Cách Trị Đau Nhức Xương Khớp Tại Nhà

Các cách trị đau nhức xương khớp tại nhà hiệu quả

Những biện pháp dưới đây mặc dù không thể thay thế hoàn toàn việc điều trị chuyên khoa nhưng có thể giúp bạn cải thiện triệu chứng bệnh một tức thì, an toàn.

Nghỉ ngơi điều độ, tránh hoạt động mạnh

Nhiều người hiểu nhầm rằng phải nằm yên bất động mới là nghỉ ngơi. Thực tế, việc giảm hoạt động mạnh, quá tải lên khớp kết hợp vận động nhẹ nhàng mới đem lại hiệu quả.

  • Tạm ngưng các công việc nặng: Tránh bê vác, đi cầu thang, đứng lâu,…trong giai đoạn bệnh đang có cơn đau nhiều.
  • Nghỉ ngơi xen kẽ trong ngày: Đặc biệt khi phải làm các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại (công nhân, nội trợ,…).
  • Nằm ở tư thế dễ chịu: Tư thế nằm giúp khớp được giảm tải. Các cơn đau dữ dội có thể buộc phải nằm nghỉ nhiều. Tuy nhiên, không nên nằm quá nhiều vào ban ngày.
Nghỉ ngơi hợp lý giúp cải thiện đau nhức xương khớp
Nghỉ ngơi hợp lý giúp cải thiện đau nhức xương khớp

Chườm nóng/ chườm lạnh

Chườm nóng và chườm lạnh đều giúp cải thiện triệu chứng đau nhức xương khớp tại nhà. Tuy nhiên chườm nóng được áp dụng khi đau nhức xảy ra do cứng cơ, thoái hóa khớp, đau mạn tính. Ngược lại, chườm lạnh khi đau nhức do chấn thương, bong gân, viêm khớp cấp tính (trong vòng 48 giờ đầu).

Cách thực hiện chườm nóng:

  • Dùng túi chườm nóng chuyên dụng, khăn nhúng nước ấm (không quá nóng, khoảng 40-45 độ C).
  • Đặt túi chườm lên vùng bị đau khoảng 15-20 phút, 3-4 lần mỗi ngày.

Cách thực hiện chườm lạnh:

  • Sử dụng túi chườm lạnh, đá viên bọc trong khăn.
  • Thời gian chườm khoảng 10-15 phút, 2-3 lần mỗi ngày.

Cần lưu ý:

  • Luôn dùng một lớp khăn mỏng lót giữa túi chườm và da để tránh bỏng nóng/bỏng lạnh.
  • Người tiểu đường, có rối loạn cảm giác da nên thận trọng khi chườm nóng/lạnh do tăng nguy cơ bỏng.

Các bài tập vận động phù hợp

Dưới đây là một số bài tập an toàn người bệnh có thể thực hiện ngay tại nhà:

  • Đi bộ: Hoạt động dễ thực hiện, tác động thấp lên xương khớp mà vẫn giúp làm mạnh cơ bắp chân, đùi, cải thiện dáng đi. Người bệnh nên đi bộ trên nền phẳng, mang giày phù hợp.
  • Đạp xe: có thể sử dụng xe đạp thường hoặc xe đạp tập, giúp vận động các khớp vùng chi dưới nhẹ nhàng mà vẫn làm tăng nhịp tim, tốt cho sức khỏe tổng thể
  • Yoga cho người bệnh xương khớp: Những bài tập yoga được thiết kế riêng, chú trọng vào các động tác uyển chuyển, tăng cường độ dẻo dai, giảm áp lực lên khớp.
  • Thái cực quyền: Một bộ môn cổ truyền Trung Hoa phối hợp các chuyển động nhịp nhàng cùng hơi thở, cải thiện thăng bằng, sức bền.
  • Bơi lội, các bài tập trong nước: Áp lực của nước giúp làm giảm tác động lên xương khớp, do đó là môn thể thao rất phù hợp cho bệnh nhân xương khớp.

Ngâm chân với nước muối ấm

Dùng nước muối ấm ngâm chân tạo cảm giác dễ chịu, giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau tạm thời. Bên cạnh đó, nhiệt độ ấm thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn, cải thiện tình trạng sưng đỏ khớp.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị: Chậu nước đủ rộng để ngâm hai bàn chân, muối tinh, nước ấm (khoảng 40 – 50 độ C). Có thể thêm các thảo dược khác như gừng, ngải cứu,…
  • Thực hiện: Ngâm chân trong 15 – 20 phút, có thể kết hợp massage nhẹ nhàng. Thời gian ngâm chân là buổi tối, trước khi đi ngủ.
  • Tần suất: Có thể thực hiện hàng ngày.
Ngâm chân nước muối giúp tạo cảm giác dễ chịu, giúp thư giãn cơ bắp
Ngâm chân nước muối giúp tạo cảm giác dễ chịu, giúp thư giãn cơ bắp

Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, khoa học

Một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng hoặc giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm, sưng đau xương khớp. Vì thế bạn cần nắm rõ những thực phẩm nên ăn và nên kiêng để nhanh chóng cải thiện  bệnh.

Nên ăn:

  • Cá béo (cá hồi, cá thu,…): Giàu axit béo Omega-3, có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm cứng khớp vào buổi sáng.
  • Các loại rau có màu xanh đậm (rau bina, cải ngọt, bắp cải…): Chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin giúp bảo vệ sụn khớp, làm chậm tiến triển bệnh
  • Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt chia, hạt óc chó, hạt điều… cung cấp chất béo tốt, chất xơ, canxi,… tốt cho cả tim mạch và hệ xương khớp.
  • Trái cây giàu vitamin C (bưởi, cam, quýt, kiwi,…): Thúc đẩy quá trình sản xuất collagen – thành phần quan trọng trong cấu trúc sụn khớp.
  • Nghệ: Hoạt chất curcumin có đặc tính giảm đau, chống viêm.
  • Đậu nành: Chứa nhiều protein, các hợp chất có lợi cho xương khớp.

Nên kiêng:

  • Thực phẩm nhiều đường: Nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn chế biến sẵn,… làm tăng viêm trong cơ thể, khiến bệnh xương khớp nặng hơn.
  • Thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa: Khoai tây chiên, đồ ăn nhanh, xúc xích, thịt xông khói,… vừa khiến bạn tăng cân vừa thúc đẩy viêm. .
  • Thịt đỏ (thịt bò, thịt heo,…): Người bệnh gút nên đặc biệt hạn chế nhóm này để tránh các đợt gout cấp.
  • Rượu bia: Làm tăng hình thành các tinh thể gây viêm khớp, tăng đào thải canxi, gây hại cho sức khỏe xương.

Xoa bóp trị đau xương khớp tại nhà

Xoa bóp đúng kỹ thuật giúp tăng cường lưu thông máu đến cơ bắp và vùng khớp bị đau, hỗ trợ giảm đau tạm thời. Không chỉ vậy, xoa bóp còn làm thư giãn cơ, giảm co cứng, khó vận động. Đồng thời cải thiện tinh thần, giảm mệt mỏi do đau nhức gây ra.

Một số kỹ thuật xoa bóp dễ thực hiện:

  • Làm ấm cơ thể bằng cách chườm khăn ấm trong 10 phút trước khi xoa bóp.
  • Sử dụng một lượng nhỏ dầu dừa, dầu oliu để giúp da bớt ma sát.
  • Xoa: Dùng lòng bàn tay hoặc các đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng lên vùng bị đau theo chuyển động tròn, khoảng 15-20 phút.
  • Bóp: Dùng các đầu ngón tay bóp nhẹ vùng cơ xung quanh khớp bị đau.
  • Ấn: Dùng gốc bàn tay hoặc đầu ngón cái day ấn vào các huyệt tương ứng với vùng bị đau nhức.

Sử dụng dược liệu từ tự nhiên

Mẹo dân gian sử dụng dược liệu chữa đau nhức xương khớp được nhiều người bệnh tin dùng nhờ độ an toàn, hiệu quả và dễ thực hiện.

Một số dược liệu thường được dùng để tự chữa xương khớp tại nhà như:

Lá lốt:

  • Cách dùng: Lá tươi, giã nát, đắp lên vùng khớp đau. Hoặc đun nước lá lốt để ngâm.
  • Lưu ý: Có thể gây kích ứng nhẹ với da nhạy cảm.
Đắp lá lốt là phương pháp cải thiện đau nhức tại nhà hiệu quả
Đắp lá lốt là phương pháp cải thiện đau nhức tại nhà hiệu quả

Ngải cứu:

  • Cách dùng: Sao nóng lá ngải cứu với muối rồi chườm khớp. Giã ngải cứu tươi đắp lên vùng đau.
  • Lưu ý: Cần thận trọng về nhiệt độ khi sao nóng, chườm ấm vừa phải, tránh gây bỏng.

Gừng:

  • Cách dùng: Giã nhuyễn gừng tươi rồi đắp lên chỗ khớp sưng đau, hoặc thái lát gừng ngâm với rượu trắng để xoa bóp.
  • Lưu ý: Hơi nóng, có thể rát, không phù hợp với người da nhạy cảm.

Nghệ:

  • Cách dùng: Tương tự như với gừng, giã nhuyễn hoặc ngâm rượu để dùng ngoài.
  • Lưu ý: Nghệ vàng có thể để lại màu, gây ố quần áo.

Thay đổi thói quen sinh hoạt giảm đau xương khớp

Bên cạnh các phương pháp nêu trên, những điều chỉnh nhỏ trong thói quen hằng ngày cũng góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát cơn đau, bảo vệ sức khỏe xương khớp

Một số thay đổi đơn giản bạn có thể bắt đầu ngay như:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, khớp háng. Giảm cân giúp giảm đau, vận động cũng dễ dàng hơn.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ khiến tình trạng đau nhức trở nặng, cơ thể cũng khó hồi phục sau tổn thương về xương khớp.
  • Kiểm soát căng thẳng (stress): Stress kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe toàn thân, làm cơn đau cơ xương khớp thêm trầm trọng. Áp dụng các biện pháp thư giãn lành mạnh: Thể dục, thiền, nghe nhạc, tiếp xúc với thiên nhiên,…

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Đừng chủ quan nếu đau xương khớp đi kèm với các biểu hiện sau:

  • Sưng, nóng, đỏ khớp: Có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm.
  • Đau dữ dội: Ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt hằng ngày.
  • Cứng khớp buổi sáng: Kéo dài hơn 30 phút, đặc trưng trong các bệnh viêm khớp.
  • Mệt mỏi, sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân: Cảnh báo tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể.
  • Da vùng khớp thay đổi màu sắc: Bầm tím, tái xanh,…
  • Đau nhức nhiều khớp: Cần tầm soát các bệnh lý viêm khớp toàn thân.
  • Các phương pháp giảm đau tại nhà không hiệu quả: Sau một vài ngày nghỉ ngơi, chườm nóng/lạnh, cơn đau không thuyên giảm.

Hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng đúng các cách trị đau nhức xương khớp tại nhà sẽ giúp bạn kiểm soát tốt cơn đau nhức xương khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy luôn quan tâm đến sức khỏe của bản thân và chủ động trong việc bảo vệ hệ xương khớp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android