Lỏng Khớp Gối

Triệu chứng và nguyên nhân

Lỏng khớp gối là hiện tượng khớp gối trở nên lỏng lẻo, gây khó khăn khi thực hiện các vận động tại khớp. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và hợp lý thì tình trạng này rất khó phục hồi. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây lỏng khớp gối, cách nhận biết và điều trị thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Khớp gối chắc chắn sẽ có cấu trúc xương ôm khít vào nhau, được bao bọc bởi các khớp và hệ cơ bắp. Giữa khớp gối sẽ có hai dây chằng nối hai đầu xương lại với nhau và giữ cho chúng nằm ở ngay trung tâm khớp. Hai dây chằng đó là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Chuyên gia cho biết, hai dây chằng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ cho khớp gối trở nên chắc chắn.

Lỏng khớp gối là tình trạng liên kết giữa các khớp xương tại đầu gối trở nên lỏng lẻo và không chắc chắn. Tình trạng này thường xảy ra khi hai dây chằng chéo tại khớp gối bị tổn thương. Lúc này, khớp gối sẽ bị mất đi sự vững chắc, dễ bị trật khớp và gây khó khăn khi đi lại. Nếu bị lỏng khớp gối không rõ nguyên nhân và không kèm theo các dấu hiệu bất thường thì rất có thể là do bẩm sinh.

Trường hợp lỏng khớp gối bẩm sinh thì không quá nghiêm trọng, điều này còn mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn trong việc tập yoga hoặc tập múa. Nhưng nếu bị lỏng khớp gối do chấn thương hay bệnh lý, nếu không điều trị sẽ khiến cơ đầu gối dần teo lại, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp. Với những trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến tàn phế.

Hình ảnh

Triệu chứng

Lỏng khớp gối cần được xử lý kịp thời và đúng cách để tránh gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp. Bạn có thể nhận biết tình trạng này thông qua các dấu hiệu điển hình sau đây:

  • Đầu gối có dấu hiệu sưng nhẹ, không có cảm giác đau hoặc đau rất ít. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất sau đó.
  • Yếu hai chi dưới gây khó khăn khi cử động khớp hoặc đi lại. Khi đi sẽ có cảm giác vướng víu ở chân. Nếu di chuyển trên địa hình gồ ghề rất dễ bị trật khớp gối.
  • Khi đứng bằng một chân, bạn sẽ rất khó đứng vững bằng bên chân có khớp gối bị lỏng. Gặp khó khăn khi lên xuống cầu thang và thực hiện các động tác như chạy, nhảy, sút,...
  • Giảm khả năng dùng lực chân ở vận động viên thể thao, khớp gối dần trở nên cứng nhắc và không linh hoạt. Tình trạng này thường xảy ra ở vận động viên bóng đá. Khi đá bóng, lực đá sẽ yếu hơn trước và đường đi của bóng cũng không còn chuẩn xác.

Theo thời gian, vùng cơ xung quanh khớp gối sẽ bị teo lại khiến chức năng vận động bị suy giảm một cách rõ rệt. Nếu tình trạng này không được khắc phục đúng cách, người bệnh sẽ dần mất đi khả năng vận động và gây tàn phế suốt đời.

Nguyên Nhân

Lỏng khớp gối xảy ra khi các thành phần cấu tạo nên khớp gối bị tổn thương, khiến cho liên kết tại khớp bị suy giảm. Dưới đây là một số nguyên nhân gây lỏng khớp gối thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

  • Chấn thương: Đây được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng lỏng khớp gối thường gặp nhất. Chấn thương rất dễ xảy ra khi bạn tham gia vào các hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như lao động, chơi thể thao,... Nếu chấn thương xảy ra gây tổn thương đến dây chằng sẽ khiến khớp gối trở nên lỏng lẻo hơn bình thường.
  • Chơi thể thao: Lỏng khớp gối cũng có thể xảy ra khi bạn tham gia các bộ môn thể thao có tính chất thay đổi hướng nhanh. Các kiểu vận động dễ gây lỏng khớp gối là dừng lại đột ngột khi đang chạy nhanh, thay đổi hướng trong chơi bóng đá, tiếp đất không đúng tư thế sau khi nhảy ở vận động viên bóng rổ hoặc nhảy cao,...
  • Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp gối xảy ra khi lớp sụn bên trong khớp bị bào mòn theo thời gian. Điều này đã khiến cho hoạt động của khớp gối không còn ổn định và suy giảm đáng kể. Lúc này, quá trình tiết dịch bôi trơn tại màng hoạt dịch sẽ bị ảnh hưởng, khiến khớp trở nên lỏng lẻo và kém linh hoạt.
  • Hội chứng người dẻo GJH: Đây là nguyên nhân gây lỏng khớp bẩm sinh, không quá nghiêm trọng và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, người mắc phải hội chứng này sẽ có nguy cơ bị trật khớp và bong gân cao hơn bình thường.
  • Bệnh lý tiềm ẩn: Mắc phải một số bệnh lý như rối loạn chức năng khớp do di truyền, hội chứng Down, hội chứng Marfan, hội chứng Morquio,... sẽ khiến bạn có nguy cơ bị lỏng khớp gối cao hơn bình thường.
  • Lối sống thiếu khoa học: Lỏng khớp gối rất dễ xảy ra ở những người có lối sống sinh hoạt thiếu khoa học và gây áp lực lớn lên khớp gối. Ví dụ như tập luyện quá sức, mang vác vật nặng,...

Phòng ngừa

Để phòng ngừa tình trạng lỏng khớp gối và ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh, bạn cần điều chỉnh lại thói quen ăn uống và sinh hoạt sao cho hợp lý. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết bạn có thể tham khảo:

  • Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày như sữa và chế phẩm từ sữa, rau xanh, các loại cá biển, trứng, thịt, nước ép hoa quả tươi,...
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn gây ảnh hưởng không tốt đến hệ xương khớp như đồ ăn mặn nhiều muối, đồ ăn ngọt nhiều đường, nội tạng động vật, thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, rượu bia và chất kích thích,...
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày giúp tăng cường độ chắc khỏe của hệ thống xương khớp và giúp khớp gối hoạt động linh hoạt hơn. Nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đứng lên ngồi xuống, xoay khớp gối,...
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi giúp khớp gối được thư giãn, giải tỏa bớt áp lực tác động lên khớp gối. Cần cử động khớp gối thường xuyên, nên đứng lên ngồi xuống sau khoảng 30 phút làm việc.
  • Giữ ấm cơ thể vào những ngày trời chuyển lạnh bằng cách mang tất chân hoặc mặc quần dài, đặc biệt là vùng chân và đầu gối. Do đầu gối chỉ được bao phủ bởi một lớp da, không có sự che chở của bắp cơ và mỡ.
  • Nên sử dụng giày dép thấp và có kích cỡ phù hợp. Việc mang giày cao gót trong thời gian dài sẽ gia tăng áp lực lên khớp gối và gây ra một số vấn đề tại khớp.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách nếu thấy khớp gối có các dấu hiệu như sưng đau tại khớp khi vận động, thường xuyên trật khớp gối, khả năng vận động bị thay đổi, dễ tê mỏi chân,...

Để chẩn đoán tình trạng lỏng khớp gối, bác sĩ sẽ tiến hành điều tra lịch sử dịch tễ, tiền sử bệnh lý, hoạt động hàng ngày,... Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Khi đã có chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị lỏng khớp gối được áp dụng phổ biến trong y khoa, bạn có thể tham khảo:

Điều trị y tế

Dựa vào nguyên nhân gây lỏng khớp gối và mức độ tổn thương tại khớp, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Với những trường hợp nhẹ, có thể điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc. Nhưng nếu bệnh đã tiến triển nặng, bắt buộc bạn phải làm phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.

+ Điều trị nội khoa

Nếu tình trạng lỏng khớp gối xảy ra kèm theo triệu chứng đau nhức, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc giảm đau hoặc thuốc tái tạo sụn. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng viêm không steroid để cải thiện tình trạng sưng viêm tại khớp, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Người bệnh cần phải cẩn thận khi dùng thuốc Tây y điều trị bệnh. Thành phần dược tính trong các loại thuốc này ở mức khá cao nên mang lại hiệu quả rất nhanh chóng. Nhưng nếu bạn sử dụng quá liều sẽ phát sinh ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như suy giảm chức năng gan thận, viêm loét dạ dày,...

Nếu tình trạng đau nhức xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu tiêm thuốc corticosteroid, acid hyaluronic hoặc thuốc NSAID vào khớp để cải thiện. Thuốc tiêm có tác dụng mạnh và nhanh chóng nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên chỉ được sử dụng ngắn hạn.

+ Can thiệp ngoại khoa

Với những trường hợp lỏng khớp gối do đứt dây chằng chéo thì bạn cần phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Thời gian đầu khi mới bị đứt dây chằng chéo, triệu chứng của bệnh sẽ chưa có biểu hiện rõ ràng do có sức cơ đùi bù đắp. Nhưng đến khi cơ đùi bị teo lại và không còn có khả năng chống đỡ cho dây chằng chéo thì các dấu hiệu của bệnh mới bắt đầu xuất hiện.

Mổ tái tạo dây chằng chéo trước là phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh được áp dụng phổ biến nhất. Nhưng với một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt đốt viêm mô, lọc rửa khớp hoặc thay khớp gối kim loại. Tuy nhiên, các phương pháp trị bệnh này có mức chi phí rất cao, không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện thực hiện

Dùng bài thuốc dân gian

Khi bị lỏng khớp gối gây đau nhức ở mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng các bài thuốc được lưu truyền trong dân gian để cải thiện. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:

  • Uống nước sắc lá lốt: Rửa sạch 200 gram lá lốt tươi, đem sắc cùng với 1 lít nước trong 10 phút. Chắt lấy lượng nước sắc thu được, chia thành 3 - 4 phần để dùng trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng có sao lá lốt tươi cùng với một ít muối hột rồi chườm lên khu vực khớp gối bị tổn thương.
  • Uống nước sắc rễ đinh lăng: Rửa sạch 30 gram rễ đinh lăng, đem thái mỏng rồi sao vàng. Cho rễ đinh lăng đã sao vào ấm, đem sắc cùng với 2 lít nước cho đến khi cạn còn một nửa là được. Chia nhỏ lượng nước sắc thu được thành nhiều phần rồi dùng để uống hết trong ngày.
  • Uống hỗn hợp ngải cứu mật ong: Ngải cứu sau khi mua về đem rửa sạch, ngâm nước muối sát khuẩn rồi vớt ra để ráo. Giã nát lá ngải cứu, vắt lấy nước cốt rồi trộn cùng với 2 thìa mật ong nguyên chất. Chia hỗn hợp trên thành 2 phần, dùng để uống 2 lần trong ngày.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android