Gãy Xương

Triệu chứng và nguyên nhân

Gãy xương khiến xương khớp bị mất đi tính ổn định và gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Tình trạng này thường xảy ra sau một chấn thương mạnh hoặc do ảnh hưởng từ bệnh lý. Khi có các dấu hiệu gãy xương như đau nhức, sưng tấy, bầm tím da,... bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách.

Định nghĩa

Gãy xương là hiện tượng cấu trúc xương bị phá hủy đột ngột và gây ra một số tổn thương như nứt, tách rời,... Điều này đã khiến cho quá trình truyền lực qua xương bị gián đoạn. Có thể nói ngắn gọn hơn, gãy xương là tình trạng xương bị mất đi tính liên tục và hoàn chỉnh do ngoại lực gây ra. Gãy xương có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp là chấn thương và bệnh lý.

Nếu xương bị mất đi tính liên tục hoàn toàn (tách rời hoàn toàn) thì được gọi là gãy xương hoàn toàn. Trường hợp xương bị mất đi tính liên tục không hoàn toàn (nứt xương) thì gọi là gãy xương không hoàn toàn. Ngoài ra, bác sĩ còn dựa vào tính chất tổn thương xảy ra tại phần mềm mà chia tình trạng này thành hai dạng cơ bản là gãy xương kín hoặc gãy xương hở.

Gãy xương cần được xử lý y tế nhanh chóng và đúng cách để tránh gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương cũng như hệ thống mô mềm xung quanh. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị sẽ gây ra các biến chứng như sốc giảm dịch, tổn thương khớp -gân - cơ, tổn thương phủ tạng, nhiễm trùng huyết, viêm xương khớp, viêm tủy xương, hoại tử vô mạch,...

Hình ảnh

Triệu chứng

Dựa vào các yếu tố như loại gãy xương, mức độ nghiêm trọng, sức khỏe và độ tuổi mà triệu chứng gãy xương biểu hiện ra bên ngoài ở từng đối tượng sẽ có sự khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bệnh đều phải đối mặt với các triệu chứng đặc trưng sau đây:

  • Sau chấn thương, vùng xương ngay tại vị trí tổn thương bị biến dạng. Khi bị gãy xương hở, xương sẽ đâm xuyên qua da và nhô ra khỏi da gây chảy máu.
  • Bị sưng tấy và đau nhức xung quanh khu vực chấn thương. Nếu người bệnh cố gắng vận động hoặc dùng lực tác động vào vị trí chấn thương thì cơn đau sẽ tăng lên.
  • Khu vực bị chấn thương xuất hiện vết bầm tím hoặc đổi màu da. Chức năng vùng bị thương giảm mạnh, không thể cử động hoặc di chuyển.
  • Mô mềm gần vùng xương bị gãy có dấu hiệu phù nề và tụ máu. Nếu người bệnh cố giữ mảnh xương tại chỗ sẽ gây co thắt cơ mất kiểm soát.
  • Nếu bị gãy xương cột sống sẽ gây ảnh hưởng đến các cấu trúc lân cận như thần kinh, mạch máu, tủy sống,...

Với những trường hợp gãy xương gây tổn thương đến các khu vực xương lớn trên cơ thể như xương chậu, xương đùi,... sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng toàn thân như chóng mặt, da xanh xao, buồn nôn, ngất xỉu,...

Nguyên Nhân

Đa số các trường hợp bị gãy xương đều xảy ra sau một chấn thương mạnh do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao, ngã mạnh,... Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng từ một số bệnh lý về xương khớp như u xương, lao xương, viêm tủy xương, loãng xương,...

Chuyên gia cho biết, gãy xương có thể khởi phát ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, nguy cơ gãy xương sẽ còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Trẻ em rất dễ bị gãy xương nhưng có mức độ ít phức tạp hơn so với người lớn. Người già cũng là đối tượng dễ bị gãy xương do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.

Dưới đây là các đối tượng có nguy cơ cao bạn có thể tham khảo:

  • Người lao động nặng nhọc.
  • Người bị nghiện thuốc lá.
  • Trẻ em có cấu trúc xương chưa phát triển hoàn thiện.
  • Dùng thuốc corticosteroid trị bệnh dài hạn.
  • Mắc bệnh lý xương khớp khiến xương trở nên giòn và suy yếu.

Phòng ngừa

Gãy xương rất dễ xảy ra khi có ngoại lực tác động mạnh vào hoặc do cấu trúc xương bị suy yếu do bệnh lý hay thoái hóa. Để phòng ngừa tình trạng này thì bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Chế độ ăn uống cần cung cấp đủ các thành phần dưỡng chất cần thiết cho hệ xương khớp như canxi, vitamin D,... Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến xương khớp như đồ ăn mặn nhiều muối, đồ nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn,...
  • Hoạt động thể chất mỗi ngày giúp tăng cường độ chắc khỏe và linh hoạt của xương. Đồng thời, cách này còn có tác dụng làm chậm tốc độ thoái hóa xương khớp và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Vì thế, bạn cần phải loại bỏ thói quen hút thuốc lá để phòng ngừa gãy xương.
  • Tiến hành giảm cân nếu đang bị thừa cân béo phì để giảm áp lực lên hệ thống xương khớp và giảm nguy cơ thoái hóa. Tốt nhất, bạn nên duy trì cân nặng ở mức ổn định và hợp lý.
  • Cần cẩn thận khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày, tránh bị té ngã dẫn đến chấn thương và gãy xương.
  • Nếu đang mắc các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ bị gãy xương như loãng xương, xương giòn,... bạn nên thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị và kiểm soát bệnh.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng gãy xương, bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Gãy xương có thể khắc phục dễ dàng bằng cách phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn. Nhưng nếu bạn chủ quan trong việc điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Vì thế, ngay khi có dấu hiệu gãy xương bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Việc chẩn đoán gãy xương cần được thực hiện bằng cách kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp xét nghiệm cận lâm sàng. Thường được áp dụng là  chụp x-quang, chụp CT, chụp MRI. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định làm xét nghiệm huyết học để đánh giá nguy cơ mất máu và làm xét nghiệm sinh hóa để xác định mức độ tổn thương.

Mục đích của việc điều trị gãy xương là đưa mảnh xương vỡ trở về vị trí ban đầu, ngăn ngừa chúng bị di lệch ra khỏi chỗ và giúp xương nhanh chóng lành lại. Sau một thời gian điều trị, xương sẽ liền lại giống cấu trúc tự nhiên và khôi phục lại chức năng vốn có. Khi bị gãy xương, bạn cần phải điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và thường xuyên đến cơ sở y tế để được theo dõi tình trạng bệnh, giúp quá trình điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Có thể nói, chữa lành xương bị gãy là một quá trình tự nhiên diễn ra bên trong cơ thể. Để quá trình tự chữa lành bắt đầu, bác sĩ cần phải phẫu thuật  hoặc nắn xương để xếp thẳng hàng những đầu xương bị gãy. Quá trình này còn được gọi là giảm gãy xương. Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào loại gãy xương và mức độ tổn thương để có thể lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Các phương pháp điều trị gãy xương được áp dụng phổ biến trong y khoa là:

Biện pháp giảm gãy xương

Dựa vào mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ tiến hành giảm gãy xương bằng cách nắn xương, giảm đóng hoặc phẫu thuật. Nắn xương và giảm đóng thường được áp dụng với những trường hợp bệnh nhẹ, giúp kéo các mảnh xương bị gãy liền lại với nhau.

Phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện với những trường hợp nặng hơn, có tổn thương khớp hoặc mô mềm xung quanh. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo một vết thương hở trên da với kích thước phù hợp để sắp lại xương bị gãy và cố định chúng. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận tiện hơn. Với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nắn xương kết hợp với phẫu thuật để giảm gãy xương.

Ghép xương

Ghép xương được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị gãy xương hoàn toàn và gây ảnh hưởng đến khớp. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành ghép xương tự thân để gia cố vùng xương bị tổn thương. Ở một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được gia cố xương bằng kim loại. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây teo xương và giảm độ bền của những liên kết.

Cố định xương

Sau khi xương đã được căn chỉnh chính xác vị trí, bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp cố định xương để giữ cho xương luôn thẳng hàng trong suốt quá trình tự chữa lành tổn thương. Các phương pháp đó là:

  • Nẹp chức năng bằng nhựa hoặc bó bột thạch cao giúp xương liền lại sau khi lành.
  • Dùng đinh nội thủy với những trường hợp gãy xương ở mức độ nặng.
  • Dùng bộ cố định bên ngoài được làm bằng sợi carbon hoặc kim loại với trường hợp gãy xương cẳng tay hoặc gãy chân.

Thời gian cố định xương sẽ kéo dài từ 2 - 8 tuần tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và một số yếu tố tác động khác như biến chứng, nhiễm trùng, loại xương gãy,... Trong khoảng thời gian cố định xương, người bệnh cần ăn uống khoa học và sinh hoạt tích cực để quá trình chữa lành tổn thương có thể diễn ra một cách tốt nhất.

Dùng thuốc giảm đau

Khi bị gãy xương, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức ở mức độ nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc giảm đau. Được kê đơn phổ biến là thuốc giảm đau chống viêm. Với những trường hợp nặng không thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn bằng thuốc giảm đau gây nghiện. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.

Vật lý trị liệu

Sau khi xương lành, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập luyện vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động, phục hồi sức mạnh cơ bắp ở vùng bị ảnh hưởng. Ngoài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia, bạn cũng có thể vận động hoặc đi lại nhẹ nhàng giúp nâng cao sức bền và sức khỏe tổng thể.

Nếu bị gãy xương lặp lại nhiều lần ở một khớp hoặc gãy gần khớp sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm khớp hoặc cứng khớp vĩnh viễn. Lúc này, chức năng khớp sẽ dần mất đi và bị suy giảm đáng kể.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Gãy xương bánh chè là một loại chấn thương khớp gối, gây sưng to, đau nhức và hạn chế vận động.

  • Trong giai đoạn đầu, cần nằm nghỉ để khớp hồi phục, sau đó thực hiện các bài tập vật lý trị liệu như tập co cơ tĩnh và tăng dần độ linh hoạt của khớp.
  • Đối với trường hợp bó bột, cần bất động khớp và sau đó tập luyện các khớp chủ động.
  • Sau phẫu thuật, từ tuần thứ hai, cần tập duỗi gối tối đa kết hợp gấp gối 90 độ, sử dụng nạng hỗ trợ khi cần thiết và tiếp tục vận động khớp thông qua các bài tập vật lý trị liệu.
  • Việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp tái tạo xương bánh chè và khôi phục vận động của khớp gối hiệu quả.
Xem chi tiết

Người bị gãy xương bánh chè nên ăn:

  • Nhóm thực phẩm giàu canxi (cá hồi, măng tây, rau họ cải…)
  • Nhóm thực phẩm giàu kẽm (tôm, cua, cá, cà rốt, trứng…)
  • Nhóm thực phẩm giàu magie (chuối, rau ngót, khoai lang…)
  • Nhóm thực phẩm giàu protein (thịt bò, sữa, phô mai…)
  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin D, K, C, B6, B12, sắt

Những thực phẩm này không chỉ hỗ trợ làm lành vết thương, tăng cường sự chắc khỏe của xương khớp mà còn nâng cao đề kháng cho cơ thể. Đồng thời người bệnh nên hạn chế ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp, bia rượu, nước ngọt…

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android