Đau Từ Thắt Lưng Xuống Chân

Cơ bản

Đau từ thắt lưng xuống chân là dấu hiệu cảnh báo của bệnh đau thần kinh tọa và nhiều vấn đề khác ở cột sống. Người bệnh có thể áp dụng liệu pháp nhiệt kết hợp vật lý trị liệu hoặc dùng thuốc bác sĩ kê đơn để kiểm soát cơn đau.

Định nghĩa

Đau từ thắt lưng xuống chân trái là sự xuất hiện của các cơn đau tập trung ở phần thân dưới. Cơn đau thường bắt đầu ở vùng thắt lưng và lan ra bên hông xuống dưới mông đến chân trái hoặc chân phải. Thông thường, chỉ có nửa phần thân dưới bị ảnh hưởng, hiếm khi ảnh hưởng đến cả hai bên chân cùng lúc.

Hiện tượng đau từ thắt lưng xuống chân trái hoặc phải có thể xuất hiện một cách đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Ở mỗi bệnh nhân, cơn đau có tính chất và cường độ khác nhau. Có người chỉ bị đau âm ỉ thoáng qua nhưng cũng có những trường hợp bị đau nhói, đau dữ dội từng cơn.

Nguyên nhân

Hiện tượng đau từ thắt lưng xuống chân là dấu hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề về sức khỏe. Bao gồm:

  • Bệnh đau dây thần kinh tọa:

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các cơn đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân. Cơn đau thường ảnh hưởng đến các vị trí dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ vùng thắt lưng trái hoặc phải qua một bên hông rồi lan dần xuống mông đến mặt sau của chân.

Triệu chứng của đau thần kinh tọa chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể. Người bệnh có cảm giác đau nhói, nóng rát dọc theo khu vực bị đau. Ngoài ra, bệnh đau thần kinh tọa còn gây tê chân, yếu cơ và trường hợp nặng có thể bị mất khả năng kiểm soát ruột, bàng quang.

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

Khi bao xơ đĩa đệm bị rách, vỡ, phần nhân nhầy bên trong có thể thoát ra ngoài dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Ở giai đoạn nặng, nhân nhầy đĩa đệm có thể chèn ép vào tủy sống và dây thần kinh tọa dẫn đến các cơn đau dữ dội ở vùng thắt lưng. Cơn đau còn lan xuống chi dưới và tăng nặng ngay cả khi người bệnh ho hay hắt hơi.

Bên cạnh đó, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm còn bị yếu cơ chân, thường xuyên có cảm giác tê chân hoặc bàn chân, giảm phản xạ đầu gối. Các hoạt động cúi người, vặn mình hay đi lại cũng trở nên khó khăn.

  • Viêm cột sống thắt lưng

Đôi khi, tình trạng đau từ thắt lưng xuống chân có thể xảy ra do bị viêm cột sống thắt lưng. Các dạng viêm có thể ảnh hưởng đến cột sống bao gồm: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp hay viêm cột sống do nhiễm trùng.

Ngoài triệu chứng đau, người bị viêm cột sống còn có thể bị sưng đỏ ở khu vực bị ảnh hưởng. Kèm theo đó là tình trạng cứng cột sống, khó vận động. Một số trường hợp thậm chí còn bị biến dạng sống.

  • Đau cơ xơ hóa:

Đây là một dạng bệnh mãn tính có thể dẫn đến các cơn đau thắt lưng lan tỏa xuống chân. Cơn đau có tính chất chu kỳ và ngày càng tăng nặng hơn theo thời gian.

Người bị đau cơ xơ hóa còn có các triệu chứng khác như mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, có cảm giác tê và ngứa ran ở lòng bàn tay, bàn chân, tăng nhạy cảm với nhiệt độ. Bệnh còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ảnh hưởng đến trí nhớ.

  • Bong gân hoặc căng cơ thắt lưng

Các chấn thương này đều có thể dẫn đến tình trạng đau từ thắt lên xuống chân trái hoặc chân phải tùy theo khu vực bị ảnh hưởng. Bạn có thể bị bong gân hay căng cơ ở vùng thắt lưng do chơi thể thao quá độ, bị tai nạn xe cộ, té ngã hoặc do làm việc quá sức, mang vác vật nặng không đúng cách.

Nghỉ ngơi kết hợp với chườm lạnh hoặc chườm nóng có thể giúp cơn đau do căng cơ, bong gân thuyên giảm.

  • Bệnh viêm màng nhện

Màng nhện là một lớp màng mỏng có chức năng bảo vệ dây thần kinh tủy sống. Tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở bộ phận này có thể khiến bạn bị đau thắt lưng. Do ảnh hưởng đến các dây thần kinh, cơn đau còn có thể lan xuống cả chân trái hoặc chân phải. Người bệnh thậm chí còn bị chuột rút cơ bắp, co giật, tê ngứa như châm chích ở chân, mất kiểm soát hoạt động tiểu tiện, đại tiện.

  • Hội chứng cơ hình lê:

Cơ hình lê có hình dáng tương tự như một dải mô dài nằm sâu trong mông. Bình thường, cơ này có chức năng ổn định khớp hông, giúp các hoạt động như nâng cao đùi hay xoay đùi ra khỏi cơ thể được dễ dàng.

Hội chứng cơ hình lê xảy ra khi nhóm cơ này chèn ép lên dây thần kinh tọa. Điều này có thể dẫn đến các cơn đau kéo dài từ vùng thắt lưng xuống tới cẳng chân, kèm theo đó là cảm giác tê ran, ngứa mông.

Triệu chứng

Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện kèm theo như:

  • Tê bì, châm chích hoặc ngứa ra ở vùng bị đau
  • Mất cảm giác
  • Yếu chân
  • Đi lại, vận động chi dưới khó khăn và có thể khiến cơn đau tăng nặng hơn...

Tình trạng đau từ thắt lưng xuống chân phải hoặc chân trái kéo dài khiến cho bệnh nhân gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Ở một số người, cơn đau còn có khuynh hướng ngày càng tăng nặng kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khiến cho người bệnh hoang mang, lo lắng.

Yếu tố nguy cơ

Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau từ thắt xuống chân như:

  • Tập thể dục, lao động quá sức
  • Thường xuyên xách hoặc mang vác vật nặng
  • Ngồi, nằm hay vận động sai tư thế
  • Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài
  • Béo phì
  • Đi giày cao gót
  • Lớn tuổi
  • Hút thuốc lá...

Điều trị

Nhiều phương pháp được áp dụng để khắc phục tình trạng đau từ thắt lưng xuống chân. Bao gồm:

1. Chườm nóng hoặc chườm lạnh giảm đau

  • Chườm lạnh:

Phương pháp này có tác dụng giảm đau, chống sưng viêm tốt đối với các trường hợp bị chấn thương hoặc viêm xương khớp cấp tính. Nhiệt độ lạnh của đá chườm sẽ gây tê vùng bị đau, đồng thời ức chế phản ứng sưng.

Mỗi khi bị đau thắt lưng lan tỏa xuống chân, người bệnh chỉ cần lấy vài cục đá lạnh bỏ vào trong túi chườm. Di chuyển túi đá qua lại dọc theo vị trí bị đau sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

  • Chườm nóng: 

Nếu cơn đau không kèm theo tình trạng sưng viêm thì người bệnh có thể áp dụng phương pháp chườm nóng. Hơi ấm sẽ giúp làm thư giãn thần kinh, giảm co cứng các cơ và tăng cường lưu thông máu đến vùng tổn thương, qua đó xoa dịu cơn đau từ vùng thắt lưng đến chân cho người bệnh.

Thay vì sử dụng túi đá thì người bệnh có thể dùng chai nước hoặc túi nước nóng đều được. Mỗi lần chườm khoảng 15 - 20 phút và có thể lặp lại sau mỗi 2 - 3 tiếng để loại bỏ cảm giác đau đớn, khó chịu mà không phải dùng thuốc.

2. Dùng nẹp ở thắt lưng hay hông háng

Đeo nẹp có thể giúp giảm đau từ thắt lưng xuống chân nhờ tác dụng ổn định và nâng đỡ các mô của bộ phận này. Việc mang nẹp có tác dụng hạn chế được tác động lên vùng vùng cột sống, các cơ và rễ thần kinh, nhờ vậy tổn thương bên trong sẽ nhanh lành hơn.

Người bệnh có thể tìm mua dụng cụ này tại các tiệm thuốc tây hay cửa hàng bán trang thiết bị vật tư y tế. Cố gắng mang nẹp hàng ngày trong một thời gian để cơn đau chấm dứt hoàn toàn.

3. Xoa bóp giảm đau từ thắt lưng xuống chân

Xoa bóp cũng là một cách đơn giản để giảm các cơn đau từ thắt lưng xuống chân. Các động tác mát xa đơn giản nhưng lại có tác dụng tích cực trong việc làm thư giãn thần kinh, kích thích lưu thông máu, giúp người bệnh bớt đau và có khả năng vận động tốt hơn.

Để tăng hiệu quả giảm đau, bệnh nhân nên nhờ người thân hoặc các chuyên gia vật lý trị liệu xoa bóp. Thực hiện đều đặn mỗi ngày kết hợp với các phương pháp khác để sớm kiểm soát được cơn đau.

4. Giảm đau từ thắt lưng xuống chân bằng cách thay đổi tư thế vận động

Thay đổi tư thế vận động có thể giúp giảm nhẹ cơn đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân cho người bệnh. Người bệnh cần chú ý:

  • Tránh ngồi hoặc đứng trong nhiều giờ liền. Sau mỗi tiếng làm việc, nên nghỉ ngơi ít phút để xoa bóp, vận động vùng hông, chân để kích thích lưu thông máu, giảm áp lực lên vùng bị đau.
  • Giữ thẳng lưng khi ngồi học tập, làm việc
  • Nâng vật nặng đúng cách, tốt nhất nên dùng đến máy móc hỗ trợ để không khiến cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Lựa chọn các bộ môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội. Tránh tập luyện quá sức.
  • Nằm nghiêng qua bên chân không bị đau khi đi ngủ
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và làm những việc bản thân yêu thích để hướng sự chú ý ra khỏi cơn đau.

5. Dùng thuốc chữa đau từ thắt lưng xuống chân

Sau khi thăm khám, tùy theo nguyên nhân và mức độ đau mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp cho người bệnh. Thường được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc corticoid, thuốc giảm đau thần kinh. Một số bệnh nhân còn được chỉ định tiêm steroid vào vùng cột sống bị viêm để giảm sưng đau.

Thuốc chữa đau từ thắt lưng xuống chân có thể được sử dụng đơn thuần hoặc phối hợp cùng với các phương pháp khác như vật lý trị liệu phục hồi chức năng, châm cứu, bấm huyệt... Phẫu thuật là sự lựa chọn sau cùng cho các trường hợp bị đau có liên quan đến tình trạng chèn ép, tổn thương dây thần kinh tọa nặng do bệnh ở cột sống gây ra.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android