Lupus Ban Đỏ

Triệu chứng và nguyên nhân

Lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn có thể gây biến chứng lên toàn bộ cơ thể nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Với trường hợp nặng sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như cách điều trị phù hợp thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Lupus ban đỏ thuộc nhóm bệnh lý tự miễn, bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch bên trong cơ thể bị nhầm lẫn. Thay vì tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây hại thì chúng lại quay sang tấn công vào mô và các cơ quan khỏe mạnh bên trong cơ thể. Thống kê y khoa cho biết, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới và chiếm đến khoảng 90% trên tổng số ca bệnh. Độ tuổi khởi phát lupus ban đỏ phổ biến nhất là 15 - 50.

Hiện tại, lupus ban đỏ được y khoa chia thành hai thể bệnh chính là lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Trong đó, lupus ban đỏ hệ thống là thể bệnh phổ biến nhất, chiếm đến trên 90% trường hợp và có tiên lượng nặng hơn. Đồng thời, bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa cũng có thể chuyển biến sang lupus ban đỏ hệ thống với những biến chứng nặng nề và phức tạp.

Hình ảnh

Triệu chứng

Lupus được đánh giá là bệnh lý khá nguy hiểm, các triệu chứng của bệnh sẽ không có sự giống nhau giữa tất cả các trường hợp. Chuyên gia cho biết, do bệnh lý này gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể nên có triệu chứng khá đa dạng. Biểu hiện của bệnh có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, diễn ra ở thể nặng hoặc nhẹ, để lại tổn thương tức thời hoặc vĩnh viễn. .

Dưới đây là một số triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này bạn có thể tham khảo, ngay khi thấy bản thân có dấu hiệu của bệnh bạn cần nhanh chóng thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách:

  • Ở giai đoạn đầu người bệnh sẽ có các biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, gây sút cân, sốt nhẹ, viêm loét niêm mạc, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới,...
  • Phát ban ở mặt là triệu chứng đặc trưng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Vị trí phát ban rõ rệt nhất là vùng mũi và má, quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy vết ban có hình dạng cánh bướm. Nếu làn da ở mặt, cổ hoặc cánh tay tiếp xúc với ánh nắng sẽ dẫn đến phát ban hoặc loét da.
  • Khi bệnh bước sang giai đoạn toàn phát sẽ gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng, mạch máu và thần kinh trên cơ thể. Các triệu chứng có thể gặp là viêm cơ tim, xuất huyết, thiếu máu, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, rối loạn tâm thần, đau nhức tại khớp, tê ngón tay và chân,...

Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ thường xuất hiện theo từng đợt. Ở thời kỳ đầu, triệu chứng của bệnh khá mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Phải mất đến vài năm, các dấu hiệu của bệnh mới trở nên rõ ràng và có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.

Nguyên Nhân

Lupus ban đỏ được xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động bất thường, tự tạo ra kháng thể để chống lại các cơ quan khỏe mạnh bên trong cơ thể. Vì thế, hiện nay y khoa vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát khi gặp phải tác động của một số yếu tố sau đây:

  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị lupus ban đỏ thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.
  • Môi trường sống: Bệnh lupus ban đỏ cũng rất dễ khởi phát khi bạn thường xuyên để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hóa chất độc hại hoặc bị nhiễm khuẩn.
  • Nội tiết tố: Bệnh cũng rất dễ xảy ra ở nữ giới đang trong độ tuổi sinh đẻ. Khi nữ giới đã qua thời kỳ mãn tính thì tỷ lệ mắc bệnh hay mức độ tổn thương của bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt. Nhưng nếu bệnh khởi phát ở phụ nữ đang mang thai thì triệu chứng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Yếu tố nguy cơ

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là:

  • Nữ giới, đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc đang có kinh.
  • Người trong độ tuổi 15 - 40.
  • Người thường xuyên tắm nắng.
  • Mắc bệnh lý nhiễm trùng.
  • Dùng thuốc đặc trị như kháng sinh, chống động kinh,...

Biến chứng

Chuyên gia cho biết, lupus ban đỏ là bệnh lý nguy hiểm và có diễn biến khá phức tạp. Bệnh trở nên ngày càng nặng theo thời gian và gây ảnh hưởng đến hàng loạt các cơ quan nội tạng khác trên cơ thể như tim mạch, hệ hô hấp, thần kinh, thận,... Với những trường hợp nặng, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng có thể gặp khi không kiểm soát tốt bệnh lý này là:

  • Biến chứng tại tim: Một số bệnh lý tim mạch có thể mắc phải khi bị lupus ban đỏ là viêm cơ tim, tràn dịch trong màng tim, suy tim mạn tính,... Nhiều trường hợp sẽ gây tắc nghẽn mạch máu và dẫn đến đột quỵ
  • Biến chứng tại phổi: Lupus ban đỏ còn có thể biến chứng sang phổi gây tràn dịch màng phổi hoặc viêm màng phổi, lúc này người bệnh sẽ bị suy hô hấp với triệu chứng đặc trưng là khó thở.
  • Biến chứng lên xương khớp: Bệnh nhân bị lupus ban đỏ sẽ có nguy cơ bị loãng xương khá cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nguồn máu cung cấp đến xương bị giảm đi, điều này đã khiến cho tế bào xương trở nên suy yếu hơn bình thường. Với những trường hợp không được cải thiện kịp thời có thể gây hoại tử mô mạch.
  • Biến chứng tại thận: Lupus ban đỏ còn có thể hủy hoại cầu thận và gây ra bệnh viêm cầu thận, lâu dần sẽ chuyển biến sang suy thận. Lúc này, chức năng đào thải độc tố của cơ thể sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ lọc máu nhân tạo suốt đời.
  • Biến chứng đến thần kinh: Khi bị lupus ban đỏ người bệnh sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, co giật, rối loạn hành vi,... Nhiều trường hợp sẽ bị suy giảm trí nhớ, không thể diễn đạt suy nghĩ của bản thân.
  • Biến chứng tại hệ tạo máu: Thiếu máu và xuất huyết cũng là biến chứng có thể gặp khi bị lupus ban đỏ. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến cơ thể bị thiếu máu và gây ảnh hưởng đến hoạt động của hàng loạt các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Với những trường hợp gây xuất huyết não hoặc chèn ép lên não sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh còn khiến khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm nghiêm trọng. Lúc này, bạn rất dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng do cơ thể không có khả năng chống chọi với tác nhân gây hại. Khi bị nhiễm trùng, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và biến chứng sang nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng ngừa

Lupus ban đỏ là bệnh lý dễ phát sinh biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Khi mắc phải bệnh lý này, bạn cần tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và chủ động đưa ra biện pháp phòng ngừa biến chứng. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Cần cẩn thận khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bạn nên bảo vệ da mỗi khi ra ngoài bằng cách mặc quần áo dài tay, đội mũ nón, thoa kem chống nắng,...
  • Hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh như dành nhiều thời gian để nghĩ ngơi, ngủ đúng giờ và đủ giấc, không thức khuya, luôn giữ tinh thần lạc quan và thoải mái, tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể,...
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và phù hợp với tình trạng bệnh. Nên tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Nếu bệnh lupus ban đỏ được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ngược lại, nếu để bệnh chuyển biến nặng sẽ gây tổn thương đến nhiều cơ quan quan trọng và phát sinh biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh bạn cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác về bệnh lý mà bản thân đang mắc phải. Dựa vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp.

Để đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng mà bạn đang mắc phải và yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác. Cụ thể là:

- Triệu chứng lâm sàng:

  • Phát ban ở vùng mặt, cổ, lòng bàn tay hoặc cánh tay,...
  • Tóc bị vàng, gãy và rụng.
  • Loét niêm mạc mũi, miệng hoặc cổ họng.
  • Nhịp tim không đều hoặc có tiếng thổi ở tim.
  • Khớp bị sưng đau,...

- Xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm nước tiểu giúp đánh giá tổn thương tại thận.
  • Xét nghiệm công thức máu và kháng thể giúp đánh giá tổn thương mà bệnh gây ra tại hệ tạo máu và tế bào.
  • Chụp x-quang giúp xác định mức độ tổn thương tại phổi,...

Biện pháp điều trị

Hiện nay y khoa vẫn chưa tìm được cách điều trị dứt điểm bệnh lupus ban đỏ. Các phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa biến chứng lên mô và các cơ quan nội tạng khác. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc để điều trị triệu chứng. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc có tác dụng giảm đau và kiểm soát các triệu chứng của bệnh tại cơ khớp. Thường dùng là Aspirin, Ibuprofen, Nimesulide, Naproxen,…
  • Thuốc chống sốt rét: Thuốc có tác dụng điều hòa tổn thương tự miễn trên da do bệnh gây ra. Thường được dùng là Chloroquine và Hydroxychloroquine
  • Thuốc Corticosteroid: Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, thường được sử dụng với những trường hợp lupus ban đỏ gây tổn thương nghiêm trọng đến nội tạng.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, ngăn ngừa chúng tiếp tục tấn công gây hại vào các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên không được ưu tiên sử dụng để trị bệnh.

Bệnh lupus ban đỏ thường tiến triển theo từng đợt và biểu hiện của bệnh ra bên ngoài sẽ không có sự giống nhau. Vì thế, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn dùng thuốc điều trị đúng cách. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng để trị bệnh tại nhà, điều này có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi và đánh giá mức độ đáp ứng điều trị của cơ thể.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Trong hầu hết các trường hợp, bệnh lupus ban đỏ không gây tử vong.
  • Tuy nhiên, một số người vẫn chết vì mắc bệnh quá nặng, hoặc không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời.
  • Khi bạn đã được chẩn đoán bệnh lupus, người bệnh cần tuân theo phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Xem chi tiết

Bệnh Lupus ban đỏ có tính di truyền, đặc biệt là khi có người trong gia đình, đặc biệt là người mẹ, mắc bệnh. Tính di truyền này có thể làm tăng nguy cơ con cái mắc bệnh, và các yếu tố như môi trường và chủng tộc cũng ảnh hưởng đến việc biểu hiện của bệnh. Các nghiên cứu gen đã xác định nhiều gen có liên quan đến di truyền của Lupus ban đỏ.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android