Ngã Sưng Đầu Gối

Cơ bản

Ngã sưng đầu gối là hiện tượng xảy ra do bị chấn thương dây chằng, sụn hay xương khớp gối. Bạn nên đi khám khi đầu gối có biểu hiện sưng đau dữ dội, biến dạng hoặc không thể đi lại, co duỗi khớp bình thường.

Nguyên nhân

Nếu bị sưng đầu gối sau khi ngã, bạn nên thận trọng với các chấn thương xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trong khớp gối. Bao gồm:

1. Gãy xương

Khớp gối là nơi giao nhau của 3 đoạn xương chính gồm xương đùi, xương chày với xương bánh chè. Khi té ngã, lực va đậm quá mạnh có thể khiến một trong các xương trên hoặc cả ba xương bị nứt hoặc gãy kín.

Thống kê cho thấy, số lượng người bị gãy xương bánh chè khi ngã chiếm tỷ lệ nhiều hơn hẳn so với xương chày và xương đùi. Các trường hợp đang bị loãng xương rất dễ bị gãy xương khi té ngã.

Dấu hiệu nhận biết gãy xương:

  • Sưng đầu gối sau khi ngã
  • Đau dữ dội
  • Biến dạng ở vùng bị gãy xương
  • Hạn chế cử động, không thể đi lại.

2. Chấn thương ở dây chằng chéo trước (ACL)

Một số người bị ngã sưng đầu gối do chấn thương dây chằng chéo trước. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm duy trì khả năng gập duỗi bình thường ở khớp gối, đồng thời giữ cho xương chày được cố định và không bị trượt về phía trước xương đùi. Có 3 cấp độ chấn thương ở dây chằng chéo trước xảy ra khi vấp ngã hoặc té xe.

  • Cấp độ nhẹ: Dây chằng bị kéo căng quá mức và bị giãn
  • Cấp độ trung bình: Xuất hiện vết rách nhỏ tại bất kì vị trí nào trên dây chằng chéo trước.
  • Cấp đợ nặng: Dây chằng đứt hoàn toàn.

Dấu hiệu nhận biết chấn thương dây chằng chéo trước khi ngã:

  • Nghe tiếng rắc lớn hoặc tiếng đứt phựt của dây chằng
  • Sưng đầu gối một cách nhanh chóng.
  • Đau đầu gối ở nhiều mức độ.
  • Trường hợp đứt dây chằng chéo trước sẽ bị đau dữ dội và không thể hoạt động chân.
  • Nếu chỉ bị giãn, rách dây chằng, người bệnh có cảm giác chân yếu, không có sức khi di chuyển, đau đầu gối khi lên xuống cầu thang và khó đứng trụ chỉ bằng 1 bên chân bị chấn thương.
  • Tình trạng chấn thương dây chằng chéo trước không được phát hiện sớm khiến cho các cơ bị teo dần. Qua sát hai chân sẽ thấy sự chênh lệch về kích thước giữa bên đùi bị chấn thương với bên chân còn lại.

3. Chấn thương ở dây chằng chéo sau (PCL)

Dây chằng chéo sau là một dải mô liên kết nằm phía sau đầu gối. Nó có chức năng ổn định cấu trúc cho khớp gối và giữ cho xương chày có thể chuyển động trong một phạm vi nhất định, không bị trượt ra phía sau đầu gối quá xa.

Khi bị ngã, mặt sau đầu gối bị va đập quá mạnh có thể gây giãn, rách hoặc đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau. Những chấn thương này chiếm tỷ lệ khoảng 5 - 10% trong tổng số các ca bị tổn thương dây chằng ở đầu gối. Tuy nhiên, nó khó chẩn đoán hơn.

Dấu hiệu chấn thương dây chằng chéo sau:

  • Sưng đầu gối. Triệu chứng này xảy ra sớm trong vòng vài giờ kể từ khi bị chấn thương
  • Đau đầu gối ở mức độ nhẹ đến nghiêm trọng tùy theo mức độ tổn thương ở dây chằng.
  • Người bệnh đi lại khập khiễng hoặc không thể di chuyển.
  • Khớp gối có cảm giác bị lỏng, rời rạc.

4. Ngã sưng đầu gối do chấn thương ở dây chằng trong khớp gối (MCL)

Dây chằng trong có nhiệm vụ liên kết xương đùi với xương ống chân và giữ cố định chúng ở mặt trong của đầu gối. Sự tác động trực tiếp bên mặt ngoài của khớp gối khi té ngã có thể khiến cho đầu gối bị sụp vào phía trong và chén ép lên dây chằng. Từ đó dẫn đến hiện tượng căng giãn hoặc rách dây chằng trong khớp gối.

Dấu hiệu nhận biết chấn thương dây chằng trong khớp gối:

  • Sưng đau đầu gối
  • Nghe tiếng "bốp" phát ra ở khớp nếu dây chằng bị đứt hoàn toàn.
  • Không để hoạt động đầu gối một cách bình thường
  • Đầu gối lỏng lẻo
  • Đi lại khập khiễng
  • Một số trường hợp xuất hiện vết thâm ở đầu gối.

5. Chấn thương ở dây chằng ngoài khớp gối (LCL)

Trong một số trường hợp, hiện tượng ngã sưng đầu gối có thể xảy ra do bị chấn thương dây chằng ngoài khớp gối. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mặt trong đầu gối bị tác động quá mạnh và xoay ra ngoài khiến cho dây chằng ngoài căng giãn.

So với các dây chằng khác, chấn thương ở dây chằng ngoài khớp gối ít gặp hơn. Tuy nhiên, hậu quả mà nó gây ra cũng vô cùng nghiêm trọng .

6. Rách sụn chêm khớp gối gây sưng đầu gối khi ngã

Rách sụn chêm cũng là một chấn thương thường gặp ở đầu gối khi bị ngã. Trong khớp, sụn chêm nằm bao bọc quanh các đầu xương để bảo vệ, giảm hiện tượng cọ xát xương khi vận động, giúp khớp đầu gối vận động linh hoạt hơn.

Sụn chêm có thể bị rách khi có lực tác động mạnh. Nguy cơ gặp chấn thương này xảy ra cao hơn ở các trường hợp bị thoái hóa khớp gối.

Dấu hiệu rách sụn chêm:

  • Nghe thấy tiếng kêu khi sụn bị rách nghiêm trọng
  • Người bệnh có thể đi lại bình thường sau khi rách sụn chêm. Tuy nhiên, đầu gối có khuynh hướng dần bị sưng lên sau đó khoảng 2 - 3 ngày khiến người bệnh mất cảm giác linh hoạt khớp.
  • Đau đầu gối. Ấn vào khe khớp thấy đau nhiều hơn.
  • Khớp gối có cảm giác bị kẹt.
  • Có tiếng kêu lục cục phát ra từ khớp bị chấn thương mỗi khi vận động.
  • Khó gấp duỗi khớp ra hết cỡ.

7. Bong gân

Hiện tượng ngã sưng đầu gối cũng có thể là dấu hiệu của bong gân. Khi bị té ngã, lực tác động quá mạnh và đột ngột khiến các dây chằng ở khớp gối bị kéo căng, giãn rách dẫn tới bong gân. Tùy theo mức độ bong gân mà người bệnh có thể bị sưng đầu gối ở mức độ nhẹ, vừa phải tới nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết bong gân đầu gối do ngã:

  • Sưng tấy khớp gối
  • Bầm tím một vùng da quanh đầu gối
  • Co thắt các cơ
  • Hoạt động ở đầu gối và chân khó khăn, kém linh hoạt
  • Mất thăng bằng khi đứng, không thể đứng vững

8. Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối là hiện tượng thường gặp sau khi bị các chấn thương ở đầu gối như gãy xương, đứt dây chằng hay rách sụn chêm ở đầu gối... Ngoài ra, các trường hợp có tiền sử bị thoái hóa, viêm bao hoạt dịch khớp gối hoặc đang mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ cao bị tràn dịch khớp gối sau chấn thương, té ngã.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Sưng phù đầu gối
  • Đau nhức dữ dội
  • Khó cử động khớp...

9. Ngã sưng đầu gối do trật khớp gối

Khi bị ngã, xương đùi và xương chày trượt ra khỏi vị trí của chúng dẫn đến hiện tượng trật khớp gối. Lúc này, khớp đầu gối bị biến dạng kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác như:

  • Đau đầu gối dữ dội tới mức không thể cử động được
  • Sưng và bầm tím đầu gối
  • Mất cảm giác ổn định ở khớp gối.

Đôi khi, hiện tượng ngã sưng đầu gối có thể xảy ra do các vấn đề ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như vết thương hở hay vết trầy xước ngoài da. Bạn cần chú ý lắng nghe cơ thể mình để kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh nhằm có hướng xử lý từ sớm.

Chăm sóc tại nhà

Đầu gối sưng phù nhanh chóng kèm theo cảm giác đau dữ dội ngay sau khi ngã có thể là dấu hiệu của một chấn thương nghiêm trọng ở khớp gối, chẳng hạn như đứt dây chằng, gãy xương. Người bệnh cần được xử lý, sơ cứu tại chỗ trước khi tới bệnh viện.

Các bước sơ cứu ban đầu như sau:

  • Bước 1: Người chấn thương nằm xuống ở tư thế thoải mái nhất. Cố gắng hạn chế cử động ở đầu gối bị chấn thương để giảm cảm giác đau.
  • Bước 2: Chườm khăn mát hoặc lấy bọc đá lạnh chườm bên ngoài đầu gối để giảm sưng đau, phù nề khớp. Thời gian chườm lạnh khoảng 20 phút.
  • Bước 3: Tìm kiếm hai thanh gỗ hay miếng bìa cứng để làm nẹp. Sau đó đặt nẹp vào hai bên vùng tổn thương rồi lấy băng thun hay dây quấn cố định nẹp. Điều này sẽ giúp hạn chế được những tác động từ bên ngoài để tổn thương trong đầu gối không phát triển nghiêm trọng hơn.
  • Bước 4: Gọi xe cứu thương hoặc đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý:

  • Không xoa bóp mạnh vào đầu gối hoặc tự ý nắn lại xương bởi việc thực hiện không đúng cách có thể làm tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không chườm nóng hay xoa bóp bằng rượu. Những phương pháp này có tác dụng làm giãn mạch máu, khiến máu lưu thông vào khớp nhiều hơn. Điều này chỉ làm tăng nặng tình trạng sưng đau khớp gối.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Tình trạng sưng đầu gối sau khi ngã có thể xảy ra ở mức độ nhẹ, vừa đến vô cùng nghiêm trọng. Bạn nên tới bệnh viện khám nếu:

  • Đầu gối bị sưng to nhanh chóng hoặc kéo dài
  • Biến dạng khớp gối
  • Mất khả năng đi lại hoặc co duỗi chân bình thường.
  • Bầm tím đầu gối
  • Khớp gối lỏng lẻo.

Chẩn đoán bệnh

Tại phòng khám chuyên khoa Cơ xương khớp, bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để chẩn đoán nguyên nhân khiến đầu gối bị sưng sau khi ngã. Bao gồm:

- Thăm khám lâm sàng:

  • Quan sát bên ngoài đầu gối kiểm tra vùng tổn thương và tìm kiếm các dấu hiệu bất thường.
  • Kiểm tra tiền sử bệnh lý, nhất là các vấn đề ở khớp gối.
  • Đánh giá chức năng vận động thông qua một số hoạt động như co duỗi đầu gối, đứng dậy, di chuyển...

Ngoài ra, bác sĩ cũng thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh để xác định chính xác vị trí cũng như mức độ tổn thương trong khớp.

  • Chụp X-quang: Giúp phát hiện tình trạng chấn thương ở dây chằng, gãy xương hay trật khớp...
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Áp dụng sau khi bị ngã khoảng 2 -3 tuần, khi chấn thương đã thuyên giảm và đầu gối hết phù nề, không còn tụ máu. Phương pháp này cũng giúp phát hiện ra những sự thay đổi bất thường trong cấu trúc của khớp gối mà chụp X-quang không thể thấy được.
  • Các phương pháp khác: Chụp CT, siêu âm đầu gối, xét nghiệm dịch khớp gối.

Điều trị

Điều trị ngã sưng đầu gối bằng phương pháp nội khoa

Tình trạng sưng đầu gối sau khi ngã liên quan đến các chấn thương không quá nghiêm trọng thường được điều trị bảo tồn. Phương pháp này cũng được lựa chọn cho những bệnh nhân lớn tuổi, ít hoạt động.

Người bệnh thường được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm sưng đầu gối và xoa dịu các cơn đau khó chịu. Một số phương pháp khác cũng có thể được áp dụng như:

  • Nẹp hoặc bó bột bất động khớp gối.
  • Vật lý trị liệu
  • Châm cứu
  • Bấm huyệt
  • Thực hành các bài tập giúp giảm đau, tăng cường sức mạnh cho cơ đùi, chống teo cơ và phục hồi biên độ hoạt động của khớp gối.

3. Phẫu thuật cho người ngã sưng đầu gối

Ca phẫu thuật thường được thực hiện khi đầu gối đã hết sưng. Bệnh nhân được chỉ định làm phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Ngã sưng đầu gối do chấn thương ở dây chằng chéo trước ở mức độ 2 và 3.
  • Đầu gối mất vững do tổn thương dây chằng chéo sau
  • Đứt dây chằng
  • Gãy xương đầu gối
  • Rách sụn chêm gây đau nhiều và kẹt khớp.
  • Tổn thương cả sụn khớp và xương dưới sụn kèm theo đau và kẹt khớp.

Hầu hết các chấn thương ở dây chằng hay sụn chêm đều được điều trị tốt thông qua phẫu thuật nội soi với vài vết rạch nhỏ ngoài da. Trong ca mổ, bác sĩ sẽ tiến hành khâu nối dây chằng, cắt bỏ các mô sụn bị rách và tạo hình hoặc nối xương tùy theo loại hình chấn thương.

Để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ bị ngã sưng đầu gối bạn cần chú ý hoạt động đúng cách, không cố gắng nhảy cao hoặc chạy quá nhanh, mang giày dép có gót chắc chắn với độ cao vừa phải và tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông. Người già xương khớp yếu nên sử dụng gậy hỗ trợ khi đi lại để không bị té ngã.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android