Các Biến Chứng Viêm Khớp Dạng Thấp và Điều Cần Biết

Biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như hệ thống tim mạch, thận, da và tuần hoàn máu. Các biến chứng này có thể từ nhẹ đến nặng và cần được điều trị phù hợp để kiểm soát các triệu chứng hoặc trì hoãn bệnh tiến triển.

biến chứng viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính và có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe

Biến chứng viêm khớp dạng thấp cần biết

Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh lý tự miễn dịch, có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp cũng như các cơ quan khác trong cơ thể và dẫn đến nhiều biến chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Mặc dù hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng này, tuy nhiên thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp có thể kiểm soát các triệu chứng cũng như trì hoãn các biến chứng.

Viêm đa khớp dạng thấp không chỉ gây ảnh hưởng đến khớp mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

1. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là một tình trạng phổ biến ở những người bệnh viêm khớp dạng thấp. Tình trạng này được gây ra bởi sự chèn ép của dây thần kinh kiểm soát cảm giác và chuyển động ở tay (dây thần kinh giữa) và dẫn đến một số triệu chứng như:

  • Đau nhức cổ tay;
  • Tê tay;
  • Ngứa ran ở các ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái và một phần của bàn tay.

Các triệu chứng của Hội chứng ống cổ tay có thể được kiểm soát bằng cách tiêm steroid hoặc nẹp cố định cổ tay. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể cần phẫu thuật để giải phóng áp lực ở dây thần kinh giữa và phục hồi chức năng cổ tay.

2. Tổn thương hệ thống xương khớp

Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau và cứng khớp. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề lâu dài khác, chẳng hạn như:

– Phá hủy khớp:

Tình trạng viêm tiến triển, kéo dài của viêm khớp dạng thấp có thể gây phá hủy sụn và xương quanh các khớp bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến mất sụn, gây thoái hóa khoái khớp, biến dạng xương và khiến khớp bất động. Tổn thương xương này thường không thể hồi phục và cần phẫu thuật để thay thế khớp, chẳng hạn như phẫu thuật thay khớp gối.

Điều trị tích cực và sớm bằng thuốc chống đau khớp làm thay đổi tiến triển bệnh (DMARD) có thể hỗ trợ ngăn ngừa hoặc trì hoãn các tổn thương khớp.

biến chứng viêm khớp dạng thấp
Tình trạng viêm kéo dài có thể gây tổn thương và phá hủy các khớp

– Loãng xương:

Loãng xương là tình trạng mất mật độ xương, có thể dẫn đến viêm khớp, yếu xương và khiến xương dễ gãy hơn. Theo các nhà nghiên cứu, những người bệnh viêm khớp dạng thấp thường dễ bị loãng xương hơn so với các đối tượng khác. Nguyên nhân có thể liên quan đến:

  • Sử dụng corticosteroid trong điều trị;
  • Viêm khớp dạng thấp có thể gây mất xương trực tiếp ở các khớp bị ảnh hưởng;
  • Cả viêm khớp dạng thấp và loãng xương đều phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi và người hút thuốc.

Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mất xương. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung canxi và vitamin D hoặc sử dụng thuốc bisphosphonates để tăng cường sức khỏe xương.

– Đau cổ:

Viêm khớp dạng thấp được xem là nguyên nhân dẫn đến đau ngón tay và cổ tay. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn cổ. Do đó, nếu cảm thấy đau cổ, cứng cổ hoặc không linh hoạt khi quay đầu, điều này có thể là dấu hiệu viêm khớp dạng thấp đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Để cải thiện tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo các bài tập tăng tính linh hoạt ở cổ hoặc trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

3. Biến chứng mắt

Viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương mắt, điển hình là dẫn đến Hội chứng Sjogren. Đây là một tình trạng tự miễn dịch, khiến cơ thể tấn công các tế bào tạo độ ẩm, chẳng hạn như tuyến nước bọt và nước mắt.

Hội chứng Sjogren thường phổ biến ở phụ nữ với các đặc điểm như:

  • Khô mắt;
  • Khô miệng và tăng nguy cơ sâu răng;
  • Khô âm đạo;
  • Có vấn đề về nuốt và nói chuyện.

Hội chứng Sjogren cũng có thể gây tổn thương thận, tim, phổi, hệ thống tiêu hóa và thần kinh.

4. Ảnh hưởng đến da

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến ngón chân cái sưng đỏ, tương tự như bệnh Gout hoặc dẫn đến hình thành các nốt thấp khớp trên da, đặc biệt là ở các ngón tay, khuỷu tay, cẳng tay hoặc gót chân. Các nốt dạng thấp có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn tiến chậm và có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp đang trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đôi khi các nốt dạng thấp cũng có thể gây ảnh hưởng đến tim, phổi và các cơ quan khác.

Viêm đa khớp dạng thấp là gì
Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến việc hình thành các nốt thấp khớp dưới da

Ngoài ra, bệnh viêm mạch máu là một biến chứng viêm khớp dạng thấp khác có thể gây ảnh hưởng đến da. Đây là tình trạng viêm các mạch máu, tạo ra các đốm trên da trông giống như những vết loét da. Khi ảnh hưởng đến các động mạch lớn hơn, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương các dây thần kinh dẫn đến mất kiểm soát tay hoặc chân. Ngoài ra, tình trạng viêm cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng.

Ngoài ra, các biến chứng viêm khớp dạng thấp khác có thể gây ảnh hưởng đến da dưới nhiều biểu hiện khác nhau. Do đó, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu khác thường hoặc khi bệnh bùng phát.

5. Bệnh tim mạch

Các tổn thương tim mạch (Cardiovascular disease – CVD) là một biến chứng viêm khớp dạng thấp phổ biến. CVD là một thuật ngữ chung chỉ tình trạng gây ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu bao gồm các vấn đề gây ảnh hưởng đến tính mạng, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ.

Mặc dù không rõ nguyên nhân tại sao những người bệnh viêm khớp dạng thấp thường có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ này bằng cách kiểm soát các triệu chứng viêm khớp và hạn chế các rủi ro liên quan.

Một số lưu ý để hạn chế bệnh tim mạch, chẳng hạn như:

  • Ngừng hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá;
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng;
  • Thường xuyên tập thể dục;
  • Khám sức khỏe định kỳ hoặc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, các nốt thấp khớp cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và làm rối loạn hoạt động của tim. Bệnh tim không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng nghiêm trọng, do đó điều quan trọng là người bệnh tái khám thường xuyên để có kế hoạch xử lý phù hợp.

6. Tổn thương phổi

Viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương phổi, dẫn đến viêm màng phổi, đây là một tình trạng khiến việc thở trở nên đau đớn hớn.

Ngoài ra, đôi khi các nốt thấp khớp cũng có thể hình thành ở phổi. Tình trạng này thường không nghiêm trọng nhưng cũng có thể dẫn đến một số vấn đề như ho ra máu, nhiễm trùng phổi, xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi (tình trạng tích tụ chất lỏng ở giữa niêm mạc phổi và khoang ngực). Ngoài ra, biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm bệnh phổi kẽ, sẹo mô phổi, tăng áp phổi và nhiều biến chứng khác.

Viêm khớp dạng thấp gây tổn thương phổi
Viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương phổi

Trong một số trường hợp, các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như methotrexate, cũng có thể dẫn đến tổn thương phổi. Các biến chứng này thường không có dấu hiệu nhận biết, do đó điều quan trọng là người bệnh cần được xét nghiệm định kỳ để theo dõi các vấn đề liên quan.

7. Bệnh tiểu đường

Nhiều nghiên cứu cho thấy, viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên khoảng 50%. Và bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp, bao gồm viêm khớp dạng thấp và các vấn đề khác, lên đến 20%.

Các chuyên gia không biết nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên có một số yếu tố rủi ro liên quan, chẳng hạn như:

  • Cả bệnh tiểu đường và viêm khớp dạng thấp đều là bệnh tự miễn dịch;
  • Cả hai bệnh lý này đều gây viêm trong cơ thể;
  • Tình trạng đau khớp và cứng khớp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể gây suy giảm hoạt động thể chất của người bệnh. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường. Cụ thể, Steroid và statin có thể làm tăng lượng đường trong máu và khiến người bệnh dễ mắc bệnh tiểu đường hơn.

8. Bệnh mạch máu

Bệnh viêm khớp dạng thấp và một số loại thuốc điều trị bệnh có thể khiến cơ thể không đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Điều này được gọi là thiếu máu hoặc bệnh mạch máu liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
  • Khó thở;
  • Chóng mặt;
  • Mệt mỏi;
  • Cảm thấy yếu đuối;
  • Chuột rút;
  • Mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Ngoài ra, tăng tiểu cầu là một biến chứng khác của viêm khớp dạng thấp. Điều này xảy ra khi tình trạng viêm dẫn đến tăng lượng tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu có nhiệm vụ giúp đông máu để cầm máu. Tuy nhiên quá nhiều tiểu cầu có thể dẫn đến hình thành cục máu đông trong các mạch máu, dẫn đến các tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như đột quỵ hoặc đau tim.

Ngoài ra, một biến chứng viêm khớp dạng thấp bất thường là tình Hội chứng Felty. Tình trạng này xảy ra khi lá lách mở rộng và số lượng bạch cầu thấp hơn bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết, một loại ung thư gây ảnh hưởng đến các tuyến bạch huyết.

9. Biến chứng ảnh hưởng đến cảm xúc

Bên cạnh các tổn thương thực thể, biến chứng viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của người bệnh. Cụ thể, tình trạng này có thể dẫn đến các rối loạn tâm trạng như:

Biến chứng viêm khớp dạng thấp
Khi các cơn đau khớp kéo dài có thể khiến người bệnh mất ngủ kinh niên
  • Mất lòng tự trọng;
  • Cảm giác bất lực;
  • Trầm cảm lâm sàng;
  • Rối loạn lo âu;
  • Mất ngủ kinh niên;
  • Có cảm xúc sâu sắc về nỗi buồn, lo lắng, tuyệt vọng, tội lỗi hoặc cảm thấy bản thân không có giá trị tồn tại;
  • Mất hứng thú với những thứ, vật, câu chuyện hoặc công việc từng yếu thích;
  • Khó tập trung hoặc không thể đưa ra quyết định.

Sống với nỗi đau khớp mỗi ngày có thể khiến 11% người viêm khớp dạng thấp có các triệu chứng trầm cảm. Các vấn đề tâm lý thường tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó, nếu người bệnh viêm khớp dạng thấp cảm thấy lo lắng, chán nản, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra các lời khuyên hoặc hướng người bệnh các kỹ thuật thư giãn phù hợp.

Phòng ngừa biến chứng viêm khớp dạng thấp

Các biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, để hạn chế các nguy cơ rủi ro và tăng cường chất lượng cuộc sống, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:

phòng ngừa biến chứng viêm khớp dạng thấp
Không uống rượu để tránh biến chứng viêm khớp dạng thấp
  • Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Điều này có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, hạn chế viêm và ngăn ngừa sự phát triển của viêm khớp dạng thấp.
  • Hạn chế lượng rượu tiêu thụ hoặc tránh sử dụng rượu trong quá trình sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Uống rượu kết hợp với các loại thuốc điều trị có thể gây tổn thương gan và khiến các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thực hiện chế độ ăn uống giàu canxi, vitamin D và thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe xương, ngăn ngừa nguy cơ mất xương hoặc loãng xương.
  • Tăng lượng cá trong chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các có chứa omega 3, vitamin A và D. Ăn cá thường xuyên có thể hỗ trợ chống viêm và ngăn ngừa các bệnh viêm khớp, bao gồm viêm khớp dạng thấp.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Điều này có thể hạn chế áp lực lên hệ thống xương khớp, hỗ trợ giảm viêm và cải thiện các triệu chứng viêm khớp.
  • Duy trì hoạt động thể chất, thậm chí là tập thể dục nhẹ, để cải thiện sức khỏe xương khớp, sức khỏe tim mạch và giữ tinh thần khỏe mạnh.

Các biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, người bệnh nên chú ý đến các phản ứng của cơ thể để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Đôi khi người bệnh có thể cần đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị và có kế hoạch phòng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro nghiêm trọng. Luôn luôn trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng mới hoặc khi cảm thấy lo lắng.

Tham khảo thêm: Viêm Khớp Dạng Thấp Nên Ăn Gì và Kiêng Gì Tốt Nhất?

Xem thêm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 Cách Trị Nhức Mỏi Chân Tay Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh

Nhức mỏi tay chân khiến bạn cảm thấy rất khó chịu và gây ra nhiều phiền toán trong đời sống...

Đau Cổ Chân: Nguyên Nhân Thường Gặp và Cách Điều Trị

Hiện tượng đau cổ chân do nhiều nguyên nhân gây ra như bong gân, trật khớp, mang giày cao gót...

Đau Lòng Bàn Chân Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không?

Đau lòng bàn chân là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý như đau dây thần kinh tọa, viêm khớp...

Hướng Dẫn Chữa Đau Khớp Gối Bằng Gừng Hiệu Quả Nhanh

Chữa đau khớp gối bằng gừng có cách thực hiện khá đơn giản và an toàn đối với sức khỏe,...

Đau Xương Cụt Khi Ngồi Nguy Hiểm Không? Phải Làm Sao?

Đau xương cụt khi ngồi là hiện tượng đau nhức âm ỉ hoặc đau nhói xuất hiện mỗi khi người...

Viêm Khớp Dạng Thấp Là Gì? Biểu Hiện, Cách Điều Trị

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mãn tính khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe...

Viêm Khớp Dạng Thấp Nên Ăn Gì và Kiêng Gì Tốt Nhất?

Viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và kiêng gì là một trong những vấn đề cần lưu ý để...

Hạt Dưới Da Trong Viêm Khớp Dạng Thấp Có Nguy Hiểm?

Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là các nốt sưng, cứng, thường không gây đau đớn và thường...