Cách Trị Viêm Amidan Tại Nhà

Chữa viêm amidan tại nhà bằng mẹo

Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm gây ra do vi khuẩn, virus tấn công. Bệnh dẫn đến những triệu chứng nhiễm trùng ở cơ thể người bệnh như: Ho, đau rát họng, sưng đỏ amidan hoặc xuất hiện nốt mủ trắng, cơ thể mệt mỏi và sốt,…

Tùy theo mức độ bệnh và cơ địa mà bác sĩ sẽ xác định hướng điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật phù hợp. Tuy nhiên, đối với trường hợp viêm nhiễm nhẹ, bạn có thể sử dụng một số cách trị viêm amidan tại nhà từ nguyên liệu thiên nhiên.

Dùng lá hẹ

Hoạt chất Thiosulfonate trong lá hẹ thông qua tác động nghiền, xay, giã có thể chuyển hóa thành Allicin có tính kháng khuẩn, chống viêm nhiễm, nâng cao hệ miễn dịch để tăng cường sức khỏe và kháng virus, đồng thời hỗ trợ tăng tốc tái tạo các mô, tế bào bị thương tổn.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch và cắt khúc nhỏ (1 – 2 cm) khoảng 10g lá hẹ, sau đó cho 1 thìa mật ong nguyên chất vào trộn đều.
  • Cho hỗn hợp lá hẹ và mật ong hấp cách thủy trong khoảng 7 – 10 phút.
  • Tắt bếp, chắt lấy nước cốt để uống.
Lá hẹ hỗ trợ điều trị viêm amidan tại nhà
Lá hẹ hỗ trợ điều trị viêm amidan tại nhà

Gừng tươi

Theo y học cổ truyền, gừng là thảo dược có tính ấm, giúp giảm đau, kháng khuẩn và tiêu viêm, hỗ trợ tiêu đờm, giảm ho và cải thiện các triệu chứng sưng đau gây ra bởi bệnh viêm amidan.

Có nhiều cách sử dụng gừng tươi tốt cho bệnh nhân viêm amidan, trong đó có 2 phương pháp đơn giản nhất như sau:

  • Cách 1: Rửa sạch, gọt vỏ và đập dập 1 củ gừng tươi, sau đó hãm trong khoảng 15 phút với 500ml nước nóng, khuấy đều và có thể thêm 1 thìa mật ong. Uống khi còn ấm vào buổi sáng sau bữa ăn mỗi ngày.
  • Cách 2: Sơ chế và cho 20g gừng tươi, 20g nghệ tươi, 1 quả chanh cắt lát, 1 thìa mật ong nguyên chất hoặc 1 thìa đường phèn vào bát để hấp cách thủy với lửa vừa trong khoảng 15 phút. Tắt bếp, chắt lấy phần nước cốt và uống mỗi lần 1 – 3 thìa, 2 lần/ngày.

Lưu ý: Nếu áp dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì cha mẹ không nên kết hợp cùng mật ong vì có khả năng gây ngộ độc, tiêu chảy ở trẻ, thay vào đó có thể dùng đường phèn.

Lá húng chanh

Lá húng chanh chứa hàm lượng Codein và Cavaron cao. Đây là hai hoạt chất có tính kháng sinh, ức chế hoạt động của vi khuẩn, rất tốt trong việc điều trị viêm amidan.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch, ngâm nước muối rồi để ráo một nắm lá húng chanh tươi.
  • Đập dập lá húng chanh rồi trộn đều cùng 10 – 15g đường phèn giã nhuyễn.
  • Cho hỗn hợp trên vào bát cùng khoảng 50ml nước sôi, khuấy đều cho đến khi đường tan hết, chắt lấy nước cốt và uống, nuốt từ từ.
  • Áp dụng 3 – 4 lần mỗi ngày, đều đặn cho đến khi sưng viêm giảm hẳn.

Súc miệng nước muối

Nước muối giúp sát khuẩn, giảm viêm, làm sạch vùng họng, từ đó giảm đau và thúc đẩy quá trình hồi phục.

Cách thực hiện:

  • Pha ½ thìa cà phê muối với khoảng 250ml nước ấm.
  • Súc miệng kỹ trong 30 giây, tập trung vào vùng amidan.
  • Lặp lại 3-4 lần mỗi ngày.

Uống nhiều nước

Uống đủ nước giúp giữ ẩm cổ họng, làm dịu cơn đau rát, loãng dịch nhầy, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn và giảm cảm giác khó chịu.

Lựa chọn thức uống:

  • Hãy đảm bảo uống đủ 2 lít nước lọc hàng ngày.
  • Bổ sung thêm các loại trà thảo mộc ấm như trà gừng, trà hoa cúc,…

Những điều cần lưu ý

  • Mặc dù các biện pháp tại nhà có thể hỗ trợ điều trị viêm amidan, nhưng chúng không thể thay thế việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu bạn sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, đau họng dữ dội, amidan có mủ trắng hoặc vàng hay các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày điều trị tại nhà, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia vì chúng có thể làm tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
  • Ăn các thức ăn mềm, dễ nuốt, tránh đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Sử dụng nước lọc ấm để pha sữa cho trẻ em bị viêm amidan.

Chữa viêm amidan bằng nội khoa (dùng thuốc)

Các trường hợp viêm amidan có thể điều trị nội khoa

  • Viêm amidan cấp do virus: Đây là dạng viêm amidan phổ biến nhất, thường đi kèm với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng và ngứa rát cổ họng.
  • Viêm amidan cấp do vi khuẩn (mới khởi phát): Ở giai đoạn đầu của viêm amidan do vi khuẩn, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị nội khoa bằng kháng sinh. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn, bạn cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán.

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị nội khoa viêm amidan

Thuốc kháng sinh

Kháng sinh là nhóm thuốc quan trọng nhất trong điều trị viêm amidan, đặc biệt khi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Các loại kháng sinh được lựa chọn thường bao gồm:

  • Penicillin: Loại thuốc được ưu tiên lựa chọn nhất để điều trị liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus pyogenes) – nguyên nhân chính gây viêm amidan do vi khuẩn.
Penicillin được ưu tiên lựa chọn điều trị viêm amidan do vi khuẩn.
Penicillin được ưu tiên lựa chọn điều trị viêm amidan do vi khuẩn.
  • Amoxicillin: Người bệnh viêm amidan khi có xác định rõ ràng là vi khuẩn gây bệnh và trong các trường hợp có triệu chứng nặng bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh Amoxicillin. Đặc biệt, nó được ưa chuộng ở trẻ em và cho những người có tiền sử dị ứng với penicillin.
  • Cephalosporin, Macrolid: Trường hợp bạn dị ứng với Penicillin, bác sĩ có thể sử dụng các kháng sinh thế hệ mới nhóm Cephalosporin.

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Khi bị viêm amidan, người bệnh thường có các triệu chứng như đau họng, sốt. Các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen có thể làm thuyên giảm các triệu chứng này, giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Lưu ý: Không nên tự ý dùng thuốc giảm đau hạ sốt quá liều lượng hoặc kéo dài ngày điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm như corticosteroid có thể được dùng trong các trường hợp viêm amidan nặng với tình trạng sưng đau họng nhiều. Thuốc chống viêm giúp giảm viêm, cải thiện nhanh các triệu chứng.

Lưu ý khi sử dụng thuốc:

  • Để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh tình trạng kháng thuốc, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều, đủ thời gian theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bất cứ loại thuốc nào đều có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Khi sử dụng thuốc, cần theo dõi sát và báo cho bác sĩ ngay nếu có các biểu hiện như phát ban, khó thở, tiêu chảy nặng…
  • Trước khi bắt đầu dùng thuốc, hãy cho bác sĩ biết tiền sử dị ứng thuốc của mình, đặc biệt là dị ứng với kháng sinh.

Phẫu thuật chữa viêm amidan

Khi nào cần phẫu thuật cắt amidan?

Phẫu thuật cắt amidan (tonsillectomy) là một thủ thuật  loại bỏ các amidan. Các bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Viêm amidan tái phát thường xuyên: Nếu một người bị viêm amidan hơn 5 – 7 lần/năm, trong hai năm liên tiếp.
  • Viêm amidan mạn tính: Khi tình trạng viêm amidan dai dẳng không khỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Amidan quá phì đại: Amidan to bất thường gây cản trở đường thở, khó ăn uống hoặc dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ.
  • Áp xe quanh amidan: Hình thành ổ áp xe gần amidan, không đáp ứng điều trị kháng sinh.
  • Nghi ngờ ung thư amidan
Bác sĩ chỉ định phẩu thuật cắt amidam trong trường hợp viêm nặng
Bác sĩ chỉ định phẩu thuật cắt amidam trong trường hợp viêm nặng

Quy trình phẫu thuật cắt amidan

Phẫu thuật cắt amidan thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để loại bỏ các amidan qua đường miệng. Thời gian phẫu thuật thường kéo dài khoảng một giờ. Sau đây là quy trình phẫu thuật diễn ra như thế nào:

  • Thăm khám tiền phẫu: Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu, và tư vấn kĩ lưỡng về thủ thuật.
  • Gây mê: Bước đầu tiên chính là gây mê toàn thân giúp bạn bất tỉnh và không cảm thấy đau đớn.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường mở nhỏ ở khu vực amidan, sau đó cẩn thận cắt bỏ chúng.
  • Cầm máu: Bác sĩ sẽ tỉ mỉ xử lý các mạch máu bị tổn thương để kiểm soát chảy máu.
  • Khâu vết mổ (nếu cần): Vết mổ có thể được khâu hoặc để tự lành tuỳ thuộc trường hợp..

Các phương pháp cắt amidan

Hiện nay có một số phương pháp phổ biến dùng để cắt amidan bao gồm:

  • Phương pháp truyền thống: Sử dụng dao mổ và các dụng cụ cơ học để cắt bỏ amidan.
  • Kỹ thuật Coblation: Sử dụng năng lượng sóng radio để làm tan chảy và cắt bỏ mô amidan.
  • Phẫu thuật bằng Laser: Áp dụng các tia laser để loại bỏ amidan.

Nguy cơ của phẫu thuật

  • Chảy máu: Tình trạng chảy máu sau phẫu thuật có thể xảy ra, đặc biệt trong 24h đầu.
  • Nhiễm trùng: Vết mổ có thể bị nhiễm trùng nếu chăm sóc không đúng cách.
  • Khó khăn khi nuốt: Sau phẫu thuật, một số trường hợp có thể bị sưng và đau trong khu vực họng và cổ, gây khó khăn khi nuốt đồ ăn.
  • Thay đổi giọng nói: Amidan nằm gần vị trí của dây thanh âm trong cổ họng. Trong quá trình loại bỏ amidan, có thể xảy ra tổn thương đến dây thanh âm hoặc các cơ xung quanh. Điều này có thể làm thay đổi cách dây thanh âm dao động, gây ra sự thay đổi nhẹ trong âm điệu và chất giọng của người bệnh, trường hợp này khá hiếm gặp.

Chăm sóc sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật cắt amidan, người bệnh cần lưu ý:

  • Uống nhiều nước.
  • Ăn thức ăn mềm, lỏng.
  • Tránh các hoạt động thể chất mạnh.
  • Sử dụng thuốc giảm đau đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Súc miệng thường xuyên.

Viêm amidan là một tình trạng phổ biến, nhưng khi đã nắm rõ về triệu chứng và cách điều trị, bạn có thể dễ dàng kiểm soát và điều trị bệnh. Hãy chú ý đến các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ viêm amidan cho bản thân và gia đình mình.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android