Đau Lưng Gần Eo

Cơ bản

Đau lưng bên trái - phải gần eo kiến người bệnh cảm thấy khó chịu và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này có thể xảy ra do tổn thương mô mềm hoặc do tác động của bệnh lý. Xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa.

Định nghĩa

Đau lưng bên trái - phải gần eo là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải. Triệu chứng này thường xảy ra sau khi lưng bị chấn thương cơ học hoặc ảnh hưởng từ bệnh lý. Cụ thể là:

  • Tổn thương mô mềm: Khi cơ lưng dưới bị căng do hoạt động quá mức sẽ gây ra một số tổn thương mô mềm như bong gân, giãn dây chằng, đứt dây chằng,... Điều này đã khiến cơ bị co thắt quá mức, kích thích phản ứng viêm và gây ra triệu chứng đau nhức rất khó chịu. Nếu tổn thương chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ. bạn có thể tự cải thiện tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng băng nén hoặc chườm đá. Với trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn cần đến bệnh viện để được hướng dẫn xử lý.
  • Tổn thương cột sống: Đau lưng bên phải - trái gần eo cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cột sống thắt lưng đang bị tổn thương. Các dạng tổn thương cột sống thường gặp ở trường hợp này là thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống, rối loạn chức năng xương cùng, viêm xương khớp,...
  • Bệnh thận: Mắc một số bệnh lý về thận như sỏi thận, nhiễm trùng thận,... cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau thắt lưng bên trái gần eo. Bạn có thể nhận biết bệnh lý này thông qua các dấu hiệu như đau dữ dội ở lưng gần eo, nước tiểu có màu sắc và mùi hôi bất thường, đi tiểu thường xuyên, nóng rát khi đi tiểu, nôn và buồn nôn,... Các bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị đúng cách ngay từ sớm để tránh gây hỏng thận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh khởi phát khi đường tiết niệu bị vi khuẩn xâm nhập và tấn công gây viêm. Lúc này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như tiểu buốt tiểu rát, nước tiểu có kèm máu hoặc mủ,... Với những trường hợp nặng sẽ gây ra triệu chứng đau lưng phải gần eo kèm theo sốt và buồn nôn.
  • Viêm ruột thừa: Đây là hiện tượng ruột thừa bị viêm nhiễm do sự tấn công gây hại của vi khuẩn và virus. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức ở vùng bụng trên rốn, sau đó cơn đau sẽ lan rộng đến vùng eo bên phải. Nhiều trường hợp còn bị sốt, sưng bụng và buồn nôn.
  • Bệnh phụ khoa: Tình trạng đau lưng bên phải - trái gần eo xảy ra ở nữ giới rất có thể là do bệnh phụ khoa. Điển hình là lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,... Ngoài ra, người bệnh còn có thêm một số triệu chứng đi kèm khác như đau bụng, cơ thể mệt mỏi, đau bụng dữ dội khi hành kinh,...
  • Viêm đại tràng: Viêm đại tràng là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp. Đồng thời, đây còn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa mạn tính khác như tiêu chảy, đau trực tràng,... Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau quặn bụng, đau lưng bên trái gần eo, suy nhược cơ thể,.... Nếu bệnh không được điều trị đúng cách sẽ phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
  • Mang thai: Khi thai nhi phát triển lớn, cơ thể mẹ sẽ có một số sự thay đổi nhất định để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Đau lưng bên trái hoặc phải gần eo cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ việc mang thai. Cơn đau có thể xảy ra âm ỉ, đau nhói hoặc đau liên tục. Lúc này, khả năng vận động của mẹ sẽ bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, triệu chứng đau nhức này sẽ tự cải thiện sau khi sinh con.

Chăm sóc tại nhà

Khi cơn đau xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể cải thiện bằng cách tự chăm sóc tại nhà thay vì lạm dụng thuốc Tây y. Sau một thời gian áp dụng, nếu tình trạng đau nhức không chuyển biến tốt thì bạn nên đến gặp bác sĩ. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Dành từ 1 - 2 ngày để nghỉ ngơi giúp cơ thể được thư giãn và ngăn ngừa cơn đau nhức tiếp tục tiến triển nặng. Không nên nghỉ ngơi kéo dài, tránh bị yếu cơ và khiến triệu chứng đau nhức trở nên tồi tệ hơn.
  • Điều chỉnh lại tư thế hoạt động hàng ngày sao cho phù hợp. Không nên làm việc quá sức hay duy trì một tư thế trong thời gian dài. Sau 60 phút làm việc bạn nên vận động hoặc kéo giãn cơ một lần giúp tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn.
  • Chườm nóng giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện tuần hoàn máu đến cơ xương. Từ đó, hàm lượng oxy và dưỡng chất vận chuyển đến cơ xương khớp sẽ tăng lên, hỗ trợ chữa lành tổn thương tại cơ quan này.
  • Tiến hành chườm lạnh nếu bị đau nhức kèm theo viêm sưng. Nhiệt độ lạnh có tác dụng cải thiện triệu chứng viêm sưng, làm tê liệt dây thần kinh cảm giác giúp giảm đau tức thời.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện triệu chứng đau nhức do viêm hoặc đau liên quan đến thần kinh cơ. Các loại thuốc thường được dùng là acetaminophen, aspirin, naproxen,...
  • Uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày giúp kích thích trao đổi chất và hỗ trợ đào thải độ tố ra bên ngoài cơ thể. Bổ sung đủ nước cho cơ thể còn giúp giảm thiểu các triệu chứng của bệnh lý về thận.
  • Chế độ ăn uống nên cân bằng các nhóm dưỡng chất nạp vào cơ thể, đặc biệt là canxi và vitamin, Cần hạn chế tiêu thụ các nhóm thực phẩm giàu đạm và muối. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kiêng cử hoàn toàn đồ uống có cồn, cà phê, bia, chất kích thích,...

Điều trị y tế

Với những trường hợp đau nặng, bạn không nên tự cải thiện tại nhà mà hãy thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị y tế. Khi điều trị y tế, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh các rủi ro không mong muốn.

Điều trị nội khoa

Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y giúp đẩy lùi triệu chứng khó chịu do bệnh lý gây ra. Dựa vào nguyên nhân cũng như mức độ đau nhức, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Được sử dụng phổ biến là:

  • Thuốc giãn cơ
  • Thuốc giảm đau gây nghiện
  • Tiêm steroid ngoài màng cứng

Việc dùng thuốc Tây y chỉ có tác dụng giảm đau chứ không thể giải quyết được nguyên nhân gây đau. Vì thế, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phối hợp làm vật lý trị liệu để cải thiện chức năng cơ lưng. Với những trường hợp đau nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng nẹp lưng để giảm đau nhức và tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật thường được chỉ định thực hiện với những trường hợp không đáp ứng điều trị nội khoa sau 6 - 12 tuần áp dụng. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm kiểm tra đánh giá tình trạng bệnh để có thể đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp nhất.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị bằng cách can thiệp ngoại khoa giúp giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn nên chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, rất ít trường hợp đau lưng gần eo phải phẫu thuật, hầu hết đều đáp ứng điều trị với phương pháp bảo tồn.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đau lưng bên phải - trái gần eo bạn có thể tham khảo. Đau lưng bên phải - trái gần eo khởi phát do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn cần thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và lên kế hoặc điều trị cho phù hợp.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android