Giãn Dây Chằng Cổ Tay

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh giãn dây chằng cổ tay thường gây ra các cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo biểu hiện sưng khớp bị ảnh hưởng. Ở mức độ nhẹ, tổn thương có thể hồi phục sau khoảng 7 - 14 ngày. Tuy nhiên, nếu bị giãn dây chằng cổ tay nặng, bệnh nhân nên sớm thăm khám và chữa trị để bảo tồn chức năng vận động.

Định nghĩa

Giãn dây chằng cổ tay là bệnh lý được xác định khi các dây chằng nối phần cổ tay với xương tay có hiện tượng bị kéo căng quá mức. Lúc này, dây chằng thường bị giãn hoặc thậm chí là giãn hay đứt hoàn toàn. Đây là một dạng chấn thương phổ biến, thường gặp nhất là ở các vận động viên thể thao.

Thông thường, khi bị té ngã, hầu hết mọi người đều có khuynh hướng đưa tay ra để chống đỡ. Điều này khiến cho dây chằng cổ tay phải chịu một áp lực lớn và đột ngột dẫn đến căng giãn và không thể phục hồi lại trạng thái ban đầu ngay sau đó. Điều này khiến cho khớp cổ tay trở nên lỏng lẻo và gây ra các cơn đau với nhiều mức độ khác nhau tùy theo tình trạng tổn thương ở dây chằng.

Có không ít trường hợp bị nhầm lẫn giữa giãn dây chằng cổ tay với căng cơ. Tuy nhiên, đây là hai chấn thương hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt giữa chúng chính là vị trí bị ảnh hưởng. Trường hợp bị giãn dây chằng cổ tay, vị trí tổn thương nằm trong phạm vi nối giữa xương tay với cổ tay. Trong khi đó, căng cơ chỉ gây tổn thương cho dải mô gắn cơ với xương.

Thêm vào đó, hiện tượng giãn dây chằng cổ tay cũng có những triệu chứng tương tự với nhiều vấn đề y tế nghiêm trọng khác, chẳng hạn như gãy xương cổ tay. Để chẩn đoán phân biệt bệnh, bạn nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm hình ảnh nhằm có phương án điều trị đúng đắn, kịp thời.

Hình ảnh

Triệu chứng

Cảm giác đau đớn là không thể tránh khỏi khi bị giãn dây chằng cổ tay. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp thêm nhiều triệu chứng bất thường khác. Tính chất nghiêm trọng của cơn đau đau cùng các dấu hiệu liên quan còn phụ thuộc vào thuộc vào mức độ giãn dây chằng ở từng cá nhân.

Các triệu chứng chung của giãn dây chằng cổ tay

  • Tại thời điểm bị chấn thương, nhiều bệnh nhân có thể nghe được tiếng "bóc" phát ra từ cổ tay do các xương trong khớp bị trật ra ngoài.
  • Đau ở cổ tay. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo mức độ tổn thương ở dây chằng.
  • Sưng khớp cổ tay do các mô mềm bị tổn thương và kích hoạt phản ứng viêm.
  • Bầm tím da ở cổ tay do tụ máu
  • Giảm phạm vi và khả năng vận động của khớp cổ tay. Thậm chí cổ tay không thể cử động được.
  • Khớp cổ tay mất đi tính ổn định.

Dấu hiệu theo cấp độ giãn dây chằng cổ tay

Bệnh giãn dây chằng nói chung và giãn dây chằng cổ tay nói riêng đều được chia thành 3 cấp độ phát triển chính gồm:

- Cấp độ 1: Giãn dây chằng khớp cổ tay nhẹ

  • Có thể nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ khớp khi dây chằng bị chấn thương.
  • Dây chằng cổ tay bị tổn thương nhẹ
  • Cơn đau chỉ xuất hiện thoáng qua. Khi ấn vào cổ tay hoặc khi vận động khớp mới thấy đau rõ ràng hơn.
  • Có thể sưng khớp bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể.
  • Rất ít chảy máu bên trong.

- Cấp độ 2: Giãn dây chằng cổ tay trung bình

  • Dây chằng giãn nhiều, có thể bị rách một phần
  • Xuất hiện cơn đau rõ ràng và có thể kéo dài
  • Sưng khớp cổ tay nghiêm trọng hơn.
  • Có chảy máu trong khớp nhưng không nhiều.
  • Khớp cổ tay lỏng lẻo, mất ổn định.
  • Các vận động ở khớp bị hạn chế.

- Cấp độ 3: Dây chằng cổ tay bị giãn nặng

  • Dây chằng căng giãn quá mức dẫn đến rách hoàn toàn
  • Khớp lỏng lẻo, mất chức năng vận động
  • Đau dữ dội ở khu vực bị chấn thương kèm theo tình trạng sưng khớp cổ tay nghiêm trọng.
  • Có thể bị trật khớp hoàn toàn.

Nguyên Nhân

Tình trạng giãn dây chằng cổ tay thường phát sinh sau khi bị té ngã hoặc gặp tai nạn. Đôi khi, một số bệnh lý về xương khớp cũng có thể khiến dây chằng bị tổn thương.

Các nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng cổ tay bao gồm:

Té ngã:

Theo phản xạ tự nhiên, nhiều người sẽ đưa tay ra để chống đỡ khi bị té ngã. Lực tác động đột ngột khiến cho các đầu xương ở khớp cổ tay bị trượt ra ngoài và làm dây chằng bị căng giãn.

Chấn thương khi chơi thể thao:

Một số bộ môn thể thao phải sử dụng lực ở cổ tay nhiều, các hoạt động ở khớp lặp đi lặp lại nhiều lần, cổ tay thường xuyên phải uốn cong ra phía sau hay bị vặn xoắn bất ngờ đều có thể gây tổn thương dây chằng. Điển hình nhất là các bộ môn như:

  • Bóng chuyền
  • Bóng rổ
  • Đánh golf
  • Cầu lông
  • Tennis...

Bên cạnh đó, việc không khởi động kỹ trước khi tham gia thi đấu hoặc luyện tập quá sức cũng có thể gây giãn dây chằng khớp cổ tay.

Tai nạn: 

Tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động cũng là những nguyên nhân phổ biến khiến cho dây chằng cổ tay bị tổn thương, căng giãn. Trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng, dây chằng có thể bị rách, đứt hoàn toàn kèm theo các vấn đề nghiêm trọng khác như nứt xương, gãy xương cổ tay.

Lạm dụng khớp cổ tay quá mức:

Khớp cổ tay phải hoạt động liên tục trong thời gian dài sẽ khiến dây chằng bị kéo căng, đồng thời dẫn đến hàng loạt các vấn đề khác như viêm khớp cổ tay, thoái hóa khớp cổ tay.

Mang vác đồ nặng thường xuyên:

Bệnh giãn dây chằng cổ tay cũng ảnh hưởng nhiều đến nhóm đối tượng lao động nặng tay chân nặng nhọc, thường xuyên phải mang vác đồ nặng. Tình trạng này gây áp lực lớn lên dây chằng và khiến cho bộ phận này bị căng giãn khó phục hồi.

Ảnh hưởng của bệnh lý:

Một số bệnh lý về xương khớp cũng có thể gây tổn thương, căng giãn dây chằng cổ tay. Chẳng hạn như:

  • Thoái hóa khớp cổ tay
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm khớp cổ tay
  • Sai khớp
  • Thoái hóa dây chằng cổ tay

Phòng ngừa

Khớp cổ tay là nơi thường xuyên phải vận động nên rất dễ bị tổn thương dây chằng. Để phòng ngừa giãn dây chằng cổ tay, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:

  • Tránh các hoạt động lặp đi lặp lại ở khớp
  • Khởi động kỹ và mang thiết bị bảo vệ cổ tay khi chơi thể thao. Điều này là cần thiết khi bạn tham gia các bộ môn có tính chất mạo hiểm và dễ bị chấn thương, té ngã.
  • Mang giày dép phù hợp, có đế chống trơn trượt để hạn chế bị té ngã.
  • Cẩn thận đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông
  • Khiêng vác vật nặng đúng cách và tốt nhất nên nhờ sự trợ giúp của các thiết bị nâng hàng nhằm tránh chấn thương cho dây chằng.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý ở cổ tay.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp khớp và dây chằng dẻo dai, chắc khỏe hơn.
  • Thường xuyên luyện tập các động tác nhẹ nhàng để thư giãn khớp, tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ bị giãn dây chằng cổ tay.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh giãn dây chằng cổ tay có thể được chẩn đoán thông qua những phương pháp sau:

Thăm khám lâm sàng:

  • Kiểm tra khớp cổ tay để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan và đánh giá mức độ tổn thương.
  • Trao đổi về tiền sử bị tai nạn, chấn thương hay bệnh lý cùng nghề nghiệp của bệnh nhân nhằm tìm ra nguyên nhân gây giãn dây chằng ở cổ tay.
  • Bệnh nhân được yêu cầu thực hiện một số cử động để đánh giá chức năng vận động ở khớp bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

Một số xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện để chẩn đoán phân biệt giãn dây chằng cổ tay với các bệnh lý khác. Bao gồm:

  • Chụp X-quang giúp loại trừ trường hợp bị sưng đau khớp cổ tay do gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Nội soi khớp cổ tay

Kết quả chẩn đoán cho phép bác sĩ xác định được tình trạng giãn dây chằng khớp cổ tay cùng mức độ bệnh, từ đó đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.

Biện pháp điều trị

Bệnh giãn dây chằng cổ tay mức độ nhẹ có thể được cải thiện nếu biết cách sơ cứu, xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh gây đau nhiều và tổn thương dây chằng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến vấn động thì bạn nên tiếp nhận điều trị bằng y tế càng sớm càng tốt.

Phương pháp sơ cứu, xử trí giãn dây chằng cổ tay tại nhà

Để giảm đau và giúp dây chằng cổ tay phục hồi nhanh hơn, bạn có thể áp dụng các phương pháp dưới đây:

  • Nghỉ ngơi khớp cổ tay trong ít nhất 48 tiếng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để khớp vá dây chằng được thư giãn, giảm bớt áp lực và kích thích tái tạo tổn thương.
  • Lực chọn tư thế ngủ phù hợp. Không ngủ nằm đè lên bên tay bị thương hoặc gác tay lên trán khiến dây chằng bị kéo giãn nhiều hơn. Tốt nhất, bạn nên nằm ngửa, để cánh tay thả lỏng tự nhiên và ngang bằng với mặt giường. Lòng bàn tay ngửa lên trên và kê một cái gối mềm bên dưới để nâng cổ tay lên cao hơn so với tim, giúp giảm sưng cổ tay.
  • Chườm lạnh bằng túi nước đá hay khăn lạnh cũng giúp cổ tay bớt sưng tấy, đau nhức, ngăn chặn tình trạng tích tụ máu tại vùng tổn thương khi bị giãn dây chằng. Mỗi lần chườm lạnh, bạn nên để khoảng 20 phút và lặp lại sau mỗi 4 tiếng.
  • Bất động khớp cổ tay bằng băng thun hay nẹp: Tác động từ bên ngoài có thể khiến giãn dây chằng cổ tay lâu hồi phục. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo bạn nên dùng băng thun hay nẹp để cố định khớp, tạo điều kiện cho khớp được nghỉ ngơi và tổn thương ở dây chằng cũng được chữa lành nhanh hơn. Thêm vào đó, việc băng bất định khớp cổ tay cũng góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu các cơn đau đớn cho bạn. Tuy nhiên, cần tránh băng nẹp khớp quá chặt gây bầm tím, sưng đau nghiêm trọng hơn.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hay Aspirin... để cải thiện các cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Rèn luyện các bài tập phục hồi giãn dây chằng cổ tay để làm tăng tuần hoàn máu, giảm đau và cải thiện khả năng vận động cho khớp.

Điều trị giãn dây chằng cổ tay bằng y tế

Ngoài thuốc điều trị, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm vật lý trị liệu để giảm nhẹ các triệu chứng và phục hồi khả năng vận động cho khớp cổ tay. Trường hợp bị giãn dây chằng cổ tay nặng có thể phải phẫu thuật.

Thuốc chữa giãn dây chằng cổ tay:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol được sử dụng sau mỗi 4 - 6 tiếng để giảm đau do giãn dây chằng cổ tay. Bác sĩ thường kê đơn loại thuốc này cho những bệnh nhân bị đau nhẹ và vừa.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này giúp giảm sưng đau cổ tay trong ngắn hạn.
  • Codeine: Loại thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh hơn nhưng có thể gây nghiện. Tránh tự ý lạm dụng thuốc Codeine nếu không được bác sĩ chỉ định.
  • Tiêm corticoid: Một số bệnh nhân được tiêm Corticoid trực tiếp vào dây chằng để giảm đau, chống viêm nhanh hơn.

Vật lý trị liệu:

Đây là phương pháp điều trị bệnh không xâm lấn và thường được chỉ định song song với quá trình điều trị bằng thuốc. Tùy theo tình trạng bệnh, chuyên gia vật lý trị liệu có thể thực hiện nhiều phương pháp khác để giảm đau đớn cho bạn, đồng thời ức chế phản ứng sưng viêm, kích thích lưu thông máu để các mô bị tổn thương ở dây chằng cổ tay phục hồi nhanh hơn.

Các phương pháp vật lý trị liệu có thể được áp dụng để điều trị giãn dây chằng cổ tay bao gồm:

  • Đắp parafin
  • Siêu âm
  • Trị liệu bằng sóng ngắn
  • Điện trị liệu...

Phẫu thuật chữa giãn dây chằng cổ tay

Phẫu thuật đôi khi có thể được chỉ định nếu các phương pháp điều trị nội khoa không có kết quả hoặc bệnh nhân bị giãn, đứt dây chằng cổ tay hoàn toàn. Đối tượng cần mổ chủ yếu là những người có nhu cầu vận động nhiều, chẳng hạn như các vận động viên thể thao muốn tiếp tục duy trì phong độ thi đấu.

Phương pháp phẫu thuật điều trị giãn dây chằng cổ tay dù đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bệnh nhân cũng cần nhiều thời gian để tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng vận động.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Nên chườm lạnh ngay sau khi bị giãn dây chằng, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi và cố định khu vực bị tổn thương. Chườm lạnh giúp giảm sưng viêm và đau nhức tại khớp. Chườm nóng không nên áp dụng ngay sau chấn thương, vì nó có thể làm tăng sưng tấy và không tốt cho quá trình lành tổn thương. Chườm nóng thích hợp khi có đau nhức do căng cơ, cứng khớp, hoặc tê buốt.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android