Đau Lưng Cấp

Cơ bản

Đau lưng cấp là hiện tượng khá phổ, biến thường xảy ra sau một chấn thương hoặc do mắc các bệnh lý về cơ xương khớp. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau lưng cấp thường không quá nghiêm trọng và có thể được điều trị khỏi trong thời gian ngắn.

Định nghĩa

Đau lưng cấp là các cơn đau xảy ra đột ngột ở vùng lưng trên hay lưng dưới trong thời gian ngắn. Cơn đau có thể thuyên giảm từ từ và biến mất trong một vài ngày hoặc kéo dài không quá 6 tháng tùy theo nguyên nhân gây đau.

 

Nguyên nhân

Bệnh đau lưng cấp có thể xảy ra do nguyên nhân cơ học hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý toàn thân. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất.

Đau lưng cấp do các vấn đề về sức khỏe

Nhiều vấn đề về sức khỏe có thể dẫn đến các cơn đau lưng cấp tính. Bao gồm:

- Chấn thương:

Không ít trường hợp bị đau lưng cấp do chấn thương. Cơn đau thường xảy ra đột ngột sau khi bị tai nạn giao thông, té ngã, tai nạn lao động, bưng bê vật nặng trong thời gian dài hoặc vận động sai tư thế.

Các chấn thương như gãy xương, rách dây chằng, giãn cơ... có thể gây ra các cơn đau nhói hoặc đau dữ dội ở lưng. Cảm giác đau lưng có thể thuyên giảm sau vài ngày hoặc sau khi chườm lạnh tại chỗ.

- Thoái hóa cột sống:

Bệnh thoái hóa cột sống có thể xảy ra do ảnh hưởng của tình trạng lão hóa chung của cơ thể, do di truyền, chấn thương, lao động nặng nhọc hay do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Lúc này, lớp sụn chêm giữa các đốt sống bị hao mòn gây đau cứng lưng mỗi khi vận động.

Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống lưng trên thường có hiện tượng đau lưng, đau cổ. Cơn đau kèm theo cảm giác tê bì có thể lan ra vùng vai gáy, cánh tay. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, khó xoay cổ...

Trường hợp bị thoái hóa cột sống thắt lưng, cảm giác đau buốt ở vùng lưng dưới có thể kéo dài trong vài tuần. Cơn đau khu trú ở thắt lưng hoặc lan rộng xuống mông và chi dưới. Cảm giác đau tăng nặng vào ban đêm hoặc khi vận động, cúi lên, cúi xuống. Sau khi ngủ dậy, tình trạng tê cơ vùng cơ lưng dưới cũng xuất hiện khá rõ ràng và phải nghỉ ngơi, xoa bóp nhẹ nhàng vài phút mới giảm bớt.

- Thoát vị đĩa đệm:

Bệnh thoát vị đĩa đệm được đặc trưng bởi tình trạng nhân nhầy bên trong bao xơ đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và chén ép lên rễ thần kinh. Nguyên nhân gây bệnh là do bị sang chấn mạch, lao động nặng nhọc, sai tư thế hoặc do đĩa đệm bị thoái hóa dẫn đến nứt, rách bao xơ, từ đó tạo điều kiện cho nhân nhầy thoát ra ngoài.

Ngoài tình trạng đau lưng cấp, người bị thoát vị đĩa đệm còn có dấu hiệu đau thần kinh tọa, tê yếu chi, vận động khó khăn hoặc có thể bị tàn phế.

- Đau dây thần kinh tọa:

Dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc bị viêm có thể dẫn đến các cơn đau lưng cấp ở khu vực thắt lưng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 30 - 50, nam nhiều hơn nữ. Thống kê cho thấy, có đến 80% các trường hợp mắc bệnh là do ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm.

Cơn đau lưng cấp ở bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa có thể kéo dài trong một vài tuần hoặc lâu hơn. Trường hợp bị đau nặng, người bệnh còn bị tê bì, nóng ran và yếu liệt một bên chân.

- Loãng xương:

Bệnh loãng xương thường gặp ở người lớn tuổi và phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Căn bệnh này tiến triển một cách âm thầm khiến cho mật độ xương ngày càng thưa dần, từ đó dẫn đến tình trạng giòn xương, gãy xương.

Người bị loãng xương cũng có thể thường xuyên bị đau ở các đầu xương hoặc đau lưng, nhất là ở vùng cột sống, lưng dưới hoặc hai bên sườn. Một số trường hợp bị đau nhức như châm chích toàn thân. Loãng xương nặng còn gây xẹp lún, gù vẹo cột sống, giảm chiều cao hoặc thậm chí khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời.

- Gai cột sống:

Gai cột sống là sự hình thành của các mấu xương do tinh thể canxi tích tụ lại tại nơi bị chấn thương. Gai xương có thể gây ra các cơn đau lưng cấp nếu ma sát với phần mềm xung quanh hoặc chèn ép vào dây thần kinh.

- Mang thai:

Khi mang thai, sự thay đổi hormone cùng với tình trạng tăng cân, nới rộng tử cung khiến cho cột sống bị chèn ép và làm các cơ, dây chằng hỗ trợ cột sống bị suy yếu. Chính vì vậy, hầu hết phụ nữ có thai đều phải chịu đựng những cơn đau lưng cấp thường xuyên xảy ra, đặc biệt là trong những tháng sau của thai kỳ.

- Các vấn đề sức khỏe khác:

  • Dị dạng cột sống
  • Trượt thân đốt sống
  • Viêm khớp cột sống
  • Viêm khớp phản ứng
  • Sỏi thận
  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc đang trong thời kỳ hành kinh
  • U cột sống
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Loét hành tá tràng
  • U xơ tuyến tiền liệt
  • Bệnh động mạch chủ...

Đau lưng cấp do các nguyên nhân khác

Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe, các cơn đau lưng cấp còn xảy ra khi gặp các yếu tố thuận lợi sau:

  • Ăn uống thiếu chất, không bổ sung đủ canxi, phốt pho và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương khớp.
  • Béo phì, tăng cân nhanh
  • Hút thuốc lá
  • Lớn tuổi
  • Ít vận động
  • Lao động nặng nhọc
  • Tư thế vận động không đúng
  • Căng thẳng kéo dài

Chăm sóc tại nhà

Mẹo hỗ trợ giảm đau lưng cấp tại nhà

  • Nghỉ ngơi: Trong những ngày bị đau lưng nhiều, người bệnh nên nghỉ ngơi tại chỗ trên giường có nệm phẳng, độ cứng vừa phải. Có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng nhưng cần tránh tham gia các hoạt động thể chất mạnh hoặc bưng bê đồ nặng.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Các phương pháp này tương đối đơn giản nhưng giúp hỗ trợ giảm đau nhanh. Mỗi ngày, người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh vài lần để xoa dịu cơn đau mà không phải lệ thuộc vào thuốc tây.
  • Tắm nước ấm: Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm có tác dụng thư giãn cơ, giảm căng thẳng, kích thích lưu thông máu, đẩy lùi các cơn đau lưng cấp cho người bệnh. Có thể thêm vài giọt tinh dầu thảo mộc vào trong nước tắm kết hợp xoa bóp toàn bộ cơ thể khi tắm để giảm đau lưng hiệu quả hơn.
  • Tập thể dục: Người bị đau lưng cấp được khuyến cáo nên duy trì thói quen tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày. Những bộ môn vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội... có thể giúp giảm đau, làm thư giãn thần kinh, cảm co cứng cơ và làm tăng độ linh hoạt cho cột sống.
  • Dùng thuốc thảo dược: Sử dụng các bài thuốc Nam chữa đau lưng từ cây dền gai, ngải cứu, lá lốt hay xương rồng cũng giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng liên quan.

Câu hỏi thường gặp

Đau lưng cấp có nguy hiểm không?

Các cơn đau lưng cấp có thể thuyên giảm nhờ vào việc nghỉ ngơi và áp dụng các biện pháp giảm đau tự nhiên. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có khuynh hướng bị đau lưng tái phát liên tục, nhất là khi nguồn gốc của cơn đau có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe.

Đau lưng cấp không chỉ là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều bệnh lý cần được điều trị bằng y tế mà còn có thể đem đến một số tác hại như:

  • Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đời sống sinh hoạt và khả năng lao động
  • Giảm phạm vi và khả năng vận động của cơ thể
  • Yếu cơ
  • Bại liệt hoặc tàn phế suốt đời.

Trong một số trường hợp, tình trạng đau lưng cấp kéo dài còn tiến triển thành đau lưng mãn tính. Lúc này, người bệnh phải gánh chịu những cơn đau lưng kéo dài liên tục. Quá trình điều trị cũng trở nên khó khăn, mất thời gian và tốn kém nhiều chi phí.

Triệu chứng

Bất cứ vị trí nào trên lưng cũng có thể xuất hiện một cơn đau cấp. Cơn đau thường đến một cách đột ngột, âm ỉ, đau nhói hoặc đau dữ dội tùy theo nguyên nhân gây đau. Thông thường, khi được nghỉ ngơi, cảm giác đau lưng sẽ thuyên giảm và ngược lại, cơn đau có thể tăng mạnh hơn khi vận động, bưng bê vật nặng.

Các triệu chứng thường gặp khi bị đau lưng cấp bao gồm:

- Đau ở một hay nhiều vị trí trên lưng:

Lưng trên, lưng giữa hay vùng thắt lưng đều có thể bị đau, thường gặp nhất là đau thắt lưng do khu vực này phải chịu nhiều áp lực từ phần thân trên. Kèm theo cơn đau là cảm giác khó chịu, căng cứng cơ ở khu vực bị đau.

Cơn đau lưng cấp có thể chỉ khu trú ở một vị trí nhưng cũng có khi lan tỏa dọc theo vùng cột sống cho đến mông. Đây được xem là kết quả của một chấn thương xảy ra đột ngột ở hệ thống cơ và các dây chằng hỗ trợ cho lưng, chẳng hạn như rách cơ, giãn dây chằng.

Nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy cơn đau lưng trở nên rõ ràng hơn vào buổi sáng khi ngủ dậy hoặc khi khuân vác, nhấc vật nặng, cúi gập người hay vặn bẻ lưng một cách đột ngột.

- Cảm giác tê, đau lan rộng

Các cơn đau lưng cấp có thể xuất hiện kèm theo cảm giác tê bì lan rộng ra hai cánh tay hoặc xuống vùng háng, mông và thậm chí là cả chân. Hiện tượng tê bì thường xảy ra ở những trường hợp bị chèn ép, tổn thương dây thần kinh do ảnh hưởng của các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa cột sống lưng hay đau dây thần kinh tọa.

Một số bệnh nhân bị đau thần kinh tọa có thể cảm thấy ngứa ran, bỏng rát, yếu cơ và đau nhói chạy dọc từ thắt lưng xuống chân. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể. Chườm nóng hoặc đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp các cảm giác khó chịu thuyên giảm.

- Căng cứng cơ hoặc co cơ:

Hiện tượng co thắt cơ, cứng cơ thường xảy ra ở vùng lưng bị đau, ngay cả khi bạn bị đau lưng trên hay đau thắt lưng cấp tính. Trường hợp bị đau lưng dưới gần mông, bạn còn có thể bị căng cứng cơ ở vùng xương chậu, hông.

- Vận động khó khăn:

Đây cũng là triệu chứng thường gặp nhất khi bị đau lưng cấp. Cơn đau khiến cho một số hoạt động của cơ thể trở nên khó khăn. Thậm chí, việc cố gắng đi lại, vận động còn khiến tình trạng đau lưng cấp trở nên nghiêm trọng hơn.

- Các dấu hiệu đau lưng cấp khác có thể gặp:

  • Rối loạn chức năng hoạt động của đường ruột và bàng quang dẫn đến mất kiểm soát trong hoạt động đại tiểu tiện.
  • Nóng sốt
  • Sưng phù, nóng đỏ da ở vùng lưng bị đau
  • Sụt cân
  • Đau ở cơ quan sinh dục
  • Cơ thể mệt mỏi...

Phương pháp chẩn đoán

Quy trình chẩn đoán đau lưng cấp tại các cơ sở y tế và phòng khám chuyên khoa thường diễn ra theo các bước sau:

Bước 1: Thăm khám lâm sàng:

Ở bước này, bác sĩ sẽ ghi nhận các triệu chứng người bệnh đang gặp phải và trao đổi một số vấn đề liên quan nhằm xác định được mức độ nghiêm trọng và nguồn gốc của cơn đau lưng cấp. Chẳng hạn như:

  • Cơn đau lưng bắt đầu từ khi nào?
  • Tính chất, cường độ đau
  • Điều gì làm cơn đau tăng nặng hơn hoặc giảm nhẹ
  • Chấn thương hoặc tiền sử mắc bệnh
  • Nghề nghiệp của người bệnh

Bước 2: Khám thực thể, đánh giá chức năng vận động:

  • Bác sĩ quan sát bên ngoài vùng lưng bị đau để tìm kiếm dấu hiệu của sưng viêm, chấn thương
  • Dùng tay chạm vào lưng để xác định điểm đau
  • Người bệnh cũng được yêu cầu thực hiện một số hoạt động để đánh giá phạm vi vận động và ảnh hưởng của cơn đau đến khả năng hoạt động của cơ thể.

Bước 3: Chẩn đoán cận lâm sàng

Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện để chẩn đoán bệnh đau lưng cấp. Bao gồm:

  • Xét nghiệm máu kiểm tra yếu yếu gây viêm hoặc dấu hiệu nhiễm trùng
  • Chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính giúp phát hiện ra các nguyên nhân gây đau lưng cấp như chấn thương, gai cột sống, thoái hóa cột sống,...
  • Chụp quét xương cho các trường hợp nghi ngờ bị loãng xương hay u xương
  • Điện cơ hoặc EMG đánh giá mức độ chèn ép, tổn thương ở dây thần kinh
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho hình ảnh rõ nét hơn về tổn thương ở đĩa đệm, dây thần kinh cũng như các mô mềm xung quanh. Điều này cho phép bác sĩ có thể chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây đau lưng cấp.

Điều trị

goài việc giảm đau cho người bệnh, quá trình điều trị đau lưng cấp còn hướng đến mục đích khắc phục nguyên nhân gây đau và cải thiện chức năng vận động của cơ thể.

1. Cách chữa đau lưng cấp bằng phương pháp nội khoa

Các phương pháp nội khoa như dùng thuốc, vật lý trị liệu, châm cứu... thường được lựa chọn để chữa trị đau lưng cấp cho hầu hết bệnh nhân trong giai đoạn đầu. Chúng có thể được áp dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau giúp nhanh chóng kiểm soát cơn đau cho người bệnh.

- Thuốc trị đau lưng cấp

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để giảm đau, điều trị triệu chứng cũng như các nguyên nhân gây bệnh đi kèm.

+ Thuốc giảm đau:

Paracetamol là thuốc uống có tác dụng giảm đau nhanh thường được sử dụng cho người bị đau lưng cấp tính. Thuốc đáp ứng tốt với các trường hợp bị đau lưng cấp ở mức độ nhẹ đến trung bình. Trường hợp bị sốt cũng có thể dùng loại thuốc này.

Ngoài thuốc giảm đau dạng uống, người bệnh có thể dùng thuốc dạng kem bôi để điều trị các cơn đau lưng nhẹ do nguyên nhân cơ học. Thuốc bôi chỉ có tác dụng tại chỗ nên có ít tác dụng phụ hơn. Người bệnh không phải lo ngại về tình trạng đau dạ dày khi sử dụng loại thuốc này kéo dài.

Các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid ít khi được chỉ định bởi chúng có thể gây nghiện. Mặc dù chúng có tác dụng giảm đau mạnh nhưng dùng thường xuyên sẽ gây phụ thuộc vào thuốc và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

+ Thuốc kháng viêm không steroid:

Bao gồm:

  • Ibuprofen
  • Naproxen
  • Aspirin...

Các loại thuốc trên vừa có tác dụng giảm đau, vừa giúp chống lại phản ứng sưng viêm ở cột sống và các mô mềm xung quanh.

+ Thuốc giãn cơ:

Nhóm thuốc giãn cơ được chỉ định cho bệnh nhân bị đau lưng cấp kèm theo hiện tượng co thắt cơ. Khi sử dụng, thuốc hoạt động bằng cách xoa dịu, làm giãn các khối cơ ở lưng, qua đó giảm đáng kể cơn đau cho người bệnh.

Khi sử dụng thuốc giãn cơ, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, giảm huyết áp khi đứng, kém tập trung, tay chân vô lực...

+ Thuốc chống trầm cảm:

Nhóm thuốc này có tác dụng an thần, giảm đau, giải tỏa căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người bệnh.

+ Thuốc steroid:

Thuốc steroid có tác dụng kháng viêm mạnh. Thuốc được chỉ định theo đường tiêu đối với các trường hợp bị đau lưng cấp nghiêm trọng có liên quan đến chấn thương hoặc viêm cột sống và không đáp ứng được với thuốc uống.

- Vật lý trị liệu giảm đau, phục hồi chức năng cho người bị đau lưng cấp

Các phương pháp vật lý trị liệu như chiếu hồng ngoại, nhiệt trị liệu, thủy trị liệu hay chiếu laser... có thể được chỉ định để điều trị đau lưng cấp. Chúng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như:

  • Hỗ trợ đẩy nhanh hiệu quả của thuốc chữa bệnh
  • Kéo giãn cột sống, giảm áp lực lên dây thần kinh
  • Tăng cường sức mạnh cho các cơ và dây chằng ở lưng
  • Giảm đau, chống viêm
  • Kích thích lưu thông máu đến vùng lưng bị đau, giúp tổn thương bên trong nhanh được chữa lành.
  • Cải thiện tính linh hoạt cho cột sống, giảm co cơ, cứng khớp, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.

- Châm cứu, bấm huyệt:

Phương pháp châm cứu, bấm huyệt sử dụng kim châm hay dùng tay tác động trực tiếp lên các huyệt đạo phản chiếu. Đây là kỹ thuật chữa đau lưng cấp không dùng thuốc có tác dụng tích cực trong việc giảm đau, làm thông kinh mạch, cân bằng năng lượng âm dương trong cơ thể, đồng thời cải thiện tình trạng co cơ, tê mỏi cột sống và giúp bệnh nhân vận động tốt hơn.

Thao tác châm cứu, bấm huyệt cần phải được thực hiện đúng cách mới mang lại hiệu quả. Vì vậy, người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp của các thầy thuốc y học cổ truyền được đào tạo bài bản.

2. Điều trị đau lưng cấp bằng phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được đề nghị cho các trường hợp thất bại với điều trị đau lưng cấp bằng nội khoa hoặc cơn đau tái đi tái lại nhiều lần có liên quan đến các bệnh lý sau:

  • Hẹp ống sống
  • Gãy xương
  • Thoát bị đĩa đệm
  • Có hiện tượng chèn ép ở rễ thần kinh và tủy sống
  • Cột sống có dị tật bẩm sinh
  • Có nguy cơ bị bại liệt, tàn phế hoặc các biến chứng nguy hiểm khác nếu không được làm phẫu thuật.

Phòng tránh

Để nhanh chóng đẩy lùi cơn đau và phòng ngừa đau lưng cấp tái phát, trong sinh hoạt hàng ngày người bệnh cần chú ý:

  • Lao động vừa sức, tránh làm những công việc nặng làm tăng áp lực lên cột sống
  • Không lặp lại các cử động ở lưng nhiều lần gây căng thẳng cho các cơ và dây chằng, chẳng hạn như cúi gập người, vặn bẻ lưng...
  • Khởi động kỹ trước khi tập thể thao và không cố gắng tập luyện quá mức dẫn đến chấn thương.
  • Nằm ngủ và hoạt động đúng tư thế. Cố gắng giữ cho lưng thẳng khi đứng hoặc ngồi. Có thể chèn một cái gối mỏng phía sau vùng thắt lưng khi ngồi làm việc để giảm áp lực cho cột sống và giúp lưng dễ chịu hơn.
  • Không đứng hay ngồi yên một chỗ quá lâu.
  • Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác như bia, rượu.
  • Kiểm soát tốt cân nặng bằng cách tập thể dục thường xuyên kết hợp với chế độ ăn ít chất béo. Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, gia vị cay và đồ ngọt.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và có khả năng kháng viêm, giảm đau tự nhiên vào trong thực đơn. Chẳng hạn như gừng, nghệ, quả mọng, rau xanh, các loại cá béo, dầu oliu.
  • Các thức ăn giàu canxi và vitamin D như sữa tươi, lòng đỏ trứng, sữa chua, tôm, cua... cũng rất cần thiết cho người bị đau lưng cấp do loãng xương hay thoái hóa cột sống. Chúng có tác dụng làm tăng mật độ xương và giúp cột sống chắc khỏe hơn.
  • Ngủ đủ giấc, tránh để thần kinh bị căng thẳng khiến cơn đau lưng cấp bùng phát dữ dội hơn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android