Đau Dây Thần Kinh Tọa

Triệu chứng và nguyên nhân

Đau dây thần kinh tọa là bệnh xảy ra khá phổ biến do sự chèn chèn ép quá mức của các bộ phận khác trong cơ thể lên dây thần kinh này. Bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh, thậm chí là bại liệt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị của bệnh lý này.

Định nghĩa

Dây thần kinh tọa hay còn được gọi với cái tên khác là dây thần kinh hông to. Đây là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, chúng bắt đầu từ tủy sống thắt lưng và kéo dài cho đến các ngón chân. Cấu tạo cơ thể người gồm có hai dây thần kinh tọa và chúng nằm đối xứng với nhau ở hai bên cơ thể. Chức năng chính của chúng là chi phối vận động và cảm giác của các chi, vận chuyển dưỡng chất và nuôi dưỡng các cơ quan mà chúng đi qua.

Đau dây thần kinh tọa là tình trạng xuất hiện các cơn đau nhức dọc theo đường đi của dây thần kinh này. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây thần kinh mà cơn đau sẽ có hướng lan rộng khác nhau giữa mỗi trường hợp. Thống kê y khoa cho biết, tình trạng thường gặp nhất là đau dây thần kinh tọa một bên và xảy ra phổ biến ở những người nằm trong độ tuổi từ 30 - 50. Trước đây, tỷ lệ người bị đau dây thần kinh tọa ở nam giới sẽ cao hơn nữ giới, tuy nhiên thống kê y khoa từ năm 2011 trở đi lại cho thấy tỉ lệ nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Y học hiện đại chia căn bệnh này thành 2 dạng chính sau đây:

  • Đau dây thần kinh tọa cấp tính: Bệnh gây ra cơn đau nhức đột ngột và có thể tự biến mất trong thời gian ngắn. Dạng bệnh này thường xảy ra sau khi chấn thương, vận động sai tư thế hoặc va chạm mạnh.
  • Đau dây thần kinh tọa mãn tính: Ở một số trường hợp đau dây thần kinh tọa cấp tính không tự biến mất mà sẽ diễn ra kéo dài từng cơn, sau đó chuyển biến sang dạng mãn tính. Bệnh thường xảy ra khi người bệnh bị mắc các bệnh lý như phồng đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm,...

Đau dây thần kinh tọa là bệnh lý nội khoa thường gặp chỉ đứng sau căn bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh thường tiến triển nếu bạn có mắc một số bệnh lý về xương khớp như thoát vị đĩa đệm chèn ép lên rễ thần kinh, gai cột sống, hẹp đốt sống,... Lúc này, các rễ dây thần kinh sẽ bị viêm gây đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng vận động của chi dưới.

Hình ảnh

Triệu chứng

Khi bị đau dây thần kinh tọa, tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng khác nhau. Nếu dây thần kinh tọa bị chèn ép quá mức thì tất cả bệnh nhân đều mắc phải các triệu chứng sau đây:

  • Có triệu chứng đau nhức tại vùng thắt lưng và bắt đầu lan rộng đến các cơ quan xung quanh như hông, mông, chân. Có cảm giác khó chịu ở những vị trí mà có dây thần kinh này đi qua, thường gặp nhất là thắt lưng, mông, phía sau đùi và bắp chân.
  • Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ cho đến đau nhói và đau dữ dội tùy thuộc vào mức độ bệnh trạng của từng người. Thông thường, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh hắt hơi, ho, ngồi lâu,...
  • Đa số các trường hợp bị đau dây thần kinh tọa chỉ có triệu chứng đau nhức ở một bên và bên còn lại thì vẫn bình thường. Các cơn đau nhức xuất hiện khiến khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế, việc thực hiện các động tác như gập hoặc cúi người sẽ trở nên rất khó khăn.
  • Ngoài đau nhức, người bệnh còn có thể đối mặt với một số triệu chứng khác như tê ngứa như kiến bò, đau rát bỏng và cơ chân yếu. Xuất hiện triệu chứng cơ cứng lưng dưới sau khi ngủ dậy vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, tình trạng này xảy ra phổ biến vào những ngày thời tiết chuyển mùa.
  • Đi đứng khó khăn, dáng đi tập tễnh bên cao bên thấp, vùng xương chậu bị lệch về một bệnh,... Bệnh cũng có thể gây rối loạn thần kinh thực vật với các triệu chứng như rối loạn phản xạ trong bài tiết mồ hôi, giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu bệnh tổn thương mức độ nặng có thể dẫn đến tình trạng teo cơ.

Nguyên Nhân

Nguyên nhân chính gây ra bệnh là sự chèn ép hoặc cọ xát quá mức lên dây thần kinh tọa do ảnh hưởng của các bệnh lý xương khớp hoặc tác động của các hoạt động sống thường ngày như:

  • Thoát vị đĩa đệm: Đây là bệnh lý gây ra biến chứng đau dây thần kinh tọa thường gặp nhất. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy bên trong đĩa đệm cột sống bị thoát ra ngoài và đè trực tiếp lên dây thần kinh tọa gây đau nhức.
  • Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống khiến các đốt xương cột sống bị viêm, lệch hoặc hình thành nên gai xương chèn ép lên các rễ thần kinh xung quanh gây đau nhức.
  • Hẹp ống sống: Hẹp ống sống xảy ra do sự bào mòn tự nhiên tại đốt sống, bệnh có thể gây chèn ép lên các rễ của dây thần kinh tọa và gây đau nhức. Nguyên nhân gây bệnh này xảy ra phổ biến ở những người ngoài độ tuổi 60.
  • Chấn thương cột sống, nhiễm trùng: Chấn thương cột sống do tai nạn hoặc bị nhiễm trùng cột sống cũng có thể kích thích đến dây thần kinh tọa và gây ra triệu chứng đau nhức.
  • Hội chứng cơ hình lê: Đây là nguyên nhân gây ra bệnh xảy ra phổ biến ở phụ nữ. Cơ hình lê nằm bên trong mông, chúng nối liền với vùng cột sống dưới với xương đùi trên và có chạy qua các dây thần kinh tọa. Khi thực hiện vận động phần cơ này sẽ co thắt, tạo áp lực lên các rễ thần kinh và gây đau.
  • Nguyên nhân khác: Đau dây thần kinh tọa cũng có thể xảy ra nếu bạn bị trượt đốt sống, mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, xuất hiện khối u tại cột sống, phù đại diện khớp,...

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh là:

  • Tuổi tác cao
  • Thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ mang thai
  • Thường xuyên phải khuân vác vật nặng
  • Ít vận động, ngồi nhiều
  • Mắc bệnh tiểu đường

Biến chứng

Chuyên gia cho biết, các cơn đau nhức do bệnh đau dây thần kinh tọa gây ra thường không quá nghiêm trọng, đa số các trường hợp mắc bệnh đều có thể chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4 - 6 tuần thông qua phương pháp điều trị nội khoa. Còn những trường hợp đau dây thần kinh tọa diễn ra kéo dài ở mức độ nghiêm trọng khiến khả năng vận động của các chi bị suy yếu, chức năng ruột và bàng quang bị ảnh hưởng thì cần phải tiến hành làm phẫu thuật để chữa bệnh.

Đau dây thần kinh tọa là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng sẽ khiến khả năng vận động của hai chi suy giảm đáng kể, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nếu bệnh không được can thiệp đúng cách, trường hợp nhẹ sẽ gây đau nhức lan rộng theo đường đi của dây thần kinh và khiến hai chi bị rối loạn cảm giác. Trường hợp nặng sẽ gây biến dạng cột sống, teo cơ và nguy cơ tàn phế vĩnh viễn làm mất đi khả năng vận động thông thường.

Phòng ngừa

Để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh đau dây thần kinh tọa diễn ra tốt nhất và ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại thì người bệnh cần phải lưu ý những điều dưới đây:

  • Khi làm việc và thực hiện các hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cần phải lưu ý đúng tư thế. Khi ngồi nên dùng chiếc gối đặt ở phía sau thắt lưng giúp duy trì đường cong sinh lý của cột sống. Hạn chế mang vác vật nặng, bưng bê đồ đúng tư thế,...
  • Trong quá trình điều trị đau dây thần kinh tọa, người bệnh cần phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tiến hành giảm cân khoa học nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì.
  • Bệnh gây ra các cơn đau nhức rất khó chịu nhưng đừng vì điều này mà hạn chế vận động để tránh khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất, bạn hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục và thực hiện các bài tập căng cơ.
  • Các bài tập tốt cho người bị đau dây thần kinh tọa là dưỡng sinh, ngồi thiền, yoga,... Người bệnh nên hạn chế các bộ môn thể thao nặng hoặc quá sức như chơi bóng chuyền, cử tạ, bơi lội,...
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết giúp đẩy lùi phản ứng viêm đau và hỗ trợ cải thiện tổn thương tại rẽ thần kinh như thực phẩm giàu canxi, vitamin B, gia vị tính nóng,... Nên tránh xa đồ ăn giàu chất béo, thực phẩm ngọt nhiều đường, tinh bột, chất kích thích, rượu bia,...
  • Tuyệt đối không được nóng vội và bỏ cuộc giữa chừng khi đang tiến hành điều trị. Sau thời gian dài kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ mà thấy bệnh vẫn không chuyển biến tốt thì nên nói với bác sĩ để được tư vấn điều trị bằng các biện pháp đặc biệt.
  • Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh lý. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp ngay từ giai đoạn nhẹ, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tránh phát sinh biến chứng không mong muốn.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Ở những trường hợp đau dây thần kinh tọa mức độ nhẹ thì bệnh sẽ tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài với mức độ nghiêm trọng thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị tích cực.

Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm để kiểm tra mức độ phản ứng của cơ bắp và thần kinh. Từ đó, có thể xác nhận được mức độ chèn ép lên dây thần kinh cũng như nguyên nhân gây ra bệnh. Các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh trong y khoa là:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan
  • Điện cơ EMG

Biện pháp điều trị

Đau dây thần kinh tọa chữa khỏi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, thể trạng của người bệnh, tình trạng bệnh lý và phương pháp điều trị,... Vì vậy, ngay khi nghi ngờ bản thân bị đau dây thần kinh tọa người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám để được hướng dẫn điều trị tích cực, nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh khó chịu này. Các phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay là:

Chữa đau dây thần kinh tọa theo y học hiện đại

Dựa vào kết quả sau khi thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với bệnh nhân giúp nâng cao hiệu quả mang lại. Thông thường, người bệnh sẽ được kê đơn dùng thuốc Tây y kết hợp vật lý trị liệu, ở những trường hợp nặng hơn sẽ được xem xét và chỉ định làm phẫu thuật.

+ Dùng thuốc Tây y

Các loại thuốc Tây y điều trị đau dây thần kinh tọa có tác dụng giảm đau rất nhanh chóng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Một số loại thuốc Tây y thường được bác sĩ chuyên khoa kê đơn để điều trị bệnh là:

  • Thuốc giảm đau tạm thời như Acetaminophen, Paracetamol,... được chỉ định sử dụng cho những trường hợp bị đau dây thần kinh tọa cấp tính.
  • Thuốc chống viêm không chứa steroid như ibuprofen, aspirin, naproxen,... sử dụng cho những trường hợp bệnh nặng và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.
  • Thuốc giãn cơ như Decontractyl, Mydocalm,... được kê đơn điều trị nếu người bệnh có triệu chứng co cứng cơ vùng thắt lưng.
  • Vitamin nhóm B như vitamin B, vitamin B12,...giúp cải thiện chức năng và độ chắc khỏe cả các dây thần kinh
  • Tiêm corticosteroid được tiến hành bằng cách tiêm qua màng cứng giúp giảm đau nhanh chóng. Loại thuốc tiêm này chỉ được sử dụng cho những trường hợp đau nhức nặng và không giảm đau được bằng các loại thuốc ở trên.

Các loại thuốc Tây y điều trị đau dây thần kinh tọa nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, đau đầu, suy giảm chức năng gan thận,... Vì vậy, người bệnh cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra, không được tự ý thay đổi và kéo dài thời gian dùng thuốc.

+ Vật lý trị liệu

Khi bị đau dây thần kinh tọa, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định thực hiện vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng của cơ quan này và hạn chế tình trạng chấn thương tiếp tục diễn ra. Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng là:

  • Vận động trị liệu: Tác dụng điều chỉnh lại tư thế của người bệnh giúp cải thiện độ linh hoạt và sức khỏe của cơ bắp để hỗ trợ vùng lưng.
  • Nhiệt trị liệu: Chườm nóng hoặc chườm lạnh tại vùng bị có dây thần kinh bị tổn thương giúp đẩy lùi cơn đau nhức một cách hiệu quả.
  • Đeo đai lưng: Hạn chế gây áp lực lên cột sống khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
  • Xoa bóp, ấn huyệt và châm cứu: Phương pháp điều trị này sẽ tác động vào các huyệt đạo trên cơ thể giúp thư giãn cơ thể và đẩy lùi các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
  • Chiếu tia laser hoặc sóng cao tần: Đây là phương pháp vật lý trị liệu cần áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong y học nên mức chi phí khá cao, vì vậy chúng chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết.
  • Nắn xương khớp: Có tác dụng phục hồi khả năng chuyển động của cột sống khá an toàn, được áp dụng cho những trường hợp cột sống bị hạn chế vận động.

+ Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp chữa bệnh đau dây thần kinh tọa rất ít khi được áp dụng. Cách này chỉ được chỉ định thực hiện khi người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa và tình trạng bệnh nặng nguy cơ phát sinh biến chứng. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe và dựa vào mức độ bệnh trạng của người bệnh để đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp nhất. Hai phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị bệnh lý này là:

  • Phẫu thuật lấy nhân đệm: Áp dụng cho trường hợp đĩa đệm lồi ra chèn ép lên dây thần kinh sau 3 tháng điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả hoặc phát sinh biến chứng.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống: Áp dụng điều trị đối với những bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa bị hẹp ống sống. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này sẽ khiến cột sống bị mất vững và dễ tái phát trở lại.

Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kết hợp vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng và hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng.

Chữa đau dây thần kinh tọa bằng thuốc Nam

Dùng thuốc Nam là phương pháp điều trị rất thích hợp đối với những trường hợp bị đau dây thần kinh tọa ở mức độ nhẹ. Các bài thuốc Nam có nguồn gốc là dược liệu tự nhiên nên rất an toàn đối với sức khỏe, tuy nhiên hiệu quả mang lại khá chậm nên người bệnh cần phải kiên trì thực hiện điều trị trong thời gian. Các bài thuốc Nam chữa đau dây thần kinh tọa được áp dụng phổ biến trong dân gian là:

Sữa tỏi chữa đau thần kinh tọa

Nguyên liệu:

  • 5 nhánh tỏi tươi
  • 300ml sữa tươi
  • 50ml mật ong nguyên chất

Cách thực hiện:

  • Tỏi đem lột hết lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch với nước rồi băm nhỏ.
  • Cho tỏi băm vào lượng sữa đã chuẩn bị rồi bắc lên bếp đun trên lửa nhỏ.
  • Đun trong khoảng 15 phút thì tắt bếp, sau đó cho mật ong vào khuấy đều cho tan hết.
  • Chia hỗn hợp sữa này thành 3 phần sử dụng để uống hết trong ngày.

Bài thuốc từ ngải cứu và mật ong

Nguyên liệu:

  • 300 gram ngải cứu tươi
  • 2 thìa mật ong nguyên chất

Cách thực hiện:

  • Ngải cứu đem đi nhặt sạch, rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ hết bụi bẩn rồi cho vào chậu ngâm với nước muối loãng.
  • Sau 15 phút vớt dược liệu ra để ráo, sau đó cho vào máy sinh tố xay nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt.
  • Cho mật ong vào trong nước cốt ngải cứu khuấy đều cho tan hết, chia hỗn hợp thành 2 phần bằng nhau sử dụng vào trưa và tối.
  • Kiên trì áp dụng bài thuốc này liên tục từ 1 - 2 tuần sẽ thấy được hiệu quả mang lại.

Chữa bệnh bằng sâm ngọc linh

Nguyên liệu:

  • 100 gram sâm ngọc linh
  • 1 lít mật ong nguyên chất

Cách thực hiện:

  • Sâm ngọc linh sau khi mua về thì đem đi rửa sạch với nước rồi vớt ra để cho ráo.
  • Dùng dao thái sâm ngọc linh thành từng lát mỏng, sau đó cho vào lọ thủy tinh ngâm với mật ong.
  • Đậy kín nắp bình, ngâm hỗn hợp trên khoảng 1 tháng là có thể lấy ra dùng để chữa bệnh.
  • Mỗi ngày lấy khoảng 3 lát sâm ngọc linh ngâm mật ong dùng để ngậm giúp giảm đau hiệu quả.
Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Những người bị đau thần kinh tọa vẫn có thể quan hệ được nhưng cần kiểm soát về tần suất và cường độ.
  • Đau thần kinh tọa có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc yêu và khả năng cương dương, người bệnh nên tránh hoạt động quá mạnh và sử dụng các tư thế đơn giản để đảm bảo an toàn cho cơ thể.
Xem chi tiết

  • Người bị đau thần kinh tọa nên ăn các loại cá béo, gừng, thực phẩm giàu vitamin B6 và B12, các loại hạt, thực phẩm chứa nhiều vitamin A và D, tỏi, hành tây, các thực phẩm giàu chất xơ, các loại quả mọng, và thực phẩm giàu canxi.
  • Người bị đau thần kinh tọa nên kiêng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, đồ ăn mặn, đường, thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chứa nhiều omega-6, và đồ uống chứa cồn.
Xem chi tiết

Người bị đau thần kinh tọa nên đi bộ và tập thể dục. Điều này giúp giảm đau, thư giãn cột sống, tăng cường độ dẻo dai và chắc khỏe của xương khớp, cũng như kiểm soát cân nặng để giảm áp lực lên đĩa đệm.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android