Giãn Dây Chằng Đầu Gối

Triệu chứng và nguyên nhân

Giãn dây chằng đầu gối là một bệnh lý về cơ xương khớp thường gặp khi bị chấn thương trong thể thao hay tại nạn lao động. Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo tình trạng sưng phù, lỏng lẻo khớp gối. Cần tiến hành điều trị, phụ hồi chức năng giãn dây chằng đầu gối từ sớm và đúng cách để bảo tồn khả nặng vận động, đi lại.

Định nghĩa

Giãn dây chằng đầu gối là hiện tượng căng giãn quá mức xảy ra ở các mô liên kết sợi cứng nằm trong hệ thống dây chằng đầu gối. Đây là một chấn thương thường gặp, hiện tượng căng giãn xảy ra nhưng dây chằng lại chưa bị đứt hẳn.

Về bản chất, cấu trúc của dây chằng đầu gối là những dải ngắn bao gồm nhiều mô liên kết sợi cứng được tạo thành từ các phân tử Collagen dài và chắc chắn. Chúng được chia thành 4 loại chính đảm nhận những chức năng khác nhau. Bao gồm:

  • Dây chằng chéo trước (ACL): Có vị trí nằm ở trung tâm đầu gối, dây chằng chéo trước có vai trò hỗ trợ xương chày có thể thực hiện chuyển động quay mà không bị trượt về phía trước.
  • Dây chằng chéo sau (PCL): Loại dây chằng này nằm ở phía sau đầu gối, giup1ho64 trợ xương chày thực hiện các chuyển động ra phía sau.
  • Dây chằng bên ngoài (LCL): Giúp mặt ngoài đầu gối được giữ ổn định.
  • Dây chằng bên trong (MCL): Với cấu trúc kéo dài từ mặt phía trong của đầu trên xương chày cho tới mặt mặt bên trong của đầu dưới xương đùi, dây chằng MCL sẽ giúp cho phần đầu gối bên trong ổn định hơn.

Nhìn chung, nhóm dây chằng trên sẽ liên kết với các xương trong khớp gối giúp cho sụn khớp được ổn định và có thể cử động hay đi lại thuận lợi hơn. Chính vì vậy mà khi dây chằng đầu gối bị giãn, khớp trở nên lỏng lẻo hơn và gặp khó khăn khi thực hiện các chuyển động thông thường, phạm vi hoạt động cũng bị giới hạn đáng kể.

Hiện tượng giãn dây chằng đầu gối có thể xảy ra ở bất cứ dây chằng nào trong bốn loại kể trên. Tùy theo vị trí bị ảnh hưởng mà bệnh có các tên gọi như giãn dây chằng chéo trước, giãn dây chằng chéo sau, giã dây chằng bên trong hay giãn dây chằng bên ngoài đầu gối.

Bệnh giãn dây chằng đầu gối chủ yếu ảnh hưởng đến các vận động viên thể thao , người lao động chân tay nặng nhọc hoặc có thói quen vận động không đúng cách. Bệnh không chỉ gây ra những cơn đau kéo dài gây khó khăn cho việc đi lại mà còn phát sinh thêm nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.

Hình ảnh

Triệu chứng

Đau nhức khớp là dấu hiệu điển hình nhất của tình trạng giãn dây chằng đầu gối. Tính chất và mức độ đau còn phụ thuộc vào tình trạng tổn thương của dây chằng:

  • Trường hợp bị giãn dây chằng nhẹ chỉ gây đau nhức âm ỉ. Ở mức độ nặng hơn sẽ xuất hiện cơn đau khớp gối dữ dội hoặc đau nhói từng cơn.
  • Cảm giác đau nhức thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi.
  • Người bệnh thường cảm thấy đau nhiều hơn khi cố gắng ở rộng khớp gối, đi lại nhanh, leo cầu thang hoặc mang vác vật nặng.
  • Ấn tay vào vị trí dây chằng bị giãn thấy đau nhiều hơn.
  • Cơn đau từ đầu gối có thể lan rộng khiến bệnh nhân bị đau đùi hay đau cẳng chân.

Nguyên Nhân

Các nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng đầu gối bao gồm:

  • Chơi thể thao quá sức hoặc không đúng cách: Thường gặp nhất là các môn thể thao tác động mạnh lên đầu gối như nhảy cao, bóng đá, bóng chuyền hay thể dục dụng cụ...
  • Vận động sai tư thế: Vặn xoắn chân, đứng lên, ngồi xuống, dừng lại hoặc chuyển hướng quá đột ngột. Các trường hợp tiếp đất không tốt khi xuống cầu thang hoặc khi nhảy cao cũng dễ bị giãn dây chằng khớp gối.
  • Chấn thương khi lao động, tai nạn xe cộ hoặc va đập mạnh: Tình trạng này cũng có thể khiến các dây chằng ở khớp gối bị tổn thương, căng giãn quá mức.
  • Lão hóa: Càng lớn tuổi, dây chằng càng bị lão hóa một cách tự nhiên và dễ bị tổn thương, căng giãn khi có lực tác động mạnh.
  • Do ảnh hưởng của bệnh lý: Một số bệnh lý có thể gây tổn thương và làm giãn dây chằng đầu gối, chẳng hạn như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gối nhiễm khuẩn hay gai khớp gối...

Yếu tố nguy cơ

Các trường hợp dưới đây thường có nguy cơ bị giãn dây chằng đầu gối cao hơn những người khác:

  • Người cao tuổi
  • Vận động viên thể thao
  • Người lao động chân tay nặng nhọc
  • Từng bị giãn dây chằng đầu gối trước đó
  • Có tiền sử bị chấn thương hoặc mắc bệnh ở khớp gối.

Biến chứng

Ở mức độ nhẹ, bệnh giãn dây chằng đầu gối có thể gây đau nhưng không quá nghiêm trọng. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động khớp kết hợp chườm lạnh trong vài ngày sẽ thuyên giảm.

Tuy nhiên, các trường hợp bị giãn dây chằng khớp gối nặng thường phải đối mặt với những cơn đau nhức dữ dội kéo dài. Kèm theo đó là tình trạng sưng to, bầm tím ở đầu gối. Người bệnh thường không tự đi lại được mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của người khác.

Khi được điều trị chậm trễ hoặc không đúng cách, bệnh nhân có thể bị lỏng khớp gối, vận động kém linh hoạt, dễ bị té ngã và khó trụ vững nếu chỉ đứng bằng một bên chân bị chấn thương, lực ở chân cũng giảm đau khá nhiều. Do bị đau, nhiều bệnh nhân chỉ ở yên một chỗ hoặc ít vận động khiến cho cơ đùi bị teo dần, từ đó dẫn đến suy giảm khả năng vận động rõ rệt, thậm chí là tàn phế.

Đặc biệt, người bị giãn dây chằng khớp gối có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối rất cao. Tình trạng căng giãn quá mức của dây chằng khiến cho khớp gối bị lệch trục, từ đó làm tăng áp lực lên khoang khớp gối và khiến cho lớp sụn bị ăn mòn, hư hại nhanh hơn. Bệnh thoái hóa khớp gối chính là một hậu quả tất yếu xảy ra khi để giãn dây chằng đầu gối kéo dài.

Phòng ngừa

Giãn dây chằng đầu gối có thể hồi phục sau vài tuần nhưng cũng rất dễ tái phát trở lại nếu không có phương pháp dự phòng phù hợp. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng những cách sau:

  • Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao để tránh bị chấn thương.
  • Tập thể dục, thể thao với cường độ vừa phải và phù hợp với sức khỏe.
  • Cẩn thận hơn khi lao động hay lưu thông trên đường để tránh bị tai nạn.
  • Tăng cường sức mạnh cho hệ thống cơ bắp cũng như các dây chằng ở đầu gối bằng các thường xuyên đi bộ, tập yoga, tập squat hay deadlift.
  • Thêm các thực phẩm giàu chất đạm, canxi và vitamin D vào thực đơn để khớp gối chắc khỏe hơn.
  • Tránh các hoạt động đột ngột ở khớp gối.
  • Duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt, lao động để ngăn ngừa giãn dây chằng đầu gối hiệu quả hơn.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Một số phương pháp được áp dụng để điều trị và đẩy nhanh tốc độ phục hồi giãn dây chằng đầu gối, giúp người bệnh nhanh chóng vận động bình thường trở lại.

Sơ cứu ban đầu khi có dấu hiệu giãn dây chằng đầu gối

Ngay khi xuất hiện triệu chứng giãn dây chằng đầu gối, người bệnh cần thực hiện các bước sơ cứu như sau để giảm đau, chống sưng và tránh gây tổn thương nặng hơn cho dây chằng:

  • Nghỉ ngơi tại chỗ, kê cao chân để tránh bị ứ đọng máu tại vùng tổn thương
  • Không cử động mạnh
  • Dùng chai nước đá hay túi chườm lạnh áp lên đầu gối trong khoảng 48 tiếng đầu tiên ngay sau khi dây chằng bị tổn thương để xoa dịu cơn đau, giảm sưng khớp gối. Tuyệt đối không được chườm nóng vì phương pháp này chỉ khiến cho dây chằng bị căng giãn nặng hơn.
  • Massage nhẹ nhàng để giảm đau, tăng tuần hoàn máu, làm thư giãn cơ, dây chằng và dây thần kinh.
  • Mang nẹp hay cột băng thun cố định đầu gối để hạn chế tác động ngoại lực lên khu vực bị tổn thương, tạo điều kiện cho dây chằng nhanh phục hồi. Thời gian cố định khớp còn tùy thuộc vào mức độ chấn thương. Hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thêm về thời gian cũng như cách mang băng nẹp cho đúng cách.

Thuốc trị giãn dây chằng đầu gối

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để giảm nhẹ triệu chứng và thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương cho dây chằng. Được sử dụng phổ biến gồm:

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống viêm, giảm sưng đầu gối
  • Các chất bổ sung như Sulfate Glucosamine, Methyl Sulfonyl Methane, Chondroitin Sulfate,... Chúng giúp tái tạo các mô sụn bị tổn thương, hỗ trợ giảm đau, chống viêm, tăng khả năng đàn hồi cho các mô liên kết.

Vật lý trị liệu chữa giãn dây chằng đầu gối

Một số phương pháp vật lý trị liệu được thực hiện để cải thiện triệu chứng, kích thích tái tạo tổn thương ở dây chằng và giúp người bệnh có khả năng vận động tốt hơn.

  • Nhiệt trị liệu: Bao gồm các phương pháp như chiếu hồng ngoại hay đắp paraffine. Chúng có tác dụng làm giãn cơ, kích thích lưu thông máu, xoa dịu cơn đau.
  • Sóng ngắn: Phương pháp này có tác dụng ức chế phản ứng viêm tại dây chằng, giảm sưng nề đầu gối và tăng tốc độ tái tạo cho tổ chức bị tổn thương.
  • Siêu âm: Chống viêm, làm tăng tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương ở dây chằng.
  • Điện xung trị liệu: Giảm đau, chống co thắt cơ, tăng tuần hoàn máu.
  • Sóng xung kích Shockwave: Kích thích sản sinh collagen để phục hồi cấu trúc dây chằng. Điều này sẽ giúp giảm đau và tăng khả năng vận động cho khớp.
  • Chiếu tia laser: Phương pháp này sử dụng tia laser có cường độ và bước sóng mạnh tác động trực tiếp vào khớp gối, giúp giảm viêm, kích thích tái tạo mô sụn.

Giãn dây chằng khớp gối có phải phẫu thuật?

Việc phẫu thuật là không cần thiết khi dây chằng đầu gối bị giãn. Phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây tốn kém cho bệnh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh chỉ cần thăm khám, điều trị và tập phục hồi chức năng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong vài tuần để khôi phục trạng thái ban đầu cho dây chằng.

Việc mổ tái tạo dây chằng chỉ được khuyến cáo trong các trường hợp như:

  • Đứt dây chằng hoàn toàn.
  • Giãn dây chằng kèm chấn thương rách sụn chêm khớp gối
  • Bệnh nhân thuộc nhóm vận động viên thể thao muốn khôi phục khả năng thi đấu
  • Người cần hoạt động thể lực nhiều.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Bài tập phục hồi chức năng giãn dây chằng đầu gối

Trong quá trình điều trị giãn dây chằng khớp gối, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập luyện một số bài tập phù hợp để phục hồi chức năng vận động, giảm đau và phục hồi cấu trúc cho ổ khớp cũng như dây chằng.

  • Nhón chân: Bệnh nhân đứng trên sàn, hai tay buông lỏng tự nhiên. Từ từ nhón chân lên cao tối đa trong khi đầu gối vẫn giữ thẳng. Sau 3 - 5 giây hãy hạ xuống. Thực hành động tác nhón chân trong 3 phút.
  • Co gối: Nằm ngửa trên sàn nhà vuông góc với tường, hai chân giơ lên cao lấy tường làm điểm tựa sao cho mông đụng tường. Co đầu gối bị giãn gân một cách nhẹ nhàng cho đến khi bạn có cảm giác căng tức thì giữ nguyên tư thế trong 30 giây. Kết hợp hít thở nhịp nhàng và thực hiện lại động tác thêm 3 - 5 lần nữa.
  • Tập cơ bắp chân: Trong tuần đầu tiên, bạn có thể tập cơ bằng cách đứng trên sàn nhưng không dồn hoàn toàn trọng lượng lên chân bị bệnh. Qua tuần thứ 2, hãy chuyển dần trọng lượng cho chân bị tổn thương nhiều hơn cho đến khi trọng lượng được chuyển qua toàn bộ. Từ tuần thứ 3 trở đi, bạn có thể chuyển qua tập đi bộ nhanh hay chạy chậm và nhẹ nhàng để tăng phạm vi vận động cho khớp gối.
  • Duỗi gối thụ động: Bạn ngồi thẳng lưng trên ghế hoặc trên giường, hai chân buông thõng xuống. Từ từ đưa chân bị tổn thương lên cao và duỗi thẳng đến khi chân song song với mặt đất thì ngưng. Giữ tư thế trên trong 10 giây, hạ chân xuống. Mỗi ngày thực hiện bài tập này từ 5 - 10 lần để phục hồi giãn dây chằng đầu gối.

Để năng cao hiệu quả điều trị giãn dây chằng khớp gối, bệnh nhân cần kiên trì tập luyện kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Chú ý không nên nóng vội mà luyện tập quá sức gây phản tác dụng. Trong thời gian đầu chỉ nên vận động, tập luyện với cường độ nhẹ và tăng dần cho phù hợp với quá trình phục hồi của dây chằng.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị giãn dây chằng đầu gối

Giãn dây chằng đầu gối nên ăn gì? Nắm rõ về vấn đề này sẽ giúp người bệnh lựa chọn được các thực phẩm có lợi nhằm bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho quá trình tái tạo dây chằng ở khớp gối, đồng thời giúp khớp chắc khỏe và vận động linh hoạt hơn.

Các thực phẩm tốt nhất cho người bị giãn dây chằng đầu gối bao gồm:

  • Thực phẩm giàu vitamin C, E, D: Cam, quýt, sữa, rau lá xanh, các loại đậu... Chúng giúp chống oxy hóa, kháng viêm, bảo vệ các mô khỏe mạnh tại khớp.
  • Thực phẩm chứa nhiều omega 3: Cá hồi, hạt lanh, dầu gan cá tuyết, hạt óc chó, dầu ô liu, hạnh nhân, cá thu... Omega 3 là một chất chống viêm tự nhiên, giúp giảm sưng đau đầu gối và chữa lành tổn thương ở dây chằng.
  • Thực phẩm giàu đạm: Đậu nành, hạnh nhân, ức gà, trứng, yến mạch, bông cải xanh... Chất đạm sẽ tham gia vào quá trình tái tạo mô mới, giúp dây chằng phục hồi nhanh hơn.
  • Thực phẩm giàu canxi: Sữa tách béo và các sản phẩm từ sữa, rau cải xoăn, đậu phụ, ngũ cốc, nước cam... Canxi giúp khớp gối chắc khỏe và có khả năng vận động tốt hơn.

Các thực phẩm cần hạn chế là những đồ ăn, thức uống có khả năng kích hoạt phản ứng viêm hoặc khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Bao gồm:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp
  • Bia, rượu, cà phê
  • Gia vị cay nóng
  • Đồ ngọt
  • Các món ăn quá mặn.
Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Nên chườm lạnh ngay sau khi bị giãn dây chằng, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi và cố định khu vực bị tổn thương. Chườm lạnh giúp giảm sưng viêm và đau nhức tại khớp. Chườm nóng không nên áp dụng ngay sau chấn thương, vì nó có thể làm tăng sưng tấy và không tốt cho quá trình lành tổn thương. Chườm nóng thích hợp khi có đau nhức do căng cơ, cứng khớp, hoặc tê buốt.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android