Đau Đầu Gối Khi Lên Xuống Cầu Thang

Cơ bản

Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang có thể xảy ra do nguyên nhân vật lý hoặc bệnh lý. Ở những trường hợp bệnh lý, bạn cần điều trị chuyên khoa đúng cách ngay từ sớm để phòng ngừa các rủi ro không mong muốn.

Nguyên nhân

Khớp gối là cơ quan chịu rất nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể cũng như các vận động thể chất hàng ngày. Chính vì thế, khớp gối sẽ dễ bị tổn thương hơn so với các khớp còn lại trên cơ thể. Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang là triệu chứng thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi.

Hoạt động leo cầu thang có tác động trực tiếp đến vùng cơ và xương ở đầu gối. Nếu ổ khớp bị tổn thương, động tác leo cầu thang sẽ gây kích thích đến ổ khớp và khởi phát cơn đau nhức. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu gối khi lên xuống cầu thang thường gặp bạn có thể tham khảo:

+ Vận động quá mức: Vận động khớp gối quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đau khớp gối khi leo cầu thang. Khi hoạt động khớp gối quá mức, áp lực lên ổ khớp sẽ ngày càng tăng và gây tổn thương đến mô mềm xung quanh. Ở trường hợp này, triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm sau vài ngày nghỉ ngơi. Nhưng nếu tình trạng này lặp lại quá nhiều lần sẽ làm tăng tốc độ thoái hóa và giảm khả năng vận động của khớp gối.

+ Leo cầu thang quá nhanh: Leo cầu thang quá nhanh khiến khớp gối phải chịu áp lực rất lớn. Nếu bạn leo từ 2 - 3 bậc thang trong một lần có thể gây tổn thương đến ổ khớp và kích thích triệu chứng đau nhức. Trường hợp không được khắc phục đúng cách sẽ khiến ma sát giữa các sụn khớp gối tăng lên, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa mô sụn và tạo cơ hội cho các bệnh lý xương khớp mãn tính khởi phát.

+ Chấn thương khớp gối: Khớp gối rất dễ bị chấn thương khi bạn tham gia các hoạt động sống hàng ngày. Các loại chấn thương thường gặp là giãn dây chằng, viêm màng bao hoạt dịch, rách sụn chêm,... Khi tình trạng chấn thương diễn ra ở mức độ nặng sẽ gây ra triệu chứng phù nề và bầm tím ngoài da. Còn với trường hợp nhẹ sẽ không gây ra triệu chứng bất thường, chỉ khi bạn thực hiện các vận động làm gia tăng áp lực lên khớp gối như leo cầu thang, mang vác vật nặng,... mới gây ra triệu chứng đau nhức.

+ Cấu trúc khớp gối bất thường: Đau đầu gối khi leo cầu thang cũng có thể xảy ra khi bạn mắc phải một số dị tật bẩm sinh tại khớp gối như trật bánh chè bẩm sinh, sụn chêm hình đĩa,... Nếu các dị tật này gây tổn thương nặng đến khớp, bạn cần điều trị chuyên khoa để tránh ảnh hưởng đến khả năng vận động hàng ngày.

+ Do bệnh lý xương khớp: Mắc các bệnh lý xương khớp như thoái hóa khớp gối, khô khớp gối, tràn dịch khớp gối, viêm khớp dạng thấp, gout,... cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau đầu gối khi leo cầu thang. Ở trường hợp này bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa, tránh để bệnh chuyển biến nặng và phát sinh biến chứng.

Chăm sóc tại nhà

Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang thường xảy ra khi ổ khớp gối đang bị tổn thương. Nếu không khắc phục, tổn thương tại khớp sẽ chuyển biến nặng và tạo cơ hội cho các bệnh lý xương khớp mãn tính khởi phát. Còn với những trường hợp bị đau đầu gối khi leo cầu thang do bệnh lý, bạn cần điều trị chuyên khoa để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng đau khớp gối khi lên xuống cầu thang bạn có thể tham khảo:

1. Dành thời gian để nghỉ ngơi

Hầu hết các trường hợp bị đau đầu gối khi lên xuống cầu thang đều xảy ra do vận động khớp gối quá mức hoặc chấn thương khớp gối ở mức độ nhẹ. Ở trường hợp này, bạn chỉ cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Chỉ sau vài ngày, triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm đáng kể.

Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế thực hiện các động tác gây áp lực lên khớp gối, tránh để triệu chứng viêm đau trở nên tồi tệ hơn. Với những trường hợp chấn thương nặng, bạn cần được xử lý y tế đúng cách để tránh bị thoái hóa khớp.

2. Điều chỉnh tư thế leo cầu thang

Leo cầu thang khiến khớp gối cùng nhiều khớp khác trên cơ thể phải chịu áp lực rất lớn. Thói quen leo cầu thang không đúng cách sẽ khiến các khớp này dễ bị tổn thương và kích thích khởi phát cơn đau. Chuyên gia cho biết, khi leo cầu thang bạn chỉ nên thực hiện với cường độ vừa phải và bước từng bậc, không nên bước 2 - 3 bậc một lúc. Đồng thời, phải cẩn thận khi leo cầu thang để tránh bị chấn thương hoặc té ngã.

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ chọn leo cầu thang để giảm cân và đốt mỡ. Tuy nhiên,  leo cầu thang quá nhiều với cường độ cao sẽ tác động không tốt đến ổ khớp gối và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Vì vậy, leo cầu thang không được khuyến khích thực hiện để giảm cân, tránh gây hại đến khớp gối.

3. Tiến hành tự giảm đau tại nhà

Nếu triệu chứng đau nhức diễn ra kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau sau đây:

  • Nếu bị đau đầu gối do chấn thương, bạn nên dùng nẹp cố định đầu gối giúp giảm áp lực lên khớp gối và ổn định cấu trúc khớp. Trong thời gian dùng nẹp, bạn nên nghỉ ngơi để quá trình phục hồi tổn thương có thể diễn ra một cách tốt nhất.
  • Tiến hành chườm nóng hoặc chườm lạnh mỗi khi cơn đau nhức ở đầu gối khởi phát. Nên chườm lạnh khi đầu gối bị đau nhức kèm theo sưng đau và phù nề. Nên chườm ấm khi bị đau đầu gối đơn thần hoặc có kèm theo phản ứng viêm.
  • Xoa bóp khớp gối cũng là biện pháp giảm đau khá an toàn và hiệu quả. Trước khi xoa bóp, bạn nên thoa một lớp dầu nóng hoặc tinh dầu thảo dược lên khớp gối để làm tăng hiệu quả mang lại. Nếu khớp gối bị đau nhức kèm theo phù nề hoặc bầm tím, bạn không nên áp dụng phương pháp xoa bóp để giảm đau.

4. Tập thể dục mỗi ngày

Hình thành cho bản thân thói quen tập thể dục mỗi ngày cũng là một trong những cách giảm đau đầu gối khi leo cầu thang khá hiệu quả. Vận động thể chất sẽ tăng trao đổi chất và kích thích tuần hoàn máu diễn ra bên trong cơ thể. Từ đó, quá trình tái tạo và phục hồi mô sụn sẽ diễn ra tốt hơn, làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp.

Đồng thời, tập luyện đúng cách còn tăng cường sức mạnh cơ bắp và độ dẻo dai của khớp. Từ đó, triệu chứng đau nhức khớp gối khi vận động sẽ ít khởi phát và phòng ngừa được các chấn thương không mong muốn. Các bài tập được chuyên gia khuyến khích tập luyện là yoga, bơi lội, đi bộ,... Nhưng nếu đang bị đau nhức nhiều kèm theo viêm đỏ, bạn nên hạn chế tập luyện cho đến khi tình trạng này đã được kiểm soát.

5. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Ăn uống khoa học có tác dụng làm tăng thể trạng và giúp quá trình điều trị bệnh lý xương khớp nhanh mang lại hiệu quả. Các loại thực phẩm mà bạn nên tăng cường sử dụng khi bị đau đầu gối là cá béo giàu omega-3, nước hầm hải sản, nước hầm xương, ngũ cốc, rau xanh và trái cây tươi.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế tiêu thụ các nhóm thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị như đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều muối hoặc đường, đồ ăn chứa chất béo bão hòa, tinh bột tinh luyện, chất kích thích,...

6. Thăm khám và điều trị y tế

Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang có thể là dấu hiệu của bệnh lý xương khớp mãn tính. Nếu bị đau nhức kéo dài với mức độ ngày càng nghiêm trọng, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách. Hiện tại, y khoa vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm các bệnh lý xương khớp mãn tính. Vì thế, việc điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát cơn đau, tăng khả năng vận động và phòng ngừa các biến chứng không mong muốn.

Câu hỏi thường gặp

Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang nguy hiểm không?

Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang khiến bạn gặp phải rất nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, đây còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý xương khớp khác. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, khớp gối sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và phát sinh ra nhiều biến chứng không mong muốn.

Trong đó, biến dạng ổ khớp là biến chứng nghiêm trọng nhất mà bạn có thể gặp phải. Lúc này, khả năng vận động của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là gây bại liệt. Nếu nghi ngờ bản thân bị đau đầu gối khi lên xuống cầu thang do bệnh lý, bạn không nên chủ quan trong việc điều trị.

Còn với những trường hợp đầu đầu gối do nguyên nhân vật lý thì bạn không cần quá lo lắng, nếu có biện pháp chăm sóc đúng cách thì triệu chứng đau nhức sẽ nhanh chóng thuyên giảm chỉ sau vài ngày.

Phòng ngừa

Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Để phòng ngừa, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Duy trì tư thế tốt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Loại bỏ các tư thế xấu gây áp lực không tốt lên khớp gối như ngồi xổm quá lâu, leo cầu thang nhanh hoặc nhiều bước một lúc, khuân vác vật nặng sai tư thế,...
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý bằng cách tập luyện và kiểm soát khẩu phần ăn. Tiến hành giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì.
  • Xây dựng cho bản thân thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học giúp nâng cao sức khỏe tổng thể. Nói không với chất kích thích để tránh gây hại đến hệ xương khớp.
  • Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng độ linh hoạt và dẻo dai cho xương khớp. Tập luyện vừa sức và đúng cách để tránh gây phản tác dụng.
  • Thăm khám sức khỏe xương khớp định kỳ 6 tháng/lần giúp sớm phát hiện vấn đề bất thường và đưa ra các biện pháp xử lý đúng cách.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đau khớp gối khi lên xuống cầu thang bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Hy vọng, chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc sớm phát hiện các bất thường tại khớp gối và đưa ra phương án xử lý cho phù hợp. Với trường hợp bệnh lý, bạn cần điều trị chuyên khoa để tránh các rủi ro không mong muốn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android