Thoái Hóa Khớp Gối

Triệu chứng và nguyên nhân

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp xảy ra khá phổ biến, bệnh có tiến triển âm thầm và nguy cơ phát sinh biến chứng cao. Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức và cứng khớp khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn bình thường. Nếu không có biện pháp can thiệp đúng cách và kịp thời, khớp sẽ bị biến dạng và gây tàn phế vĩnh viễn.

Định nghĩa

Khớp gối có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, chúng có chức năng gánh vác toàn bộ trọng lượng của cơ thể và thực hiện một số hoạt động tại chân. Chính vì thế, khớp gối rất dễ bị tổn thương và thoái hóa. Thoái hóa khớp gối hay còn được gọi là thoái hóa loạn dưỡng khớp gối. Bệnh xảy ra khi sự tổng hợp và hủy hoại xương tại khớp gối bị mất cân bằng. Điều này đã khiến cho sụn khớp dần bị hao mòn và mất đi chức năng vốn có. Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt với triệu chứng đau nhức và gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, thế giới có khoảng 20% dân số bị thoái hóa khớp gối. Tại Việt Nam, hơn 23 % dân số trên 40 tuổi bị thoái hóa khớp gối và chiếm 80% là nữ giới. Thoái hóa khớp gối khi mới khởi phát sẽ không gây ra triệu chứng bất thường khiến việc nhận biết trở nên khó khăn hơn bình thường. Nhưng đến khi bệnh đã chuyển biến nặng tổn thương nghiêm trọng đến khớp gối sẽ gây ra các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp, khó di chuyển,...

Hình ảnh

Triệu chứng

Bệnh thoái hóa khớp gối rất dễ khởi phát và có thể đẩy lùi ngay ở giai đoạn đầu. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm liền sẽ khiến tổn thương tại khớp ngày càng nghiêm trọng. Lúc này, triệu chứng của bệnh sẽ trở nên rõ rệt hơn và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là các triệu chứng đặc trưng của bệnh thoái hóa khớp gối bạn cần nắm rõ để có thể sớm nhận biết ra bệnh:

  • Đau đầu gối: Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh lý này, tính chất cơn đau nhức còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi người. Nếu người bệnh cố gắng vận động gây căng thẳng đến khớp gối sẽ khiến cơn đau nhức trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Nếu tiến hành nghỉ ngơi hoặc chườm đá thì cơn đau nhức sẽ thuyên giảm dần.
  • Sưng đầu gối: Khi sụn khớp bị bào mòn sẽ khiến các đầu xương bị cọ xát vào nhau, kích thích khởi phát phản ứng viêm và tăng sinh dịch khớp. Khi dịch khớp sản sinh ra quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, tích tụ lại khớp gối và gây sưng khớp gối.
  • Cứng khớp: Khi sụn khớp ở đầu xương bị bào mòn sẽ gây ra cảm giác căng cứng khớp, khó vận động. Cảm giác này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc ngồi lâu và kéo dài trong 30 phút. Nếu bị cứng khớp kèm theo sưng phù sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
  • Nóng và đỏ khớp: Quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy khớp bị sưng đỏ, dùng tay sờ vào có cảm giác ấm bóng. Đây là dấu hiệu cho thấy khớp gối đang bị nhiễm trùng, cần nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để tránh các biến chứng không mong muốn.
  • Vận động hạn chế: Thoái hóa khớp gối khiến khớp trở nên kém linh hoạt, làm suy giảm khả năng vận động. Tình trạng này có thể diễn ra ở mức độ nhẹ đến trung bình với các triệu chứng như khó nâng chân, uốn cong, duỗi thẳng đầu gối,...
  • Xuất hiện âm thanh tại khớp: Khi thực hiện các vận động như ngồi xổm, đứng lên ngồi xuống,... khớp gối sẽ phát ra âm thanh. Đây là dấu hiệu cho thấy khớp gối đang ma sát với nhau do sụn khớp bị tổn thương.

Thoái hóa khớp gối có thể dễ dàng phát hiện ra thông qua các triệu chứng như đau nhức khi đi bộ, thay đổi tư thế vận động, leo cầu thang,... Ở những trường hợp bệnh nặng, cơn đau nhức sẽ diễn ra với tần suất thường xuyên hơn và gây biến dạng khớp. Lúc này, bạn cần tiến hành điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.

Nguyên Nhân

Viêm khớp gối là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý thoái hóa khớp gối, ngoài ra bệnh cũng có thể khởi phát do tác động của nhiều nguyên nhân khác. Việc nắm rõ được nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và đưa ra biện pháp xử lý đúng cách nếu chẳng may mắc phải. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp gối mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

  • Tuổi tác cao: Tuổi tác càng cao thì quá trình lão hóa xương khớp diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này đã khiến bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa khớp,... Thoái hóa khớp gối do lão hóa có tiến triển khá chậm. Theo thời gian, sụn đầu gối sẽ dần suy yếu, kém linh hoạt và bị hư hỏng.
  • Di truyền: Bệnh thoái hóa khớp gối cũng có khả năng di truyền. Nếu mẹ bị thoái hóa khớp thì con sinh ra sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn những đứa trẻ khác. Thống kê y khoa cho thấy, có khoảng 40 - 55% khởi phát thoái hóa khớp gối có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Chấn thương: Thoái hóa khớp gối thường khởi phát sau khi khớp gối bị chấn thương nghiêm trọng gây gãy xương hoặc phải phẫu thuật để cải thiện. Chấn thương rất dễ xảy ra khi chơi thể thao, bị va đập mạnh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động,...
  • Lười vận động: Vận động sẽ khiến quá trình tuần hoàn máu bên trong cơ thể diễn ra tốt hơn, cung cấp dưỡng chất đi nuôi dưỡng và phục hồi vùng khớp bị tổn thương. Nếu bạn có thói quen lười vận động, hệ xương khớp sẽ dần suy yếu và tạo cơ hội cho bệnh thoái hóa khớp gối khởi phát.
  • Thói quen vận động xấu: Ngồi xổm hoặc bò, vận động quá sức, chấn thương nhỏ lặp lại tại khớp gối nhiều lần,... Đây là những thói quen vận động xấu gây ảnh hưởng không tốt đến khớp gối và đẩy nhanh tốc độ lão hóa khớp. Nguyên nhân gây bệnh này thường gặp ở những vận động viên chơi các bộ môn thể thao mạnh như quần vớt, bóng rổ, bóng đá,...
  • Vấn đề chuyển hóa: Bệnh thoái hóa khớp gối rất dễ khởi phát ở những người bị béo phì, phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn tính, mắc bệnh gout hoặc viêm khớp nhiễm trùng, liên kết xương khớp yếu kém,...
  • Do bệnh lý: Thoái hóa khớp gối cũng có thể xảy ra do tác động của một số bệnh lý về xương khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, chảy máu trong khớp,...

Biến chứng

Chuyên gia cho biết, thoái hóa khớp gối là nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức mãn tính tại khớp. Bệnh lý này không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu để tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài mà không có biện pháp xử lý đúng cách sẽ khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược và lo lắng. Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số ảnh hưởng khác như:

  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Đau nhức và cứng khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi về đêm hoặc gần sáng. Vì thế, người bệnh sẽ thường xuyên bị thức giấc vào giữa đêm, ngủ không ngon giấc và không đủ giấc. Điều này đã khiến cơ thể trở nên uể oải và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến cơ thể dần bị suy nhược.
  • Lo lắng, trầm cảm: Thoái hóa khớp gối cũng là bệnh lý làm gia tăng nguy cơ trầm cảm. Các cơn đau nhức do bệnh gây ra khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và thường xuyên nghĩ đến điều tiêu cực. Nếu người bệnh rơi vào trạng thái lo lắng quá mức sẽ có nguy cơ trầm cảm và khiến tình trạng bệnh trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
  • Đau nhức kéo dài: Thoái hóa khớp gối nếu không điều trị sẽ khiến tình trạng viêm đau diễn ra kéo dài. Ở những trường hợp nặng, cơn đau sẽ xuất hiện ngay cả khi ngủ hoặc nghỉ ngơi gây rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể,… Điều này đã khiến cho người bệnh không thể tập trung vào công việc, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động.
  • Tăng cân: Tình trạng đau nhức xảy ra tại khớp gối sẽ khiến bạn ngại vận động, không thể tham gia vào các vận động mà bản thân yêu thích. Lúc này, quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể bị ảnh hưởng và dẫn đến tăng cân. Khi bị tăng cân, tốc độ thoái hóa khớp sẽ diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ khởi phát các biến chứng như tiểu đường, gout, bệnh tim mạch, bệnh huyết áp,…
  • Vôi hóa sụn khớp: Khi khớp gối bị thoái hóa, các tinh thể canxi sẽ tích tụ bất thường tại đây và phát sinh biến chứng vôi hóa sụn khớp. Điều này đã khiến cho quá trình thoái hóa trở nên nặng hơn. Nếu bạn chuyển động sẽ gây ra các cơn đau cấp tính ở mức độ dữ dội.
  • Biến dạng khớp gối: Khi tổn thương tại sụn và đầu xương diễn ra ở mức độ nghiêm trọng sẽ khiến khớp gối bị sưng to và biến dạng. Lúc này, người bệnh không thể đứng thẳng hoặc thực hiện các động tác do duỗi chân một cách bình thường. Điều này đã khiến cho việc đi lại bị hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến công việc và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
  • Phá hủy sụn khớp: Khi bệnh thoái hóa khớp gối ở người trẻ đã tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng sẽ khiến sụn khớp và đầu xương bị phá hủy hoàn toàn. Lúc này, bạn chỉ có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật thay khớp nhân tạo để cải thiện khả năng vận động.
  • Teo cơ, bại liệt: Việc hạn chế đi lại trong thời gian dài sẽ khiến cơ bắp chân dần suy yếu. Khi bạn di chuyển sẽ có dấu hiệu run chân, đứng không vững,… Lâu dần, cơ chân sẽ bị teo nhỏ và gây ra tình trạng bại liệt. Lúc này, mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Phòng ngừa

Thoái hóa khớp gối rất dễ xảy ra khi đã bước qua độ tuổi trung niên do ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa. Để quá trình điều trị bệnh nhanh chóng mang lại hiệu quả và phòng ngừa xảy ra biến chứng thì bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Chú ý duy trì cân nặng ở mức vừa phải, tránh gây áp lực lên đầu gối khiến sụn khớp dần bị bào mòn và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Nếu đang bị thừa cân béo phì, cần tiến hành giảm cân khoa học và hợp lý.
  • Lượng đường trong máu tăng cao sẽ gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn khớp. Vì thế, bạn cần phải kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định, đặc biệt là đối với bệnh nhân bị tiểu đường.
  • Cần điều chỉnh lại tư thế sinh hoạt và lao động sao cho phù hợp, tránh các hoạt động mạnh và đột ngột, mang vác vật nặng đúng cách, không nên làm việc quá sức,...
  • Tiến hành kiểm soát tốt các bệnh lý về xương khớp làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối như viêm khớp, viêm khớp dạng thấp,...
  • Tập luyện khoa học giúp tăng cường độ dẻo dai của khớp và giúp khớp hoạt động linh hoạt hơn. Tránh tình trạng cứng khớp, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Các bài tập tốt cho người bị thoái hóa khớp gối là đi bộ, yoga, dưỡng sinh,... Cần tập luyện nhẹ nhàng với cường độ vừa phải để tránh khởi phát cơn đau nhức.
  • Ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các thành phần dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt là vitamin, canxi, vitamin D, magie,... Cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị bệnh như đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều muối,...
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Khi có các dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp gối, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa xương khớp thăm khám và chẩn đoán bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe, triệu chứng có liên quan và hỏi về tiền sử bệnh lý. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh lý. Cụ thể là:

  • Chụp x-quang: Hình ảnh x-quang sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về mức độ tiến triển của bệnh. Thông qua hình ảnh x-quang bác sĩ sẽ quan sát được sự hình thành của gai xương, mức độ hẹp của khe khớp, xơ xương,...
  • Chụp cộng hưởng từ: Chụp cộng hưởng từ giúp bác sĩ có thể quan sát được hình ảnh của khớp gối ở không gian ba chiều. Thông qua hình ảnh này bác sĩ có thể xác định được tổn thương tại các phần mềm như sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch,...
  • Siêu âm khớp: Siêu âm khớp sẽ giúp bác sĩ xác định được chính xác tình trạng hẹp khe khớp, đo độ dày của sụn khớp, kiểm tra dịch khớp, kích thước gai xương,... Đây là phương pháp chẩn đoán giúp đánh giá mức độ bệnh trạng.
  • Nội soi khớp: Được chỉ định thực hiện nhằm mục đích kiểm tra tổn thương thoái hóa tại khớp. Thông thường, nội soi sẽ kết hợp với sinh thiết màng hoạt dịch để có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có liên quan.

Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp gối khá giống với viêm khớp dạng thấp, dựa vào đặc trưng của từng bệnh bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với bệnh lý này. Thông thường, xét nghiệm máu và sinh hóa máu sẽ được chỉ định thực hiện để xác định yếu tố dạng thấp.

Biện pháp điều trị

Việc điều trị thoái hóa khớp gối sẽ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn. Theo hướng dẫn của Bộ y tế, việc điều trị thoái hóa khớp gối cần tuân thủ theo các nguyên tắc cải thiện chức căng cơ bắp xung quanh khớp gối, kéo căng cơ và gân, kích thích trao đổi chất tại khớp. Dưới đây là các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:

Dùng thuốc Tây y

Thuốc Tây y thường được chỉ định điều trị đối với những trường hợp thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ. Thuốc sẽ mang lại hiệu quả kháng viêm và giảm đau, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dựa vào mức độ bệnh trạng, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị sao cho phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc giảm đau: Thường dùng là Paracetamol với liều lượng 1 - 2 gram/ngày. Thuốc có tác dụng đẩy lùi cơn đau ở mức độ trung bình và nhẹ.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Thường dùng là Etoricoxia, Celecoxib, Meloxicam,... Thuốc có tác dụng chống viêm và mang lại hiệu quả giảm đau.
  • Thuốc bôi ngoài da: Thường dùng là gel bôi ngoài da Voltaren Emugel, chỉ nên sử dụng từ 2 - 3 lần/ngày để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn.
  • Thuốc corticoid: Được sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp vào khớp. Thuốc có tác dụng giảm đau và kháng viêm mạnh, chỉ được kê đơn điều trị đối với những trường hợp đau nhức nghiêm trọng.
  • Thuốc tiêm Hydrocortison acetat: Thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp giúp làm chậm quá trình thoái hóa diễn ra tại khớp.
  • Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Thuốc được chỉ định điều trị từ giai đoạn sớm và kéo dài.
  • Vitamin nhóm B: Đây là viên uống bổ sung giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và hệ thần kinh. Thường dùng là B1, B6, B12,...

Việc dùng thuốc điều trị bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng cũng như loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Vật lý trị liệu

Ngoài việc sử dụng thuốc Tây y điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng nên kết hợp vật lý trị liệu để khắc phục triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng. Các liệu pháp trong vật lý trị liệu sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra các hoạt chất cần thiết cho việc phục hồi sụn khớp, đẩy lùi triệu chứng viêm sưng gây đau nhức khó chịu. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các liệu pháp vật lý trị liệu như:

  • Thủy châm
  • Nhiệt điện
  • Sóng cao tần
  • Điện trị liệu
  • Vận động trị liệu

Can thiệp ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được chỉ định thực hiện đối với những trường hợp thoái hóa khớp gối diễn ra với mức độ nặng, gây biến dạng khớp. Các phương pháp điều trị bằng cách can thiệp ngoại khoa đều nhằm mục đích sửa chữa tổn thương tại khớp, cải thiện lại chức năng khớp, giúp người bệnh có thể di chuyển bình thường. Các phương pháp can thiệp ngoại khoa điều trị bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay là:

  • Phẫu thuật nội soi khoan vào khớp, cấy ghép mô hoặc tế bào sụn,...
  • Cắt bỏ xương chày được áp dụng cho những trường hợp bị thoái hóa khớp gối khi còn trẻ
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo giúp cải thiện dứt điểm tình trạng bệnh

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa mang lại hiệu quả dứt điểm nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Vì thế, phương pháp trị bệnh này chỉ được áp dụng cuối cùng khi mà tất cả các phương pháp trị bệnh khác đều không mang lại kết quả khả quan.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Có thể tái tạo sụn khớp nhưng khả năng tái sinh phụ thuộc vào yếu tố tuổi tác, vị trí tổn thương, mức độ tổn thương và sức khỏe tổng thể.
  • Việc can thiệp ngoại khoa và chăm sóc đúng cách có thể thúc đẩy quá trình tái tạo sụn khớp.
Xem chi tiết

Bên cạnh việc dùng thuốc, can thiệp phương pháp y khoa, người bị trật khớp gối nên ăn các loại thực phẩm sau:

  • Các loại rau họ cải: Bông cải xanh, súp lơ trắng, rau cải xoăn, cải cay…
  • Cá béo: Cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá kiếm, cá cơm, cá thu…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, gạo lứt, lúa mì, ngô, lúa mạch đen…
  • Thực phẩm giàu mangan: Hạt hướng dương, socola đen, cacao, hải sản…
  • Thực phẩm giàu kali: Nước dừa, các loại rau lá xanh, bơ, chuối
  • Các loại thực phẩm khác: Cà chua, dầu cá, gừng, sữa, trà xanh
Xem chi tiết

  • Bị thoái hóa khớp gối có thể đạp xe, nhưng cần tuân thủ tốc độ và thận trọng.
  • Trường hợp nhẹ hoàn toàn có thể đạp xe nhẹ nhàng với  tốc độ phù hợp
  • Trường hợp nặng nên điều trị khỏi hẳn rồi mới đạp xe
Xem chi tiết

Người bị thoái hóa khớp gối VẪN CÓ THỂ ĐI BỘ nếu thực hiện đúng cách.

Lợi ích:

  • Nuôi dưỡng sụn khớp, giảm ma sát và khô khớp.
  • Giảm đau, tăng cường chức năng khớp, ngăn ngừa cứng khớp.
  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp gối.

Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý về cường độ, tư thế… Ngoài ra hạn chế đi lại khi bệnh nặng, thay thế bằng bơi lội, yoga.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android