Đau Thắt Lưng Bên Phải

Cơ bản

Đau thắt lưng bên phải nếu diễn ra kéo dài thì rất có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như bệnh xương khớp, bệnh về thận, bệnh phụ khoa ở nữ,... Khi gặp phải tình trạng này, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị, nếu để bệnh chuyển biến nặng sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng không mong muốn.

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp đau thắt lưng bên phải đều bắt nguồn từ nguyên nhân cơ học. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Một số nguyên nhân cơ học gây đau thắt lưng bên phải có thể kể đến là:

  • Lao động nặng nhọc: Tính chất công việc phải thường xuyên khuân vác vật nặng và cúi gập lưng sẽ khiến vùng thắt lưng chịu áp lực rất lớn. Điều này sẽ kích thích phản ứng viêm xảy ra tại vùng thắt lưng và hình thành nên cơn đau nhức rất khó chịu.
  • Vận động sai tư thế: Nếu bạn có các tư thế xấu khi nằm ngủ, nghỉ ngơi, làm việc hoặc chơi thể thao cũng sẽ tạo cơ hội cho cơn đau nhức ở vùng thắt lưng khởi phát.
  • Lười vận động: Lười vận động khiến quá trình tuần hoàn máu đến vùng thắt lưng bị ảnh hưởng đáng kể. Nếu bạn đứng lâu hoặc ngồi nhiều sẽ khiến vùng cơ thắt lưng và dây chằng chịu áp lực rất lớn. Điều này đã kích thích triệu chứng viêm đau xảy ra.
  • Chấn thương: Tình trạng đau thắt lưng bên phải cũng có thể xảy ra nếu bạn gặp phải một số chấn thương ở vùng thắt lưng như giãn dây chằng, bong gân, căng cơ quá mức, tổn thương cột sống,... Chấn thương rất dễ xảy ra khi bạn bị té ngã, với thể thao quá sức, tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông.
  • Lạm dụng chất kích thích: Hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu bia cũng có thể kích thích khởi phát cơn đau ở vùng thắt lưng. Đồng thời, đây còn là nhóm thực phẩm chứa nhiều độc tố đối với cơ thể và tạo cơ hội cho nhiều bệnh lý nguy hiểm khác khởi phát.
  • Béo phì: Béo phì sẽ khiến cột sống và vùng thắt lưng phải chịu áp lực rất lớn từ trọng lượng cơ thể. Lâu dần, chức năng của các cơ quan này sẽ trở nên suy yếu và kích thích khởi phát cơn đau nhức mãn tính.
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng rất dễ bị đau thắt lưng bên phải. Nguyên nhân hình thành cơn đau nhức thắt lưng ở thai phụ là do sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố bên trong cơ thể và tăng cân nhanh chóng.

Đau thắt lưng bên phải do nguyên nhân cơ học rất dễ điều trị bằng cách điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày và áp dụng các mẹo giảm đau tại nhà. Nhưng với trường hợp chấn thương, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra mức độ tổn thương tại thắt lưng và hướng dẫn cách xử lý sao cho phù hợp.

Nếu tình trạng đau thắt lưng bên phải diễn ra kéo dài mà không phải do các nguyên nhân ở trên thì rất có thể là do tác động của bệnh lý. Ở những trường hợp này, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị để tránh phát sinh biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các bệnh lý gây đau thắt lưng bên phải thường gặp là:

+ Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong đường tiết niệu để tấn công gây hại. Lúc này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau thắt lưng bên phải, đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, đại tiện ra máu, sốt cao, ớn lạnh,.. Nếu bệnh lý này không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan có liên quan như bàng quang, niệu quản, bàng quang,...

+ Mắc bệnh lý về thận: Đau thắt lưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về thận như nhiễm trùng thận, viêm thận, sỏi thận,... Bị đau thắt lưng bên phải nghĩa là quả thận bên phải đang bị tổn thương. Ở trường hợp này, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị để tránh gây mất chức năng thận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

+ Viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa xảy ra khi phần ruột thừa bị nhiễm trùng và sưng viêm. Khi mới khởi phát, người bệnh sẽ có triệu chứng đau âm ỉ ở quanh bụng. Theo thời gian, cơn đau sẽ phát triển lan rộng sang vùng thắt lưng bên phải. Cần nhanh chóng đến bệnh viện tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay khi có các triệu chứng như sưng bụng, buồn nôn, chán ăn, đau bụng dữ dội,... Nếu để bệnh diễn ra kéo dài sẽ đe dọa đến tính mạng.

+ Hẹp ống sống thắt lưng: Đây là hiện tượng không gian bên trong ống sống bị thu hẹp, gây chèn ép lên các rễ thần kinh và hình thành nên cơn đau ở vùng thắt lưng. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau thắt lưng bên phải hoặc bên trái kèm theo yếu chi. Khi thực hiện động tác cúi người thì triệu chứng đau nhức sẽ trở nên tồi tệ hơn.

+ Lạc nội mạc tử cung: Nếu tình trạng đau thắt lưng bên phải xảy ra ở phụ nữ thì cũng có thể là dấu hiệu của bệnh phụ khoa lạc nội mạc tử cung. Đây là hiện tượng mô phát triển bên ngoài tử cung, thường gặp là buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Lạc nội mạc tử cung gây ra cơn đau nhức ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời gian hành kinh.

+ Xoắn tinh hoàn: Nam giới bị xoắn tinh hoàn cũng có triệu chứng đau thắt lưng bên phải. Xoắn tinh hoàn khiến quá trình lưu thông máu đến tinh hoàn bị suy giảm đáng kể. Nếu không phát hiện sớm, người bệnh sẽ phải cắt tinh hoàn khi bệnh chuyển biến xấu. Bạn có thể nhận biết bệnh lý này thông qua các triệu chứng đi kèm như sưng bìu, buồn nôn, ói mửa,...

+ Bệnh lý khác: Tình trạng đau thắt lưng bên phải cũng có thể xảy ra do tác động của một số bệnh lý xương khớp thường gặp khác như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, u cột sống,...

Điều trị

Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu bị đau thắt lưng bên phải ở mức dữ dội gây ảnh hưởng đến khả năng vận động hoặc đau dữ dội kèm theo triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn,... Thăm khám chuyên khoa giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây đau nhức và được bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp.

Với những trường hợp đau nhẹ và trung bình, bạn có thể sử dụng mẹo giảm đau tại nhà hoặc điều trị nội khoa. Với trường hợp nặng hơn và có nguy cơ phát sinh biến chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành phẫu thuật trị bệnh. Dưới đây là các cách điều trị đau thắt lưng bên phải mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Điều trị nội khoa

Hầu hết các trường hợp bị đau thắt lưng bên phải đều đáp ứng điều trị tốt với phương pháp nội khoa. Mục đích của việc điều trị là giảm đau nhức, cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

+ Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi là một trong những cách làm dịu cơn đau nhức khá an toàn và hiệu quả. Nghỉ ngơi có tác dụng làm thư giãn gân cơ, giảm co thắt và đẩy lùi triệu chứng đau nhức. Lúc này, bạn nên nằm thẳng trên giường để nghỉ ngơi. Nên sử dụng đệm lót có độ dày vừa phải và có khả năng nâng đỡ cơ thể.

Sau khi cơn đau đã thuyên giảm, bạn nên đứng lên đi lại nhẹ nhàng giúp làm tăng tuần hoàn máu bên trong cơ thể. Điều này có tác dụng cung cấp dưỡng chất đến vùng thắt lưng để sửa chữa tổn thương. Tuyệt đối không vận động mạnh hoặc lao động quá sức khi cơn đau vừa ổn định.

+ Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Với những trường hợp khởi phát cơn đau do chấn thương, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm nóng và chườm lạnh để cải thiện. Chườm lạnh có tác dụng làm tê liệt dây thần kinh, giảm sưng và giảm đau nhức. Thực hiện cách này khoảng 2 ngày thì chuyển sang chườm nóng để kích thích tuần hoàn máu và chữa lành tổn thương.

Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần cho đá lạnh hoặc nước ấm vào túi chườm rồi tiến hành chườm trực tiếp lên vùng bị đau nhức. Thực hiện khoảng 15 - 20 phút/lần là được, bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày mỗi khi thấy đau nhức. Để nâng cao hiệu quả chườm ấm, bạn có thể sử dụng các loại thảo dược tự nhiên sao chung với muối cho nóng rồi dùng để chườm lên vùng bị đau nhức. Thường dùng là ngải cứu, gừng tươi, lá lốt,...

+ Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp giảm đau được áp dụng phổ biến trong y khoa và được chuyên gia khuyên dùng. Các động tác trong vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau nhức và phục hồi khả năng vận động rất tốt. Người bệnh cần tiến hành vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để đảm bảo an toàn. Thường được áp dụng là vận động trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,... Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu làm vật lý trị liệu với các thiết bị hỗ trợ như điện trị liệu, siêu âm, chiếu đèn hồng ngoại,...

+ Dùng thuốc Tây y: Sau khi áp dụng các mẹo giảm đau ở trên mà tình trạng bệnh vẫn không có chuyển biến tốt, bạn có thể cân nhắc sử dụng thuốc Tây y. Paracetamol và Acetaminophen là hai loại thuốc giảm đau bạn có thể sử dụn tại nhà mà không cần đơn kê. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ có tác dụng giảm đau nhẹ và giảm đau tức thời.

Với trường hợp đau nặng và có liên quan đến bệnh lý, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kê đơn điều trị sao cho phù hợp. Các loại thuốc thường được dùng để kê đơn điều trị đau thắt lưng bên phải là:

  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Thuốc giảm đau Codein
  • Thuốc giãn cơ
  • Thuốc Corticoid
  • Viêm uống bổ sung vitamin B
  • Thuốc kháng sinh

Can thiệp ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định thực hiện với những trường hợp đau thắt lưng bên phải do bệnh lý, tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài trên 3 tháng có nguy cơ phát sinh biến chứng và không đáp ứng điều trị với phương pháp nội khoa.

Chỉ định thực hiện phẫu thuật vào thời điểm này nhằm mục đích sửa chữa tổn thương ở cột sống thắt lưng, giải phóng áp lực lên dây thần kinh hoặc dây chằng, loại bỏ khối u nếu có,... Sau phẫu thuật, triệu chứng đau nhức ở thắt lưng sẽ thuyên giảm hoàn toàn và ngăn chặn tái phát trở lại.

Phòng ngừa

Đau thắt lưng bên phải có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi cơn đau khởi phát sẽ gây ra cho người bệnh cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để phòng ngừa bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Tốt nhất, bạn nên thực hiện các bài tập có tác dụng tăng cường cơ bắp và độ dẻo dai cho cột sống.
  • Khi ngồi hoặc nằm nghĩ, bạn cần duy trì đúng tư thế để tạo cảm giác thoải mái cho vùng thắt lưng. Tránh thực hiện động tác cúi người, khom lưng hoặc cong lưng quá lâu. Hạn chế mang vác vật nặng.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, chỉ nên uống nước lọc hoặc nước ép trái cây tươi. Nói không với nước ngọt có gas, nước ngọt đóng chai nhiều đường, bia rượu và chất kích thích.
  • Ngủ đúng giờ và đủ giấc giúp xương khớp có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Sau khi ngủ dậy bạn nên dành từ 10 - 15 phút để giữ thẳng lưng rồi hãy bước xuống giường.
  • Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh giúp bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Cần loại bỏ các loại thực phẩm gây hại đến sức khỏe xương khớp ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày.
  • Luôn giữ tinh thần ổn định và thoải mái. Tiến hành giải tỏa stress sau giờ làm bằng cách tập yoga, chơi thể thao, nghỉ ngơi, nghe nhạc,...

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đau thắt lưng bên phải bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đây là triệu chứng mà rất nhiều người mắc phải và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nếu bị đau thắt lưng bên phải do tác nhân cơ học, bạn có thể tự cải thiện tại nhà. Nhưng nếu cơn đau khởi phát do bệnh lý thì bắt buộc phải thăm khám và điều trị chuyên khoa.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android