Đau Khớp Vai

Cơ bản

Đau khớp vai thường khởi phát sau khi khớp vai bị chấn thương do lao động nặng hoặc lao động sai tư thế. Cũng có nhiều trường hợp, đau khớp vai là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp thường gặp. Khi có bị đau khớp vai kéo dài kèm theo triệu chứng bất thường, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế những rủi ro không mong muốn.

Định nghĩa

Khớp vai là một trong những khớp lớn trên cơ thể, khớp này tham gia vào rất nhiều động tác sinh hoạt hàng ngày của cơ thể. Đau khớp vai là tình trạng thường gặp, cơn đau nhức thường khởi phát sau khi khớp vai bị chấn thương do vận động mạnh, do tác động của bệnh lý hoặc do ảnh hưởng bởi các hoạt động thông thường. Khi thực hiện động tác dang tay hoặc đưa tay lên cao quá đầu, hai đầu mấu xương ở khớp vai sẽ kẹp lấy gân xoay ở vùng khớp này. Nếu lặp lại động tác này liên tục trong thời gian dài sẽ khiến nhóm gân cơ này bị tổn thương và hình thành nên các cơn đau nhức.

Đau khớp vai gây ra cơn đau nhức âm ỉ ở vai kèm theo triệu chứng co cứng khớp. Nếu bệnh diễn ra ở mức độ nhẹ sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Trường hợp bệnh chuyển biến nặng sẽ chèn ép rễ thần kinh, gây rối loạn khả năng vận động, thậm chí là tàn phế. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ đe dọa đến khả năng vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì thế, khi có dấu hiệu của bệnh bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt để tăng khả năng hồi phục.

Nguyên nhân

Xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh đau khớp vai sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn và bạn cũng có thể chủ động hơn trong việc đưa ra biện pháp phòng ngừa. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh đau khớp vai có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả cơ học và bệnh lý. Cụ thể là:

Nguyên nhân cơ học

  • Tính chất công việc: Đau khớp vai rất dễ khởi phát ở những người có tính chất công việc phải thường xuyên thực hiện động tác giơ tay cao hơn 90 độ hoặc mang vác vật nặng. Ví dụ như nhân viên khuân vác, công nhân, thợ xây,... Khi thực hiện các động tác này trong thời gian dài sẽ khiến dây chằng bị tổn thương, lỏng khớp và sai khớp.
  • Thói quen sinh hoạt xấu: Bẻ khớp vai, đeo balo quá nặng, chống khuỷu tay lên bàn,... là những thói quen xấu dễ gây tổn thương đến khớp vai. Các thói quen này đã khiến cho rễ thần kinh bị chèn ép, gây sưng viêm và hình thành nên cơn đau nhức tại khớp.
  • Chơi thể thao sai cách: Chơi thể thao sai cách sẽ khiến dây chằng bị giãn, căng cơ,... và gây ra cơn đau nhức khớp vai. Tình trạng này thường gặp ở những người chơi golf, chơi tennis, chơi ném lao,...
  • Chấn thương: Những người đã từng có tiền sử chấn thương vùng khớp vai hoặc xương bả vai sẽ có nguy cơ bị đau khớp vai cao hơn bình thường.
  • Stress kéo dài: Căng thẳng, stress kéo dài sẽ khiến cơ thể sản sinh ra một số loại hormone kích thích co cứng cơ và gây đau nhức tại khớp, đặc biệt là vùng khớp vai.

Nguyên nhân bệnh lý

  • Thoát vị đĩa đệm cổ: Đau khớp vai cũng có thể là ảnh hưởng của bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cổ. Đĩa đệm khi thoát ra khỏi vị trí ban đầu sẽ chèn ép lên dây chằng, dây thần kinh tủy sống và hình thành nên cơn đau nhức.
  • Thoái hóa cột sống cổ: Bệnh lý này rất dễ khởi phát ở những người lớn tuổi. Lúc này, các đốt sống sẽ bị khô dần do giảm tiết dịch nhờn, gây cọ xát vào nhau và hình thành cơn đau. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau nhức vùng cổ lan rộng đến vai, gáy, cánh tay,...
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý tự miễn mãn tính, bệnh khởi phát do sự rối loạn trong hoạt động của hệ miễn dịch. Khi bị viêm khớp dạng thấp người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như đau khớp vai kéo dài, tê bì tại vùng khớp bị ảnh hưởng,...
  • Lao xương khớp: Đau nhức khớp vai cũng là triệu chứng điển hình của bệnh lao xương khớp. Đây là hiện tượng vi khuẩn lao tấn công vào xương khớp và gây hại đến cơ quan này. Ngoài đau nhức tại khớp người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, nóng sốt, đổ mồ hôi trộm,...

Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh việc thực hiện điều trị bằng thuốc, bạn cũng có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đau nhức bằng một số bài tập tại nhà. Các bài tập này có tác dụng cải thiện sức khỏe, tăng độ dẻo dai của xương khớp và hỗ trợ giảm đau khá hiệu quả. Dưới đây là một số bài tập hỗ trợ điều trị đau khớp vai và hướng dẫn thực hiện bạn có thể tham khảo:

- Tư thế xỏ kim:

  • Bắt đầu bài tập, bạn sẽ để hai tay và hai đầu gối chống xuống sàn theo tư thế 4 chân. Cần để cho cánh tay và đùi song song với mặt sàn.
  • Hít vào thật sâu rồi từ từ hạ cánh tay và bả vai phải xuống. Cánh tay luồn qua bên trái, đồng thời đưa mặt hướng sang bên trái. Dùng sức nặng của thân trên để ấn vai và thái dương áp sát mặt sàn. Tay trái sẽ để duỗi thẳng qua đầu và chống ngón tay xuống đất.
  • Giữ nguyên tư thế này, hít thở thật sâu trong khoảng 10 nhịp rồi thả lỏng cơ thể. Sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại.

- Tư thế con bò:

  • Bắt đầu bài tập với tư thế 4 chân, tương tự như bài tập xỏ kim. Chú ý dang hai chân và đùi rộng bằng hông, khoảng cách giữa hai tay rộng bằng vai. Hai đùi và hai tay sẽ để vuông góc và song song với mặt sàn.
  • Đầu tiên người bệnh sẽ hít vào thật sâu, đồng thời nâng mông và ngẩng đầu hướng lên trần nhà sao cho lưng võng xuống hết mức có thể. Giữ nguyên tư thế này khoảng vài giây rồi trở về với tư thế ban đầu.

- Tư thế con mèo:

  • Bắt đầu bài tập tương tự với tư thế con bò, sau đó đẩy hông về phía trước kết hợp thở ra và hóp bụng lại.
  • Từ từ cong lưng lên trên trên trần nhà hết mức có thể và tiến hành siết chặt hông sao cho cột sống được uốn cong một cách tự nhiên. Phần đầu sẽ cúi xuống dưới sàn nhà và đưa mắt nhìn về rốn.
  • Giữ nguyên tư thế này trong vài giây kết hợp hít thở đúng nhịp, thực hiện tư thế này trong khoảng 5 - 10 nhịp thở rồi trở về trạng thái ban đầu.

Triệu chứng

Đau khớp vai gây ra các cơn đau nhức khiến khả năng vận động bị hạn chế và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nếu không tiến hành điều trị sớm sẽ biến chứng sang đông cứng khớp vai hoặc đứt gân, điều này sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi các vận động bình thường. Bạn có thể nhận biết ra bệnh lý này ngay từ sớm thông qua các triệu chứng điển hình sau đây:

  • Đau nhức khớp vai: Đây là triệu chứng đầu tiên người bệnh sẽ cảm nhận được khi bị đau khớp vai. Lúc này, cơn đau sẽ xuất hiện âm ỉ tại vùng khớp vai, tần suất ngày càng thường xuyên và có thể lan rộng đến lưng hoặc cổ.
  • Co cứng khớp vai: Nhiều người sẽ bị đau nhức kèm theo co cứng khớp vai gây khó cử động, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy. Lúc này, người bệnh phải ngồi xoa bóp từ 5 - 10 phút thì khớp vai mới có thể hoạt động trở lại.
  • Nóng rát, sưng đỏ: Quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy vùng khớp vai bị đau có dấu hiệu sưng tấy và nóng đỏ. Đây là một trong những dấu hiệu của viêm đau khớp vai.
  • Hạn chế vận động: Khi cơn đau nhức xuất hiện, khả năng vận động của người bệnh ở vùng bả vai sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Thậm chí, người bệnh còn không thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày như thay quần áo,...
  • Tê bì cánh tay: Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đau khớp vai đã chuyển biến sang mức độ nặng. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác kim châm và đau rát ở vùng khớp vai hoặc các cơ quan xung quanh. Triệu chứng này xảy ra khi rễ dây thần kinh ở vùng vai bị chèn ép quá mức.

Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sau đây:

  • Cơn đau nhức khớp vai xuất hiện ở người trên 50 tuổi hoặc bị căng thẳng thần kinh
  • Cơn đau diễn ra kéo dài sau khi khớp vai bị chấn thương
  • Đau khớp vai gây hạn chế vận động hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động tại vùng khớp này
  • Cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội

Điều trị

Đau khớp vai là tình trạng thường gặp, đây có thể là dấu hiệu cho thấy khớp vai đang bị tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, khớp vai sẽ dần mất đi chức năng vận động và phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám chuyên khoa và loại trừ tổn thương do gãy xương ở khớp vai.

Sau khi đã xác định được mức độ bệnh trạng cũng như tổn thương tại khớp vai, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là các phương pháp điều trị đau khớp vai được áp dụng phổ biến bạn có thể tham khảo:

1/ Dùng thuốc Tây y theo đơn kê

Thuốc Tây y có tác dụng giảm đau và kháng viêm rất tốt. Dùng thuốc Tây y sẽ giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc đúng cách. Các loại thuốc Tây y thường được kê đơn điều trị đau khớp vai là:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc có tác dụng giảm đau nhức tức thời, thường được kê đơn điều trị với trường hợp nhẹ. Được sử dụng phổ biến là Paracetamol và Efferalgan 500mg dạng viên sủi.
  • Thuốc kháng viêm: Thuốc mang lại hiệu quả kháng viêm và giảm đau toàn diện. Thường được sử dụng đối với những trường hợp đau khớp vai do viêm nhiễm. Các loại thuốc được kê đơn phổ biến là Ibuprofen, Profenid, Feldene, Voltaren,... Nếu bệnh nặng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Corticoid ngoài màng cứng.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc có tác dụng giảm co cứng cơ vai và mang lại hiệu quả giảm đau. Thường dùng là Decontractyl, Diazepam 5mg, Myonal 50mg,...
  • Vitamin B: Viên uống bổ sung vitamin B1, B6 hoặc B12 sẽ được bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc điều trị giúp tăng cường sức đề kháng và chống viêm nhiễm.

2/ Trị đau khớp vai bằng thuốc Nam

Dùng thuốc Nam điều trị đau khớp vai là phương pháp được cha ông ta áp dụng từ lâu đời và lưu truyền cho đến ngày nay. Dược liệu dùng để trị bệnh là các loại thảo dược lành tính và dễ kiếm trong tự nhiên, khá an toàn với sự khỏe và giúp bạn tiết kiệm chi phí trị bệnh. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:

  • Xương rồng: Xương rồng sau khi hái về dùng dao gọt bỏ gai nhọn, rửa sạch rồi đem hơ trên lửa than cho nóng. Sau đó, sử dụng xương rồng đã hơ nóng để đắp trực tiếp lên khớp vai trong 10 - 15 phút. Thực hiện từ 2 - 3 lần/ngày bạn sẽ thấy triệu chứng đau nhức thuyên giảm đáng kể.
  • Hạt gấc: Hạt gấc đem lột bỏ lớp màng xung quanh, rửa sạch rồi nướng chín trên lửa than. Dùng vật nặng giã nát hạt gấc đã nướng, cho tất cả vào trong bình thủy tinh rồi đổ rượu vào ngâm. Sau 1 tháng bạn có thể lấy ra dùng để trị bệnh. Khi cơn đau nhức khởi phát, bạn chỉ cần lấy một lượng rượu vừa đủ để thoa trực tiếp lên vùng khớp vai bị đau.
  • Ngải cứu: Ngải cứu đem rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi cho vào chảo sao nóng cùng với một ít muối hạt. Cho hỗn hợp trên vào khăn sạch, bọc kín lại rồi đắp trực tiếp lên vùng khớp vai bị đau nhức.

3/ Phẫu thuật trị bệnh

Với những trường hợp không đáp ứng điều trị tốt với phương pháp nội khoa, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định thực hiện phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh được áp dụng phổ biến là phẫu thuật nội soi khớp vai, tạo hình dây chằng vai, phẫu thuật nội soi bóc dính bao khớp,... Dựa vào mức độ tổn thương tại khớp vai và nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật điều trị phù hợp nhất.

Phẫu thuật mang lại hiệu quả điều trị dứt điểm nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong và sau khi thực hiện. Đồng thời, mức chi phí phẫu thuật cũng khá cao, không phải ai cũng có đủ điều kiện để áp dụng. Vì thế, phẫu thuật thường được xem là phương pháp điều trị cuối cùng khi tất cả phương pháp trị bệnh ở trên đều không mang lại hiệu quả.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa tình trạng đau khớp vai khởi phát trở lại, bạn cần điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng như chế độ ăn uống của bản thân sao cho phù hợp. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa cụ thể bạn có thể tham khảo và thực hiện theo:

  • Thận trọng khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày, tránh để khớp vai bị chấn thương và hình thành cơn đau nhức. Cần tránh các hoạt động dễ gây tổn thương đến khớp vai như mang vác vật nặng, lặp lại động tác giơ tay cao hơn 90 độ thường xuyên, chơi thể thao hoặc làm việc quá sức,...
  • Khi bị đau nhức khớp vai bạn có thể áp dụng các mẹo giảm đau đơn giản tại nhà như chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp, dành thời gian nghỉ ngơi,... Tránh để triệu chứng đau nhức diễn ra kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
  • Kiểm soát căng thẳng, tránh để cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Một số biện pháp kiểm soát căng thẳng tại nhà mà bạn có thể áp dụng là ngồi thiền, đọc sách, chơi thể thao, đi du lịch, nghe nhạc, trò chuyện với người thân,...
  • Ăn uống khoa học giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là các yếu tố vi lượng như canxi, vitamin D, vitamin C, acid béo omega-3,... Khi xương khớp được bổ sung đầy đủ các khoáng chất này sẽ trở nên chắc khỏe và tăng khả năng chống viêm đau.
  • Cải thiện độ linh hoạt cũng như độ chắc khỏe của xương khớp bằng cách tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, dưỡng sinh,... Tránh các bài tập nặng dễ gây chấn thương như tập thể hình, chơi tennis,...
  • Thăm khám chuyên khoa ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường tại khớp vai hoặc khớp vai bị chấn thương do va đập mạnh. Không được chủ quan trong việc điều trị khiến tổn thương tại vai trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Đau khớp vai là triệu chứng thường gặp ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng chúng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, khả năng vận động của người bệnh. Do đó, để trị đau khớp vai, bạn nên uống giảm đau, kê đơn như Paracetamol, Ibuprofen, NSAID theo chỉ dẫn của chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ.

Xem chi tiết

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android