Đau Nhức Đầu Gối Sau Sinh

Cơ bản

Nhiều phụ nữ bị đau đầu gối sau sinh do ít vận động, chấn thương hoặc thiếu canxi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì chị em nên đi khám bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về xương khớp cần điều trị sớm.

Định nghĩa

Đau nhức đầu gối sau sinh là hiện tượng khá phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều mẹ bỉm. Triệu chứng này thường xảy ra một cách rõ ràng với cảm giác đau nhức âm ỉ từng cơn hoặc kéo dài trong vài tuần, vài tháng. Một số mẹ bị đau nhức dữ dội, nhất là khi đứng lên, ngồi xuống, khi đi lại hay leo cầu thang.

Triệu chứng đau nhức đầu gối sau sinh có thể xuất hiện một cách đơn độc hoặc kèm theo các dấu hiệu khác như:

  • Nghe thấy tiếng kêu phát ra từ khớp gối khi di chuyển
  • Cứng khớp gối vào buổi sáng
  • Sưng đau, nóng đỏ khớp
  • Tê chân
  • Yếu cơ
  • Đau và ngứa ra ở chân
  • Khớp gối vận động kém linh hoạt
  • Biến dạng đầu gối
  • Trường hợp nặng phải chống gậy khi di chuyển hoặc không thể đi lại.

Phụ nữ bị đau nhức đầu gối sau sinh không chỉ gặp bất tiện trong việc đi lại, chăm sóc con cái mà còn có nguy cơ bị trầm cảm do lo lắng, căng thẳng quá mức. Một số trường hợp thậm chí còn bị tàn phế do không điều trị sớm các nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn.

Nguyên nhân

Hiện tượng đau nhức đầu 'gối sau sinh thường xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

- Thay đổi hormone:

Trong những tháng cuối thai kỳ, cơ thể phụ nữ sẽ tiết ra nhiều hormone 2-relaxin giúp khung xương chậu của mẹ giãn nở và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh đẻ.

Tình trạng gia tăng hormone relaxin có thể kéo dài cho đến sau sinh khiến các cơ và dây chằng bị giãn nở. Lúc này, khớp đầu gối lỏng lẻo hơn, dễ bị chấn thương, đau nhức, tê mỏi.

- Tăng cân quá mức:

Một số trường hợp bị đau nhức đầu gối do tăng cân quá mức trong giai đoạn mang thai và sau sinh. Thông thường bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, trung bình mỗi tháng, cân nặng của mẹ bầu có thể tăng từ 1,5 - 2kg và đến tháng cuối cùng các mẹ có thể tăng ít nhất từ 10 - 12kg so với thời điểm bắt đầu mang thai.

Cùng với đó, sự phát triển của thai nhi và tình trạng giãn nở tử cung cũng khiến cho vùng đầu gối phải chịu áp lực rất lớn nên thường xuyên phải đối mặt với các cơn đau mỏi đầu gối vô cùng khó chịu. Áp lực này mặc dù có thể giảm bớt sau sinh nhưng cũng cần một khoảng thời gian để phục hồi lại sự ổn định cho khớp gối.

- Ít vận động:

Có không ít mẹ bị đau nhức đầu gối sau sinh ngay trong những tháng ở cữ. Lúc này, các mẹ chủ yếu nằm nghỉ trên giường . Việc đi lại hay các hoạt động rèn luyện thể chất bị hạn chế khiến cho khí huyết lưu thông kém và thúc đẩy cân nặng tăng mạnh. Khớp đầu gối không được cung cấp máu nuôi dưỡng đầy đủ nên có khả năng tái tạo kém và dần trở nên suy yếu, dễ bị chấn thương, đau nhức hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp.

- Thiếu chất:

Sau sinh, cơ thể phụ nữ thường bị thiếu chất, nhất là canxi và vitamin D. Nguyên nhân là khi mang thai, phần lớn chất dinh dưỡng trong cơ thể mẹ đã được tập trung để cung cấp cho thai nhi, đảm bảo cho sự phát triển hoàn thiện hệ cơ xương khớp và các cơ quan trong cơ thể bé.

Canxi và vitamin D là những dưỡng chất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào xương, làm tăng mật độ xương. Thiếu hụt các chất này có thể khiến phụ nữ bị loãng xương cùng nhiều vấn đề khác về xương khớp sau sinh. Tất cả đều có thể dẫn đến tình trạng đau nhức đầu gối sau sinh.

- Lao động quá sức:

Nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh phải sớm trở lại với công việc dù mới sinh. Lúc này, cơ thể chưa phục hồi hoàn toàn nên rất dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau khớp gối hoặc đau nhức xương khớp toàn thân do lao động quá sức.

- Vận động không đúng tư thế:

Các tư thế vận động xấu như đứng lên, ngồi xuống đột ngột, thường xuyên ngồi xổm, đứng lâu... đều có khiến khiến khớp gối bị tổn thương và gây đau nhức đầu gối sau sinh.

- Chấn thương:

Một số chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày có thể khiến phụ nữ sau sinh bị đau nhức đầu gối. Chẳng hạn như:

  • Rạn nứt xương, gãy xương
  • Bong gân
  • Trật khớp gối
  • Rách sụn chêm
  • Giãn, rách hoặc đứt dây chằng quanh khớp gối...

- Bị đau nhức đầu gối sau sinh do bệnh lý:

Hiện tượng đau nhức đầu gối sau sinh không chỉ xuất phát từ những nguyên nhân thông thường ở trên mà còn xảy ra do ảnh hưởng của bệnh lý, nhất là các vấn đề thường gặp ở đầu gối. Trong trường hợp này, triệu chứng đau nhức đầu gối thường có khuynh hướng kéo dài kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khác. Chị em nên đề phòng với các bệnh lý sau:

  • Loãng xương
  • Thoái hóa khớp gối
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Bệnh gout
  • Nhiễm trùng khớp gối
  • Viêm khớp phản ứng
  • Viêm đa khớp
  • Tràn dịch khớp gối
  • Bệnh giả gout
  • Viêm bao hoạt dịch khớp gối
  • Viêm gân bánh chè...

Chăm sóc tại nhà

Trường hợp cơn đau nhức khớp gối sau sinh không quá nghiêm trọng hoặc không tìm thấy bệnh lý tiềm ẩn, chị em thường được khuyến cáo áp dụng các mẹo giảm đau tự nhiên để đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Một số trường hợp cần dùng đến thuốc bác sĩ kê đơn hoặc làm phẫu thuật.

Để đối phó với các cơn đau ở mức độ nhẹ, các mẹ có thể áp dụng một số cách đơn giản dưới đây:

  • Nghỉ ngơi nhiều để đầu gối và các cơ được thư giãn
  • Tránh để khớp vận động quá nhiều
  • Không khuân vác, bưng bê đồ nặng làm tăng áp lực lên đầu gối
  • Chườm lạnh nếu bị đau nhức đầu gối sau chấn thương hay viêm khớp cấp.
  • Chườm nóng sau khoảng 48 tiếng chườm lạnh. Phương pháp này cũng giúp giảm đau nhức đầu gối sau sinh tốt đối với các cơn đau mãn tính thông qua việc kích thích lưu thông máu đến đầu gối, giảm co cơ và kích thích tái tạo tế bào xương sụn mới, giúp tổn thương nhanh được chữa lành.
  • Tắm nước ấm kết hợp ngâm chân với nước muối ấm mỗi ngày trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Paracetamol.
  • Dùng các bài thuốc dân gian chữa đau nhức khớp gối từ các thảo dược như ngải cứu, lá lốt.
  • Bổ sung các dưỡng chất bị thiếu thông qua thực phẩm hoặc các chế phẩm.

Câu hỏi thường gặp

Tác hại của đau nhức đầu gối sau sinh là gì?

Những cơn đau nhức đầu gối nhẹ, thoáng qua thường không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài và có tính chất dữ dội, các mẹ sẽ gặp khó khăn, bất tiện trong việc vận động di chuyển.

Ngoài ra, tình trạng đau nhức đầu gối sau sinh diễn ra trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của mẹ. Nó khiến cho các chị hoang mang, lo lắng hoặc thậm chí là bị trầm cảm. Một số trường hợp phải dùng thuốc điều trị nên phải tạm ngừng cho con bú.

Nếu không được điều trị sớm, các bệnh lý gây đau nhức đầu gối ở phụ nữ sau sinh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến dạng khớp gối
  • Đau dây thần kinh tọa
  • Teo cơ
  • Bại liệt hoặc tàn phế, mất khả năng đi lại hoàn toàn.

Bị đau nhức đầu gối sau sinh có tự khỏi không?

Đau nhức đầu gối sau sinh là một hiện tượng phổ biến trong thời kỳ hậu sản của phụ nữ. Trong một số trường hợp, triệu chứng này không quá nghiêm trọng và thường kéo dài chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau khi nghỉ ngơi, bổ sung chất dinh dưỡng hoặc khi nội tiết tố trong cơ thể đã ổn định.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp đầu gối bị đau nhức kéo dài tới 3 - 4 tháng hoặc lâu hơn do nguyên nhân cơ bản xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe. Tốt nhất chị em nên sớm tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm nhằm bảo tồn chức năng vận động cho khớp đầu gối.

Chẩn đoán bệnh

Để điều trị đau nhức đầu gối sau sinh hiệu quả thì các mẹ cần đi khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán được nguyên nhân căn bản.

Các bác sĩ sẽ trao đổi với chị em về các triệu chứng lâm sàng đang gặp phải, tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt, vận động hay chế độ ăn uống hàng ngày. Tại phòng khám, bác sĩ cũng tiến hành kiểm tra ngoài khớp gối để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như tình trạng sưng viêm, teo cơ, biến dạng khớp gối... Bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh thực hiện một số cử động tại khớp hoặc đi lại để đánh giá chức năng vận động của khớp gối và mức độ ảnh hưởng của cơn đau.

Các xét nghiệm sinh hóa, huyết học hay xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định thêm để chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức đầu gối sau sinh. Bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Hút dịch khớp gối và làm xét nghiệm
  • Chụp X-quang, CT hay MRI
  • Siêu âm đầu gối...

Các kỹ thuật trên cho phép bác sĩ xác định được nguyên nhân cơ bản, mức độ đau cùng tình trạng tổn thương ở đầu gối để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp và an toàn nhất cho các mẹ.

Điều trị

Nếu các mẹo giảm đau tự nhiên không hiệu quả, phụ nữ sau sinh cần được điều trị bằng y tế. Bao gồm các biện pháp nội khoa hay ngoại khoa.

Phương pháp nội khoa:

  • Sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn: Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, tiêm corticoid hay chất nhờn trực tiếp vào trong khớp gối, thuốc kháng sinh... Các loại thuốc được chỉ định nhằm mục đích điều trị triệu chứng và nguyên nhân căn bản.
  • Vật lý trị liệu
  • Châm cứu
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Băng nẹp cố định khớp gối.

Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật ít khi được chỉ định để điều trị đau nhức đầu gối sau sinh. Tuy nhiên, phương pháp này là sự lựa chọn bắt buộc nếu khớp gối có các chấn thương như rách sụn chêm, đứt dây chằng, chấn thương hoặc mắc bệnh lý nghiêm trọng tại khớp.

Việc cho con bú thường phải ngưng lại nếu quyết định làm phẫu thuật. Hơn nữa ca mổ cũng khá tốn kém và mẹ cần có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tập phục hồi chức năng. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn rõ hơn về những lợi ích và rủi ro từ ca phẫu thuật trước khi quyết định mổ.

Chuyên sâu

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android