Chụp X-quang Sỏi Thận Là Gì? Các Phương Pháp Chụp X-quang Sỏi Thận

Sỏi thận là bệnh lý rất dễ gặp, lại ẩn chứa những nguy hiểm rất lớn cho người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời. Một trong những biện pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận phổ biến nhất hiện này đó là chụp x-quang sỏi thận. Vậy chụp x-quang sỏi thận là gì, có bao nhiêu phương pháp chụp?

Chụp x-quang sỏi thận là gì? Chỉ định trong trường hợp nào

Chụp X – quang là phương pháp tận dụng các bức xạ năng lượng cao để đánh giá tình trạng bệnh, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện sỏi thận sớm. Máy chụp X – quang sẽ phát ra các chùm tia X có tần số bức xạ cao. Các tia X này sẽ chiếu xuyên qua các mô mềm và dịch thể trong cơ thể một cách dễ dàng, từ đó tạo hình ảnh rõ ràng các vật thể có liên kết bền hơn như cặn chất thải, sỏi, vật thể lại trong cơ thể.

Hình ảnh chụp X - quang sỏi thận
Hình ảnh chụp X – quang sỏi thận

Bằng cách này, bác sĩ chẩn đoán có thể nhìn thấy rõ hình ảnh của sỏi xuyên qua cơ thể từ đó biết được kích thước, mật độ, số lượng và vị trí của các viên sỏi. Từ đó, bác sĩ sẽ tiến hành những biện pháp điều trị cụ thể riêng dựa trên kết quả chụp và tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Hiện nay, chụp X – quang sỏi thận thường được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh về thận như sỏi thận; dị dạng bóng đái, đường tiết niệu; chấn thương thận; u lao thận; giãn, hẹp động mạch thận,… hoặc theo dõi tiến trình phát triển của sỏi thận trong khi điều trị hoặc theo dõi kết quả, phòng tránh tái phát bệnh sau phẫu thuật lấy sỏi.

Các phương pháp chụp x-quang sỏi thận

Chụp X quang để chẩn đoán sỏi thận được thực hiện bằng 2 cách: chụp X-quang không dùng thuốc cản quang và chụp X-quang có cản quang. Cụ thể như sau:

Chụp X-quang thận không dùng thuốc cản quang

Chụp X-quang thận không dùng thuốc cản quang được hiểu là kết quả chụp thận (phim chụp) không sử dụng thuốc cản quang. Phương pháp này còn được các bác sĩ gọi là chụp không chuẩn bị.

Trước khi tiến hành chụp, bệnh nhân vẫn cần thực hiện việc làm sạch đường ruột. Người bệnh sẽ được súc ruột cho thật sạch để hơi và chất thải trong ruột không làm che lấp đi các chi tiết quan trọng của bệnh cần được phát hiện. Nếu không muốn rửa ruột, bệnh nhân cần sử dụng thuốc xổ liều mạnh để đào thải toàn bộ chất thải trong cơ thể ra khỏi ruột.

Hình ảnh chụp thận không có thuốc cản quang
Hình ảnh chụp thận không có thuốc cản quang

Thông thường, chụp X-quang không thuốc cản quang thường được chỉ định để phát hiện sỏi cản quang đường tiết niệu tại các vị trí như đài thận, bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo; để xác định bóng thận; và để chẩn đoán phân biệt bệnh đau lưng, thắt lưng và vùng xương cụt với bệnh đau do sỏi thận, sỏi tiết niệu.

Kết quả phim chụp X – quang không cản quang tương ứng với các loại sỏi thận như sau:

  • Sỏi canxi photphat: Một khối trắng hình dạng tròn đều, đôi khi có thể xuất hiện những vòng tròn đồng tâm do quá trình tích tụ, kết tinh nhiều lần.
  • Sỏi magie amoni photphat: Thường có hình dạng viên sỏi nhiều nhánh trông như củ gừng hoặc san hô nên thường được gọi là sỏi thận san hô. Loại sỏi này có khả năng cản quang mạnh, nên trên phim sẽ thấy hình ảnh nhánh sỏi màu trắng đục. Nếu sỏi có phối hợp với canxi photphat hoặc oxalat thì có thể xuất hiện các vòng đồng tâm trên kết quả phim chụp.
  • Sỏi canxi oxalat: Thường là các viên sỏi nhỏ, tròn, trên phim X – quang sẽ thấy có nhiều mắt nhọn hay gai hướng tâm.
  • Sỏi cystin: Đây là sỏi kém cản quang, trên phim của X – quang không dùng thuốc cản quang có thể thấy xuất hiện các “nốt” trắng mờ, nhưng đặc điểm là bề mặt các nốt này rất trơn láng, tròn đều.
  • Sỏi urat: Đây là loại sỏi rất kém cản quang nên cách chụp X – quang không dùng thuốc cản quang hầu như không thể phát hiện ra loại sỏi này.

Chụp X-quang thận có cản quang

Phương pháp chụp X – quang chẩn đoán sỏi thận có cản quang hoạt động theo nguyên lý dùng một liều thuốc cản quang có chứa iod tan trong nước để tiêm vào tĩnh mạch người được chụp. Lượng thuốc cản quang được dùng nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào tình trạng thận và cân nặng của người bệnh. Thuốc cản quang có chứa iod tan trong nước sẽ được hấp thụ ở thận và truyền tới toàn bộ nước tiểu trong thận.

Khi đó, kết quả phim chụp X – quang sẽ cho hình ảnh của tất cả các vị trí chứa nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bọng đái.

Hình ảnh kết quả của phương pháp chụp X-quang có thuốc cản quang
Hình ảnh kết quả của phương pháp chụp X-quang có thuốc cản quang

Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện để phát hiện các loại sỏi không nhìn thấy được hoặc khó xác định trên phim chụp không có thuốc cản quang như Sỏi cystin, sỏi urat. Với cách chụp có cản quang này, hình ảnh viên sỏi thận sẽ được thấy xuất hiện trong vùng nước tiểu. Phim chụp sẽ hiển thị một vùng tối màu không có thuốc xuất hiện đúng với vị trí và hình dạng của viên sỏi.

Ngoài ra, chụp X – quang có thuốc cản quang còn cho biết tình trạng ứ nước trong thận do sỏi gây ra, phát hiện bệnh lý dị dạng, chấn thương thận, u thận, lao thận. Đồng thời nó cũng cho biết tình hình chức năng thận của người bệnh còn hoạt động chấp nhận được hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh cần mổ hay chưa.

Lưu ý đối với bệnh nhân trước và trong khi thực hiện x – quang sỏi thận

Chụp X – quang sỏi thận thường không gây đau cho người chụp, nhưng kỹ thuật này yêu cầu người bệnh phải nghiêm túc thực hiện các khâu chuẩn bị trước và trong khi thực hiện. Cụ thể, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Nên hẹn lịch chụp X – quang trước với bác sĩ để được hướng dẫn các bước chuẩn bị chi tiết.
  • Với người chụp X – quang không thuốc cản quang: Bắt buộc phải thụt tháo 2 lần trước khi chụp để loại trừ hình ảnh các vật thể, thức ăn, chất cặn có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Chú ý không uống các loại thuốc có tính chất cản quang trước khi chụp 3 ngày như thuốc Bismuth, các thuốc cản quang chụp đại tràng, dạ dày, thực quản,…
  • Với người chụp X – quang có thuốc cản quang cần thực hiện xét nghiệm ure, creatinin huyết thanh và thử phản ứng với iod trước khi chụp bằng cách tiêm thử dưới da 0,5 – 1 ml thuốc cản quang có iod và báo cáo các phản ứng dị ứng nếu có của cơ thể cho bác sĩ phụ trách.
  • Nên nhịn ăn hoặc ăn thức ăn lỏng như cháo, súp trước ngày đi khám và chụp X – quang sỏi thận.
  • Người chụp cần mặc đồ nhẹ, mỏng hoặc dùng áo choàng của Bệnh viện và loại bỏ tất cả các vật dụng trên người có thể ảnh hưởng đến kết quả phim chụp như cặp tóc, điện thoại, đồ trang sức, vật dụng kim loại để kết quả chụp chính xác nhất.
  • Chú ý để làm theo đúng các chỉ dẫn của chuyên viên hướng dẫn trong phòng chụp và cần thông báo cho nhân viên y tế thực hiện nếu có sử dụng các loại dụng cụ cấy ghép điện tử như máy tạo nhịp tim, máy cấy trợ thính,…
  • Không chụp phim X – quang nếu người bệnh đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai. Với các bà mẹ đang cho con bú nên dừng cho con ăn sau khi tiêm thuốc cản quang ít nhất 24 giờ, sau 24 giờ có thể cho ăn lại bình thường.
  • Với những người chụp X – quang sỏi thận để theo dõi tiến trình phát triển sỏi sỏi nên mang theo kết quả phim chụp của lần chụp trước để bác sĩ dễ xác định tình hình tiến triển của bệnh.

Trên đây là các thông tin hữu ích về phương pháp chụp X – quang sỏi thận. Đây là một trong những cách phát hiện sỏi thận tốt nhất, được nhiều bác sĩ, chuyên gia chuyên ngành thận – tiết niệu chỉ định. Bởi vậy, khi thực hiện chụp X- quang, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện các chỉ dẫn từ chuyên viên kỹ thuật để phát hiện, điều trị bệnh sỏi thận một cách kịp thời và nhanh chóng lấy lại sức khỏe cho thận.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android