Đau Khớp Ngón Tay Là Bệnh Gì? Điều Trị, Phòng Ngừa

Đau khớp ngón tay là hiện tượng thường xảy ra sau khi bạn bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý như viêm xương khớp, loãng xương, tiểu đường hay gout… Thông thường, cơn đau có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các mẹo tự nhiên. Tuy nhiên, một số trường hợp bị đau khớp ngón tay nặng phải dùng đến thuốc bác sĩ kê đơn hoặc phẫu thuật.

Triệu chứng đau khớp ngón tay

Đau khớp ngón tay là sự xuất hiện của các cơn đau với nhiều cường độ khác nhau tại một hay nhiều khớp ngón tay. Cơn đau thường có những đặc điểm như sau:

  • Đau nhức âm ỉ từng cơn hoặc đau dữ dội. Một số trường hợp có cảm giác đau nhói như kim đâm.
  • Cơn đau tăng lên khi vận động, cầm nắm đồ vật hoặc bẻ khớp ngón tay.
  • Nghỉ ngơi, xoa bóp, chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm cảm giác đau ở các khớp ngón tay.
  • Hiện tượng đau khớp ngón tay chỉ xuất hiện thoáng qua và biến mất trong thời gian ngắn hoặc kéo dài trong nhiều ngày. Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau.
đau khớp ngón tay
Đau khớp ngón tay khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày

Cơn đau ở khớp ngón tay có thể xuất hiện đơn độc hoặc kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác như:

  • Sưng phù khớp 
  • Nóng đỏ vùng da bên ngoài khớp bị đau
  • Cứng khớp ngón tay, khó cử động. Hiện tượng này rõ ràng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi hoạt động nhiều ở bàn tay.
  • Khó khăn khi thực hiện các hoạt động thông thường như cắm chìa khóa vào ổ, cầm nắm đồ vật…
  • Tê đầu ngón tay, bàn tay
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Nóng sốt.
  • Sưng viêm ở các khớp khác ngoài khớp ngón tay.

Đau khớp ngón tay là bệnh gì?

Triệu chứng đau khớp ngón tay có thể xảy ra khi bạn gặp phải các vấn đề về sức khỏe như:

1. Thoái hóa khớp ngón tay

Bệnh thoái hóa khớp ngón tay chỉ sự hao mòn của lớp sụn trong khớp do quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác hoặc do vận động không đúng cách, chấn thương… Trường hợp này, các đầu xương trong khớp sẽ cọ sát mạnh với nhau khi cử động khiến người bệnh có cảm giác đau. Kèm theo đó là tình trạng cứng khớp ngón tay, khớp phát ra tiếng kêu lục cục khi hoạt động.

Ở mức độ nặng, bệnh thoái hóa khớp ngón tay còn gây sưng đau tại chỗ. Lớp sụn và đầu xương dưới sụn bị hủy hoại nghiêm trọng có thể gây biến dạng khớp.

2. Chấn thương

Bất kì một chấn thương nào xảy ra ở các thành phần cấu tạo của khớp ngón tay cũng có thể kích hoạt một cơn đau cấp tính. Những chấn thương này thường xảy ra khi vận động khớp ngón tay liên tục, té ngã, tai nạn, bị vật nặng rơi vào tay hoặc do thói quen vọp bẻ khớp…

Cụ thể, khớp ngón tay bị đau do gặp các chấn thương sau:

  • Rách cơ, giãn cơ
  • Giãn hoặc rách dây chằng
  • Nứt hoặc gãy khớp ngón tay
  • Trật khớp ngón tay

Bên cạnh cảm giác đau, tùy theo loại và mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như sưng khớp ngón tay hoặc sưng phù cả ngón, cứng khớp, giảm tính linh hoạt và phạm vi vận động của khớp bị ảnh hưởng, bầm tím tại chỗ hoặc ngón tay bị gập góc bất thường.

3. Bị đau khớp ngón tay do viêm khớp dạng thấp 

Viêm khớp dạng thấp thường gây sưng đau ở các khớp ngón tay đối xứng do tình trạng rối loạn của hệ miễn dịch. Bệnh cũng có thể gây ra tình trạng tương tự ở các khớp khác như viêm khớp cổ tay hay viêm khớp gối. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch nhạy cảm quá mức và sản sinh ra nhiều kháng thể tấn công nhầm lẫn vào các mô khỏe mạnh trong khớp.

đau khớp ngón tay là bệnh gì
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây sưng đau nhiều khớp ngón tay cùng lúc

Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Các khớp ngón tay nhạy cảm hơn
  • Cứng khớp, nhất là khi mới ngủ dậy vào buổi sáng
  • Sốt hoặc không sốt
  • Cơ thể mệt mỏi, gầy yếu, xanh xao…

4. Bệnh gout

Nếu bị sưng đau khớp ngón tay một cách đột ngột vào ban đêm, bạn nên thận trọng với bệnh gout. Căn bệnh này khởi phát do tình trạng rối loạn chuyển hóa purin làm tăng lượng axit uric trong máu. Khi không được đào thải hết, axit uric sẽ tích tụ thành các tinh thể muối urat bám ngoài khớp. Tùy theo vị trí bị ảnh hưởng mà bạn có thể bị viêm khớp khớp ngón tay, viêm khớp mắt cá chân, viêm khớp ngón chân cái, viêm khớp gối hay viêm khớp cổ tay…

Cơn đau do bệnh gout gây ra thường có tính chất dữ dội. Các khớp sưng to rất nhanh khiến người bệnh không thể cử động ngón tay. Trường hợp nặng, bệnh gây hình thành lên các cục tophi nổi rõ trên bề mặt da gây mất thẩm mỹ và biến dạng khớp ngón tay, thậm chí khiến cho bạn bị tàn phế.

5. Viêm hoặc nang bao hoạt dịch khớp ngón tay

Một số vấn đề ở bao hoạt dịch, chẳng hạn như viêm hay u nang cũng có thể là nguyên nhân gây đau khớp ngón tay. Trong đó:

  • Nang bao hoạt dịch là một khối u tròn lành tính, bên trong chứa nhiều dịch. Bệnh có thể gây đau và tăng cảm giác nhạy cảm ở khớp bị ảnh hưởng. 
  • Viêm bao hoạt dịch: Bệnh thường khởi phát sau khi bị nhiễm trùng, chấn thương hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý khác ở khớp ngón tay. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là tình trạng đau nhức, sưng viêm tại khớp bị tổn thương. Ngoài ra, khớp bị bệnh còn có hiện tượng tăng tiết dịch gây sưng phù, ấm nóng, khó cử động.

6. Bệnh viêm đa khớp

Tương tự như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm đa khớp gây ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc, bao gồm cả các khớp ngón tay. Bệnh gây sưng đau, cứng và nóng đỏ các khớp. 

Có nhiều dạng viêm đa khớp như: Viêm khớp tự phát thiếu niên, lupus ban đỏ, viêm khớp vảy nến… Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến người già và các triệu chứng thường xuất hiện dưới dạng các đợt cấp tính.

7. Các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay khác

Bên cạnh các vấn đề sức khỏe ở trên, chứng đau khớp ngón tay còn xuất hiện do các nguyên nhân khác như:

  • Tổn thương mô mềm quanh khớp
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Viêm gân cơ
  • Ung thư xương
  • Hoạt động khớp ngón tay liên tục trong thời gian dài
  • Bệnh đa xơ cứng hay xơ cứng bì
  • Viêm đa cơ
  • Loãng xương
  • Thiếu canxi
  • Hội chứng Raynaud
  • Khô khớp ngón tay
  • Thay đổi thời tiết
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Tiểu đường tuýp 2

Chẩn đoán đau khớp ngón tay

Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp ngón tay, bác sĩ có thể căn cứ vào:

  • Dấu hiệu lâm sàng
  • Tiền sử mắc bệnh
  • Thăm khám bên ngoài để tìm kiếm dấu hiệu của viêm, gãy khớp hoặc trật khớp ngón tay…
  • Thực hiện các xét nghiệm: Chụp X-quang, chụp CT scan, MRI, xét nghiệm máu, chọc hút dịch khớp làm xét nghiệm… Chúng có thể giúp chẩn đoán, phân biệt các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay.

Cách điều trị đau khớp ngón tay

Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau khớp ngón tay có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các mẹo tự nhiên hoặc điều trị nội khoa. Tuy nhiên, nếu cơn đau có mức độ nghiêm trọng và tổn thương khớp ngón tay không thể phục hồi thì phẫu thuật có thể được đề nghị.

Các phương pháp đang được áp dụng để chữa đau khớp ngón tay bao gồm:

1. Mẹo giảm đau khớp ngón tay tại nhà

  • Nghỉ ngơi, giảm hoạt động mạnh ở khớp ngón tay khi bị đau nặng. Hạn chế đánh máy, viết hay cử động khớp ngón tay liên tục trong những ngày bị đau.
  • Chườm lạnh khi bị sưng, đau khớp ngón tay do chấn thương hoặc do viêm cấp tính. Sau khi khớp bớt sưng thì có thể chuyển qua chườm nóng.
  • Xoa bóp, mát xa nhẹ nhàng cho các ngón tay, bàn tay để xoa dịu cơn đau, hạn chế tình trạng cứng khớp.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol, Tylenol, Acetaminophen… Các loại thuốc này đáp ứng tốt đối với các cơn đau ở khớp ngón tay có mức độ nhẹ đến trung bình. Tránh lạm dụng thuốc quá mức.
  • Thực hành các bài tập nhẹ nhàng cho khớp ngón tay kết hợp tập yoga, ngồi thiền, tập thể dục mỗi ngày để tăng tuần hoàn máu đến khớp bị tổn thương và giảm căng thẳng.
cách điều trị đau khớp ngón tay
Mang nẹp cố định giúp giảm đau khớp ngón tay và tạo điều kiện cho tổn thương trong khớp nhanh lành
  • Mang nẹp y tế để cố định khớp ngón tay, hạn chế tác động lên khớp mỗi khi cử động. Điều này có thể giúp giảm đau, tạo điều kiện cho khớp được nghỉ ngơi và nhanh phục hồi tổn thương. Bạn có thể đeo nẹp suốt cả ngày hoặc chỉ đeo trong lúc ngủ.
  • Ngâm tay vào nước muối ấm, nước gừng hay nước nấu từ lá lốt, ngải cứu vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ cũng là những cách giảm đau khớp ngón tay tốt, giúp ngăn ngừa cơn đau tái phát vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Sử dụng các thực phẩm tăng tiết dịch khớp, giúp giảm đau và cứng khớp ngón tay khi vận động.

2. Thuốc trị đau khớp ngón tay

Để giảm đau khớp ngón tay, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc sau:

  • Thuốc điều trị tại chỗ: Bao gồm các loại kem bôi như Capsaicin, Diclofenac. Chúng có tác dụng giảm đau, chống viêm tại chỗ nên ít gây tác dụng phụ.
  • Thuốc uống: Thuốc giảm đau theo toa ( Celecoxib , Tramadol,…), thuốc kháng viêm không steroid.
  • Điều trị nguyên nhân gây đau: Thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn tại khớp, thuốc giảm axit uric cho bệnh nhân bị gout, thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm điều trị đau khớp ngón tay do viêm khớp dạng thấp, thuốc giãn cơ,…
  • Tiêm corticosteroid: Thuốc corticosteroid đường tiêm được sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc giảm đau thông thường hay thuốc kháng viêm non-steroid. Loại thuốc này có tác dụng giảm viêm mạnh, giúp hỗ trợ giảm sưng đau khớp ngón tay trong thời gian dài.

3. Cách chữa đau khớp ngón tay bằng vật lý trị liệu

Một số bệnh nhân được đề nghị vật lý trị liệu để giảm đau khớp ngón tay, cải thiện chức năng vận động của khớp. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

cách giảm đau khớp ngón tay bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa có tác dụng giảm đau, phục hồi chức năng vận động cho khớp ngón tay
  • Kích thích điện
  • Nhiệt trị liệu
  • Điều trị bằng laser
  • Vận động trị liệu…

4. Phẫu thuật trị đau khớp ngón tay

Phẫu thuật ít khi được chỉ định để điều trị đau khớp ngón tay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phẫu thuật là sự lựa chọn bắt buộc, bao gồm:

  • Không đáp ứng với điều trị bảo tồn
  • Khớp ngón tay bị biến dạng hoặc hư hại nghiêm trọng
  • Bệnh gout hình thành cục tophi gây đau khớp kéo dài, biến dạng khớp và làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp ngón tay.
  • Gãy khớp, đứt gân ngón tay…

Phòng ngừa đau khớp ngón tay

Để ngăn ngừa đau khớp ngón tay, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Hạn chế các cử động lặp đi lặp lại ở khớp ngón tay.
  • Mang bao tay hoặc các dụng cụ bảo vệ khác khi cần thiết
  • Bỏ thói quen bẻ khớp ngón tay nếu có
  • Cai nghiện thuốc lá
  • Kiểm soát cân nặng bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế ăn chất béo, đồ ngọt và tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao mỗi ngày.
  • Nếu phải làm việc với đôi tay thường xuyên, bạn nên dành ra vài phút để nghỉ ngơi, mát xa tay sau mỗi tiếng, giúp giảm căng thẳng cho các khớp ngón tay.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan để tình trạng đau khớp ngón tay được điều trị dứt điểm.
Xem thêm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đau Xương Cụt: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Điều Trị

Đau xương cụt là hiện tượng đau nhức xảy ra bên trong cấu trúc hoặc xung quanh phần xương cụt....

Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối Là Gì? Cách Điều Trị

Viêm bao hoạt dịch khớp gối rất dễ khởi phát ở những người bị chấn thương khớp gối hoặc di...

Blackmores Joint Formula Advanced là sản phẩm hỗ trợ xương khớp hiệu quả

Blackmores Joint Formula Advanced Giá Bao Nhiêu, Mua Ở Đâu?

VietmecBlackmores Joint Formula Advanced là sản phẩm có số lượng người tìm kiếm “khủng” hiện nay. Sản phẩm này với...

Đau Xương Chậu Là Bị Gì? Dấu Hiệu, Chẩn Đoán, Điều Trị

Đau xương chậu có dấu hiệu đặc trưng là tình trạng đau nhức đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài...

Đau Xương Sườn (Trái – Phải): Nguyên Nhân, Cách Điều Trị

Đau xương sườn là tình trạng xảy ra khá phổ biến do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau....

Các Biến Chứng Viêm Khớp Dạng Thấp và Điều Cần Biết

Biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như hệ...

Viêm Gân Bánh Chè Là Gì? Có Nguy Hiểm? Cách Điều Trị

Viêm gân bánh chè khiến khả năng vận động bị hạn chế và gây ra nhiều phiền toái trong đời...

Cách Xoa Bóp Chữa Đau Đầu Gối Hiệu Quả Ngay Tại Nhà

Xoa bóp chữa đau đầu gối có tác dụng giảm đau hiệu quả, được nhiều người ưu tiên áp dụng...