Dây Đau Xương: Tác Dụng, Đặc Điểm Và Cách Dùng Hiệu Quả

Dây đau xương là một loại thảo dược thuộc dạng thân leo, chứa nhiều hoạt chất quý có tác dụng giảm đau, kháng viêm, chữa phong thấp, viêm khớp, đau nhức xương khớp, tổ đỉa và nhiều vấn đề khác về sức khỏe.

Dây đau xương là một loại thảo dược thuộc dạng thân leo, phân bố tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Cây chứa nhiều hoạt chất quý có tác dụng giảm đau, kháng viêm, chữa phong thấp, viêm khớp, đau nhức xương khớp, tổ đỉa và nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Điều quan trọng là bạn cần biết cách dùng dây đau xương sao cho đúng cách để thu được hiệu quả tối ưu.

Đặc điểm của dây đau xương

Dây đau xương được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày như một vị thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về thảo dược này.

Trong dân gian, loại cây này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cây tục cốt đằng, cây khau năng cấp, cây đau xương hay cây khoan cân đằng. Cây có tên khoa học là Tinospora sinensis Merr, thuộc họ Tiết dê.

dây đau xương
Dây đau xương là thảo dược quý, được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền

Cây dây đau xương được xếp vào nhóm các loại thực vật có dạng thân leo. Chiều dài trung bình mỗi cây dao động từ 7 – 8 mét. Xung quanh thân có nhiều cành mọc rũ xuống. Khi còn non, lớp vỏ ngoài cành được bao phủ một lớp lông tơ mịn nhưng lại trở nên nhẵn khi về già.

Lá dây đau xương có hình trái tim, mọc so le trên cành. Đầu lá hơi nhọn, mép không có răng cưa. Mỗi lá thường có 5 đường gân chính tỏa ra từ gốc tương tự như hình chân vịt. Chiều dài các lá khoảng 10 – 20cm và chiều rộng dao động từ 8 – 10m. Mặt trên lá có màu xanh đậm hơn nhưng lại không có lông giống như mặt dưới.

Hoa dây đau xương mọc thành chùm hoặc phát triển đơn độc. Sắc hoa màu trắng nhạt. Cuống hoa dài khoảng 2cm. Quả hình bán cầu, khi còn non có màu vàng hay xanh nhạt và khi chín sẽ chuyển thành màu đỏ. Bên trong quả có chứa chất nhầy và hạt hình cầu

Cây dây đau xương thường mọc hoang ở các tỉnh miền núi. Nhiều nhất là ở một số địa phương của miền Bắc như Lào Cai, Bắc Cạn hay Hà Giang… Ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan cũng là nơi chúng sinh trưởng nhiều.

Phân tích thành phần của dây đau xương, các nhà nghiên cứu thu được nhiều hoạt chất hóa học như:

  • Alkaloid
  • Glycoside phenolic
  • Tinosinesid A và B
  • Methanol
  • Dinorditerpen glucosid,…

Ngày nay, cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền đã phát hiện ra nhiều tác dụng dược lý của dây đau xương có thể ứng dụng vào trong việc điều chế thuốc để trị bệnh. Chính vì vậy mà cây được trồng rộng rãi với diện tích lớn.

Bộ phận sử dụng chủ yếu là thân và lá cây. Lá được thu hái quanh năm. Phần thân cây được thu hoạch khi đã già, đem về rửa sạch, thái lát mỏng, dùng ngay ở dạng tươi hoặc phơi khô và bảo quản nơi thoáng mát để sử dụng dần.

Tác dụng của dây đau xương

Dây đau xương có tác dụng gì? Đây là thắc mắc được nhiều người quan tâm. Đông y và y học hiện đại đã ghi nhận nhiều công dụng của loại cây này đối với sức khỏe.

Theo Đông y:

Trong sách Dược điển Việt Nam IV có đề cập, dây đau xương là dược liệu có tính mát, vị đắng. Thảo dược này có khả năng quy về kinh Can, giúp khu phong, trừ thấp, làm mạnh gân cốt và thư cân hoạt lạc.

Chủ trị:

  • Thấp khớp
  • Tê bại
  • Đau nhức xương khớp, mình mẩy
  • Ứ máu, đau nhức do ngã
  • Bong gân
  • Trật khớp
  • Nôn mửa
  • Bệnh trĩ
  • Sốt
  • Vết thương lở loét
  • Viêm khớp
  • Bệnh tổ đỉa…

Theo y học hiện đại:

Nhiều công trình khoa học đã được thực hiện để nghiên cứu về tác dụng dược lý của dây đau xương. Theo đó thì một số hoạt chất trong cây có đặc tính sinh học tốt, mang đến những công dụng nhất định cho cơ thể như:

  • Alcaloid: Đây là một loại axit amin thực vật. Chất này có tác dụng giảm đau, ức chế phản ứng viêm và hoạt động tương tự như một loại thuốc gây tê tự nhiên.
  • Dinorditerpen Glucosid: Trong dây đau xương chứa thành phần Dinorditerpen Glucosid  ở dạng Tinosinensid A, B. Chúng có tác dụng kháng viêm mạnh, giúp tiêu sưng, cải thiện tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, Dinorditerpen Glucosid còn giúp ức chế hoạt động của Histamin và Acetylcholin, giảm co thắt cơ và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, xoa dịu cơn đau nhanh chóng.
  • Methanol: Hoạt chất này được biết đến với khả năng chống oxy hóa, tiêu diệt gốc tự do và bảo vệ các mô khỏe mạnh, duy trì sự sống. Thử nghiệm trên chuột bị gây viêm bởi Freund trong 12 ngày cho thấy, Methanol chiết xuất từ dây đau xương có khả năng cải thiện cơn đau và tình trạng sưng viêm nhanh hơn so với những con chuột không được sử dụng.
  • Giảm đường huyết: Một số bằng chứng cũng cho thấy, dây đau xương có khả năng giảm đường huyết bằng cách ức chế hoạt động của các chất tham gia vào quá trình phân giải đồ ăn thành glucose. Điều này có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
tác dụng của dây đau xương
Dây đau xương có tác dụng kháng viêm, giảm đau tốt

Cách sử dụng dây đau xương

Dây đau xương có nhiều ứng dụng trong điều trị bệnh. Thảo dược này được y học cổ truyền bào chế thành thuốc sắc uống hay đắp ngoài với liều lượng dao động từ 10 – 12g mỗi ngày tùy theo mục đích và đối tượng sử dụng.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này:

Điều trị thấp khớp:

Bài 1:

  • Thành phần: Dây đau xương, khúc khắc, hoàng nàn chế, xuyên tiêu, ngưu tất, lá lốt, mã nhung đằng, độc lực, liễu tơ, huyết giác.
  • Cách dùng: Chế thành cao. Khi sử dụng pha loãng với nước ấm theo liều lượng được thầy thuốc hướng dẫn.

Bài 2: 

  • Thành phần: Dây đau xương kết hợp với củ kim cang lượng bằng nhau.
  • Cách dùng: Sắc cả hai dược liệu cho cô đặc thành cao. Để trị bệnh thấp khớp, mỗi ngày uống 6g.

Điều trị bong gân, trật khớp:

  • Thành phần: Lá dây đau xương, lá huyết đằng, lá tầm gửi trên cây khế, tiểu hồi, lá bưởi bung, hạt chanh Thái, quế, chi giải hương, nghệ vàng, vỏ cây núc nác, trần dứa, lá mua, lá khúc khắc, lá náng, vỏ sò, sinh khương, lá canh châu, lá đu đủ tía, nhựa xương rồng bà. Tất cả dùng với số lượng bằng nhau.
  • Cách dùng: Giã nhỏ dược liệu, đem sao nóng và chườm đắp trực tiếp lên khu vực bị bong gân, trật khớp.

Bài thuốc trị đau lưng mỏi gối cho bệnh nhân bị thận hư yếu

  • Thành phần: Dây đau xương, hạt khô dây tơ hồng, củ mài, rễ ngưu tất ( mỗi dược liệu 12g); Đỗ trọng, hầu khương, tỳ giải ( mỗi dược liệu 16g).
  • Cách dùng: Bỏ dược liệu vào ấm sắc lấy nước đặc uống hoặc ngâm rượu.

Điều trị bệnh đau dây thần kinh toạ:

  • Thành phần: Ngưu tất 20g, cốt toái bổ 12g, dây đau xương 20g, lông cu li 20g, kê huyết đằng 20g, sơn thục 8g, ba kích tím 12g.
  • Cách dùng: Ngày dùng 1 thang theo hình thức sắc uống. Kiên trì sử dụng cho đến khi triệu chứng đau dây thần kinh tọa thuyên giảm.

Chữa rắn cắn:

  • Thành phần: Lá dây đau xương và lá tía tô ( mỗi vị 20g), mã xỉ hiện 50g, lá cây thài lài 30g. Các nguyên liệu dùng ở dạng tươi
  • Cách dùng: Rửa sạch tất cả, ngâm với nước muối loãng 15 phút. Khi dùng đem giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Phần bã giữ lại đắp lên vết rắn cắn.

Điều trị tê mỏi các chi, đau nhức mình mẩy ở người cao tuổi:

  • Thành phần: Cây trinh nữ, kim ngân hoa, cây cứt lợn, cỏ xước, xương nhĩ, cà gai leo, dây đau xương, kim cang, thiên niên kiện. Các dược liệu dùng với số lượng bằng nhau.
  • Cách dùng: Sắc kỹ lấy nước uống hàng ngày thay thế cho trà.

Điều trị đau nhức xương khớp:

Bài 1:

  • Thành phần: Thân dây đau xương, rượu trắng cao độ
  • Cách dùng: Thái mỏng dược liệu, sao vàng và bỏ vào bình thủy tinh ngâm chung với rượu. Cứ 1 phần dây đau xương thì cần 5 phần rượu. Để trị đau nhức xương khớp mỗi ngày uống 1 ly rượu nhỏ. Có thể dùng thuốc theo hình thức sắc uống với liệu trình từ 15 – 20 ngày.
dây đau xương chữa đau nhức xương khớp
Thân dây đau xương được dùng để ngâm rượu hay sắc uống chữa đau nhức xương khớp

Bài 2:

  • Thành phần: Dây đau xương
  • Cách dùng: Rửa sạch dược liệu, đem giã nát rồi đắp trực tiếp lên khu vực bị đau mỗi ngày 1 – 2 lần.

Chữa phong thấp:

  • Thành phần: 15g dây đau xương, 15g cây lá lốt (dùng cả cây), 20g bạch liêm.
  • Cách dùng: Rửa sạch các dược liệu, bỏ vào chảo nóng sao vàng rồi hạ thổ. Đun sôi kỹ với nhiều nước uống thay cho nước lọc.

Chữa sưng đau đầu gối, sưng đỏ mu bàn chân:

  • Thành phần: Tương tư đằng, dây đau xương, rễ bách bộ, cốt khí củ, rễ cây quýt rừng, lá lốt. Mỗi vị dùng 20g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang liên tục từ 7 – 21 ngày tùy theo tình trạng bệnh.

Điều trị bệnh thấp khớp mãn tính:

  • Thành phần: Bạch linh, rễ cây tầm xuân, thân cây xộp, rễ ngưu tất, dây đồng bìa ( mỗi dược liệu 20g), lá lốt, dâu cang, dây đau xương, rễ cây gấc, thiên niên kiện (mỗi dược liệu 10g).
  • Cách dùng: Gộp tất cả thành một thang đem sắc làm 2 lần để thu được khoảng 400ml nước sắc. Tiếp tục đun thuốc trên lửa nhỏ đến khi cô đặc thành một loại cao lỏng. Các trường hợp bị thấp khớp mãn tính có thể uống mỗi ngày một ít cao. Hòa cao thuốc với rượu chia làm 3 lần dùng trong ngày.

Trị đau nhức xương khớp do phong thấp:

  • Thành phần: Rễ ngưu tất, rễ quýt gai, cam thảo nam, hổ trượng căn, đơn gối hạc, tất bát, dây đau xương. Mỗi loại dùng 20g.
  • Cách dùng: Sắc tất cả với 1 lít nước. Đun sôi khoảng 15 phút. Chia làm 2 – 3 lần uống.

Điều trị viêm khớp dạng thấp:

  • Thành phần: Tế tân, quốc lão ( mỗi dược liệu 6g), xuyên khung, quế chi ( mỗi dược liệu 8g), tầm gửi cây dâu, dây đau xương (mỗi dược liệu 16g), rễ ngưu tất 20g ( sao vàng với rượu), tục đoạn, thanh táo, độc hoạt, rầy cáy, bạch thược, vân quy, thục địa (mỗi dược liệu 12g).
  • Cách dùng: Sắc uống đều đặn mỗi ngày 1 thang để chữa viêm khớp dạng thấp.

Chữa đau nhức khớp gối, mỏi người, vận động khó khăn

  • Thành phần: Cây trâu cổ 15g (dùng cành và thân), tầm gửi cây dâu 12g, dây đau xương 12g, rễ cây gấc 12g, tang chi 12g.
  • Cách dùng: Bỏ tất cả vào ấm và sắc kỹ lấy nước uống khi còn ấm.

Điều trị viêm khớp hay thấp khớp

  • Thành phần: 100g dây đau xương, 30g ngọc thụ, 50g vỏ thân cây ô môi, 100g tắc kè đá.
  • Cách dùng: Tất cả dược liệu cho vào bình ngâm chung với 1 lít rượu trắng loại trên 40 độ. Để khoảng 20 ngày là dùng được. Mỗi lần uống 30ml x 2 lần/ngày để trị viêm khớp, thấp khớp.

Chữa bệnh tổ đỉa:

  • Thành phần: Dây đau xương (dùng thân và lá tươi)
  • Cách dùng: Rửa sạch dược liệu rồi đem phơi khô, sao vàng. Sắc kỹ lấy nước chia làm 3 lần uống trong ngày.

Lưu ý khi dùng dây đau xương

  • Không dùng dây đau xương làm thuốc chữa bệnh cho phụ nữ có thai, người bị dị ứng với một trong các thành phần của cây.
  • Trường hợp có thể hàn, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
  • Các hoạt chất trong cây có tác dụng dược lý nhưng hiệu quả nhẹ, cho tác dụng từ từ. Do vậy, không thể dùng chúng để thay thế hoàn toàn cho thuốc Tây trong giai đoạn bệnh đang tiến triển nặng.
  • Dây đau xương có thể tương tác với một số loại thuốc Tây, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác. Thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi có ý định kết hợp chúng với nhau.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android