Đau Ngực Bên Trái

Cơ bản

Đau ngực bên trái có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể liên quan đến các vấn đề về xương khớp hay dạ dày khác. Nếu các triệu chứng này không thuyên giảm ngay cả khi đã nghỉ ngơi thì người bệnh nên sớm đến bệnh viện để thăm khám chính xác, từ đó có hướng điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng khác xuất hiện.

Định nghĩa

Đau ngực bên trái có thể xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân, đôi khi việc bạn mang vác thứ gì đó quá nặng cũng sẽ cảm thấy hụt hơi và đau ngực âm ỉ. Tuy nhiên nếu các triệu chứng đau ngực kéo dài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống, tinh thần thì cần đi thăm khám càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Dấu hiệu này có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe sau

Các vấn đề về tim mạch

Tim nằm ở bên trái và ở ngay lồng ngực nên mỗi khi bị đau ngực trái mọi người thường luôn cho rằng có liên quan đến sức khỏe tim mạch. Các yếu tố gây ra các vấn đề về tim mạch ngoài bệnh bẩm sinh thì thường là cho chế độ ăn uống nhiều cholesterol xấu, sử dụng nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ, huyết áp cao hay các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học khác..

Cụ thể, những bệnh lý liên quan đến tim mạch gây đau ngực bên trái bao gồm

  • Thiếu máu cục bộ: chiếm đến 31% nguyên nhân gây đau ngực trái và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định. Bệnh xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm dẫn đến thiếu oxy khiến cho hoạt động co bóp tống máu bị trì trệ theo. Một số triệu chứng điển hình như đau ngực bên trái, nhịp tim nhanh, buồn nôn, khó thở, đau vai hay cánh tay.
  • Viêm màng ngoài tim: chiếm khoảng 4% với các triệu chứng điển hình như đau ngực trái mãn tính, có thể kéo dài đến 3 tháng, bụng hoặc chân sưng, ho, đau khi ngả người. Nguyên nhân gây bệnh là do các bệnh tự miễn, nhiễm vi khuẩn, virus, hoặc cũng có thể xuất hiện đau tim hoặc phẫu thuật tim.
  • Các bệnh động mạch chủ: phình động mạch chủ ngực hay hẹp van động mạch chủ  cũng chiếm khoảng 1% các nguyên nhân gây đau ngực bên trái hiện nay và kèm theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.

Các bệnh về tiêu hóa

Có đến 42% tỷ lệ số người bị đau ngực bên trái là có liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó tỉ lệ nam gặp các vấn đề này cao hơn nữ do ảnh hưởng từ thói quen ăn uống, lạm dụng bia rượu, cách sống thiếu khoa học.. Theo như American College of Gastroenterology, đau ngực bên trái nếu có liên quan đến các vấn đề tiêu hóa thường gọi là đau ngực không tim do không có nguồn gốc xuất phát từ tim.

Cụ thể, một số vấn đề ở hệ tiêu hóa thường dẫn đến đau tức ngực bên trái bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản: thường có các biểu hiện điển hình như ợ hơi, ợ nóng lan từ bụng lên tới thực quản khiến miệng bị chua, bụng nóng rát kèm theo đau tức ngực khó chịu. Tình trạng này có xu hướng tăng lên về đêm, đặc biệt khi người bệnh ăn tối quá muộn, quá no và đi nằm ngay. Nguyên nhân chính dẫn tới bệnh là lạm dụng bia rượu, ăn nhiều đồ ăn cay nóng dầu mỡ hay ăn uống không đúng bữa khiến các acid dịch vị trong dạ dày luôn trong tình trạng dư thừa.
  • Viêm loét dạ dày - tá tràng: Các acid dịch vị tấn công quá mức sẽ làm rách dạ dày gây ra tình trạng đau bụng nghiêm trọng cùng các triệu chứng như trào ngược dạ dày.
  • Một số nguyên nhân khác: viêm tụy cấp, viêm túi mật cấp cũng gây ra các cơn đau từ tụy, mật và lan dần lên ngực. Ngoài ra người bệnh còn có thể đau ở vùng xương chậu, khó tiểu, sốt nếu viêm nhiễm khiến toàn thân mệt mỏi.

Các vấn đề về xương khớp

Các vấn đề về xương khớp thường có liên quan đến những chấn thương hay các vấn đề bất thường ở khung sườn phía bên trái làm người bệnh bị đau nhức nghiêm trọng. Tuy nhiên các tổn thương này cũng dễ nhầm lẫn với các vấn đề về tim mạch nên đôi khi không thể phát hiện sớm.

Chấn thương xảy ra tại lồng ngực do va đập mạnh hay đau dây thần kinh liên sườn cũng được cho là những tác nhân chính gây đau ngực bên trái. Ngoài ra viêm sụn sườn hay căng cơ do làm việc quá sức cũng có thể gây ra các triệu chứng này.

Bệnh thường kèm theo cơn đau nhói, hụt hơi ở ngực đặc biệt khi vận động. Nếu có liên quan đến chấn thương cần nhanh chóng đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Với các tình trạng đau nhức xương khớp khác lan đến phổi thường gây ra các cơn đau âm ỉ, kèm theo cả tê bì tay chân do bị chèn ép dây thần kinh.

Các vấn đề về phổi

Phổi cũng nằm trong lồng ngực nên các chấn thương tại đây cũng hoàn toàn có thể gây ra cơn đau ngực bên trái. Các bệnh về phổi cũng chiếm tỉ lệ khá cao trong các nguyên nhân gây đau ngực bên trái, cụ thể:

  • Viêm phổi-màng phổi: chiếm khoảng 2% do bị vi khuẩn, virus hay các vấn đề khác ở phổi làm phổi hay lớp màng bao bọc bên ngoài bị sưng viêm lên. Các triệu chứng điển hình là đau nhức âm ỉ ở ngực, tăng dần lên khi ho kèm theo khó thở, toàn thân mệt mỏi, nhanh yếu sức.
  • Thuyên tắc phổi: cũng có khoảng 2% bệnh nhân bị thuyên tắc phổi có kèm theo triệu chứng đau ngực bên trái. Nguyên nhân là do huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới kàm cản trở việc cung cấp oxy của phổi.
  • Ung thư phổi 1%: hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm độc hại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Xẹp phổi hoặc tràn khí màng phổi: nguyên nhân thường do các chấn thương tác động vào lồng ngực và tác động vào trong làm phổi bị tổn thương, cản trở quá trình cung cấp oxy trên toàn cơ thể. Bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nêu không được cung cấp đủ oxy ngay sau đó.

Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác cũng có liên quan đến các triệu chứng đau tức ngực bên trái. Tùy theo tần suất và mức độ cơn đau mà mức độ nguy hiểm khác nhau. Dù vậy với bất cứ nguyên nhân nào người bệnh cũng tuyệt đối không nên chủ quan.

Cụ thể, một vài tác nhân khác cũng có liên quan đến đau ngực bên trái gồm:

  • Làm việc quá sức: mang vác quá nặng, chạy quá nhanh khi chưa làm nóng cơ thể cũng khiến bạn cảm thấy đau ngực kèm khó thở
  • Yếu tố tâm lý: việc bạn thường xuyên lo lắng, stress, làm việc căng thẳng hay lo lắng một vấn đề gì đó kéo dài cũng có thể khiến cho bạn khó thở, huyết áp tăng nên kèm theo tình trạng đau tức ngực bên trái. Những người mắc chứng rối loạn lo âu hay rối loạn sợ xã hội cũng rất dễ gặp tình trạng này khi đối diện với những tình huống gây căng thẳng
  • Đau thành ngực: chiếm đến 28% với cảm giác thành ngực đau nhói như bị dao đâm, ngực nóng rát, tê bì và ngứa ran vùng sườn ngực và tăng hơn khi hắt hơi hay ho. Nguyên nhân gây bệnh thường do ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp, vấn đề về tim hay phổi khiến cho da, mỡ, cơ và khung xương lồng ngực bị ảnh hưởng.
  • Phụ nữ mang thai: các bà bầu đôi khi cũng có thể gặp tình trạng đau ngực bên trái do các nguyên nhân như gia tăng relaxin, sự phát triển kích thước của em bé hoặc cũng liên quan đến các vấn đề ở hệ tiêu hóa.
  • Các bệnh về tuyến vú: đây cũng là cơ quan nằm ngay lồng ngực lên tình trạng đau ngực bên trái hoàn toàn có thể liên quan đến tác nhân này. Trong đó biến sợi tuyến vú, biến đổi nội tiết, viêm vú  là những bệnh lý có thể liên quan.

Phòng tránh

Nếu không liên quan đến các vấn đề sức khỏe bẩm sinh thì đau ngực bên trái thường xuất phát từ chính thói quen sống thiếu khoa học của mỗi người. Dù vậy vẫn rất nhiều người chủ quan trước những biểu hiện sức khỏe bất thường khiến những tổn thương trong cơ thể ngày càng tăng lên. Đặc biệt các triệu chứng ung thư thường được phát hiện rất muộn, rất nhiều người bệnh khi phát hiện đã là giai đoạn cuối. Do đó tuyệt đối không được chủ quan với sức khỏe của bản thân.

Một số biện pháp giúp phòng tránh nguy cơ đau ngực bên trái bao gồm

  • Mỗi người nên duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày ít nhất 15- 30 phút. Nếu quá bận rộng thì việc đi bộ cũng đem đến cho bạn rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe
  • Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ hay các thực phẩm có lượng đạm quá cao, Những loại thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, đồ ăn công nghiệp, đồ ăn chiên đi chiên lại nhiều lần đều cần hạn chế tối đa
  • Tránh xa thuốc lá hay những khu vực có thuốc lá. Ngoài ra nếu đang sống hay làm việc trong môi trường ô nhiễm cũng nên thay đổi hoặc trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ cần thiết
  • Đảm bảo duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, không được bỏ bữa và cũng không nên ăn quá khuya
  • Ưu tiên rau xanh, trái cây, thịt nạc, các nhóm hạt hay các dạng thực phẩm lành mạnh khác. Chú ý cả việc chế biến đồ ăn lành mạnh, hạn chế dầu mỡ hay gia vị
  • Uống đủ nước mỗi ngày, kết hợp thêm nước ép từ trái cây hay rau củ
  • Tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích
  • Không nên để cơ thể bị nhiễm lạnh, nhiễm virus hay vi khuẩn..
  • Dành thời gian đi khám bệnh định kỳ hoặc các tầm soát khác, chẳng hạn tầm soát ung thư xương, ung thư dạ dày để đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất

Đau ngực bên trái dù liên quan đến bất cứ tác nhân nào thì người bệnh cũng không được chủ quan. Thay đổi lối sống khoa học, lành mạnh hơn, duy trì tập thể dục mỗi ngày chính là biện pháp tốt nhất để nâng cao sức khỏe, phòng tránh rất nhiều bệnh tật nguy hiểm khác.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android