĩnh mạch. Ngoài ra, tinh dầu rau diếp cá có chứa decanonyl acetaldehyde, là một hợp chất kháng khuẩn và có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm. Do đó, người bệnh trĩ được khuyến cáo nên bổ sung rau diếp cá trong chế độ ăn uống hàng ngày để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh có thể giã nhuyễn rau diếp cá và đắp trực tiếp lên búi trĩ để giảm viêm, làm teo búi trĩ.

2. Thuốc điều trị bệnh trĩ

Các loại thuốc điều trị bệnh trĩ được chỉ định cho các trường hợp búi trĩ gây đau đớn, khó chịu, chảy máu. Tùy thuộc vào tình trạng cơ bản, bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc như:

  • Thuốc chống viêm: Các loại thuốc chống viêm sử dụng để cải thiện tình trạng viêm búi trĩ và giảm đau rát ở khu vực hậu môn. Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc NSAID, chẳng hạn như Ibuprofen, Diclofenac, Piroxicam để điều trị bệnh trĩ ngoại. Tuy nhiên nếu tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định Corticoid liều thấp trong thời gian ngắn.
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: Các loại thuốc điều hòa nhu động ruột thường được chỉ định để cải thiện bệnh trĩ ngoại liên quan đến các rối loạn đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón hoặc bệnh trĩ. Các loại thuốc này có tác dụng là mềm phân, kích thích nhu động ruột và giúp phân đi ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn. Với các trường hợp tiêu chảy, thuốc có thể làm chậm nhu động ruột, giảm tần suất đi ngoài và hạn chế các áp lực tác động lên tĩnh mạch ở hậu môn.
  • Thuốc mỡ bôi trĩ: Các loại thuốc mỡ thường có tác dụng kháng viêm, chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ làm co búi trĩ. Các loại thuốc có thể cải thiện các triệu chứng đau rát, ngứa ngáy, làm giảm khả năng tiết dịch và ngăn ngừa chảy máu ở hậu môn. Các loại thuốc bôi trĩ phổ biến bao gồm Proctolog, Titanoreine, Hydrocortison hoặc Cotripro.
  • Thuốc đặt hậu môn: Trong trường hợp bệnh trĩ ngoại không đáp ứng tốt kem bôi trĩ, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng thuốc đặt hậu môn. Các loại thuốc này có tác dụng làm mềm phân, cải thiện các triệu chứng táo bón và bệnh trĩ ngoại. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể ngăn ngừa tình trạng ngứa ngáy hậu môn và tiết dịch liên quan đến bệnh trĩ.
  • Thuốc làm bền thành mạch: Các loại thuốc này được sử dụng để làm tăng trương lực ở tĩnh mạch, giảm tính thấm ở mao mạch và ngăn ngừa tình trạng ứ đọng máu. Mục tiêu của việc sử dụng thuốc làm bền thành mạch là ngăn ngừa búi trĩ phát triển về kích thước và phòng ngừa nguy cơ vỡ búi trĩ.

Các loại thuốc điều trị bệnh trĩ thường mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng nhưng không thể loại bỏ búi trĩ hoàn toàn. Do đó, trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị xâm lấn.

3. Thủ thuật loại bỏ trĩ ngoại

Hầu hết các trường hợp, thuốc không thể loại bỏ được búi trĩ ngoại. Do đó, có khoảng 80% các trường hợp, người bệnh cần được can thiệp với các thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật. Cụ thể các phương pháp bao gồm:

  • Tiêm xơ búi trĩ: Bác sĩ sử dụng một dung dịch có chứa phenol tan trong dầu hạnh nhân - cồn 70% hoặc Quinin – ure 5% để tiêm vào búi trĩ. Điều này có thể hạn chế nguy cơ sa búi trĩ và ứ máu.
  • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Bác sĩ sẽ sử dụng một vòng cao su, vòng qua cổ búi trĩ và thắt chặt búi trĩ. Điều này nhằm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu đến búi trĩ và khiến búi trĩ hoại tử sau 5 - 7 ngày.
  • Áp lạnh búi trĩ: Áp lạnh là biện pháp gây hoại tử búi trĩ bằng cách sử dụng nito lỏng hóa băng búi trĩ. Điều này khiến búi trĩ xơ hóa, hoại tử và tự rụng hẳn sau 6 - 8 tuần.

Các thủ tục xâm lấn mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với sử dụng thuốc và các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, các thủ thuật xâm lấn thường không được chỉ định cho trường hợp trĩ ngoại độ 3 và 4. Nếu búi trĩ trở nên nghiêm trọng, sa hẳn ra khỏi hậu môn và phát sinh các biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị.

4. Phẫu thuật trĩ ngoại

Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp trĩ ngoại có kích thước lớn, đau rát, sưng tấy và chảy nhiều máu. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được chỉ định cho người không đáp ứng các phương pháp điều trị phi phẫu thuật.

Các loại phẫu thuật trĩ ngoại phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật bằng phương pháp HCPT: Đây là phương pháp cắt trĩ bằng sóng cao tần, có thể ức chế các mạch máu nuôi dưỡng búi trĩ, khiến búi trĩ suy yếu và tự rụng sau đó. Để thực hiện thủ thuật, bác sĩ sử dụng một dụng cụ hỗ trợ để mở rộng lỗ hậu môn, sau đó dùng nhiệt lạnh để làm đông thành mạch và cắt búi trĩ bằng dao điện.
  • Phẫu thuật gây mê: Trong trường hợp búi trĩ to, có nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật truyền thống để kiểm soát các triệu chứng. Để phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê cục bộ từ thắt lưng hoặc gây mê toàn thân, sau đó loại bỏ búi trĩ bằng dao mổ.

Phẫu thuật búi trĩ thường mang lại hiệu quả cao và ít khi dẫn đến các rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Hẹp hậu môn;
  • Chảy nhiều máu;
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Rối loạn chức năng hậu môn.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng liên quan, người bệnh trĩ ngoại nên lưu ý một số vấn đề như:

  • Tăng cường bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống và uống nhiều nhiều nước;
  • Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhiều gia vị, chiên rán, dầu mỡ, thức ăn đóng hộp và thức ăn chế biến sẵn;
  • Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe tổng thể, hỗ trợ cải thiện nhu động ruột và tuần hoàn máu, điều này có thể ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón, bệnh trĩ;
  • Hạn chế luyện tập các môn thể thao cường độ mạnh hoặc mang vác nặng;
  • Người béo phì nên có kế hoạch giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Tạo thói quen đi đại tiện vào một khung giờ nhất định mỗi ngày và không được trì hoãn khi có nhu cầu đi đại tiện;
  • Điều trị các bệnh lý liên quan.

Bệnh trĩ ngoại thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần có kế hoạch điều trị và chăm sóc phù hợp để tránh các rủi ro liên quan. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh trĩ, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Người bị bệnh trĩ hoàn toàn có thể tập thể dục nhưng cần lựa chọn những bài tập phù hợp để tránh tình trạng tái phát bệnh.
  • Cần lựa chọn bài tập phù hợp. Bởi những bài tập nặng có thể gây đau và kích ứng, làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến bệnh trĩ.
Xem chi tiết

Người bị trĩ hoàn toàn có thể tập gym để cải thiện bệnh. Lựa chọn được những bài tập gym phù hợp sẽ giúp người bệnh trĩ tăng cường tuần hoàn máu, ngăn tình trạng ứ huyết ở tĩnh mạch, đồng thời cũng hạn chế việc tăng kích thước búi trĩ.

Các bài tập người bị trĩ nên tập:

  • Tư thế em bé
  • Tư thế xả hơi
  • Tư thế chống chân lên tường
  • Bài tập hít thở sâu
  • Bài tập co cơ sàn chậu
Xem chi tiết

Thời gian phục hồi sau mổ trĩ thông thường là 1-6 tuần, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình sức khỏe người bệnh, phương pháp thực hiện, tay nghề bác sĩ, kế hoạch chăm sóc sau mổ.

  • Trong 4 tuần đầu vẫn cảm thấy đau rát nhẹ.
  • Sau 4 tuần cơn đau dần đỡ.

Thời gian để người bệnh hoạt động sau mổ trĩ là:

  • Làm việc nhẹ: 1 tuần sau phẫu thuật.
  • Hoạt động bình thường: 2 - 3 tuần sau phẫu thuật.
  • Thể thao mạnh: 6 - 8 tuần sau phẫu thuật.
Xem chi tiết

  • Nên ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, protein nạc, các loại trái cây để tránh tình trạng táo bón.
  • Hạn chế các loại thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng
  • Nên tập thể dục nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể lực nặng
Xem chi tiết

Bệnh trĩ có thể tự khỏi ở mức độ nhẹ kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh của người bệnh nhưng không thể khỏi hoàn toàn. Theo đó, bệnh có thể tái phát trong một số trường hợp đặc biệt, tiến triển nặng và cần can thiệp bằng các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa.

Xem chi tiết

Bệnh trĩ có nên ăn rau muống vì trong loại rau này chứa nhiều chất xơ, vitamin, sắt tốt cho cơ thể và có khả năng kháng khuẩn tốt, hỗ trợ điều trị trĩ hiệu quả. Tuy nhiên, hậu mới cắt búi trĩ, có vết thương hở thì không nên dùng rau muống vì dễ hình thành sẹo lồi.

Xem chi tiết

  • Người bị bệnh trĩ nên hạn chế uống nước dừa bởi nó có tính hàn, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ như đau, sưng, viêm và chảy máu.
  • Nên uống nước dừa với liều lượng vừa đủ tối đa 1-2 ly mỗi ngày
Xem chi tiết

  • Bà bầu bị trĩ hoàn toàn có thể sinh thường
  • Tuy nhiên, trường hợp trĩ sưng quá to, gây khó rặn thì mẹ nên đẻ mổ để đảm bảo an toàn
  • Bệnh trĩ là bệnh thường gặp khi mang thai. Chúng thường tự khỏi sau khi sinh.
Xem chi tiết

Trĩ là bệnh không có khả năng lây truyền ngay cả khi tiếp xúc gần vì không hình thành do các chủng khuẩn bệnh mà do sự co giãn quá mức của đám rối tĩnh mạch hậu môn. Trong một số trường hợp hy hữu, trĩ có thể di truyền nếu người bệnh mắc hội chứng hlers-Danlos (EDS).

Xem chi tiết

Người bị trĩ có thể uống thuốc để điều trị khỏi bệnh khi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Mức độ bệnh: Trĩ độ 1 và 2 có thể điều trị khỏi bằng thuốc. Trĩ độ 3, 4 thường phải điều trị xâm lấn.
  • Cách dùng thuốc: Người bệnh tuân thủ nghiêm túc chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ sẽ tăng hiệu quả điều trị.
  • Thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn nhiều rau xanh, chất xơ, đầy đủ vitamin kết hợp vận động, vệ sinh đúng giờ cũng giúp triệt tiêu trĩ.
Xem chi tiết

  • Người bị đi ngoài ra máu nên ăn những thực phẩm giàu magie, chất xơ, vitamin C, rutin và probiotic
  • Nên hạn chế sử dụng đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu và các chất kích thích
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android