Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối

Thay đổi lối sống giảm đau thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là tình trạng hư tổn phần sụn khớp, xảy ra theo thời gian do nhiều nguyên nhân như tuổi tác, chấn thương, thừa cân… Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, chúng ta vẫn có biện pháp làm chậm quá trình bệnh và giảm nhẹ triệu chứng. Điều chỉnh lối sống chính là một phần quan trọng trong kế hoạch đó.

Vậy những thay đổi lối sống nào là cần thiết với người thoái hóa khớp gối?

Kiểm soát cân nặng

Bạn biết không, mỗi khi tăng 1kg, áp lực lên khớp gối lại tăng thêm đến 4kg đấy! Vì thế, việc giảm cân là vô cùng cần thiết nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì. Một chế độ ăn lành mạnh kết hợp tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn lấy lại vóc dáng cân đối mà giảm bớt gánh nặng lên đôi chân.

Tập thể dục thường xuyên

Lười vận động là kẻ thù của các khớp! Các bài tập giúp xây dựng cơ bắp khỏe mạnh xung quanh khớp gối, từ đó nâng đỡ và giảm áp lực đáng kể. Ngoài ra, tập thể dục thúc đẩy tiết dịch khớp, nuôi dưỡng và bôi trơn sụn khớp tốt hơn.

Đi bộ là phương pháp cải thiện tình trạng đau nhức khớp gối do thoái hóa
Đi bộ là phương pháp cải thiện tình trạng đau nhức khớp gối do thoái hóa

Một số bài tập phù hợp khi bị thoái hóa khớp gối:

  • Đi bộ
  • Đạp xe
  • Yoga
  • Thủy trị liệu (tập trong nước)

Cải thiện chất lượng giấc ngủ và tinh thần

Giấc ngủ kém, căng thẳng kéo dài sẽ khiến cơn đau thêm nặng nề.  Vì vậy, hãy xây dựng thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Hạn chế thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, thư giãn tinh thần để dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Chế độ ăn quá nhiều đường, chất béo xấu góp phần tăng viêm trong cơ thể, kể cả ở các khớp. Thay vào đó, hãy chọn:

  • Rau xanh, củ quả như cải bina, súp lơ, rau ngót, mồng tơi,…
  • Cá béo gồm cá ngòi, cá thu, cá ngừ, cá hồi…
  • Thực phẩm giàu canxi như phô mai, sữa và những chế phẩm từ sữa…

Các thói quen hỗ trợ khác

  • Thực hiện đúng tư thế sinh hoạt, lao động, ví dụ như ngồi thẳng, tránh bắt chéo chân. Không tự ý kê gối quá cao khi ngủ.
  • Tránh đứng một chỗ quá lâu.
  • Sử dụng nạng giúp đỡ nếu cần thiết.

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc tân dược

Hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa khớp gối. Các nhóm thuốc điều trị hiện nay có vai trò chính như sau:

  • Giảm nhanh triệu chứng đau, cứng khớp.
  • Hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa, bảo vệ sụn khớp

Thuốc giảm đau nhanh

Dùng trong đợt bệnh tiến triển, cơn đau nhiều, bao gồm:

  • Paracetamol: Thuốc giảm đau an toàn, được lựa chọn đầu tiên. Liều dùng 500mg – 1g/lần, mỗi 4-6 tiếng, không quá 4g/ngày.
  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen (400mg – 600mg/lần, mỗi 4-6 tiếng), diclofenac (50mg/lần, mỗi 8-12 tiếng)… Hiệu quả hơn paracetamol nhưng nên dùng đợt ngắn (5-7 ngày) do nguy cơ tác dụng phụ (đau dạ dày, tăng huyết áp…).
Thuốc giảm đau Paracetamol có thể được chỉ định trong một số trường hợp
Thuốc giảm đau Paracetamol có thể được chỉ định trong một số trường hợp

Thuốc tiêm nội khớp

Khi thuốc uống không kiểm soát đủ, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Corticosteroid: Kháng viêm mạnh, giảm đau nhanh. Tiêm nhắc lại không quá 3-4 lần/năm.
  • Acid hyaluronic: Giúp bôi trơn khớp, giảm đau, thường dùng khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Thuốc tác dụng chậm (SYSADOA)

Nhóm thuốc này cần dùng trong thời gian dài (vài tháng) mới cho kết quả, giúp giảm đau và ngăn ngừa thoái hóa tiến triển. Phổ biến như:

  • Glucosamine (uống 1500mg – 2000mg/ngày, chia làm 3 lần).
  • Chondroitin (Uống 800mg – 1200mg/ngày, chia làm 3 lần).
  • Diacerein (Uống 50mg/lần, mỗi 6 tiếng)…

Lưu ý quan trọng khi điều trị thoái hóa khớp bằng thuốc

  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn (NSAID, corticoid…)
  • Liều lượng, thời gian dùng thuốc đều quan trọng đến điều trị
  • Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau dạ dày… Người bệnh thông báo ngay cho bác sĩ khi gặp những triệu chứng này.

Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp gối

Khi bị thoái hóa khớp gối nặng, các biện pháp bảo tồn như dùng thuốc, tập vật lý trị liệu,… không mang lại hiệu quả tích cực. Người bệnh lúc này sẽ được chỉ định áp dụng phương pháp phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng, chấm dứt triệu chứng bệnh.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay:

  • Phẫu thuật nội soi làm sạch khớp: Loại bỏ các mảnh sụn bong tróc, dị vật, làm sạch bề mặt sụn… Thích hợp cho thoái hóa giai đoạn nhẹ và trung bình.
  • Đục xương sửa trục: Thay đổi tải trọng trên khớp, giúp giảm đau, phù hợp cho người còn tương đối trẻ, thoái hóa mức độ không quá nặng.
  • Phẫu thuật ghép sụn: Lấy sụn từ vùng lành trên khớp gối hoặc sử dụng sụn nhân tạo để thay thế phần sụn khớp gối đã bị tổn thương.
  • Thay khớp gối: Một phần hoặc toàn bộ khớp gối sẽ được thay bằng khớp nhân tạo nhằm lấy lại hình dạng bình thường, cho phép vận động trơn tru. Phẫu thuật này thường lựa chọn khi thoái hóa khớp giai đoạn nặng, người bệnh lớn tuổi.

Phương pháp vật lý trị liệu và liệu pháp hỗ trợ khác

Là phương pháp áp dụng các tác nhân vật lý như nhiệt, điện, nước, lực cơ học… kết hợp tập luyện nhằm phục hồi chức năng cho người bệnh. Trong thoái hóa khớp gối, mục đích là:

  • Giảm đau, giảm cứng khớp
  • Tăng sức cơ, nâng cao khả năng vận động.
  • Ngăn ngừa biến dạng khớp

Các phương pháp vật lý trị liệu

  • Bài tập vận động: Bao gồm tập tăng sức cơ, kéo giãn cơ. Bài tập aerobic nhẹ nhàng (đi bộ, đạp xe tại chỗ) cũng rất có lợi.
  • Điện trị liệu: Sử dụng dòng điện kích thích nhằm giảm đau, tăng tuần hoàn
  • Nhiệt trị liệu: Chườm nóng hoặc lạnh tùy theo tình trạng khớp.
  • Siêu âm trị liệu: Sóng siêu âm tác động sâu, thúc đẩy liền thương và giảm đau.
  • Kéo giãn cột sống: Kỹ thuật hữu ích khi thoái hóa khớp gối kết hợp với các bệnh lý cột sống.
Chườm lạnh/nóng giúp giảm nhanh tình trạng đau khớp gối
Chườm lạnh/nóng giúp giảm nhanh tình trạng đau khớp gối

Các liệu pháp hỗ trợ khác

Thiết bị hỗ trợ:

  • Nẹp gối: Giúp bảo vệ khớp, giảm đau khi đi lại.
  • Đệm lót giày: Giảm sốc, hạn chế sang chấn lên khớp.
  • Gậy, khung tập đi: Hỗ trợ di chuyển, tăng cảm giác an toàn, tránh vấp ngã.

Liệu pháp thay thế:

  • Châm cứu: Kỹ thuật dùng châm nhỏ tác động vào huyệt vị để tác động tới dòng chảy năng lượng trong cơ thể.
  • Xoa bóp, bấm huyệt: Xoa bóp bấm huyệt giúp thư giãn cơ bắp, giảm co thắt, đem lại cảm giác dễ chịu tạm thời.

Châm cứu hay xoa bóp bấm huyệt đều là những kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao. Vì thế người bệnh cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn, tay nghề cao

Bằng cách kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp cùng lối sống khoa học, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh hiệu quả, giảm đau, cải thiện vận động và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android