Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn

Cơ bản

Đau dây thần kinh liên sườn gây ra cảm giác rất khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc hàng ngày của người bệnh. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần tìm ra nguyên nhân để có thể đưa ra phương pháp điều trị cho phù hợp. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh đau dây thần kinh liên sườn bạn có thể tham khảo.

Định nghĩa

Chuyên gia xương khớp cho biết, hệ thống dây thần kinh liên sườn trên cơ thể gồm có 12 cặp và chúng có điểm xuất xuất là từ rễ thần kinh tủy ngực D1 - D12. Các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống ngực được chia thành hai nhánh là trước và sau, nhánh trước chi phối vùng ngực bụng còn nhánh sau chi phối vùng lưng. Nhánh trước được gọi là dây thần kinh liên sườn, sau khi tách khỏi rễ chung chúng sẽ kết hợp với mạch máu để tạo thành bó mạch và phân bố bên dưới bờ của mỗi xương sườn.

Do dây thần kinh liên sườn nằm ngay trên thành ngực nên rất dễ bị tổn thương do các tác động từ cột sống, tủy sống và xương sườn. Đau dây thần kinh liên sườn là hiện tượng đau nhức xảy ra ở những vùng có dây thần kinh liên sườn đi qua như mạn sườn, ngực và bụng. Cơn đau nhức thường khởi phát khi dây thần kinh bị kích thích bởi các yếu tố như virus, bệnh lý,... Dựa vào mức độ bệnh trạng mà cơn đau sẽ có tính chất đau nhói, đau âm ỉ kéo dài hay đau dữ dội. Dựa vào nguyên nhân mà y khoa chia bệnh lý này thành 3 dạng cơ bản sau đây:

  • ĐDTKLS nguyên phát: Tình trạng đau nhức ở dây thần kinh khởi phát nhưng không rõ nguyên nhân.
  • ĐDTKLS tiên phát: Cơn đau nhức thường khởi phát do một số nguyên nhân cơ bản như ngồi sai tư thế, thời tiết lạnh, chấn thương,...
  • ĐDTKLS thứ phát: Bệnh khởi phát do tác động từ một số bệnh lý nền khác như đau lưng, bệnh lý về phổi, thoái hóa cột sống, bệnh về thần kinh,...

Nguyên nhân

Việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng đau dây thần kinh liên sườn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp bạn có thể tham khảo:

+ Thoái hóa cột sống: Đây là nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn phổ biến nhất, thường xảy ra ở những người lao động nặng hoặc người già. Đặc trưng của bệnh lý này là gây đau nhức âm ỉ ở vùng ngực, bạn có thể cảm nhận rất rõ khi vận động.

+ Bệnh lý tủy sống: Mắc phải một số bệnh lý tại tủy sống như u tủy sống, u rễ thần kinh,... cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau dây thần kinh liên sườn khá phổ biến. Thông thường, cơn đau sẽ xảy ra ở một bên sườn hoặc ở khu vực tủy sống bị tổn thương. Tuy nhiên, cơn đau thường khởi phát rất mơ hồ nên khó nhận biết.

+ Lao hoặc ung thư cột sống: Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là gây đau nhức dữ dội ở đoạn cột sống tương ứng, sau đó cơn đau sẽ phát triển lan rộng ra hai bên sườn. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi kéo dài, gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều,...

+ Chấn thương: Gặp phải một số chấn thương tại vùng cột sống ngực khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh. Khi bị chấn thương, vùng ngực phải chịu lực tác động rất mạnh, điều này cũng đã gây tổn thương đến dây thần kinh liên sườn bên dưới. Với những trường hợp chấn thương nhẹ, cơn đau sẽ tự thuyên giảm mà không cần điều trị chuyên khoa.

+ Bệnh lý: Mắc một số bệnh lý nhiễm khuẩn như lao, zona thần kinh, cúm,... là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau dây thần kinh liên sườn khởi phát. Ngoài ra, bệnh cũng có thể hình thành do viêm đa rễ thần kinh hay do các bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Ở những trường hợp này, bạn sẽ đối mặt với các triệu chứng của bệnh nền trước khi cảm nhận được cơn đau nhức ở dây thần kinh liên sườn. Nếu bạn có sức đề kháng yếu hoặc dùng thuốc kháng viêm corticoid trị bệnh trong thời gian dài cũng rất dễ mắc phải bệnh lý này.

- Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là:

  • Mắc bệnh lý nhiễm khuẩn như zona thần kinh, thủy đậu,...
  • Tham gia các bộ môn thể thao tốc độ cao dễ bị tai nạn
  • Mắc bệnh lý viêm hệ thống
  • Lái xe không an toàn
  • Phụ nữ đang mang thai

Khi nào đi khám bác sĩ?

Cần nhanh chóng đến bệnh viện làm kiểm tra nếu có thêm các triệu chứng sau đây:

  • Đau dữ dội ở lồng ngực và vùng ngực
  • Tức ngực, ngực thắt chặt
  • Tim đập nhanh, khó thở
  • Đau bụng dữ dội
  • Ho ra chất nhầy vàng xanh
  • Thiếu tỉnh táo, chóng mặt, bất tỉnh

Triệu chứng

Khi có các dấu hiệu của bệnh đau dây thần kinh liên sườn, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Bạn có thể nhận biết ra bệnh lý này ngay từ giai đoạn sớm thông qua các triệu chứng điển hình sau đây:

  • Xuất hiện cơn đau nhức ở cạnh cột sống hoặc liên sống bả vai. Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên, sau đó lan rộng ra khoang liên sườn phía trước ngực và vùng thượng vị. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh.
  • Ban đầu, cơn đau diễn ra với tính chất âm ỉ và kéo dài cả ngày lẫn đêm. Cơn đau sẽ tăng lên khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, hắt hơi, ho,...
  • Với những trường hợp khởi phát bệnh do zona thần kinh sẽ có thêm triệu chứng nổi mụn nước li ti ngoài da. Chúng sẽ phát triển lan rộng theo đường đi của dây thần kinh liên sườn.

Khi các triệu chứng ở trên diễn ra kéo dài trên 3 ngày, bạn cần đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị dứt điểm. Nếu chủ quan trong việc điều trị, các triệu chứng của bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể là:

  • Đau dai dẳng và tái phát nhiều lần khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
  • Tác động tiêu cực đến tâm lý như suy giảm tinh thần, kém tập trung,...
  • Nhiều trường hợp bị mất ngủ kéo dài gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể.

Điều trị

Khi thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bằng cách tìm hiểu nguyên nhân nền. Sau đó, dùng tay ấn vào lồng ngực hoặc yêu cầu người bệnh hít thở sâu. Nếu tình trạng đau nhức có xảy ra khi khả năng cao là do bệnh lý. Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh.

Thường được áp dụng là xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm nước tiểu toàn phần,... Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm vài xét nghiệm cận lâm sàng khác để kiểm tra thần kinh.

Sau khi đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Nguyên tắc điều trị bệnh lý này là giải quyết nguyên nhân, ở những trường hợp không tìm ra nguyên nhân sẽ tiến hành điều trị triệu chứng. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:

Dùng thuốc Tây y

Việc điều trị cần phải tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Có rất nhiều bệnh lý gây ra tình trạng đau dây thần kinh liên sườn nên phác đồ điều trị ở mỗi trường hợp sẽ không có sự giống nhau. Lúc này, người bệnh cần điều trị theo đúng hướng dẫn mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Còn với những trường hợp đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, bác sĩ thường sẽ kê đơn điều trị triệu chứng bằng các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol, Diclofenac)
  • Thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Naprofen)
  • Thuốc giảm đau thần kinh (Gabapentin)
  • Thuốc giãn cơ (Eperison)
  • Vitamin nhóm B ( B1, B6, B12)

Khi dùng thuốc điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định. Nếu quá lạm dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận,...

Vật lý trị liệu

Khi bị đau dây thần kinh liên sườn, bạn cũng có thể áp dụng các liệu pháp trong vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng đau nhức. Ngoài giảm đau, phương pháp này còn có tác dụng kích thích tuần hoàn máu bên trong cơ thể và làm thư giãn dây thần kinh khá hiệu quả.

Các liệu pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến là xoa bóp, bấm huyệt, thủy châm, chiếu đèn hồng ngoại, dùng sóng xung kích,... Người bệnh nên tiến hành vật lý trị liệu theo đúng liệu trình và có sự hướng dẫn của chuyên gia để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa tình trạng đau dây thần kinh liên sườn tái phát trở lại, bạn cần xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Tránh các động tác gây ảnh hưởng không tốt đến hệ xương khớp như vận động sai tư thế, mang vác vật nặng, làm việc quá sức,... Duy trì tư thế đúng khi thực hiện các vận động thường ngày như đi, đứng, ngồi, nằm,... Khi vận động, luôn giữ thẳng lưng và không được gập người về phía trước.
  • Giữ ấm cơ thể vào những ngày trời chuyển biến lạnh hoặc thời điểm giao mùa trong năm. Tránh đến những nơi có gió lùa. Kiểm soát tốt các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như lái xe an toàn, sử dụng dụng cụ bảo vệ khi chơi thể thao, tiêm phòng vacxin đầy đủ,...
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện bất thường và đưa ra biện pháp xử lý đúng cách. Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm nhiễm hoặc bệnh lý nhiễm trùng làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh.
  • Chế độ ăn uống hàng ngày cần phải bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên bổ sung đạm và canxi cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa,... Đồng thời, tăng cường sử dụng rau xanh và các loại trái cây tươi để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Hình thành cho bản thân thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đúng giờ và đủ giấc, luôn giữ cho tinh thần thoải mái, làm việc khoa học và hợp lý,... Dành thời gian vận động cơ thể mỗi ngày bằng cách tập yoga, tập dưỡng sinh, chạy bộ, đi bộ,...  giúp tăng độ dẻo dai của xương khớp và nâng cao sức đề kháng cơ thể.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh đau dây thần kinh liên sườn bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Bệnh lý này khởi phát do rất nhiều nguyên nhân, thường gặp là do chấn thương và bệnh lý tiềm ẩn. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường, bạn nên thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách, ngăn chặn tổn thương tại dây thần kinh tiếp tục tiến triển nặng.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát không quá nguy hiểm tới người bệnh, tuy nhiên ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống.
  • Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát có thể gây nguy hiểm, người bệnh cần thăm khám y tế kịp thời tránh gây biến chứng.
Xem chi tiết

  • Người bị đau dây thần kinh liên sườn nên ăn các thực phẩm giàu vitamin B, axit béo omega 3, canxi và axit folic.
  • Nên hạn chế sử dụng các chất kích thích, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, caffeine và thực phẩm nhiều muối.
Xem chi tiết

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android