Cách Chữa Giãn Dây Chằng Đầu Gối Tại Nhà

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà thường được áp dụng nhằm mục đích giảm đau, thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương ở dây chằng và cải thiện chức năng vận động. Để nhanh chóng khắc phục bệnh một cách an toàn, bạn hãy tham khảo 10 mẹo tự nhiên dưới đây.

10 cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà đơn giản

Các dây chằng ở đầu gối có chức năng kết nối các xương và giúp khớp gối vận động tốt. Bộ phận này có thể bị tổn thương, căng giãn quá mức khi bị tai nạn giao thông, lao động nặng nhọc, chạy nhảy nhiều hoặc chơi thể thao với cường độ cao.

Giãn dây chằng đầu gối thường gây đau đớn và khiến khớp gối bị lỏng lẻo gây khó khăn cho việc di chuyển cũng như giữ thăng bằng cho cơ thể. Bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên sâu từ y khoa, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để hỗ trợ điều trị bệnh

1. Chườm lạnh giảm đau, chống sưng viêm

Khi bị giãn dây chằng đầu gối do chấn thương, bạn nên áp dụng ngay phương pháp chườm lạnh để giảm đau, ngăn chặn tình trạng sưng viêm ở khu vực tổn thương.

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà bằng chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng giảm đau cục bộ, chống sưng viêm, hỗ trợ điều trị giãn dây chằng đầu gối tại nhà

Trong giai đoạn đầu của chấn thương, tốc độ bơm máu đến khu vực đầu gối bị giãn dây chằng sẽ nhanh hơn khiến cho khu vực này bị sưng phù. Liệu pháp chườm lạnh hoạt động dựa trên nguyên tắc làm giảm lượng máu lưu thông đến vùng tổn thương, qua đó giúp giảm sưng đau, ức chế phản ứng viêm.

Khi tiếp xúc với da, nhiệt độ lạnh của vật chườm sẽ khiến các mạch máu dưới da co lại một cách đột ngột, làm giảm tuần hoàn tại chỗ dẫn đến tốc độ lưu thông máu vào vùng tổn thương chậm lại, đồng thời khả năng xuyên mạch của bạch cầu cũng giảm. Điều này có tác dụng ức chế phản ứng sưng viêm và đau khớp gối cấp tính. Hơn nữa, nhiệt độ thấp cũng hoạt động như một loại thuốc gây tê cục bộ, giảm đau tại chỗ cho vùng tổn thương.

Tuy nhiên, chườm lạnh chỉ cho hiệu quả tốt nhất đối với các trường hợp bị giãn dây chằng đầu gối khi được thực hiện trong vòng 48 tiếng kể từ lúc bị chấn thương. Bạn cần áp dụng đúng cách và điều độ, không để vật chườm lạnh trên da quá lâu khiến cho tổn thương thêm trầm trọng.

Thực hiện cách chườm lạnh trị giãn dây chằng đầu gối tại nhà:

  • Cách 1: Sử dụng túi chườm lạnh mua sẵn ngoài tiệm thuốc Tây chườm trực tiếp lên vùng bị đau trong 20 phút. Lặp lại sau mỗi 4 – 6 tiếng trong 3 ngày liên tiếp.
  • Cách 2: Ngâm phần bị tổn thương vào trong nước lạnh nhưng không nên dùng đá nguyên tảng.
  • Dùng túi nước đá mát xa tại vùng dây chằng bị giãn theo chuyển động tròn trong 5 – 10 phút. Áp dụng mỗi ngày từ 2 – 5 lần tùy theo mức độ đau.

Chống chỉ định:

Chườm lạnh không thích hợp cho người bị giãn dây chằng đầu gối có kèm theo các vấn đề sau:

  • Vị trí chườm có vết thương hở
  • Bệnh nhân nhạy cảm với nhiệt độ lạnh
  • Các trường hợp có vấn đề về mạch máu hoặc hệ thần kinh giao cảm khiến cho lưu lượng dòng máu bị ảnh hưởng.

2. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi

Tình trạng giãn dây chằng đầu gối thường xảy ra ở những người lao động nặng nhọc hoặc vận động quá mạnh. Nếu vẫn tiếp tục duy trì các thói quen hoạt động thường ngày, dây chằng đầu gối có thể bị giãn nghiêm trọng hơn gây ra những cơn đau dữ dội kéo dài, thậm chí là bị đứt dây chằng. Việc vận động mạnh cũng khiến cho dây chằng lâu phục hồi hơn.

Chính vì lý do trên, người bệnh được khuyến cáo nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để hạn chế những tác động từ ngoại lực lên dây chằng. Bệnh nhân có thể nằm nghỉ trên giường và kê một cái gối mềm dưới đầu gối để giảm bớt căng thẳng cho dây chằng, giúp cơn đau thuyên giảm nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc nằm yên bất động một chỗ trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và khiến các cơ bị teo. Sau khi cơn đau đã thuyên giảm, bệnh nhân nên đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng. Tránh chạy nhảy, hoạt động mạnh hoặc khiêng vác đồ nặng cho đến khi dây chằng hồi phục trở lại.

3. Mẹo trị giãn dây chằng đầu gối bằng gừng

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà bằng gừng cũng đang được áp dụng rộng rãi trong dân gian. Thảo dược này nổi tiếng là có tác dụng kháng viêm, giảm đau, chống co thắt cơ tự nhiên. Bên cạnh, gừng còn có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu đem dưỡng chất và oxy đến nuôi dưỡng, tái tạo tổn thương cho dây chằng đầu gối.

Dân gian thường dùng gừng rang muối để chườm nóng giảm đau khi vùng tổn thương đã bớt sưng. Bạn có thể áp dụng cách này để trị giãn dây chằng lưng hay giãn dây chằng đầu gối đều được. Mỗi ngày thực hiện vài lần để các cơ được thư giãn và dễ chịu hơn.

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà bằng gừng
Gừng được sử dụng như một phương thuốc giảm đau, chống viêm cho người bị giãn dây chằng đầu gối

Cách làm:

  • Gừng tươi dùng 2 nhánh rửa sạch, giã nát
  • Đem muối hạt rang nóng rồi tiếp tục bỏ gừng vào, đảo đều trong vài phút.
  • Sau đó, bạn bỏ hỗn hợp trên vào trong một cái túi vải ngay khi vừa sao xong để giữ được độ nóng lâu hơn.
  • Chườm bọc gừng rang muối lên vùng bị đau trong 15 – 20 phút, cơn đau khớp gối sẽ được xoa dịu đáng kể.

4. Thông qua chế độ dinh dưỡng

Duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp hỗ trợ giảm đau và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của dây chằng đầu gối. Do vậy, trong quá trình tự chữa trị giãn dây chằng đầu gối tại nhà, người bệnh cũng cần chú trọng đến việc xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày cho phù hợp.

Các thực phẩm có lợi cho người bị giãn dây chằng đầu gối:

  • Rau quả giàu vitamin C giúp chống viêm, làm lành tổn thương và bảo vệ dây chằng: Cam, quýt, rau bina, kiwi, bưởi, nho, việt quất…
  • Thực phẩm chứa nhiều canxi: Làm tăng mật độ xương, củng cố sức mạnh và khả năng vận động cho khớp gối bị ảnh hưởng. Các thực phẩm giàu canxi nhất bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa tách béo, đậu nành, động vật có vỏ.
  • Thức ăn giàu đạm: Gồm các loại đậu, trứng, hạnh nhân, nấm, yến mạch, sữa chua, bông cải xanh…. Chúng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới để chữa lành các mô bị tổn thương ở dây chằng đầu gối.
  • Thực phẩm giàu omega 3: Hạt óc chó, cá hồi, cá thu, dầu gan cá tuyết, hàu, ngũ cốc, hạt lanh… Hàm lượng omega 3 phong phú có trong các thực phẩm này giúp kháng viêm, giảm sưng đau, phục hồi chức năng vận động cho dây chằng và khớp gối.

Giãn dây chằng đầu gối nên kiêng ăn gì?

  • Thịt đỏ
  • Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh
  • Đồ hộp
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Đồ ngọt
  • Thức uống có gas
  • Cà phê
  • Bia, rượu

5. Chườm nóng

Chườm nóng thích hợp cho các đối tượng bị giãn dây chằng đầu gối kéo dài. Người bệnh cũng có thể áp dụng phương pháp này sau khi bị chấn thương và đã chườm lạnh trong khoảng 4 tiếng.

Nếu như chườm lạnh làm co mạch máu thì chườm nóng lại khiến các mạch máu giãn nở to hơn. Điều này góp phần đưa máu đến vùng tổn thương nhiều hơn, đồng thời tăng cường đào thải acid lactic, xoa dịu cơn nhức mỏi khó chịu cho người bệnh.

Tuy nhiên, các trường hợp giãn tĩnh mạch chân, có ổ viêm mủ hoặc vết thương hở ngoài da, bị lao hay có khối u ác tính không nên chườm nóng.

Các phương pháp chườm nóng chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà:

  • Dùng miếng đệm sưởi nóng bằng điện
  • Chườm chai hay túi nước nóng.
  • Ngâm toàn bộ cơ thể hoặc ngâm vị trí tổn thương trong bồn nước nóng.

Thời gian chườm nóng tối đa mỗi lần là 20 phút. Người bệnh có thể thực hiện 3 lần mỗi ngày để làm thư giãn thần kinh và dây chằng, đẩy lùi cơn đau.

6. Bài thuốc dân gian

Ngải cứu được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp gối, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, vôi hóa cột sống. Đông y ghi nhận, ngải cứu là một thảo dược có tính ấm, giúp tiêu thũng (kháng viêm), hoạt huyết, chỉ thống (giảm đau). Sử dụng thảo dược này đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể những cơn đau khó chịu và ngăn chặn phản ứng viêm ở khu vực tổn thương.

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà bằng ngải cứu
Dân gian thường dùng ngải cứu giã nát, trộn với giấm làm thuốc đắp chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà

Cách sử dụng:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu tươi và 1 ít giấm
  • Ngải cứu nhặt những lá tươi rửa sạch, giã nát
  • Thêm vào ngải cứu một ít giấm và trộn đều
  • Gói hỗn hợp vào trong một miếng vải sạch và chườm trực tiếp lên vùng đầu gối bị ảnh hưởng trong 20 phút.
  • Thực hiện cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà bằng ngải cứu theo hướng dẫn trên đều đặn mỗi ngày 2 – 3 lần cho đến khi bệnh khỏi hẳn.

7. Massage

Massage nhẹ nhàng có thể giúp làm thư giãn thần kinh, các cơ và dây chằng quanh đầu gối, đồng thời kích thích bơm máu đến nuôi dưỡng dây chằng bị tổn thương.

Cách thực hiện:

  • Dùng bàn tay và các đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng ở khu vực khớp gối bị ảnh hưởng theo chuyển động tròn.
  • Sau vài phút, bạn mở rộng phạm vi massage ra khu vực xung quanh.
  • Thực hiện vài lần trong ngày kết hợp với nghỉ ngơi để cơn đau nhanh chóng thuyên giảm.

8. Băng nẹp cố định đầu gối

Dây chằng giãn rất dễ bị tổn thương và gây đau đớn nhiều hơn khi có yếu tố ngoại lực tác động. Để ngăn ngừa tình trạng này, bệnh nhân nên dùng băng thun hay nẹp để cố định khớp gối nhằm hạn chế cơn đau mỗi khi di chuyển.

Các dụng cụ này đều có bán sẵn ngoài cửa hàng thuốc Tây. Việc mang băng nẹp đầu gối mặc dù có thể mang lại cảm giác vướng víu, bất tiện nhưng rất hữu ích trong việc giảm đau và rút ngắn thời gian phục hồi của dây chằng bị tổn thương.

9. Xương rồng

Theo kinh nghiệm dân gian, sử dụng cây xương rồng làm thuốc chườm đắp bên ngoài có tác dụng giảm đau khớp gối, chống sưng viêm khớp và cải thiện tình trạng giãn dây chằng đầu gối. Bạn có thể dùng xương rồng ba chia hay xương rồng tai thỏ đều có giá trị dược liệu tốt.

Cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà bằng xương rồng
Bài thuốc chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà từ cây xương rồng đang được áp dụng rộng rãi trong dân gian

Cách sử dụng:

  • Xương rồng cắt bỏ gai, rửa sạch rồi bỏ vào cối giã nát
  • Bỏ nguyên liệu vừa sơ chế vào trong chảo, thêm muối biển vào. Đảo đều hỗn hợp và sao nóng.
  • Chườm thuốc đắp tự chế lên vùng bị đau mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 15 phút.

10. Bài tập trị giãn dây chằng đầu gối

Ngoài việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, người bị giãn dây chằng đầu gối cũng nên chăm chỉ luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức để phục hồi dây chằng và cải thiện phạm vi vận động cho khớp gối.

Dưới đây là một số bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối:

+ Động tác gập bàn chân:

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên giường. Phía dưới đầu gối có kê thêm một chiếc gối mềm.
  • Uốn cong khớp cổ chân sao cho mu bàn chân và các ngón chân gập về phía thân người hết cỡ. Phần khớp gối đè xuống và duỗi thẳng.
  • Giữ tư thế trên 10 giây và thả lỏng
  • Lặp lại 20 lần liên tục.

+ Bài tập ưỡn hông:

  • Người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng. Phần đầu gối gập lại để gót chân chống xuống đất. Hai tay đặt dọc theo cơ thể.
  • Từ từ ưỡn phần hông và đùi lên cho đến khi chỉ còn phần bả vai, hai tay và gót chân chạm đất.
  • Giữ cơ thể ở tư thế trên trong 10 giây và hạ người xuống.
  • Thực hiện động tác trên thêm 10 lần nữa.

+ Bài tập nhón chân:

  • Bệnh nhân đứng vịn tay vào bán hoặc một cái ghế gỗ chắc chắn.
  • Nhón bàn chân lên một cách từ từ đến khi cơ thể đứng hoàn toàn trên các ngón chân.
  • Giữ từ 2 – 5 giây rồi hạ chân xuống.
  • Thực hiện 25 lần liên tục.

Điều trị giãn dây chằng đầu gối tại nhà có hiệu quả không?

Những cách chữa giãn dây chằng đầu gối tại nhà cho tác dụng từ từ nên hiệu quả khá chậm. Chúng hầu như chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau tạm thời và giúp làm tăng tốc độ chữa lành tổn thương khi bị giãn dây chằng nhẹ

Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế trước khi áp dụng. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý các vấn đề dưới đây để nhanh chữa khỏi bệnh:

  • Vận động nhẹ nhàng và thận trọng khi tự mình lái xe.
  • Sử dụng nạng hay gậy để hỗ trợ cho việc đi lại, di chuyển khi cần thiết để tránh bị ngã.
  • Ăn uống đầy đủ, cân bằng dưỡng chất.
  • Tránh làm việc nặng, đi lại nhiều hoặc tham gia các môn thể thao có cường độ mạnh như đá bóng, nâng tạ.
  • Không mang giày cao gót
  • Kiểm soát cân nặng và lên kế hoạch giảm cân đối với các trường hợp đang bị béo phì để giảm thiểu áp lực cho dây chằng đầu gối.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android