Đau Thốn Gót Chân

Cơ bản

Đau thốn gót chân là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, dị tật bẩm sinh, do bệnh lý,... Nếu triệu chứng đau thốn diễn ra kéo dài và không thể tự giảm đau tại nhà, bạn nên thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Nguyên nhân

Đau thốn gót chân là hiện tượng đau nhức xảy ra ở vùng dưới gót chân hoặc sau gót chân khiến bạn cảm thấy rất khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau thốn gót chân thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

+ Chấn thương gan bàn chân: Trước khi đi bộ hoặc chạy nhảy, nếu bạn không khởi động kỹ sẽ khiến gan bàn chân không kịp thích nghi với các vận động này. Nếu bạn thực hiện với cường độ cao hoặc sai kỹ thuật sẽ khiến gan bàn chân bị chấn thương và gây ra triệu chứng đau thốn ở gót chân rất khó chịu.

+ Dị tật bẩm sinh: Mắc phải một số dị tật bẩm sinh như gan bàn chân phẳng, chân bẹt, vòm bàn chân cao,... khiến lực phân tán lên bàn chân không đồng đều khi vận động. Lúc này, lực dồn về vùng cân gan bàn chân sẽ nhiều hơn, kích thích phản ứng viêm xảy ra và gây đau nhức ở vùng gót chân rất khó chịu.

+ Viêm cân gan bàn chân: Đau thốn gót chân cũng có thể xảy ra khi cân gan bàn chân bị viêm. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau như kim châm ở gót chân vào mỗi buổi sáng sau khi bước xuống giường. Khi dùng bàn tay ấn vào gót sẽ có cảm giác đau thốn. Tình trạng này sẽ hết sau khi bạn vận động nhưng cũng có nhiều trường hợp bị đau kéo dài cả ngày.

+ Gai gót chân: Nếu để tình trạng viêm cân gan bàn chân diễn ra kéo dài sẽ gây lắng đọng canxi tại vùng bị viêm và hình thành nên gai xương. Gai xương sau khi hình thành sẽ chèn ép lên dây thần kinh và mô xung quanh, kích thích phản ứng viêm xảy ra và gây ra triệu chứng đau nhức rất khó chịu.  Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau buốt bên trong gót chân. Cơn đau thường diễn ra vào buổi sáng, thuyên giảm khi nghỉ ngơi và trở nặng khi bạn đi trên bề mặt cứng hoặc mang vác vật nặng.

+ Viêm nơi bám gân gót: Nếu tình trạng đau thốn xảy ra ở mặt sau gót chân thì rất có thể là do viêm nơi bám gân gót. Tình trạng này thường xảy ra ở những người phải vận động cường độ cao trong thời gian dài. Điều này đã khiến cho gân gót bị kéo căng quá mức và gây ra chấn thương lặp lại. Theo thời gian, tốc độ thoái hóa gân gót sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ khiến gân dần mất đi độ đàn hồi, dễ bị viêm rách.

+ Nguyên nhân khác: Đau thốn gót chân cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác như suy tĩnh mạch chi dưới, chấn thương gan chân, hội chứng đường hầm cổ chân, thoái hóa xương gót chân, đau dây thần kinh tọa lan xuống gót chân, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường,...

- Những đối tượng dễ bị đau thốn gót chân là:

  • Bị thừa cân béo phì.
  • Tính chất công việc yêu cầu phải đi đứng nhiều.
  • Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Phụ nữ quá lạm dụng giày cao gót.

Chăm sóc tại nhà

Nếu triệu chứng đau thốn diễn ra ở mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể tự cải thiện tại nhà bằng cách chăm sóc đúng cách. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:

  • Ngừng thực hiện các động tác gây áp lực lên vùng gót chân như đi lại, chạy nhảy, chơi thể thao,... Thay vào đó, bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tránh gây kích thích đến gót chân và khiến triệu chứng đau nhức trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
  • Tiến hành chườm lạnh trong 20 phút giúp đẩy lùi cơn đau tức thời. Bạn có thể áp dụng cách này từ 3 - 4 lần/ngày mỗi khi triệu chứng đau thốn khởi phát.
  • Giảm viêm đau tại nhà bằng các mẹo truyền miệng trong dân gian như ngâm chân trong nước muối ấm, uống sữa nghệ mật ong, thoa hỗn hợp cà phê và bột baking soda lên gót chân, quấn khăn ngâm hỗn hợp dấm táo và nước đun nóng,...
  • Thực hiện các bài tập như lăn chân trên cây tròn hoặc lăn trên lon đứng để massage gan bàn chân. Cách này có tác dụng làm thư giãn cân gan bàn chân và cải thiện triệu chứng đau nhức khá hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập luyện vùng cổ chân và bàn chân bằng bài tập đạp giẻ lau.
  • Khi đi lại, nên sử dụng giày dép mềm để tạo cảm giác thoải mái cho đôi chân và mang lại hiệu quả giảm đau. Bạn có thể mang giày dép y khoa mềm, dùng miếng lót giày y khoa có thiết kế mềm ở vùng gót chân,...
  • Nếu triệu chứng đau thốn gót chân thường xuyên xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, bạn nên mang giày gập cổ chân 90 độ khi đi ngủ. Sau khi ngủ dậy, bạn có thể tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng hoặc tiến hành massage chân. Cách này có tác dụng phòng ngừa khởi phát cơn đau gót chân vào buổi sáng rất hiệu quả.

Câu hỏi thường gặp

Đau thốn gót chân nguy hiểm không?

Đau thốn gót chân được đánh giá là tình trạng không quá nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dựa vào nguyên nhân gây đau mà bạn phải đối mặt với một số triệu chứng đi kèm khác như đau lan rộng từ cột sống đến gót chân, bắp chân đau cứng lan lên tận gối, sưng quanh mắt cá chân,...

Chuyên gia xương khớp cho biết, tình trạng đau thốn gót chân có thể xảy ra do ảnh hưởng từ bệnh lý, lối sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người. Khi thấy bản thân có các dấu hiệu trên, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn xử lý đúng cách. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị bệnh lý sẽ gây ra nhiều biến chứng không mong muốn.

Điều trị

Đau thốn gót chân khiến bạn cảm thấy rất khó chịu và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ở những trường hợp khởi phát cơn đau do bệnh lý, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây đau.

Nếu triệu chứng đau thốn gót chân không cải thiện sau khi áp dụng các mẹo ở trên, bạn có thể cân nhắc việc sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm không steroid. Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau tức thời, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Được sử dụng phổ biến là celecoxib, naproxen, ibuprofen, meloxicam,...

Chỉ nên sử dụng các loại thuốc trên trị bệnh trong vòng 2 tuần. Tuyệt đối không tự ý dùng kéo dài để tránh gây hại đến các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể như dạ dày, gan và thận. Tốt nhất, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc trị bệnh đúng cách.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đau thốn gót chân bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đau thốn gót chân là triệu chứng mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải do ảnh hưởng từ bệnh lý hoặc lối sống thiếu lành mạnh. Nếu chẳng may gặp phải tình trạng này, bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng các mẹo đơn giản hoặc thăm khám chuyên khoa khi cần thiết.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android