Cắt Trĩ Là Gì? Khi Nào Thực Hiện? Có Đau Không?

Cắt trĩ là phẫu thuật loại bỏ một hoặc nhiều búi trĩ có kích thước lớn hoặc không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn. Mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả cao, nhưng có thể dẫn đến nhiều rủi ro cũng như biến chứng. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

Cắt trĩ
Cắt trĩ là thủ thuật ngoại khoa được áp dụng để loại bỏ búi trĩ hoàn toàn

Cắt trĩ là gì?

Bệnh trĩ là tình trạng xảy ra khi các tĩnh mạch ở trực tràng hoặc hậu môn bị sưng phồng lên, dẫn đến đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu. Cắt trĩ là phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ một hoặc nhiều búi trĩ, được chỉ định khi người bệnh có búi trĩ lớn hoặc không thể điều trị bằng các phương pháp bảo tồn hoặc không đáp ứng các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để rạch những vết nhỏ ở xung quanh hậu môn và loại bỏ búi trĩ một cách dứt điểm. Trong suốt quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ kết hợp sử dụng thuốc an thần, gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.

Cắt trĩ là biện pháp hiệu quả và dứt điểm nhất để điều trị bệnh trĩ nặng hoặc tái phát. Hầu hết người bệnh có thể bị đau sau khi thực hiện thủ thuật. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể ngâm hậu môn trong nước ấm để giảm đau.

Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ được đánh giá là mang lại hiệu quả điều trị cao, tuy nhiên có nhiều rủi ro (chẳng hạn như rối loạn chức năng bàng quang tạm thời dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu) và cần có thời gian nhất định để hồi phục. Do đó, nếu đang cân nhắc thực hiện phẫu thuật cắt trĩ, người bệnh nên tìm hiểu các thông tin cơ bản về biện pháp cũng như trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Khi nào cần thực hiện cắt trĩ?

Mục đích của phương pháp cắt trĩ là loại bỏ các búi trĩ nội hoặc trĩ ngoại. Đây là phương pháp điều trị dứt điểm và hiệu quả nhất đối với bệnh trĩ. Tuy nhiên cắt trĩ có thể dẫn đến nhiều đau đớn và biến chứng hơn so với các phương pháp điều trị không phẫu thuật.

khi nào nên cắt trĩ
Thủ thuật loại bỏ búi trĩ được thực hiện khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên cân nhắc thực hiện phẫu thuật cho một nhóm đối tượng bệnh nhất định, chẳng hạn như:

  • Đã áp dụng các phương pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà, thuốc hoặc các thủ thuật xâm lấn tối thiểu những không thành công hoặc hiệu quả không như mong muốn;
  • Bệnh trĩ cấp độ 3, 4, sa trĩ nội, trĩ hỗn hợp hoặc trĩ huyết khối nghiêm trọng, dẫn đến đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống;
  • Có triệu chứng bệnh trĩ kết hợp với các tình trạng ở hậu môn trực tràng, chẳng hạn như sa trực tràng hoặc nứt kẽ hậu môn;
  • Người bệnh có nhu cầu phẫu thuật để loại bỏ các triệu chứng nhanh chóng hoặc không muốn áp dụng các biện pháp tự chăm sóc.

Phẫu thuật cắt trĩ là một thủ thuật đơn giản, tuy nhiên có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Do đó, khi đã lên lịch phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau, đặc biệt là đối với bệnh nhân gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn.

Các xét nghiệm thường được chỉ định thực hiện trước khi cắt trĩ bao gồm:

  • Các xét nghiệm máu chẳng hạn như công thức máu hoàn chỉnh và bảng đông máu;
  • Phân tích nước tiểu;
  • Điện tâm đồ.

Ngoài ra, trước khi thực hiện cắt trĩ, bác sĩ có thể cân nhắc về tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ đáp ứng của người bệnh đối với phẫu thuật. Hầu hết người bệnh trĩ không thực hiện phẫu thuật. Do đó người bệnh nên cân nhắc áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn trước khi thực hiện cắt trĩ.

Phẫu thuật cắt trĩ có đau không?

Phẫu thuật cắt trĩ là biện pháp điều trị xâm lấn, có thể dẫn đến nhiều biến chứng và rủi ro không mong muốn. Sau phẫu thuật, người bệnh thường cảm thấy đau đớn và khó chịu ở hậu môn. Cơn đau thường kéo dài trong vài ngày và được kiểm soát bằng cách loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc gây đau đớn, cắt trĩ có thể dẫn đến một số rủi ro khác, chẳng hạn như:

  • Chảy máu;
  • Không có khả năng đi tiểu;
  • Hạn chế hoặc mất khả năng kiểm soát đại, tiểu tiện;
  • Rò trực tràng;
  • Nhiễm trùng huyết, là một tình trạng nhiễm trùng có thể gây đe dọa đến tính mạng.

Các phương pháp cắt trĩ phổ biến

Phẫu thuật cắt trĩ hay còn gọi là phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ, thực hiện những vết rạch nhỏ xung quanh hậu môn và loại bỏ búi trĩ. Sau thủ thuật, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn và khó chịu trong 2 tuần và phục hồi hoàn toàn sau 3 – 6 tuần.

Có nhiều quy trình khác nhau để cắt trĩ. Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp phổ biến, chẳng hạn như:

1. Cắt trĩ truyền thống

Thủ thuật này thường được thực hiện để điều trị trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp gây chảy máu và ngứa ngáy. Thủ thuật cắt trĩ truyền thống cũng được sử dụng để loại bỏ búi trĩ huyết khối gây đau đớn dữ dội.

cắt trĩ ngoại như thế nào
Phương pháp cắt trĩ truyền thống sử dụng các vết rạch ở hậu môn để loại bỏ búi trĩ

Trong thủ thuật này, bác sĩ thực hiện một đường rạch nhỏ ở hậu môn và loại bỏ búi trĩ. Đối với bệnh trĩ huyết khối, vết rạch được thực hiện ở trên da của búi trĩ và loại bỏ cục máu đông ở bên trong búi trĩ.

Cắt bỏ búi trĩ theo phương pháp truyền thống có thể dẫn đến đau đớn dữ dội sau khi thực hiện thủ thuật. Ngoài ra nếu vết rạch quá nhỏ có thể khiến máu tích tụ lại và dẫn đến hình thành búi trĩ huyết khối mới.

2. Cắt trĩ bằng phương pháp PPH

Cắt trĩ bằng phương pháp PPH còn được gọi là cắt trĩ bằng kẹp ghim. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ giống như kim bấm để định vị búi trĩ và cắt nguồn cung cấp máu cho búi trĩ. Nếu không có máu, búi trĩ có thể teo lại và tự rụng dần đi.

Trong thủ thuật này, búi trĩ sẽ được nâng lên và ghim lại vào ống hậu môn, nơi có ít dây thần kinh hơn, do đó thường ít đau hơn so với phương pháp cắt trĩ truyền thống. Người bệnh cũng hồi phục nhanh hơn, ít chảy máu, ngứa ngáy cũng như nguy cơ biến chứng thường thấp.

3. Khâu triệt động mạch trĩ

Khâu triệt động mạch trĩ là một thủ thuật sử dụng một cảm biến Doppler thu nhỏ đưa vào hậu môn để phát hiện các động mạch cung cấp máu đến các búi trĩ. Sau khi xác định được động mạch cung cấp máu cho búi trĩ, bác sĩ tiến hành thắt động mạch để ngăn nguồn cung cấp máu cho búi trĩ. Sau vài tuần búi trĩ sẽ teo nhỏ và biến mất.

khâu triệt mạch trĩ
Khâu triệt động mạch trĩ sử dụng cảm biến Doppler để ngăn ngừa nguồn máu cung cấp cho búi trĩ

Khâu triệt động mạch trĩ là thủ thuật mang lại hiệu quả cao và gần như không gây đau.

Sau các thủ thuật cắt trĩ, người bệnh thường khi đau đớn từ nhẹ đến nghiêm trọng, đặc biệt là khi đi đại tiện. Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen, nếu bác sĩ cho phép. Ngâm mình trong bồn nước ấm cũng có thể hỗ trợ giảm đau. Ngoài ra, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về chất làm mềm phân để đi đại tiện thuận lợi hơn.

Quy trình phẫu thuật cắt trĩ

Phẫu thuật cắt trĩ được thực hiện trong bệnh viện. Đây là một thủ tục ngoại trú, tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể được yêu cầu nằm viện để theo dõi thêm.

1. Trước khi phẫu thuật

Người bệnh sẽ được hướng dẫn để thay quần áo bệnh viện. Y tá sẽ ghi lại danh sách thuốc, nhịp tim, huyết áp và đặt một đường truyền (IV) vào tĩnh mạch cánh tay của người bệnh.

Thuốc kháng sinh có thể được tiêm vào tĩnh mạch để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật. Đường truyền (IV) cũng được sử dụng để truyền dịch và thuốc sau phẫu thuật.

Sau đó người bệnh sẽ được đưa vào phòng phẫu thuật, tiến hành gây mê và phẫu thuật.

2. Trong quá trình cắt trĩ

Nếu người bệnh cần gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ đặt ống nội khí quản để giúp người bệnh thở trong suốt quá trình phẫu thuật.

Nếu người bệnh được gây tê cục bộ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào xung quanh hậu môn. Người bệnh cũng sẽ được sử dụng thuốc an thần để thư giãn và giúp người bệnh ngủ trong quá trình phẫu thuật. Trong trường hợp gây tê cột sống, thuốc tê sẽ được tiêm vào tủy sống của người bệnh. Điều này có thể dẫn đến cảm giác đau nhói và khó chịu trong quá trình tiêm thuốc.

quy trình mổ trĩ
Bác sĩ tiến hành kiểm tra hậu môn và loại bỏ búi trĩ

Sau khi gây tê, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt trĩ. Quy trình phụ thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện. Chẳng hạn như phương pháp cắt trĩ truyền thống được thực hiện như sau:

  • Kiểm tra hậu môn: Một dụng cụ được gọi là ống thụt sẽ được đưa vào hậu môn để giúp bác sĩ kiểm tra búi trĩ ở bên trong trực tràng;
  • Tiếp cận búi trĩ: Bác sĩ sử dụng một cái kẹp nhỏ để kéo búi trĩ ra khỏi cơ thắt hậu môn;
  • Cắt bỏ búi trĩ: Bác sĩ thực hiện một đường rạch hình elip xung quanh búi trĩ và cắt bỏ búi trĩ. Sau đó vết mổ được khâu lại để ngăn ngừa máu chảy. Bước này có thể được thực hiện lặp lại nếu người bệnh có nhiều búi trĩ.
  • Khâu vết mổ: Các mép da sẽ được khâu lại bằng chỉ khâu và băng lại bằng gạc y tế để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

3. Sau khi cắt trĩ

Sau phẫu thuật người bệnh sẽ được đưa vào phòng hồi sức để theo dõi các phản ứng sau khi phẫu thuật.

Bởi vì bí tiểu là một biến chứng phổ biến khi thực hiện phẫu thuật cắt trĩ, do đó người bệnh có thể được yêu cầu đi tiểu trước khi xuất viện về nhà. Trong các trường hợp nghi ngờ biến chứng hoặc khi người bệnh không thể đi tiểu, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nhập viện để quan sát thêm.

4. Hồi phục sau phẫu thuật

Quá trình hồi phục sau phẫu thuật có thể mất đến 6 tuần, tùy thuộc vào loại phẫu thuật và mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ.

cắt trĩ bao lâu thì khỏi
Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện cơn đau sau phẫu thuật

Sau tuần đầu tiên, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn, căng hoặc đầy hậu môn. Để giảm bớt cơn đau, bác sĩ thường đề nghị một số biện pháp, chẳng hạn như:

  • Sử dụng thuốc giảm đau theo quy định;
  • Chườm một túi đá vào hậu môn để chống viêm, sưng và giảm đau;
  • Ngâm hậu môn trong bồn nước ấm trong 15 – 20 phút mỗi lần và 3 – 4 lần mỗi ngày;
  • Uống ít nhất là 8 cốc nước và sử dụng chất làm mềm phân để tránh táo bón và ngăn ngừa cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Hầu hết mọi người đều có thể đi đại tiện vào ngày thứ 3 sau khi cắt bỏ búi trĩ.

Điều quan trọng sau khi cắt trĩ là tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ và thông báo cho bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu biến chứng nghiêm trọng.

Chống chỉ định và rủi ro khi thực hiện cắt trĩ

Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên để tránh các rủi ro có thể xảy ra, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:

1. Chống chỉ định

Có một số đối tượng chống chỉ định thực hiện thủ thuật cắt trĩ, chẳng hạn như:

  • Không có khả năng kiểm soát nhu động ruột hoặc tiểu không kiểm soát;
  • Có một khối phồng ở thành âm đạo;
  • Bệnh viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn;
  • Tăng áp lực tĩnh mạch ở cửa hậu môn hoặc giãn tĩnh mạch trực tràng;
  • Rối loạn chảy máu không kiểm soát.

2. Rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh các rủi ro chung của phẫu thuật, chẳng hạn như chảy máu, đau đớn hoặc rủi ro liên quan đến gây mê, có một số rủi ro cụ thể liên quan đến phẫu thuật cắt trĩ. Những rủi ro này phụ thuộc vào loại phẫu thuật cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ.

cắt trĩ ngoại có ảnh hưởng gì không
Sau khi cắt trĩ có thể dẫn đến đại tiện đau đớn

Các rủi ro liên quan đến phẫu thuật trĩ ngoại và trĩ huyết khối:

  • Sưng nhẹ;
  • Áp xe xung quanh hậu môn, là tình trạng xuất hiện một cục u nhỏ, đau được tạo thành từ vi khuẩn và mủ;
  • Tổn thương cơ vòng.

Các rủi ro liên quan đến phẫu thuật trĩ nội:

  • Bí tiểu;
  • Thủng trực tràng, là tình trạng hình thành một lỗ trong trực tràng và dẫn đến nhiễm trùng huyết;
  • Áp xe (không phổ biến);
  • Hình thành lỗ rò hậu môn, là tình trạng xuất hiện một đường nối bất thường giữa ống hậu môn hoặc trực tràng và các khu vực khác, chẳng hạn như âm đạo;
  • Són phân (không phổ biến).

Lưu ý sau khi cắt trĩ

Sau khi cắt trĩ người bệnh có thể bị chảy máu nhẹ hoặc chảy dịch màu vàng từ hậu môn. Điều này có thể gây khó khăn khi đi đại tiện và hoạt động hàng ngày của người bệnh. Trong trường hợp này bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng miếng đệm hậu môn để tránh thoát dịch gây khó chịu.

Sau phẫu thuật, người bệnh nên tránh một số hoạt động có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Người bệnh có thể đi lại, di chuyển ngay sau khi phẫu thuật,tuy nhiên tránh các hoạt động thể chất nặng, chẳng hạn như chạy bộ hoặc nâng tạ;
  • Tránh ngồi trong thời gian dài và sử dụng đệm hoặc gối mềm để giảm áp lực lên hậu môn;
  • Tránh khuân vác nặng hoặc gắng sức khi đi đại tiện trong ít nhất là 5 – 7 ngày;
  • Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, chẳng hạn như nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để ngăn ngừa táo bón.

Bên cạnh đó, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu như:

  • Sốt cao hoặc ớn lạnh;
  • Có vấn đề về tiểu tiện;
  • Đau đớn dữ dội hoặc không đáp ứng các loại thuốc giảm đau;
  • Chảy máu trực tràng nghiêm trọng hoặc xuất hiện cục máu đông ở hậu môn;
  • Nổi mẩn đỏ, sưng tấy, chảy mủ hoặc có mùi hôi từ vết mổ.

Cắt trĩ là một thủ thuật ngoại khoa được thực hiện nhằm loại bỏ búi trĩ. Phương pháp này được thực hiện khi người bệnh không đáp ứng các biện pháp điều trị bảo tồn hoặc khi các triệu chứng trĩ trở nên nghiêm trọng.

Tương tự như các phẫu thuật khác, cắt trĩ có thể dẫn đến một số rủi ro. Tuy nhiên thủ thuật này thường an toàn và mang lại hiệu quả điều trị cao.

Nếu người bệnh bị đau đớn, ngứa ngáy sau khi phẫu thuật trĩ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Tham khảo thêm: Bệnh trĩ có tự khỏi? Có tiến triển nặng nếu không trị?

Xem thêm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 Loại Thuốc Trị Đi Ngoài Ra Máu Được Bác Sĩ Khuyên Dùng 2022

Có nhiều loại thuốc trị đi ngoài ra máu được sử dụng để cầm máu và ngăn ngừa các triệu...

6 Cách Chữa Bệnh Trĩ Bằng Rau Diếp Cá Hiệu Quả Tại Nhà

Cách chữa bệnh trĩ bằng rau diếp cá là bài thuốc dân gian có thể hỗ trợ chống viêm, thanh lọc...

Top 12 Sản Phẩm Thuốc Trị Trĩ Ngoại Được Chuyên Gia Khuyên Dùng

Thuốc chữa trĩ ngoại là cách điều trị nội khoa được hầu hết bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân...