Đau Xương Sườn Khi Mang Thai

Cơ bản

Đau xương sườn khi mang thai có thể xuất hiện do quá trình phát triển tự nhiên của thai kỳ. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến một số bệnh lý cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.

Nguyên nhân

Trong hầu hết các trường hợp, đau sườn khi mang thai thường không nghiêm trọng. Các nguyên nhân phổ biến thường bao gồm:

1. Áp lực từ thai nhi đang phát triển

Đau xương sườn khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ. Đây là giai đoạn thai nhi phát triển gây chèn ép lên xương sườn và dẫn đến các cơn đau. Tuy nhiên, đôi khi các cơn đau có thể xuất hiện ở ba tháng giữa của thai kỳ.

Đau xương sườn cũng có thể xảy ra khi thai nhi thay đổi tư thế, duỗi tứ chi, vận động hoặc di chuyển gây áp lực lên xương sườn. Ngoài ra, việc thay đổi trọng lượng khi mang thai có thể khiến các cơ xung quanh bụng căng ra, gây áp lực lên các cơ sườn và gây đau.

Các cơn đau xương sườn do sự phát triển bình thường của thai nhi thường nhẹ đến trung bình và không vượt qua sự chịu đựng của người mẹ. Tuy nhiên, nếu các cơn đau nghiêm trọng, thai phụ nên đến bệnh viện trao đổi với bác sĩ phụ khoa.

2. Vị trí của thai nhi

Thông thường ở cuối giai đoạn thứ hai của thai kỳ (ba tháng giữa), thai nhi có sự thay đổi vị trí và lộn ngược đầu xuống, bàn chân hướng về phía xương sườn. Ở vị trí này, thai nhi có thể khiến thai phụ đau xương sườn hoặc đau lồng ngực.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển động của thai nhi cũng có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể của người mẹ. Các chuyển động cánh tay, chân, đặc biệt là khi thai nhi vận động, có thể dẫn đến các cơn đau nhức ở xương sườn và các khu vực lân cận.

3. Đau dây chằng tròn

Dây chằng tròn là một cặp dây mô nói liền phần trước tử cung và khu vực háng của người phụ nữ. Khi tử cung phát triển trong thai kỳ, dây chằng tròn có thể căng lên và dẫn đến tình trạng đau nhói khi di chuyển hoặc thực hiện một số hoạt động nhất định.

Đau dây chằng tròn là tình trạng phổ biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Tuy nhiên, tình trạng này thường xuất hiện ở giai đoạn thứ hai của thai kỳ.

Phụ nữ mang thai thường bị đau dây chằng tròn ở bên phải bụng dưới hoặc xương chậu. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể xảy ra ở bên trái hoặc cả hai bên xương chậu. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể cảm thấy đau xung quanh xương sườn, lưng và các khu vực lân cận.

4. Viêm đường tiết niệu

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao, đặc biệt là trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Mang thai có thể thay đổi một số vi khuẩn trong đường tiết niệu kết hợp với việc khó làm trống hoàn toàn bàng quang trong thai kỳ và áp lực của thai nhi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu ở bà bầu.

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:

  • Có cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Tăng tần suất đi tiểu
  • Lưu lượng nước tiểu kém, dòng nước tiểu yếu, số lượng nước tiểu ít
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Đau ở bàng quang hoặc khu vực gần thận

Viêm đường tiết niệu trong thai kỳ cần được chẩn đoán và xử lý đúng phương pháp. Nếu không điều trị tình trạng này có thể gây đau ở khu vực thận. Cơn đau có thể tác động lên khu vực sườn, gây đau xương sườn hoặc lồng ngực.

5. Sỏi mật

Nồng độ estrogen trong thai kỳ tăng cao khiến cơ thể khó làm rỗng túi mật đúng cách. Điều này này khiến phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cao hơn những người khác.

Theo một số báo cáo, có khoảng 12% phụ nữ mang thai hình thành và phát triển sỏi ở túi mật.

Sỏi mật thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cảm thấy xuất hiện các cơn đau quặn ở khu vực xương sườn và bụng ở bên phải cơ thể. Sỏi mật có thể xuất hiện ở bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Đôi khi, một số trường hợp có thể cần phẫu thuật để loại bỏ sỏi sau khi kết thúc thai kỳ.

6. Trào ngược dạ dày thực quản

Khi mang thai, cơ thể sản xuất một loại hormone được gọi là hormone relaxin. Đây là loại hormone chịu trách nhiệm hỗ trợ các cơ và dây chằng trong quá trình sinh nở tự nhiên.

Hormone relaxin cũng có thể gây ra một số cơn đau xương khớp ở phụ nữ mang thai. Các cơn đau có thể bao gồm đau xương sườn, đau xương chậu hoặc nhức mỏi khắp cơ thể.

Bên cạnh đó, hormone thai kỳ này cũng được cho là có thể kích thích niêm mạc thực quản. Điều này khiến phụ nữ mang thai dễ bị ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản. Ở một số phụ nữ, chứng ợ nóng có thể đi kèm tình trạng đau xương ức hoặc xương sườn.

Tình trạng ợ nóng có thể xuất hiện trong 3 tháng đầu và kéo dài trong suốt thai kỳ. Thư giãn, thay đổi chế độ ăn uống và phong cách sống có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

7. Táo bón

Táo bón trong thai kỳ là tình trạng phổ biến. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm sự thay đổi nồng độ hormone trong thai kỳ, áp lực từ tử cung và tác dụng phụ tử các loại vitamin, khoáng chất, sắt bổ sung trong thai kỳ.

Tình trạng táo bón trong thai kỳ có thể dẫn đến nhu động ruột không bình thường và đại tiện không thường xuyên. Đôi khi phụ nữ mang thai có thể cảm nhận được các cơn đau ở bụng trên và đau ở khu vực dưới xương sườn.

Ngoài việc gây đau xương sườn, táo bón trong thai kỳ có thể gây đầy hơi, khó chịu ở dạ dày. Bên cạnh đó, tình trạng phân khô cứng khi đi qua hậu môn có thể gây tổn thương các mô và tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.

8. Tiền sản giật

Tiền sản giật là một biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ dẫn đến các cơn đau nghiêm trọng ở xương sườn.

Các cơn đau ở khu vực phía trên bên phải có thể liên quan đến các tổn thương ở gan. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có thể bị đau vai hoặc đau khu vực bên dưới bầu ngực hoặc bị ợ nóng nghiêm trọng hoặc đau dạ dày và không đáp ứng các loại thuốc kháng axit.

Tiền sản giật thường phổ biến ở giai đoạn thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Các dấu hiệu và triệu chứng thường bao gồm:

  • Xuất hiện protein trong nước tiểu
  • Huyết áp cao
  • Đau đầu và không đáp ứng các loại thuốc giảm đau thông thường
  • Khó chịu và buồn nôn thường xuyên
  • Ợ nóng nghiêm trọng
  • Sưng ở mặt và tay
  • Tăng cân đột ngột
  • Rối loạn thị giác, bao gồm nhìn thấy các điểm đen hoặc ruồi bay trước mắt, khoa học gọi là eye floaters
  • Đau ở khu vực phía trên bên phải của ổ bụng

Tiền sản giật là biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu tiền sản giật, thai phụ cần đến bệnh viện để được chăm sóc y tế phù hợp.

9. Khối u

Mặc dù không phổ biến nhưng đôi khi tình trạng đau xương sườn khi mang thai có thể là dấu hiệu của các tăng trưởng gan bất thường hoặc ung thư gan. Trong trường hợp này, cơn đau ở xương sườn thường nghiêm trọng và nằm ở bên phải của lồng sườn.

Bên cạnh đó, mang thai có thể làm tăng các khối máu đông trong tĩnh mạch. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến thận, gan, phổi và gây đau xương sườn.

Các nguyên nhân gây đau xương sườn ở phụ nữ mang thai do khối u hoặc cục máu đông thường nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp.

Chăm sóc tại nhà

Các biện pháp xử lý và điều trị các cơn đau xương sườn trong thai kỳ phụ thuộc nguyên nhân cơ bản. Một số cơn đau là không thể tránh khỏi và sẽ được cải thiện sau khi sinh nở.

Trong khi tình trạng nhiễm trùng hoặc liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn khác, người bệnh cần tiến hành điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể cần phẫu thuật sau thai kỳ để tránh các rủi ro không mong muốn.

Bên cạnh đó, để cải thiện các cơn đau tại nhà, thai phụ có thể tham khảo một số biện pháp như bao gồm:

  • Khi đi hoặc đứng cần giữ thẳng lưng, vai hơi gập và ngực mở rộng về phía trước.
  • Không nên mặc áo ngực siết chặt hoặc bó sát phần ngực. Điều này có thể gây khó chịu và đau xương sườn nghiêm trọng.
  • Không đi giày cao gót, đặc biệt là vào giai đoạn cuối thai kỳ.
  • Tập thể dục thường xuyên và nhẹ nhàng có thể kéo giãn cơ ngực, lưng và cải thiện các cơn đau ở xương sườn.
  • Chườm ấm lên khu vực đau có thể giảm đau an toàn trong thai kỳ.
  • Tham gia một lớp yoga thai kỳ để kéo giãn các cơ, khớp khi mang thai để cải thiện các cơn đau. Bên cạnh đó, các động tác yoga cũng có thể cải thiện các cơn đau lưng, đau xương khớp hoặc đau vai gáy khi mang thai.
  • Tắm nước ấm có thể làm dịu các cơn đau xương sườn và hỗ trợ thư giãn các cơ bắp.
  • Xoa bóp, massage nhẹ nhàng ở hai bên xương sườn để hạn chế căng cơ và giảm đau.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp xương sườn, gối hỗ trợ cơ thể, đai cho phụ nữ mang thai, gối thắt lưng hoặc áo lót bụng để hỗ trợ cơ thể và giảm đau xương sườn.

Nếu các cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc không được cải thiện với các biện pháp xử lý tại nhà, thai phụ có thể trao đổi với bác sĩ về các biện pháp y tế. Bên cạnh đó, không sử dụng thuốc hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất mà không có sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn.

Câu hỏi thường gặp

Đau xương sườn khi mang thai có nguy hiểm không?

Đau xương sườn khi mang thai có thể liên quan đến nhiều bệnh lý mãn tính đã mắc trước đó. Mang thai khiến áp lực cơ thể và hormone thay đổi, điều này khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, gây đau và khó chịu. Trong trường hợp này, thai phụ nên đến bệnh viện tiến hành xét nghiệm và điều trị theo phác độ của bác sĩ chuyên môn.

Bên cạnh đó, các cơn đau xương sườn ở bên phải thường là dấu hiệu rối loạn gan trong thai kỳ. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng và cần điều trị kịp lúc để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, thai phụ cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đau xương sườn khi mang thai có thể là dấu hiệu bệnh tim, thận hoặc hệ thống hô hấp. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể cần nhập viện theo dõi các triệu chứng trong 24 giờ để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Chẩn đoán

Để xác định các nguyên nhân có thể gây đau xương sườn khi mang thai, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra thể chất và các triệu chứng liên quan. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kiểm tra huyết áp của thai phụ.

Phụ thuộc vào giai đoạn của thai kỳ, bác sĩ có thể tiến hành theo dõi trong một thời gian để đảm bảo nhịp tim của thai nhi.

Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân tiềm ẩn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android