Đau Xương Ức

Cơ bản

Đau xương ức là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải, cơn đau có thể khởi phát đột ngột ở mức độ dữ dội hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua. Những người có sức khỏe yếu kém là đối tượng có nguy cơ bị đau xương ức khá cao. Theo dõi bài viết bên dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân cũng như cách xử lý phù hợp.

Định nghĩa

Xương ức hay còn được gọi là xương đòn, phần xương này nằm ở giữa ngực giúp kết nối hai bên lồng xương sườn với nhau. Xương ức đảm nhiệm chức năng chính là bảo vệ lồng ngực và toàn bộ các cơ quan nội tạng bên trong như tim, dạ dày, phổi,… Ngoài ra, xương ức còn tham gia vào quá trình nâng đỡ cơ thể, làm điểm bám để ổn định hoạt động của dây chằng và là điểm kết nối của các phần khác trong hệ thống xương.

Cơn đau nhức khởi phát ở vùng xương ức là dấu hiệu cho thấy các cơ quan bên dưới xương ức đang gặp vấn đề. Nếu cơn đau nhức diễn ra ở mức độ dữ dội thì nguy cơ cao là do bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp khởi phát cơn đau là do tác động từ nguyên nhân khác mà không liên quan đến tim. Ngay khi thấy bản thân có dấu hiệu đau xương ức, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán bệnh lý mà bản thân đang mắc phải.

Nguyên nhân

Thông thường, cơn đau nhức sẽ khởi phát ở bên trái hoặc bên phải của xương ức. Tình trạng này thường xảy ra do một số vấn đề về cơ xương. Dưới đây là các nguyên nhân gây bệnh thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Viêm sụn sườn: Bệnh lý này khởi phát khi phần sụn nối liền xương sườn với xương ức bị viêm. Có thể nói, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương ức phổ biến nhất. Dựa vào vị trí bị viêm mà cơn đau sẽ khởi phát ở bên trái hoặc bên phải. Đồng thời, cơn đau còn có thể khởi phát tại nhiều xương sườn cùng lúc. Nếu người bệnh ho hoặc hít thở sâu thì cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp là chấn thương ngực, do bệnh lý xương khớp, hoạt động thể chất quá mức,…

  • Chấn thương: Bị chấn thương xương đòn, chấn thương các khớp xương hoặc gãy xương ức cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương ức. Khi bị chấn thương bạn sẽ có triệu chứng đau nhức dữ dội kèm sưng viêm, khó cử động khớp, bầm tím ngoài da,… Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý đúng cách. Tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị, tránh để lại biến chứng sau này.
  • Căng cơ ngực: Đau xương ức cũng có thể xảy ra khi cơ ngực bị căng quá mức. Bạn có thể nhận biết ra tình trạng này thông qua các triệu chứng đi kèm như đau nhức xung quanh cơ ngực, khó sử dụng các cơ xung quanh (tay, vai, ngực), quan sát bên ngoài sẽ thấy da bị bầm tím hoặc căng.
  • Thoát vị cơ hoành: Thoát vị cơ hoành được hiểu là một cơ quan bên trong lồng ngực bị đẩy ra khỏi vị trí ban đầu, điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận xung quanh. Các triệu chứng thường gặp khi bị thoát vị cơ hoành là ợ nóng, khó nuốt, nghẹn hoặc đầy hơi, nôn ra máu, đau xương ức, đi ngoài phân đen,…
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Đau xương ức cũng có thể xảy ra khi bạn bị ợ nóng hoặc trào ngược acid dạ dày thực quản. Cơn đau xương ức do trào ngược dạ dày thường xảy ra sau khi ăn. Nếu người bệnh nằm hoặc cúi người xuống thì cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể phân biệt tình trạng đau xương ức do trào ngược dạ dày thông qua các triệu chứng đi kèm như nóng rát ở ngực, đắng miệng, đau họng hoặc viêm hong, ho,…
  • Viêm màng phổi: Màng phổi chính là các mô nằm trong khoang ngực hoặc xung quanh phổi. Nếu chất lỏng dư thừa tích tụ xung quanh các mô này sẽ gây ra bệnh viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau xương ức khi ho hoặc hít vào, cảm thấy thiếu không khí khi hít thở,…
  • Viêm phế quản: Đây là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra tại ống phế quản (đường dẫn khí vào phổi). Thông thường, bệnh viêm phế quản sẽ khởi phát sau khi cơ thể bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Đau xương ức cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh lý này. Thông thường, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi hít thở. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng thở khò khè và ho có đờm.
  • Vấn đề tim mạch: Đau xương ức dữ dội là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về tim mạch, điển hình là đau tim. Tình trạng này thường xảy ra ở những người ngoài 40 tuổi và có tiền sử bệnh tim. Khi cơn đau tim khởi phát đột ngột mà không được sơ cứu đúng cách sẽ đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Một số dấu hiệu đi kèm giúp bạn nhận biết tình trạng đau xương ức do đau tim là chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, khó chịu toàn bộ phần thân trên,…

Triệu chứng

Dựa vào nguyên nhân gây đau xương ức mà biểu hiện của bệnh ra bên ngoài sẽ có sự khác nhau. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận biết ra tình trạng này thông qua các dấu hiệu sau đây:

  • Cảm giác hơi tức ngực, đau ngực hoặc khó thở
  • Cơn đau thường khởi phát khi đi bộ nhanh, leo cầu thang, ăn quá no,….
  • Ở một số trường hợp cơn đau có thể phát triển lan rộng đến cổ, hàm và tay

Đau xương ức thường xảy ra với mức độ không quá nghiêm trọng, nhưng nếu tình trạng này xảy ra do bệnh lý thì cần được chăm sóc y tế đúng cách. Nếu thấy bản thân có các triệu chứng sau đây, bạn cần gọi cấp cứu nhanh chóng để tránh đe dọa đến tính mạng:

  • Đau xương ức ở mức độ dữ dội kèm theo tức ngực khó thở
  • Đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt và buồn nôn
  • Cơn đau phát triển lan rộng đến các cơ quan xung quanh

Điều trị

Việc điều trị đau xương ức còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Dưới đây là các phương pháp điều trị đau xương ức mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Dùng thuốc Tây y

Với những trường hợp đau xương ức do bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc Tây y để cải thiện. Thuốc có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Các loại thuốc thường được kê đơn để điều trị đau xương ức là:

  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Thuốc giảm đau gây nghiện
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc steroid đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch

Thông thường, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau dựa vào nguyên nhân cũng như mức độ bệnh trạng. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra, không tự ý thay đổi liều lượng hay loại thuốc điều trị.

Thay đổi lối sống

Nếu tình trạng đau xương ức xảy ra do một số nguyên nhân thường gặp như mắc bệnh xương khớp, sức khỏe suy giảm,… Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thay đổi lối sống hàng ngày để cải thiện tình trạng bệnh. Cụ thể là:

  • Dành thời gian hai ngày để nghỉ ngơi rồi vận động nhẹ nhàng giúp cải thiện độ linh hoạt của xương khớp. Nếu cố tình vận động mạnh khi đang bị đau nhức, cơn đau sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
  • Tiến hành vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia xương khớp. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện vận động trị liệu, nhiệt trị liệu, điện trị liệu,…  Trong đó, chườm nóng lạnh là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất, giúp cải thiện nhanh chóng triệu chứng đau cấp tính.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không đơn kê theo hướng dẫn in trên bao bì. Thường dùng là ibuprofen hoặc naproxen natri. Tuyệt đối không được lạm dụng loại thuốc này để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.

Phòng ngừa

Khi thấy bản thân có triệu chứng đau nhức xương ức, bạn không nên chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa. Để phòng ngừa cơn đau khởi phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày thì bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Hình thành cho bản thân thói quen ăn uống hợp lý. Nên tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Hạn chế tối đa việc tiêu thụ dầu mỡ hoặc chất béo
  • Điều chỉnh lại lối sống hàng ngày sao cho khoa học như cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao đều đặn,… Đây đều là những thói quen mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày giúp tăng trao đổi chất, thanh lọc cơ thể và cải thiện sức đề kháng. Nói không với chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê, nước chè đặc…
  • Luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan, tránh rơi vào trạng thái buồn phiền hoặc nóng giận. Đồng thời, stress còn tác động xấu đến sức khỏe toàn thân và tạo cơ hội cho nhiều bệnh lý khác khởi phát.
  • Với những người có tiền sử bệnh lý tim mạch, cần dùng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, chăm sóc sức khỏe đúng cách và thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình hình bệnh.
  • Với những người đang bị tiểu đường, mỡ trong máu, cao huyết áp,… thì nên ăn kiêng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để ngăn chặn mức độ tiến triển của bệnh.

Bài viết trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng đau xương ức bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Nếu thấy bản thân có các triệu chứng bất thường ở vùng xương ức, bạn cần nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và cải thiện đúng cách.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android