Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Đông Y và Điều Cần Biết
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y là phương pháp điều trị bệnh bằng các bài thảo dược tự nhiên kết hợp với xoa bóp bấm huyệt và châm cứu. Chúng khá an toàn cho sức khỏe, cho hiệu quả tích cực trong việc loại bỏ cơn đau và các triệu chứng bệnh, đồng thời có thể áp dụng rộng rãi trong nhiều đối tượng.
Nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm theo quan niệm của Đông y
Trong Đông y, bệnh thoát vị đĩa đệm được xếp vào nhóm các chứng yêu thống yêu chùy thống hay yêu thống liên tất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này như:
- Cơ thể bị các yếu tố ngoại tà gồm phong – hàn – thấp – nhiệt xâm nhập. Chúng gây cản trở đến hệ thống kinh mạch ở vùng cột sống, từ đó gây đau nhức, tổn thương cho đĩa đệm.
- Lớn tuổi
- Lao động nặng nhọc, quá sức
- Hoạt động tình dục với cường độ cao và không đúng tư thế
- Thận hư yếu
- Khí huyết ứ trệ, không được vận hành tốt
- Tư thế sinh hoạt xấu, ít vận động
- Chấn thương gây ứ huyết và ảnh hưởng đến hoạt động của kinh lạc cùng mạch lạc tại vùng cột sống.
Căn cứ vào nguyên nhân và đặc điểm bệnh sinh, Y học cổ truyền chia thoát vị đĩa đệm thành nhiều thể khác nhau gồm:
- Thể thấp nhiệt
- Thể thận hư
- Thể hàn thấp
- Thể phong thấp
- Thể khí trệ huyết ứ
- Thể thận dương hư.
Thầy thuốc Đông y sẽ căn cứ vào từng thể bệnh, tuổi tác, tình trạng sức khỏe chung để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y
Tùy theo thể bệnh và triệu chứng gặp phải, Đông y có các bài thuốc thảo dược chữa thoát vị đĩa đệm dưới đây.
1. Thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm thể thấp nhiệt
Triệu chứng nhận biệt:
- Đau và có cảm giác nóng ở khu vực thắt lưng
- Sưng thắt lưng trong nhiều trường hợp
- Khó thực hiện các động tác cúi gập người hoặc ngả người ra phía sau.
- Bứt rứt trong người
- Hay khát nước
- Ra nhiều mồ hôi
- Lưỡi có rêu màu vàng và nhờn
- Tiểu tiện ít, đi tiểu buốt và nước tiểu có sắc vàng đậm
- Một số trường hợp bị táo bón
- Mạch sác hoạt hoặc nhu hoạt.
Phép trị:
- Thanh nhiệt
- Hóa thấp
- Chỉ thống
Bài thuốc điều trị: Tứ diệu hoàn gia giảm
- Thành phần: Ý dĩ (30gr), xương truật (12gr), tần giao (9gr), ngưu tất (12gr), hoàng bá (9gr).
- Cách dùng thuốc: Bỏ một thang thuốc vào ấm sau khi đã rửa sạch. Đổ thêm 1 lít nước sắc đến khi nước thuốc cô đặc còn 1/3. Chia thuốc ra uống sau các bữa ăn chính 1 tiếng. Sử dụng khi còn ấm để cải thiện các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm tốt hơn.
Gia giảm:
- Lưng có cảm giác nặng nề: Thêm hán phòng kỷ (9gr), mộc qua (9gr).
- Thường xuyên khát nước, nước tiểu có màu vàng: Thêm chi tử (9gr), mộc thông (3gr), liên kiều (9gr).
- Âm hư, miệng và cổ họng khô, mỏi nhiều ở thắt lưng, ngũ tâm phiền nhiệt và cảm giác khó chịu tăng nặng về đêm: Nữ trinh tử (9gr), thục địa (12gr), hạn liên thảo (9gr).
- Vận động khó khăn: Thêm lạc thạch đằng (9gr), hải phong đằng (9gr).
- Tỳ hư: Gia thêm bạch truật (12gr), phục linh (12gr).
- Thận hư nặng: Cần thêm câu kỷ tử (9gr), tục đoạn (9gr).
- Huyết ứ: Bổ sung một dược (6gr), nhũ hương (6gr) và xích thược (9gr).
2. Bệnh thoát vị đĩa đệm thể thận hư và cách chữa bằng Đông y
Triệu chứng nhận biết:
- Đau thắt lưng ê ẩm
- Cảm giác không có sức khi bước đi
- Đứng lâu có thể gây khuỵu chân
- Sốt về chiều
- Ra nhiều mồ hôi trộm
- Ngũ tâm phiền nhiệt
- Niêm mạc họng khô
- Lưỡi đỏ
- Mạch tế sác
Phép trị:
- Tư âm
- Bổ thận
- Giáng hỏa
- Thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc điều trị: Tả quy hoàn gia giảm.
- Thành phần: Cao ban long (6gr), hoài sơn (9gr), đỗ trọng (12gr), sơn thù (9gr), cao quy bản (6gr), ngưu tất (9gr), kỷ tử (9gr), thỏ ty tử (9gr), thục địa (12gr), tang ký sinh (9gr).
- Cách dùng thuốc: Sắc kỹ 1 thang lấy nước đặc chia làm 3 lần dùng trong ngày. Kiên trì sử dụng bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y “Tả quy hoàn” đều đặn mỗi ngày theo liệu trình của thầy thuốc để kiểm soát tốt bệnh.
Gia giảm:
- Choáng váng, ù tai, mất ngủ, hay hồi hộp: Thêm mẫu lệ (6gr), thạch quyết (12gr), long cốt (6gr).
- Miệng và họng khô, tâm hư, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm: Thêm hoàng bá (9gr), tri mẫu (9gr).
- Khó khăn khi vận động: Thêm ty qua lạc (9gr), lạc thạch đằng (9gr).
- Khí huyết ứ trệ: Thêm nhũ hương (6gr), một dược (6gr).
- Cổ họng có đờm: Thêm tầm giao (12gr), khương hoạt (12gr).
- Tỳ hư: Thêm bạch truật (12gr), phục linh (12gr).
3. Điều trị thoát vị đĩa đệm thể hàn thấp bằng thuốc Đông y
Triệu chứng nhận biết:
- Đau lưng trên, lưng giữa hoặc lưng dưới tùy theo vị trí bị bệnh
- Vùng thắt lưng có cảm giác nặng như bị vật đè lên
- Lạnh các chi, chân tay yếu
- Cơn đau lưng tăng khi thời tiết lạnh, khi vận động mạnh hoặc dùng tay ấn vào. Chườm nóng có thể giúp xoa dịu cơn đau.
- Tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu trong
- Sắc lưỡi nhạt, đóng rêu nhờn.
Phép trị:
- Ôn kinh
- Trừ thấp
- Tán hàn
- Chỉ thống
Bài thuốc điều trị:
- Thành phần: Xuyên ô (9gr), phụ tử (9gr), cam thảo (6gr), độc hoạt (9gr), ma hoàng (6 gr), can khương (9gr), cát căn (9gr), quế chi (9gr), tế tân (3gr).
- Cách sử dụng thuốc: Rửa sạch tất cả dược liệu rồi bỏ vào ấm sắc với 700ml nước lấy 300ml. Mỗi thang chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Gia giảm:
- Thận hư: Bổ sung thêm tục đoạn (9gr), tang ký sinh (9gr)
- Lưng dưới có cảm giác nặng: Thêm dược liệu thương truật (9gr).
- Có biểu hiện tỳ hư: Thêm bạch truật (12gr) và phục linh (12gr).
- Ứ trệ huyết: Thêm một dược (9gr), xích thược (9gr) và nhũ hương (9gr).
- Phong hàn xuất hiện cơn đau lan tỏa qua hông sườn hoặc lan xuống đầu gối: Thêm khương hoạt, phòng phong theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
4. Chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y cho bệnh nhân thể phong thấp
Triệu chứng nhận biết:
- Đau lưng trên và lưng dưới. Lưng đau nặng như có vật đè nén. Cơn đau từ thắt lưng có thể lan tận xuống các ngón chân.
- Mất cảm giác
- Sợ lạnh, sợ gió
- Cơ thể nặng nề
- Lưỡi trắng nhạt, bề mặt đóng rêu vàng.
- Mạch phù, tế hoặc huyền
Phép trị:
- Khu phong
- Hóa thấp
- Thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc điều trị: Độc hoạt ký sinh thang
- Thành phần: Tang ký sinh (8gr), độc hoạt (9gr), thạch chi (15gr), đương quy (12gr), cam thảo (3gr), phòng phong (9gr), đẳng sâm (12gr), xuyên khung (9gr), nhục quế (3gr), tần giao (12gr), ngưu tất (9gr), phục linh (12gr), tế tân (3gr), bạch thược (9gr), đỗ trọng (12gr).
- Cách sử dụng: Bỏ hết 1 thang thuốc vào trong ấm. Đổ ngập nước rồi đun sôi trong khoảng 20 phút cho các dược liệu tiết hết ra. Thuốc sắc thu được uống làm 3 lần khi còn ấm, dùng ngày thang.
Gia giảm:
- Đau nặng: Bổ sung thương truật (9gr), uy linh tiên (9gr).
- Vận động khó khăn: Thêm lạc thạch đằng (9gr), hải phong đằng (9gr).
- Thận hư nặng: Bổ sung câu kỷ tử (9gr), tục đoạn (9gr)
- Tỳ hư: Thêm bạch truật (12gr).
- Ứ trệ huyết: Thêm nhũ hương (6gr), một dược (6gr) và xích thược (9gr).
5. Điều trị thoát vị đĩa đệm thể khí trệ huyết ứ bằng thuốc Đông y
Triệu chứng nhận biết:
- Đau nhói ở lưng và chân. Cơn đau chủ yếu cố định ở một chỗ và thường nhẹ vào ban ngày, tăng nặng vào ban đêm. Ấn nhẹ vào vùng cột sống bị thoát vị đĩa đệm thấy rất đau. Một số trường hợp cơn đau còn lan xuống cả chân.
- Tê chân, mất cảm giác ở chân
- Đi lại khó khăn
- Lưỡi đỏ tím hoặc có thể nổi nhiều vết ban đỏ
- Hay bị táo bón
- Mạch trầm, sác hoặc huyền.
Phép trị:
- Khử ứ
- Hành khí
- Hoạt huyết
- Chỉ thống
- Thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc điều trị: Thân thống trục ứ thang gia giảm
- Thành phần: Cam thảo (3gr), tục đoạn (12gr), xuyên khung (9gr), xương bồ (6gr), cốt toái bổ (9gr), hồng hoa (9gr), đào nhân (9gr), khương hoạt (9gr), đương quy (9gr),nhũ hương (9gr), địa long (9gr), tần giao (9gr).
- Cách sử dụng: Bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y “Thân thống trục ứ thang” được sử dụng theo hình thức sắc uống. Ngày dùng 1 thang. Bệnh nhân nên kiên trì dùng đủ liệu trình theo hướng dẫn của thầy thuốc để bệnh nhanh có sự chuyển biến tốt.
Gia giảm:
- Phong thấp gây khí trệ huyết ứ: Thêm uy linh tiên (9gr), phòng phong (9gr), độc hoạt (9gr).
- Chấn thương: Mộc tô (3gr), tam thất (3gr).
- Thận hư: Thêm tang ký sinh (9gr), ngũ gia bì (15gr), cẩu tích (9gr).
- Tỳ hư: Thêm phục linh (12gr), bạch truật (12gr).
- Tê chân, mất cảm giác ở chi dưới: Thêm ngô công (3gr), thổ miết trùng (6gr), ô tiêu (6gr).
6. Đông y chữa thoát vị đĩa đệm thể thận dương hư
Triệu chứng nhận biết:
- Đau lưng ê ẩm. Cảm giác đau thuyên giảm khi nằm nghỉ ngơi, mát xa hay chườm nóng ở điểm đau.
- Lạnh lưng, tê hoặc mất cảm giác ở lưng
- Tứ chi lạnh
- Chân yếu sức gây khó khăn cho việc đi đứng
- Sợ lạnh
- Da mặt xanh xám
- Hơi thở ngắn
- Sắc lưỡi nhạt phủ rêu trắng
- Nước tiểu trong
- Hơi thở ngắn
- Mạch trầm tế, không lực.
Phép trị:
- Bổ thận
- Tráng dương
- Ôn kinh
- Tán hàn
Bài thuốc điều trị: Hữu quy hoàn gia giảm.
- Thành phần:Thục địa (12gr), thỏ ty tử (9gr), tục đoạn (9gr), đỗ trọng (9gr), hoài sơn (9gr), kỷ tử (9gr), cao ban long (9gr), sơn thù (9gr), cẩu tích (9gr), đương quy (8gr) và phụ tử (3gr).
- Cách sử dụng: Hợp các vị thuốc trên thành một thang. Bỏ tất cả vào ấm sắc với 5 bát nước đến khi cạn còn 3 bát. Gạn uống khi còn ấm mỗi ngày 1 thang.
Gia giảm:
- Đau âm ỉ, trung khí hạ hãm: Giảm bớt các dược liệu gồm đương quy và câu kỷ tử. Bổ sung thêm bạch truật (9gr), hoàng kỳ (12gr), đảng sâm (9gr), sài hồ (3gr), thăng ma (3gr).
- Khí huyết ứ trệ: Tăng liều đương quy lên 9g. Kết hợp bổ sung thêm một dược (6gr), nhũ hương (6gr).
- Hàn thấp: Thêm tần giao (9gr), khương hoạt (9gr), độc hoạt (9gr).
- Tỳ hư: Thêm phục linh (12gr), bạch truật (12gr).
7. Bài thuốc giảm đau thắt lưng cho người bị thoát vị đĩa đệm
- Thành phần: Rễ ngưu tất (300gr), lá lốt (16gr), ý dĩ (20gr), đỗ trọng (20gr).
- Cách sử dụng thuốc: Rửa dược liệu cho sạch tạp chất rồi bỏ vào ấm. Thêm 4 bát nước và đun sôi trên lửa nhỏ trong 20 phút. Lọc bỏ bã lấy nước sắc chia làm 3 phần uống hết trong ngày. Duy trì uống mỗi ngày 1 thang trong 1 tháng liên tục để điều trị đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm.
8. Bài thuốc Đông y hoạt huyết, giải phóng áp lực cho đĩa đệm
- Thành phần: Kết hợp các dược liệu gồm phòng phong, địa hoàng, quế chi, uy linh tiên, cườm gạo, thanh táo, rễ nam ngưu tất, hoàng bá. Liều dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Cách sử dụng: Rửa sạch tất cả và cho vào ấm. Sắc thuốc với 6 bát nước trong 30 phút. Thuốc sắc thu được uống 3 lần trong ngày cho hết.
Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Đông y khác
Bên cạnh các bài thuốc thảo dược, y học cổ truyền còn ứng dụng liệu pháp xoa bóp bấm huyệt hay châm cứu vào trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm nhằm năng cao hiệu quả, tăng cường chức năng vận động cho người bệnh.
1. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là kỹ thuật điều trị bệnh không xâm lấn được áp dụng rộng rãi cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Bằng các thao tác day ấn, lăn, bóp tác động trực tiếp lên huyệt đạo phản chiếu và vùng bị ảnh hưởng, phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y này mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh như:
- Làm mềm, giảm co thắt hoặc căng quá mức ở các cơ vùng vai, lưng, mông hay chân
- Giảm đau nhức, tê bì chân tay và các triệu chứng khác do bệnh thoát vị đĩa đệm gây ra.
- Tạo ra kích thích vật lý vào mạch máu và các dây thần kinh. Điều này giúp tăng cường lưu thông máu, giảm kích thích cho rễ thần kinh.
- Tăng cường các chất dinh dưỡng tại chỗ để nuôi dưỡng, tái tạo đĩa đệm bị tổn thương.
- Phục hồi chức năng vận động của cơ thể.
2. Châm cứu trị thoát vị đĩa đệm
Có nhiều phương pháp châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm như ngải châm, điện châm, thủy châm hay sử dụng kim châm truyền thống. Chúng có tác dụng giảm đau, ức chế phản ứng viêm, tăng cường nguồn năng lượng tốt cho thận, làm thông kinh mạch, làm chậm quá trình thoát vị hoặc thoái hóa đĩa đệm, giảm co cơ và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động.
Các huyệt đạo được châm cứu để khắc phục bệnh thoát vị đĩa đệm bao gồm: Thận du, Mệnh môn, Đại trường du, Dương quan, Ủy trung.
Châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm bằng Đông y là một phương pháp an toàn, ít có rủi ro. Tuy nhiên, người bệnh nên thận trọng lựa chọn những địa chỉ uy tín để được trị liệu nhằm tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn do châm cứu không đúng cách, chẳng hạn như chảy máu, bầm tím da, đau tại chỗ châm kim, buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!