Đau Lưng Khi Nằm Ngửa Là Bị Gì?

Cơ bản

Đau lưng khi nằm ngửa khiến chất lượng giấc ngủ bị suy giảm đáng kể, về lâu dài sẽ gây suy nhược cơ thể và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Khi thấy bản thân có triệu chứng này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Đau lưng khi nằm ngửa là tình trạng xảy ra khá phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Chuyên gia xương khớp cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như chấn thương, căng cơ, sử dụng nệm nằm không phù hợp,… Ở những trường hợp này, tình trạng đau lưng sẽ diễn ra với mức độ không quá nghiêm trọng, bạn chỉ cần thay đổi lối sống và sinh hoạt để cải thiện.

Nhưng nếu tình trạng đau lưng xuất hiện thường xuyên gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn cần đến bệnh viện để làm kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp nguy hiểm, không thể chủ quan trong việc điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng khi nằm ngửa thường gặp bạn có thể tham khảo:

+ Căng cơ: Đây là hiện tượng cơ lưng bị căng quá mức hoặc rách. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn vận động quá mức hoặc sử dụng cơ không đúng cách. Khi bị căng cơ, bạn sẽ có triệu chứng đau lưng đột ngột, sưng tấy hoặc co thắt cơ lưng, cứng lưng, hạn chế khả khả năng vận động,… Nếu cơn đau xảy ra với mức độ nhẹ hoặc trung bình thì bạn có thể cải thiện bằng cách tự chăm sóc tại nhà như chườm đán, nghỉ ngơi, băng nén,… Với trường hợp đau nặng bắt buộc phải điều trị y tế.

+ Viêm cột sống dính khớp: Đau lưng khi nằm ngửa cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng, mệt mỏi, sốt nhẹ, gầy sút cân,… Khi bệnh lý này khởi phát, bạn sẽ có triệu chứng đau nhức ở khu vực thắt lưng và xương chậu. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi về đêm gây mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý cần được điều trị y tế để hạn chế nguy cơ tàn tật.

+ Thoái hóa đĩa đệm: Đây là hiện tượng đĩa đệm bên trong cột sống bị thoái hóa, dần mất đi chức năng vốn có. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều đĩa đệm cùng lúc. Thoái hóa đĩa đệm khiến các đốt sống dễ ma sát với nhau khi vận động và hình thành nên cơn đau nhức rất khó chịu. Thông thường, bệnh sẽ gây đau nhức ở lưng dưới rồi kéo dài đến mông và chân. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi vận động, nằm hoặc uốn cong cơ thể.

+ Thoái hóa khớp cột sống: Bệnh lý này khởi phát sau khi đĩa đệm giữa các đốt sống bị thoái hóa. Thoái hóa đĩa đệm khiến khả năng hấp thụ lực giữa các đốt sống bị suy giảm, khi vận động chúng sẽ ma sát vào nhau và đẩy mạnh tốc độ thoái hóa cột sống. Một số triệu chứng bạn phải đối mặt khi bị thoái hóa khớp cột sống là đau lưng ngay cả khi nằm và nghỉ ngơi, cột sống bị cứng và giảm độ linh hoạt. Có thể nói, đau lưng khi nằm ngửa là hệ quả của bệnh thoái hóa cột sống.

+ Đau dây thần kinh tọa: Thần kinh tọa được xác định là dây thần kinh lớn nhất trên cơ thể người. Dây thần kinh này bắt đầu từ đoạn dưới cột sống, chạy dọc theo hai chi và kết thúc ở bàn chân. Đau dây thần kinh tọa thường khởi phát do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với tình trạng đau nhói ở hông và chi dưới, tê bì và ngứa ran chạy dọc theo dây thần kinh, yếu cơ,… Khi bị đau dây thần kinh tọa, chức năng tiếp nhận và dẫn truyền thông tin của dây thần kinh này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

+ U cột sống: Đau lưng khi nằm ngửa cũng có thể xảy ra khi có sự xuất hiện của khối u ở cột sống hoặc lưng. Khi nằm ngửa, khối u này sẽ gây chèn ép lên các cơ quan tại đây và khiến triệu chứng đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn. Thống kê y khoa cho biết, có đến 90% trường hợp khởi phát u cột sống là do di căn khối u từ cơ quan khác. Đây là bệnh lý cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe.

+ Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân điển hình ở trên, tình trạng đau lưng khi nằm ngửa cũng có thể xảy ra nếu bạn bị cong vẹo cột sống, hẹp cột sống, sỏi thận, lạc nội mạc tử cung, mang thai, ngủ với tư thế xấu, nằm quá nhiều, sử dụng nệm ngủ không phù hợp, thường xuyên lo lắng,…

Chăm sóc tại nhà

Việc điều trị đau lưng khi nằm ngửa còn phụ thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Để cải thiện tình trạng đau lưng khi nằm ngửa, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau đây:

Điều chỉnh tư thế ngủ

Khi bị đau lưng mỗi khi nằm ngửa, bạn có thể cải thiện bằng cách thay đổi tư thế ngủ khác phù hợp hơn, giúp hạn chế gây áp lực lên cột sống và khu vực bị đau nhức. Một số tư thế ngủ được chuyên gia khuyến khích nên áp dụng khi bị đau lưng nằm ngửa là:

  • Nằm nghiêng và dùng gối kê giữa hai chân: Nằm nghiêng người sang một bên rồi dùng một chiếc gối đặt giữa hai đầu gối. Bạn có thể đặt một chiếc gối nhỏ tại khoảng trống giữa thắt lưng và giường để hỗ trợ nâng đỡ cột sống.
  • Nằm ngủ với tư thế bào thai: Thích hợp với trường hợp đau lưng do thoát vị đĩa đệm. Nằm nghiêng người, co gối lên ngực và cong người nhẹ nhàng. Tư thế ngủ này có tác dụng giảm áp lực lên cột sống và phòng ngừa khởi phát cơn đau. Tuy nhiên, bạn nên đổi bên thường xuyên khi ngủ để tránh gây mất cân bằng.
  • Nằm sấp và kê gối dưới bụng: Tư thế ngủ này có thể gây đau vai gáy nhưng lại rất thích hợp áp dụng với những người bị đau lưng khi nằm ngửa. Bạn chỉ cần nằm sấp trên giường, đặt một chiếc gối dưới xương chậu và bụng để hỗ trợ nâng đỡ cột sống.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Một giấc ngủ ngon và đảm bảo chất lượng có tác động rất tốt đến quá trình điều trị bệnh. Ngủ ngon giấc sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra một số loại hormone có tác dụng kích thích tái tạo tế bào bị tổn thương, từ đó triệu chứng đau nhức sẽ dần được cải thiện. Bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng các mẹo đơn giản bên dưới đây:

  • Thay nệm mới có độ đàn hồi tốt hơn, tránh sử dụng đệm quá cứng hoặc quá mềm. Thay vào đó, bạn nên chọn nệm ngủ có khả năng nâng đỡ cơ thể để hỗ trợ giảm đau lưng và phòng ngừa cơn đau khởi phát. Ví dụ như nệm bông ép, nệm cao su tự nhiên, nệm lò xo,…
  • Trước khi đi ngủ, bạn nên thực hiện các động tác kéo giãn giúp thả lỏng vùng lưng và hạn chế khởi phát cơn đau khi nằm. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng mẹo chườm lạnh và chườm ấm để làm dịu cột sống và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Áp dụng kỹ thuật thư giãn trước khi đi ngủ sẽ giúp đầu óc trở nên thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Một số kỹ thuật thư giãn bạn có thể tự áp dụng tại nhà là thiền định, hít thở sâu,…
  • Không gian ngủ cũng quyết định rất lớn đến chất lượng giấc ngủ. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, không gian phòng ngủ phải sạch sẽ, khô thoáng và mát mẻ.

Tập luyện yoga

Tập luyện sẽ giúp cột sống trở nên dẻo dai và linh hoạt động hơn. Đồng thời, tập luyện còn kích thích tuần hoàn máu đến các cơ quan trong cơ thể và hỗ trợ làm lành các tổn thương tại cột sống.

Chuyên gia xương khớp cho biết, tập yoga là phương pháp hỗ trợ điều trị đau lưng khi nằm ngửa rất hiệu quả. Các động tác trong yoga sẽ giúp giúp cơ xương hoạt động nhịp nhàng hơn, kéo giãn phần cơ lưng và đẩy lùi tình trạng đau nhức.

Khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên thực hiện các động tác yoga đơn giản, khi đã quen mới tăng dần độ khó lên. Để đảm bảo an toàn, bạn có thể đến phòng tập để tập luyện với chuyên gia.

Sử dụng thuốc giảm đau

Khi cơn đau diễn ra ở mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện. Thường dùng là thuốc chống viêm không steroid, chất ức chế COX – 2. Sử dụng các loại thuốc này sẽ có tác dụng giảm đau nhanh chóng và giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn. Nhưng nếu tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài thì bạn không được lạm dụng các loại thuốc này để tránh gây hại đến sức khỏe.

Ở trường hợp này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ kê đơn điều trị phù hợp. Thuốc giảm đau theo đơn kê thường được sử dụng là thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau thần kinh,… Khi dùng thuốc trị bệnh, cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đa đưa ra, không tự ý thay đổi liều lượng cũng như loại thuốc điều trị.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Chế độ dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị đau lưng khi nằm ngủ. Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khi gặp phải triệu chứng này bạn nên tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Cụ thể là:

  • Thực phẩm giàu vitamin D: Cá, nấm, bơ, trứng, ngũ cốc sữa,…
  • Thực phẩm giàu vitamin K2: Phomai, lòng đỏ trứng gà, đậu nành lên men,…
  • Thực phẩm giàu canxi: Sữa và chế phẩm từ sữa, cá, hải sản có vỏ,…
  • Thực phẩm giàu magie: Socola đen, chuối, bơ,…
  • Thực phẩm giàu kẽm: Sữa, trứng, thịt gà, hàu, thịt bò,…

Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều đường hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ. Nếu quá lạm dụng nhóm thực phẩm này sẽ dẫn đến tăng cân mất kiểm soát và gây áp lực không tốt lên cột sống.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Trường hợp đau lưng khi nằm ngửa, bạn cần loại bỏ các thói quen sinh hoạt xấu gây áp lực lên cột sống và kích thích khởi phát cơn đau. Thay vào đó, hãy duy trì các thói quen sinh hoạt tốt sau đây:

  • Đi lại hoặc vận động cơ thể sau 45 phút làm việc giúp kích thích tuần hoàn máu đến cột sống.
  • Bổ sung từ 2.5 – 3 lít nước cho cơ thể mỗi ngày giúp thanh lọc và đào thải độc tố.
  • Tránh nằm một chỗ quá nhiều, chỉ nên nghỉ ngơi khi thực sự cần thiết.
  • Duy trì thói quen vận động thường xuyên giúp tăng độ dẻo dai và chắc khỏe của xương khớp.

Cách chẩn đoán đau lưng khi nằm ngửa

Chuyên gia xương khớp cho biết, đau lưng khi nằm ngửa là tình trạng không quá nguy hiểm, có thể cải thiện bằng cách chăm sóc tại nhà hoặc điều trị nội khoa. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra do bệnh u cột sống hoặc ung thư thì tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu thấy tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài và trở nên ngày càng nghiêm trọng theo thời gian, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng, hỏi về tiền sử bệnh lý và yêu cầu làm xét nghiệm chuyên khoa để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh. Một số xét nghiệm thường được sử dụng là:

  • Xét nghiệm hình ảnh (chụp x-quang, chụp MRI, chụp CT)
  • Xét nghiệm thần kinh
  • Xét nghiệm công thức máu

Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân cũng như mức độ bệnh trạng, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị phù hợp nhất. Trong suốt quá trình điều trị, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dần của bác sĩ chuyên khoa giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Chuyên sâu

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android