MRI Thoát Vị Đĩa Đệm: Chi Phí và Thông Tin Cần Biết
Chụp MRI thoát vị đĩa đệm là một xét nghiệm hình ảnh có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh. Phương pháp này được đánh giá cao về tính an toàn và hầu như không gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
MRI thoát vị đĩa đệm là gì?
MRI thoát vị đĩa đệm là phương pháp chụp cộng hưởng từ có giá trị cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương pháp này cho hình ảnh chi tiết về cấu trúc giải phẫu của cột sống và các mô mềm xung quanh, giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng tổn thương ở đĩa đệm và mức độ chèn ép vào tủy sống, dây thần kinh, từ đó xây dựng phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI được đánh giá cao về mức độ chính xác và an toàn. Nếu như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh truyền thống như chụp X-quang hay CT scan khó có thể giúp phát hiện ra bệnh thoát vị đĩa đệm thì kỹ thuật MRI lại cho phép bác sĩ xác định bệnh ngay từ giai đoạn nhẹ. Chính vì vậy mà phương pháp chụp MRI thoát vị đĩa đệm đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện. Kỹ thuật này cũng được ứng dụng trong chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch, thần kinh hay các vấn đề khác về xương khớp.
Nguyên lý hoạt động của chụp MRI thoát vị đĩa đệm
Phương pháp chụp MRI thoát vị đĩa đệm hoạt động dựa trên nguyên lý đưa cơ thể vào trong một vùng từ trường mạnh và tác động đến các phân tử Hydro nằm trong phân tử nước của cơ thể nhằm mục đích đồng hóa chiều chuyển động của chúng.
Cùng với đó, một ăng ten có chức năng thu phát sóng radio với tần số thấp sẽ được sử dụng nhằm mục đích truyền phát, gửi tín hiệu đến cơ thể. Khi tiếp xúc với các nguyên tử Hydro của cơ thể, ăng ten sẽ nhận lại tín hiệu cho thấy chiều chuyển động của các phân tử.
Cuối cùng, tín hiệu ăng ten ghi nhận được sẽ chuyển tiếp về trung tâm máy tính để xử lý các tín hiệu số. Những tín hiệu này được truyền về máy tính điều khiển và tạo ra hình ảnh các lớp cắt 3D phản ánh chi tiết cấu trúc giải phẫu của cột sống, đĩa đệm. Các tổn thương ở đĩa đệm cột sống hay dây thần kinh đều được nhìn thấy rõ trên hình ảnh chụp MRI.
Chỉ định chụp MRI thoát vị đĩa đệm
- Bệnh nhân có triệu chứng bị bệnh thoát vị đĩa đệm hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Người bị đau cổ hoặc đau thắt lưng nghiêm trọng, kéo dài và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc cũng như các phương pháp chăm sóc tại nhà.
- Bị đau lưng trong thời gian từ 3 -6 tháng hoặc lâu hơn.
- Đau lưng dữ dội kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác như chán ăn, sốt cao, ớn lạnh trong người.
- Nghi ngờ có khối u
- Nghi ngờ hẹp cột sống thắt lưng
- Phẫu thuật cột sống thắt lưng không có hiệu quả hoặc đau đớn nhiều sau phẫu thuật.
Chống chỉ định
- Người lắp thiết bị tạo nhịp tim nhân tạo hoặc thiết bị điện tử trong người.
- Có dị vật bằng kim loại trong mắt hoặc mảnh đạn trong người.
- Các trường hợp mắc chứng sợ ống thở cần thận trọng khi chỉ định chụp MRI. Bệnh nhân có thể được dùng thuốc an thần để trấn an.
Những việc cần làm để quá trình chụp MRI thoát vị đĩa đệm được an toàn
Để quá trình chụp MRI thoát vị đĩa đệm được an toàn, chính xác, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của kỹ thuật viên trong phòng chụp MRI.
- Các tác hại của sóng từ trường đối với cơ thể chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, sóng từ trường cao phát ra từ máy chụp MRI có thể ảnh hưởng không tốt đến các thiết bị bằng kim loại cấy ghép trong cơ thể. Vì vậy, bạn cần thông báo cho nhân viên y tế biết nếu trong cơ thể có máy tạo nhịp tim, từng cấy ghép van tim nhân tạo, sử dụng máy trợ tính, có gắn răng giả, cấy ghép đinh nội tủy, đặt vòng tránh thai chữ T dạng Cu 380A hoặc có mạnh đạn và thiết bị điện tử trong người. Thông thường, mọi đồ vật có chất liệu bằng kim loại trong người đều được yêu cầu lấy ra trước khi chụp MRI.
- Người bệnh cũng không được mang bất cứ đồ dùng cá nhân nào bằng kim loại vào phòng chụp MRI. Bao gồm vòng vàng bạc, đồng hồ đeo tay, chìa khóa hay điện thoại di động…
- Nằm yên và không được cử động trong suốt thời gian chụp để hình ảnh cho chất lượng tốt nhất.
- Một số bệnh nhân cần tiêm thuốc tương phản từ trước khi chụp. Trường hợp này sẽ được yêu cầu ký giấy cam kết. Bệnh nhân nên trao đổi với nhân viên y tế về tiền sử dị ứng thuốc hoặc mắc bệnh thận nếu có. Mặc dù không gây độc cho cơ thể nhưng thuốc tương phản từ có thể khiến một số bệnh nhân bị dị ứng với các biểu hiện thường gặp như nổi mề đay, mẩn ngứa ngoài da, buồn nôn hoặc ói mửa, đau đầu, chóng mặt, tê rần các chi. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường nhẹ và biến mất sau khi chụp một thời gian ngắn.
Quy trình chụp MRI thoát vị đĩa đệm
Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp MRI thoát vị đĩa đệm có tiêm thuốc đối quang từ hoặc không tiêm thuốc. Quá trình thực hiện cho từng trường hợp như sau:
- Trước khi vào phòng chụp, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên yêu cầu tháo bỏ các đồ vật bằng kim loại trên cơ thể. Trong môi trường từ tính, chúng có thể gây nhiễu tín hiệu.
- Người bệnh được hướng dẫn nằm trên bàn chụp ở tư thế thuận lợi. Để thu được hình ảnh chụp MRI chất lượng, các trường hợp có biểu hiện bị kích thích, lo lắng quá mức hoặc đối tượng chụp MRI là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sẽ được chỉ định dùng thuốc an thần. Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi dùng thuốc nhằm tránh hiện tượng hít sặc.
- Thời gian chụp MRI thoát vị đĩa đệm có thể kéo dài từ 30 – 60 phút tùy theo tính chất phức tạp của mỗi ca bệnh. Người bệnh cần nằm yên trên một bàn quét có khả năng trượt vào trong buồng máy trong khi vẫn có thể giao tiếp bằng lời với kỹ thuật viên.
- Trong quá trình chụp MRI, cuộn nam châm sẽ xoay quanh cơ thể người bệnh để quét được hình ảnh của cột sống. Thời gian cho mỗi lần quét khoảng vài phút. Nếu trong quá trình thực hiện, người bệnh cảm thấy bất cứ cảm giác nào khó chịu, hãy bấm nút liên lạc để nhân viên y tế tạm dừng lại. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi trong suốt quá trình chụp MRI, cơ thể người bệnh sẽ được kết nối với máy theo dõi nhịp tim, nhịp thở hay nồng độ oxy trong máu để đảm bảo an toàn và sớm phát hiện ra những bất thường nếu có.
- Kết thúc quá trình chụp MRI, bàn trượt được đẩy ra ngoài. Kỹ thuật viên sẽ giúp bệnh nhân đứng dậy khỏi bàn. Các trường hợp có dùng thuốc an thần trước đó sẽ được chuyển đến khu vực hồi sức chờ tỉnh lại. Hiệu lực của thuốc an thần thường chỉ kéo dài trong 1 – 2 tiếng và người bệnh có thể quay trở lại với công việc và sinh hoạt bình thường sau đó mà không bị ảnh hưởng.
Thời gian chụp MRI thoát vị đĩa đệm kéo dài từ 30 – 60 phút
Xử lý một số tai biến sau chụp MRI thoát vị đĩa đệm
Một số vấn đề có thể xảy ra sau khi chụp MRI. Cần xử lý đúng cách để tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh.
- Sợ hãi hoặc kích động: Bệnh nhân cần được bác sĩ và người nhà động viên, an ủi để ổn định tâm lý.
- Lo lắng, căng thẳng quá mức: Người bệnh sẽ được chỉ định thuốc an thần. Quá trình dùng thuốc sẽ được bác sĩ gây mê theo dõi để đảm bảo an toàn.
- Tác dụng phụ liên quan đến thuốc đối quang: Các biến chứng xảy ra như nổi mề đay mẩn ngứa, sốc phản vệ, giảm huyết áp hay phù nề thanh quản,… sẽ được bác sĩ can thiệp và xử lý theo phác đồ chuẩn.
Ưu điểm của chụp MRI thoát vị đĩa đệm
Chụp MRI mang đến nhiều lợi ích cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này có những ưu điểm sau:
- Cho phép thu được hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn về cấu trúc của đĩa đệm, xương cột sống và các mô mềm so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như X-quang , CT hay siêu âm.
- Giúp phát hiện bệnh thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn sớm.
- Chụp MRI khá an toàn, hầu như không gây tác dụng phụ và không phát ra bước xạ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
- Nhờ hình ảnh chi tiết mà phim chụp MRI ghi nhận được, bác sĩ có thể đưa ra những đánh giá chính xác về mức độ thoát vị của đĩa đệm, tình trạng tổn thương và chèn ép ở dây thần kinh.
- Cung cấp nhiều thông tin có giá trị hơn so với phương pháp khác trong chẩn đoán bệnh.
Chi phí chụp MRI thoát vị đĩa đệm
- Kỹ thuật chụp MRI thoát vị đĩa đệm hiện đang được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán và chữa trị bệnh ở nhiều cơ sở y tế. Mỗi địa chỉ sẽ có một mức chi phí khác nhau.
- Thông thường chi phí chụp MRI thoát vị đĩa đệm tại các bệnh viện quốc tế hay phòng khám tư nhân thường cao hơn so với bệnh viện công lập. Ngoài ra, giá chụp cộng hưởng từ còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như công nghệ chụp, vị trí chụp.
- Trung bình, mức chi phí chụp MRI thoát vị đĩa đệm hiện nay dao động từ 2 – 3 triệu đồng. Tuy nhiên cũng có những nơi múc giá này lên đến 10 triệu đồng.
Dưới đây là bảng giá chụp MRI thoát vị đĩa đệm tại một số bệnh viện:
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM:
- Có thuốc phản ứng: 3 triệu đồng/lượt
- Không thuốc phản ứng: 2, 3 triệu đồng/lượt.
Bệnh viện Chợ Rẫy:
- Có thuốc phản ứng: 3 – 3,5 triệu đồng/lượt
- Không thuốc phản ứng: 2 – 2,5 triệu đồng/lượt
Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình:
- Chụp có thuốc 2,5 triệu đồng/lần
- Chụp không thuốc: 2 triệu đồng/lần.
Bệnh viện Nhân Dân 115:
- Chụp có thuốc: 2,5 triệu đồng/lần
- Chụp không thuốc: 2 triệu đồng/lần
Bệnh viện Hòa Hảo TPHCM:
- Chụp có thuốc: 2 triệu đồng/lượt
- Chụp không thuốc: 1,5 triệu đồng/lượt.
Bệnh viện Hồng Ngọc:
- Chụp có thuốc: 3,3 triệu đồng/lượt
- Chụp không thuốc: 2,75 triệu/lượt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!