Ngồi Lâu Bị Tê Chân

Cơ bản

Ngồi lâu tê chân là do mạch máu bị chèn ép quá mức, khiến máu và dưỡng chất không thể lưu thông đến dây thần kinh ở chân. Nhưng đôi khi, ngồi lâu tê chân cũng có liên quan đến các vấn đề y tế nghiêm trọng khác. Vì thế, khi gặp phải tình trạng này bạn cần tìm ra nguyên nhân để có thể đưa ra cách khắc phục phù hợp.

Định nghĩa

Tê chân là triệu chứng xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do ảnh hưởng từ thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Khi ngồi nhiều, quá trình lưu thông máu đến chân sẽ bị gián đoạn và gây chèn ép lên dây thần kinh, điều này đã kích thích triệu chứng tê chân khởi phát.

Nguyên nhân

Dưới đây là các nguyên nhân gây tê chân khi ngồi thường gặp bạn có thể tham khảo:

  • Thói quen sinh hoạt không tốt khiến quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể bị cản trở và chèn ép quá mức lên dây thần kinh. Điều này đã khiến cho triệu chứng tê bắp chân và tê bàn chân có cơ hội khởi phát. Ví dụ như ngồi bắt chéo chân, ngồi cố định một tư thế trong thời gian dài,…
  • Chấn thương do tập luyện sai tư thế, tập luyện sai cách hoặc gặp tai nạn cũng có thể gây ra triệu chứng tê chân khi ngồi. Ở trường hợp này bạn cần thăm khám chuyên khoa để xác định mức độ tổn thương và đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.
  • Chất kích thích chứa rất nhiều độc tố gây hại đến dây thần kinh, nếu bạn quá lạm dụng chúng sẽ khiến dây thần kinh bị tổn thương. Đồng thời, chân còn là khu vực phải chịu trọng lực rất lớn từ cơ thể. Hai yếu tố này khi kết hợp với nhau sẽ làm gia tăng nguy cơ tê chân khi ngồi nhiều.
  • Thói quen ngồi nhiều hoặc lười vận động sẽ khiến hệ thống cơ bắp bên trong cơ thể bị suy giảm và gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Với những trường hợp nặng bạn sẽ mất hoàn toàn chức năng vận động.
  • Một số nguyên nhân gây ra tình trạng tê chân khi ngồi nhiều cũng có thể kể đến là tác dụng phụ của thuốc Tây y, thể trạng ốm yếu, ảnh hưởng của thời tiết, ăn uống thiếu chất, sử dụng trang phục quá chật hoặc bó sát,…

Chăm sóc tại nhà

Khi bị tê chân do ngồi lâu, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản như chườm ấm, chườm lạnh, xoa bóp,… để cải thiện. Đây là phương pháp giảm tê chân khá an toàn và hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi áp dụng tại nhà.

  • Dành thời gian nghỉ ngơi để hạn chế gây áp lực lên vùng chân. Tốt nhất, bạn nên ngồi thẳng người hoặc nằm thẳng người. Tư thế nghỉ ngơi này sẽ giúp quá trình tuần hoàn máu có thể diễn ra một cách tốt nhất. Khi bị tê chân bạn cần tránh ngồi chéo chân hoặc ngồi khoanh chân.
  • Tiến hành chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện triệu chứng tê chân do ngồi lâu. Chườm lạnh có tác dụng giảm sưng viêm, còn chườm nóng sẽ tăng tuần hoàn máu đến khu vực bị tổn thương. Nếu không xác định được nguyên nhân gây tê chân, bạn nên tiến hành chườm lạnh trước rồi chườm nóng sau để cải thiện.
  • Xoa bóp hoặc ngâm chân trong nước ấm giúp tăng tuần hoàn máu và đẩy lùi cảm giác tê ngứa. Ở phương pháp ngâm chân, bạn có thể nấu nước thảo dược để ngâm giúp làm tăng hiệu quả mang lại. Thường dùng là lá lốt, ngải cứu, gừng tươi,…

Câu hỏi thường gặp

Ngồi lâu bị tê chân có phải bệnh?

Ngoài các nguyên nhân thường gặp ở trên thì tình trạng tê chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Tuy nhiên, tê chân do sinh hoạt sẽ xảy ra nhiều hơn so với bệnh lý. Nếu thấy tình trạng này diễn ra kéo dài dai dẳng kèm theo triệu chứng bất thường, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được xác định chính xác bệnh lý mà bản thân đang mắc phải và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Một số bệnh lý gây tê chân khi ngồi lâu có thể kể đến là:

+ Tăng huyết áp: Tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tê bì chân tay khi ngồi lâu. Huyết áp tăng cao sẽ khiến hệ thống động mạch bị tổn thương và tạo cơ hội cho bệnh huyết áp cao khởi phát. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có thói quen ngồi nhiều và lười vận động. Bị huyết áp cao sẽ làm gia tăng nguy cơ đau tim, suy tim, đột quỵ,..

+ Huyết khối tĩnh mạch sâu: Đây là hiện tượng hình thành cục máu đông bên trong tĩnh mạch ở chân. Nếu cục máu đông này vỡ ra sẽ khiến tuần hoàn máu đến chân bị cắt đứt và gây ra triệu chứng tê chân, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn ngồi lâu một chỗ, Đây là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị y tế kịp thời để tránh phát sinh rủi ro không mong muốn.

+ Tiểu đường: Những người lười vận động và có thói quen ngồi nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 112%. Đây là điều kiện tiền đề làm tăng khả năng kháng insulin và tạo cơ hội cho bệnh tiểu đường khởi phát. Khi hàm lượng đường trong máu ở mức quá cao sẽ khiến dây thần kinh bị tổn thương và gây ra triệu chứng tê bì chân tay. Tình trạng này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn nếu người bệnh có chế độ ăn uống không phù hợp.

+ Đau dây thần kinh tọa: Bệnh lý này thường khởi phát khi bạn gặp một số tổn thương tại cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng,… Đây là hiện tượng dây thần kinh tọa bị tổn thương, hình thành nên các cơn đau nhức chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh này. Tính chất cơn đau thường là bỏng rát hoặc châm chích. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng khác như ngồi lâu gây tê chân, đau lưng dưới, yếu chi,…

+ Viêm cột sống dính khớp: Đặc trưng của bệnh lý này là gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể. Khi bệnh tiến triển nặng, các đốt sống có thể hợp nhất với nhau gây ảnh hưởng đến độ linh hoạt và khả năng vận động của cột sống. Các triệu chứng có thể gặp khi bị viêm cột sống dính khớp là đau âm ỉ ở lưng dưới hoặc gần mông, cứng khớp vào buổi sáng, tê chân hoặc mông khi ngồi lâu,… Nếu bệnh lý này gây ảnh hưởng đến vùng xương sườn sẽ gây ra triệu chứng khó thở.

+ Đau cơ xơ hóa: Ngồi lâu bị tê chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh đau cơ xơ hóa. Bệnh lý này thường xảy ra ở phụ nữ với triệu chứng đặc trưng là gây đau cơ lan rộng toàn thân. Hiện tại, y học hiện đại vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh lý này cũng như phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện triệu chứng của bệnh bằng cách dùng thuốc giảm đau, thay đổi phong cách sống, tập thể dục, thư giãn cơ,…

+ Hội chứng cơ hình lê: Đây là một dạng rối loạn thần kinh cơ rất khó nhận biết do có triệu chứng khá giống với các bệnh lý khác. Hội chứng này sẽ gây kích thích hoặc chèn ép quá mức lên dây thần kinh tọa. Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt với các triệu chứng như tê chân khi ngồi lau, đau thắt lưng, tê ngứa ran chạy dọc theo hai chân, đau nhức chân khi ngồi lâu hoặc khi vận động.

+ Hội chứng chùm đuôi ngựa: Hội chứng chùm đuôi ngựa cũng là một trong những bệnh lý gây ra tình trạng tê chân khi ngồi lâu. Bệnh xảy ra khi bó dây thần kinh phân bố bên dưới tủy sống bị chèn ép quá mức. Mắc các bệnh lý tại cột sống như thoát vị đĩa đệm, u cột sống, hẹp ống sống,… là nguyên nhân chính gây ra hội chứng này. Hội chứng chùm đuôi ngựa được xác định là tình trạng khá nghiêm trọng, nếu không điều trị sẽ gây tiểu không kiểm soát thậm chí là tê liệt vĩnh viễn.

Điều trị

Chỉ nên sử dụng thuốc với những trường hợp bị tê chân do bệnh lý gây ra. Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được lạm dụng để tránh các tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống viêm
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc giảm đau thần kinh
  • Viên uống bổ sung vitamin B

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng nên kết hợp vật lý trị liệu để quá trình điều trị nhanh mang lại hiệu quả. Vật lý trị liệu cũng cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên khoa để tránh các chấn thương không mong muốn.

Phòng ngừa

Bạn cần nắm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng tê chân khi ngồi lâu để có thể đưa ra biện pháp phòng ngừa phù hợp. Một số thói quen có tác dụng phòng ngừa tê chân khá hiệu quả là:

  • Hình thành thói quen ăn uống khoa học. Nên sử dụng thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Hạn chế tiêu thụ đồ ăn giàu chất béo, đồ ăn quá mặn hoặc nhiều gia vị. Nói không với rượu bia và thuốc lá.
  • Nên duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ ổn định để hạn chế gây áp lực lên các cơ quan ở chân. Tiến hành giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì.
  • Loại bỏ các thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ bị tê chân khi ngồi như ngồi sai tư thế, ngồi chéo chân hoặc khoanh chân, ngồi xổm lâu, khuân vác vật nặng sai tư thế,… Thường xuyên thư giãn vùng chân hoặc vận động nhẹ nhàng khi ngồi làm việc giúp làm tăng lưu thông máu.
  • Chú ý giữ ấm vùng chân vào những ngày trời chuyển lạnh. Mặc trang phục rộng rãi thoải mái để tránh gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu bên trong cơ thể. Ngủ đúng giờ và đủ giấc, luôn giữ tinh thần ổn định và thoải mái.
  • Dành thời gian tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp và độ bền chắc của dây thần kinh. Thói quen lười vận động cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tê chân mỗi khi ngồi lâu.
  • Cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng tê chân diễn ra kéo dài kèm theo một số triệu chứng bất thường khác như chóng mặt, màu sắc và nhiệt độ chân bất thường, khó thở, mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, co giật,…

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng ngồi lâu bị tê chân bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Thông thường, tình trạng tê chân khi ngồi lâu sẽ xảy ra do thần kinh và mạch máu bị chèn ép quá mức. Người bệnh chỉ cần đứng dậy di chuyển hoặc vận động nhẹ nhàng thì triệu chứng này sẽ nhanh chóng được cải thiện. Nhưng nếu tê chân diễn ra kéo dài và không thể cải thiện tại nhà thì cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.

Chuyên sâu

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android