10 Cách Trị Đau Vai Gáy Tại Nhà Đơn Giản, Hiệu Quả
Các cách trị đau vai gáy tại nhà được nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả tốt là chườm nóng hoặc chườm lạnh, tắm nước muối ấm, trị bệnh bằng thảo dược tự nhiên, ngồi thiền, tập luyện giãn cơ,… Đây là những mẹo trị bệnh có cách thực hiện khá đơn giản và an toàn đối với sức khỏe. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi áp dụng tại nhà để làm dịu các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
10 cách trị đau vai gáy tại nhà đơn giản và hiệu quả
Đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ thường gặp với các triệu chứng đặc trưng là đau mỏi, tê bì, nhức mỏi,… ở vùng cổ và vai gáy. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là do cơ, xương khớp hoặc đốt sống cổ bị tổn thương dẫn đến co cứng cục bộ. Khi bị đau vai gáy bạn sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như:
- Đau nhức vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng khi vận động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Cơn đau phát triển lan rộng đến các vùng lân cận như cổ, bả vai, cánh tay, lưng,… Thỉnh thoảng người bệnh sẽ bị cứng cổ và khó cử động.
- Nếu bệnh ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu lên não sẽ gây ra triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu,…
Chuyên gia cho biết, bệnh đau vai gáy có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là người trong độ tuổi trung niên. Khi mới khởi phát, triệu chứng của bệnh diễn ra với mức độ nhẹ sau đó nặng dần theo thời gian. Để cải thiện tình trạng đau nhức do bệnh gây ra và tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày thì bạn có thể áp dụng các cách trị đau vai gáy tại nhà sau đây:
1/ Tác dụng nhiệt giúp giảm đau
Chườm lạnh và chườm nóng là hai phương pháp chữa đau vai gáy được áp dụng khá phổ biến hiện nay do có cách thực hiện đơn giản, mang lại hiệu quả nhanh chóng và an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, cơ chế giảm đau của chườm nóng và chườm lạnh là khác nhau, bạn cần dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh để lựa chọn phương pháp chườm sao cho phù hợp. Cụ thể là:
- Chườm lạnh có tác dụng làm co cơ, ngăn chặn dẫn truyền thông tin đến trung ương thần kinh và mang lại hiệu quả giảm đau. Phương pháp này thích hợp áp dụng đối với những trường hợp bị đau vai gáy do vận động như làm việc quá sức, khuân vác vật nặng sai cách,…
- Chườm nóng trị đau vai gáy sẽ mang lại hiệu quả trên phạm vị lớn hơn. Phương pháp này thích hợp áp dụng với những trường hợp đau vai gáy do ngồi làm việc sai tư thế hoặc ngồi làm việc quá lâu dẫn đến co cứng cơ vai. Nhiệt độ ấm nóng có tác dụng làm giãn nở mạch máu, kích thích lưu thông khí huyết và giảm đau.
Dưới đây là hướng dẫn cách chườm nóng và chườm lạnh trị đau vai gáy bạn có thể tham khảo và áp dụng tại nhà:
- Chuẩn bị một túi chườm, cho đá lạnh vào nếu chườm lạnh và cho nước ấm vào nếu muốn chườm nóng.
- Sử dụng túi chườm đắp trực tiếp lên vùng vai gáy bị đau nhức trong khoảng 15 phút là được.
- Bạn có thể thực hiện cách trị bệnh này nhiều lần trong ngày mỗi khi cơn đau nhức khởi phát. Nhưng khoảng cách hai lần chườm phải cách nhau ít nhất 2 tiếng.
2/ Xoa bóp, bấm huyệt
Đây là phương pháp điều trị bệnh có nguồn gốc từ y học cổ truyền, thường được sử dụng để cải thiện một số vấn đề về đau nhức xương khớp và mang lại hiệu quả khá tốt. Các động tác trong xoa bóp, bấm huyệt sẽ có tác dụng kích thích tuần hoàn máu đến vùng bị vai gáy, mang lại hiệu quả giảm viêm đau và hỗ trợ làm lành tổn thương.
Cách thực hiện:
- Ngồi ở tư thế thẳng lưng, đưa tay ra phía sau rồi dùng ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy bị đau nhức.
- Tiến hành xoa bóp từ vùng trung tâm gáy theo chuyển động tròn, sau đó di chuyển sang hai bên vai. Thực hiện động tác này khoảng 3 phút là được.
- Tiếp đó, hãy dồn lực vào đầu ngón tay rồi ấn lên da, tiến hành lăn tròn từ gáy qua vai.
- Cuối cùng, dùng lực của ngón tay tác động lên các huyệt phong trì, kiên tỉnh và đại chùy. Mỗi huyệt nên tiến hành dây ấn trong 30 giây rồi ngừng lại.
Nếu cảm thấy khó khăn khi thực hiện, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Đồng thời, để quá trình massage và bấm huyệt có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên thoa một dầu nóng lên vùng vai gáy trước khi thực hiện.
3/ Tắm nước muối ấm
Muối tắm chứa rất nhiều khoáng chất có lợi cho cơ thể như magie, sulfat,… Đặc biệt, thành phần magie trong muối khi đi vào cơ thể sẽ có tác dụng làm giãn cơ tự nhiên và loại bỏ acid lactic dư thừa ra khỏi vùng bị tổn thương, từ đó triệu chứng viêm đau sẽ được cải thiện đáng kể. Đồng thời, tắm nước ấm còn giúp thư giãn cơ thể, kích thích tuần hoàn máu đến vai gáy và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh. Khi tắm nước muối, bạn không nên sử dụng thêm xà phòng để tránh làm giảm hiệu quả mang lại.
Cách thực hiện:
- Xả nước ấm vào bồn tắm rồi cho thêm một ít muối tắm epsom vào.
- Sau đó tiến hành ngâm mình trong nước khoảng 15 phút, để nâng cao hiệu quả mang lại bạn nên kết hợp massage vai gắt nhẹ nhàng.
- Áp dụng cách này từ 2 – 3 lần/tuần bạn sẽ thấy được hiệu quả mang lại.
4/ Ngồi thiền trị đau vai gáy
Ngồi thiền là phương pháp luyện tập mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và có khả năng cải thiện bệnh đau vai gáy khá tốt. Khi tập trung thiền, cơ thể sẽ kích thích sản sinh ra một số loại hormone có tác dụng giảm đau và giảm căng thẳng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn cần phải ngồi thiền đúng cách và đúng tư thế. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
Cách thực hiện:
- Ngồi khoanh chân trên sàn, giữ thẳng lưng và đầu. Hai tay sẽ đặt ngửa trên đùi hoặc đầu gối. Mắt khép hờ.
- Từ từ hít thở vào thật chậm và sâu, sau đó thở đều ra. Hít thở như vậy liên tục trong khoảng 10 phút là được. Khi hít thở, chú ý tập trung cao độ vào hơi thở.
- Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất bạn nên thiền vào buổi sáng, ở nơi có không khí trong lành và thoáng mát. Bạn cũng có thể bật nhạc nhẹ khi thiền để làm tăng hiệu quả thư giãn.
5/ Tập luyện các bài tập giãn cơ
Thực hiện các bài tập giãn cơ điều trị đau vai gáy là phương pháp được chuyên gia khuyến khích người bệnh nên áp dụng. Các bài tập này có tác dụng thư giãn cơ và khớp xương, cải thiện độ dẻo dai cho xương khớp và hỗ trợ giảm đau nhanh chóng. Một số bài tập giãn cơ hỗ trợ điều trị đau vai gáy được nhiều người áp dụng là:
- Bài tập cho phần đầu: Ngồi thẳng lưng trên sàn nhà, giữ cho đầu thẳng và hơi mở rộng vai. Từ từ nghiêng cổ sang bên trái, đưa về vị trí ban đầu, rồi nghiêng sang bên phải và trở về vị trí ban đầu. Thực hiện động tác này từ 10 – 15 lần trong một hiệp tập là được.
- Bài tập cho phần cổ: Ngồi thẳng lưng và đầu giữ thẳng. Từ từ cúi đầu về phía trước cho cằm gần chạm đến cổ và cơ cổ đạt trạng thái căng nhất thì dừng lại. Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 10 giây rồi đưa cổ trở về vị trí ban đầu. Sau đó tiếp tục đưa đầu ra phía sau sao cho cằm song song với mặt sàn thì dừng. Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 10 giây rồi lại trở về vị trí ban đầu. Thực hiện bài tập này trong khoảng 15 lần là được.
- Bài tập cho phần vai: Ngồi thẳng lưng trên sàn nhà. Đưa tay phải lên cao rồi từ từ nghiêng người sang bên trái sao cho phần vai phải căng giãn hết mức có thể. Giữ yên như vậy trong khoảng 10 giây rồi thả lỏng cơ thể, sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại. Thực hiện động tác này khoảng 5 lần trong một hiệp tập là được.
6/ Sử dụng thảo dược tự nhiên trị bệnh
Sử dụng các loại thảo dược lành tính có sẵn trong vườn nhà để điều trị bệnh đau vai gáy có độ an toàn cao và dễ thực hiện, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, phương pháp trị bệnh này mang lại hiệu quả khá chậm, bạn cần phải áp dụng đều đặn mỗi ngày trong khoảng thời gian khá dài mới thấy bệnh chuyển biến tốt. Dưới đây là các mẹo trị đau vai gáy bằng thảo dược được nhiều người áp dụng bạn có thể tham khảo:
- Thoa rượu hạt gấc: Hạt gấc chín đem bọc hết lớp màng đỏ bên ngoài, rửa sạch rồi phơi qua 1 nắng cho khô. Đem hạt gấc đi rang cho đến khi dậy mùi thơm thì tắt bếp rồi cho vào cối giã nát. Đổ toàn bộ số hạt gấc đã sơ chế ở trên vào trong bình thủy tinh sạch, đổ rượu vào rồi đậy kín nắp lại. Ngâm hỗn hợp trên trong khoảng 1 tuần là có thể lấy ra dùng. Khi bị đau vai gáy, bạn chỉ cần lấy một ít rượu hạt gấc thoa trực tiếp lên vùng bị đau nhức rồi tiến hành massage nhẹ nhàng. Áp dụng cách trị bệnh này từ 2 – 3 lần/ngày, thực hiện đều đặn mỗi ngày bạn sẽ thấy triệu chứng của bệnh thuyên giảm đáng kể.
- Dùng gừng tươi và hành tím: Sơ chế sạch sẽ 4 củ hành tươi và 2 củ hành tím, đem đi giã nát rồi trộn chung với một ít bột mì. Cho hỗn hợp trên vào chảo rồi bắc lên bếp sao nóng, sau đó đắp lên vùng vai gáy bị đau. Dùng gạc y tế băng cố định lại để qua đêm rồi tháo ra vào sáng hôm sau.
- Dùng rau kinh giới: Rau kinh giới sau khi mua về đem nhặt bỏ phần lá sâu bệnh, rửa sạch với nước rồi phơi khô dưới bóng râm. Sau đó, cho lá kinh giới đã phơi khô vào trong vỏ gối rồi dùng để kê vùng đầu vai gáy khi đi ngủ.
7/ Ăn uống khoa học trị đau vai gáy
Khi bị đau vai gáy, bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống của bản thân sao cho phù hợp. Lúc này, người bệnh cần ăn uống lành mạnh để bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và tăng khả năng phục hồi cơ. Các loại thực phẩm được chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng khi bị đau vai gáy là:
- Thực phẩm chứa nhiều canxi: sữa, cá, các loại đậu và các loại hạt,…
- Thực phẩm giàu vitamin E: bí đỏ, hạnh nhân, đậu phụ, rau chân vịt,…
- Thực phẩm giàu vitamin C và D3: trái cây mọng nước, kiwi, ổi, nấm, thịt trắng,…
- Thực phẩm giàu omega-3: cá béo, các loại hạt, dầu oliu,…
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần loại bỏ các nhóm thực phẩm sau đây ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày:
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, cholesterol
- Đồ ăn chế biến sẵn
- Đồ ăn mặn nhiều muối
- Thực phẩm giàu photpho
- Chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
8/ Điều chỉnh thói quen sống hàng ngày
Thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng là yếu tố tạo cơ hội cho bệnh khởi phát và khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Nếu muốn tình trạng đau vai gáy nhanh chóng được cải thiện, bạn cần phải điều chỉnh lại thói quen sống hàng ngày theo hướng tích cực và khoa học. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
Dành thời gian nghỉ ngơi: Đau vai gáy khiến bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện một số tư thế vận động và gây ra rất nhiều khó chịu. Vì thế, khi cơn đau khởi phát bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi giúp thư giãn cơ và khớp xương. Điều này sẽ giúp cho quá trình phục hồi tổn thương tại vùng cơ xương diễn ra tốt hơn và hạn chế cơn đau khởi phát trở lại.
Kiểm soát căng thẳng: Khi bị đau vai gáy, việc kiểm soát căng thẳng trong công việc cũng được xem là một trong những cách hỗ trợ điều trị bệnh khá tốt. Nếu để đầu óc bị căng thẳng quá độ sẽ khiến tình trạng đau nhức trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể kiểm soát căng thẳng thông qua các việc làm đơn giản như nghe nhạc, dành thời gian nghỉ ngơi, tập luyện thể dục, chơi thể thao,…
Làm việc đúng tư thế: Bưng vác đồ nặng không đúng tư thế, lao động quá sức, chấn thương do lao động,… là những nguyên nhân gây ra bệnh đau vai gáy thường gặp. Để tình trạng đau nhức được cải thiện và tránh gây tổn thương nghiêm trọng hơn, người bệnh cần tránh thực hiện các động tác dễ gây tổn thương đến khu vực này. Ví dụ như làm việc đúng tư thế, tránh bưng bê vật nặng, tránh ngồi làm việc ở một tư thế trong thời dài, thường xuyên vận động để kích thích tuần hoàn máu,…
Ngủ đúng tư thế: Ngủ sai tư thế hoặc nằm gối quá cao cũng là nguyên nhân hình thành nên các cơn đau vai gáy cấp tính. Để khắc phục, người bệnh nên điều chỉnh lại tư thế ngủ sao cho đúng. Nên chọn gối mềm, có độ cao vừa phải và có thể nâng phần đầu vai cổ. Tư thế ngủ cũng cần được thay đổi thường xuyên để tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn, tránh tư thế ngủ co người hoặc giữ nguyên một tư thế ngủ trong thời gian dài.
9/ Dùng thuốc giảm đau tại chỗ
Khi tình trạng đau nhức diễn ra với mức độ nặng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc Tây y không kê đơn để cải thiện. Cụ thể là:
- Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen
- Thuốc kháng viêm không steroid
- Thuốc giãn cơ: Epirison hoặc Mephenesine.
- Vitamin B1, B6, B12
- Thuốc corticoid
Nên dùng thuốc Tây y chữa đau vai gáy dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Dựa vào mức độ đau nhức của từng người, bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc điều trị cũng như liều lượng sao cho phù hợp.
10/ Trị đau vai gáy theo cách của người Nhật
Cách chữa vai gáy của người Nhật mang lại hiệu quả khá tốt đối với những người bị đau vai gáy do ngồi một chỗ quá lâu hoặc ít vận động. Cách thực hiện cũng khá đơn giản, bạn có thể tự áp dụng tại nhà theo hướng dẫn bên dưới đây:
Cách thực hiện:
- Khi bắt đầu, người bệnh sẽ nằm ở trên giường hoặc nằm trên thảm yoga. Sau đó, dùng một cái khăn cuộn tròn rồi kê bên dưới bả vai.
- Tiếp đến, dùng cánh tay trái đặt lên vai phải, chú ý để tay vuông góc và bàn tay hướng lên đầu. Còn tay phải thì giữ trên không và không để chạm xuống giường.
- Tiến hành thả lỏng người và cơ vai kết hợp hít thở đều đặn, giữ nguyên tư thế này trong khoảng 10 giây rồi thực hiện tương tự với bên còn lại.
Lưu ý khi chữa đau vai gáy tại nhà
Chữa đau vai gáy tại nhà bằng cách mẹo ở trên sẽ đẩy lùi cơn đau và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Đây là phương pháp trị bệnh được nhiều người ưu tiên áp dụng tại nhà nhờ các ưu điểm như dễ thực hiện, an toàn đối với sức khỏe, ít tốn kém,… Nhưng để quá trình điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh phát sinh rủi ro không mong muốn thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Các mẹo chữa đau vai gáy ở trên chỉ mang lại hiệu quả tích cực đối với trường hợp bệnh nhẹ. Nếu tình trạng đau nhức diễn ra với mức độ nặng, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị chuyên khoa.
- Chữa đau vai gáy bằng các mẹo đơn giản tại nhà mang lại hiệu quả khá chậm, yêu cầu người bệnh phải thực hiện đều đặn trong khoảng thời gian dài. Nếu áp dụng ngắt quãng hoặc bỏ dở giữa chừng thì tình trạng bệnh sẽ không có chuyển biến tốt.
- Hiệu quả điều trị mà các mẹo ở trên mang lại sẽ không có sự đồng nhất giữa tất cả các trường hợp do chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, tình trạng bệnh, cách áp dụng,…
- Khi điều trị bệnh đau vai gáy bằng thảo dược, bạn nên chọn mua và sử dụng dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh và chất lượng để trị bệnh.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể giúp kích thích tuần hoàn máu, hỗ trợ tiêu hóa, cấp nước cho đĩa đệm và bôi trơn các khớp. Tốt nhất, bạn nên uống từ 2 – 2.5 lít nước lọc mỗi ngày.
- Có lối sống sinh hoạt khoa học để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp như giữ ấm cơ thể, thường xuyên vận động, loại bỏ thói quen bẻ khớp cổ,….
- Trong quá trình điều trị bệnh, bạn cũng nên thăm khám sức khỏe xương khớp định kỳ để sớm phát hiện ra bất thường. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách xử lý kịp thời, tránh những rủi ro không mong muốn.
Trên đây là 10 các chữa đau vai gáy tại nhà mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo và áp dụng. Hy vọng, chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc đẩy lùi các triệu chứng khó chịu do bệnh đau vai gáy gây ra. Sau thời gian dài áp dụng mà bệnh vẫn không chuyển biến tốt, bạn nên thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!