Ngủ Dậy Bị Đau Cổ

Cơ bản

Ngủ dậy bị đau cổ là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải. Cơn đau nhức có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, với những trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng đau cổ khi ngủ dậy cũng như cách điều trị phù hợp thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Sau khi ngủ dậy, nhiều người phải đối mặt với cơn đau nhức ở vùng cổ rất khó chịu. Tính chất cơn đau có thể là dữ dội hoặc đau buốt, điều này đã khiến khả năng hoạt động bị suy giảm đáng kể. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, ngủ dậy bị đau cổ xảy ra khá phổ biến ở những người nằm trong độ tuổi từ 30 - 50. Hầu hết các trường hợp khởi phát cơn đau đều do tư thế ngủ xấu, sử dụng gối không phù hợp hoặc mắc các vấn đề về sức khỏe khác. Nếu tình trạng này diễn ra với mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể cải thiện bằng cách tự chăm sóc tại nhà.

Nguyên nhân

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau cổ khi ngủ dậy thường gặp bạn có thể tham khảo:

  • Tư thế ngủ không đúng: Nằm lệch sang một bên, nằm ngủ nghẹo cổ, nằm sấp,... là những tư thế ngủ dễ gây tổn thương đến vùng cổ và hình thành nên cơn đau nhức sau khi ngủ dậy. Khi cơ cổ bị căng quá mức sẽ gây ra triệu chứng đau nhức và cứng cổ sau khi ngủ dậy.
  • Sử dụng gối ngủ không phù hợp: Sử dụng gối ngủ quá cao hoặc quá cứng đều gây ảnh hưởng không tốt đến vùng cổ khi ngủ. Lúc này, gối ngủ sẽ không thể thực hiện chức năng nâng đỡ vùng đầu. Điều này đã khiến cho cơ cổ bị căng thẳng và hình thành nên cơn đau nhức.
  • Cử động đột ngột: Các cử động như ngồi dậy đột ngột, xoay tứ chi khi ngủ do mơ thấy ác mộng,... sẽ khiến cơ cổ bị căng quá mức. Khi ngủ dậy, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức và cứng cổ khá khó chịu.
  • Chấn thương: Bị chấn thương ở vùng cổ trong quá khứ cũng là một trong những nguyên nhân gây đau nhức cổ sau khi ngủ dậy. Ví dụ như chấn thương khi chơi thể thao, bị đánh, bị tai nạn giao thông,... Nếu chấn thương gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
  • Nguyên nhân khác: Tình trạng đau nhức vùng cổ sau khi ngủ dậy cũng có thể xảy ra do tác động của một số nguyên nhân khác như thói quen gác lên tay khi ngủ, tuổi tác cao, tính chất công việc lao động nặng, thói quen ngồi cong lưng khi làm việc hoặc lười vận động,...

Triệu chứng

Đau nhức cổ sau khi ngủ dậy cũng có thể là dầu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,... Ở những trường hợp này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và hướng dẫn cách điều trị đúng cách.

  • Thoái hóa đốt sống cổ: Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khá phổ biến ở những người đã bước qua độ tuổi 50. Đây là hiện tượng xương khớp bị bào mòn, đốt xương bị xơ cứng, sụn khớp và đĩa đệm dần suy yếu. Khi bị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức từ cổ lan rộng đến cánh tay, tê rần ở hai chi trên và thuyên giảm khi vận động.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đây là giai đoạn nặng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng nhân nhầy bên trong bao xơ bị rò rỉ ra bên ngoài, gây chèn ép lên dây thần kinh và các mô lân cận. Đau cổ khi ngủ dậy cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Cơn đau thường diễn ra kéo dài dai dẳng với mức độ tăng dần theo thời gian.
  • Hội chứng hẹp ống sống cổ: Đây là bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh sẽ đối mặt với triệu chứng đau nhức và tê bì tại vùng vai gáy kéo dài đến cánh tay, cứng cổ, yếu chi, mất cảm giác cục bộ,... Ở trường hợp nặng có thể gây chèn ép lên tủy sống gây đau nhức kinh niên.
  • Bệnh nhiễm trùng: Đau cổ sau khi ngủ dậy cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng như viêm màng não, não mô cầu,... Khi mắc phải các bệnh lý này, người bệnh sẽ có thêm một số triệu chứng đi kèm như sốt cao, đau đầu, buồn nôn,... Nếu nghi ngờ bản thân bị đau nhức cổ sau khi ngủ dậy do nhiễm trùng, bạn cần thăm khám và điều trị kịp thời để tránh phát sinh biến chứng.

Phương pháp chẩn đoán

Đau cổ khi ngủ dậy có thể xảy ra với nhiều mức độ khác nhau như đau nhức dữ dội, đau buốt, hạn chế khả năng vận động,... Điều này đã khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống hàng ngày. Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu bị đau nhức kéo dài không rõ nguyên nhân kèm theo các triệu chứng sau đây:

  • Cứng cổ gây khó khăn khi thực hiện các động tác như cúi cổ, xoay cổ,... Tình trạng này diễn ra kéo dài trên 3 ngày.
  • Đau nhức diễn ra ở mức độ nghiêm trọng và lan rộng đến các vùng xung quanh như đầu, vai, cánh tay,...
  • Xuất hiện tình trạng tê bì chân tay, mất cảm giác và hoạt động kém.
  • Có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn.

Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng và kiểm tra phạm vi cử động của vùng cổ - vai - gáy - tay. Sau đó, hỏi người bệnh về tiền sử bệnh lý hoặc tiền sử chấn thương trước đó. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về mức độ tổn thương tại vùng cổ và nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm máu,...

Điều trị

Đau cổ khi ngủ dậy có thể cải thiện bằng cách thư giãn vùng cổ, chỉ sau vài ngày thực hiện bạn sẽ thấy triệu chứng đau nhức thuyên giảm đáng kể. Còn với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc điều trị. Dưới đây là các cách điều trị đau cổ khi ngủ dậy mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

1/ Massage

Đây là phương pháp giảm đau dễ thực hiện và mang lại hiệu quả khá tốt. Massage có tác dụng làm thư giãn cơ cổ, giải phóng dây thần kinh và mạch máu đang bị chèn ép. Từ đó, triệu chứng đau nhức tại vùng cổ sẽ được cải thiện đáng kể và làm tăng độ linh hoạt của khớp cổ.

Ngoài ra, massage còn có tác dụng làm thư giãn tinh thần, giúp người bệnh luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Điều này có tác động tích cực đến quá trình điều trị bệnh và giúp bạn phòng ngừa được nhiều bệnh lý khác nhau.

Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần dồn lực vào các đầu ngón tay rồi tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng lên vùng cổ theo chuyển động tròn. Ở những trường hợp gây đau nhức lan rộng, bạn có thể tiến hành massage lan rộng đến các cơ quan xung quanh như vai, lưng, cánh tay,...

2/ Tác dụng nhiệt

Khi bị đau nhức cổ sau khi ngủ dậy, người bệnh có thể cải thiện bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh. Dựa vào mức độ tổn thương tại cổ, bạn hãy lựa chọn phương pháp chườm sao cho phù hợp. Chườm ấm mang lại hiệu quả giảm đau bằng các làm thư giãn thần kinh và giải phóng mạch máu bị chèn ép. Còn chườm lạnh sẽ có tác dụng làm tê liệt thần kinh, ngăn chặn dẫn truyền thông tin đến não bộ giúp giảm đau. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn bên dưới đây:

- Cách thực hiện:

  • Cho đá lạnh hoặc nước ấm vào túi chườm, sử dụng để chườm lên vùng cổ bị đau nhức từ 15 - 20 phút là được. Bạn có thể áp dụng cách trị bệnh này nhiều lần trong ngày mỗi khi cơn đau tái phát.
  • Ở phương pháp chườm nóng, bạn có thể nâng cao hiệu quả mang lại bằng cách dùng thảo dược sao nóng để chườm cổ. Được sử dụng phổ biến là lá ngải cứu, lá lốt, lá đinh lăng,...

3/ Sử dụng thuốc không kê đơn

Nếu tình trạng đau nhức không thuyên giảm sau khi áp dụng phương pháp nhiệt trị liệu hoặc massage, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn để cải thiện. Thành phần dược tính trong thuốc tây y khá mạnh, khi đi vào cơ thể sẽ mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc giảm đau tại chỗ dưới dạng kem, gel bôi, xịt hoặc miếng dán. Thành phần chính của nhóm thuốc này là chất giảm đau hoặc tinh dầu giảm đau. Được sử dụng phổ biến là Deep heat, Perkindon, Salonpas, Sungaz,...
  • Thuốc chống viêm hoặc giảm đau đường uống: Được sử dụng khi thuốc giảm đau tại chỗ không mang lại hiệu quả. Thường dùng là Ibuprofen, Acetaminophen, Naproxen natri,...

Để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến quá liều và phát sinh ra tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

4/ Tập luyện

Tập luyện cũng được xem là một trong những cách giảm đau cổ khi ngủ dậy khá hiệu quả. Các động tác trong tập luyện sẽ mang lại hiệu quả thư giãn cơ mềm, giải phóng áp lực lên rễ thần kinh và mang lại hiệu quả giảm đau. Đồng thời, tập luyện thể dục thể thao còn mang lại rất nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Dưới đây là một số bài tập vận động cổ hỗ trợ điều trị đau cổ khi ngủ dậy bạn có thể tham khảo:

- Bài tập căng cổ

  • Đứng thẳng người và thả lỏng cơ thể, chú ý giữ thẳng lưng và cổ khi tập luyện.
  • Từ từ quay đầu sang bên trái cho đến khi cảm thấy căng cổ thì ngừng lại, giữ yên tư thế này trong khoảng 15 giây.
  • Sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại, lặp lại động tác này khoảng 5 lần mỗi bên là được.

- Bài tập với tạ

  • Đứng thẳng người trên sàn nhà và dang chân rộng bằng vai.
  • Hai tay cầm hai quả tạ từ 1 - 2 kg, sau đó từ từ di chuyển lên tai cho đến khi lưng và cổ xuất hiện cơn co thắt thì ngừng lại.
  • Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 2 giây rồi lại hạ tạ xuống kết hợp thở ra.
  • Người bệnh chỉ cần thực hiện động tác này từ 8 - 10 lần trong một hiệp tập là được.

Phòng tránh

Để phòng ngừa tình trạng đau cổ sau khi ngủ dậy tái phát trở lại và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Nên nằm ngửa khi ngủ giúp giữ thẳng cột sống và tránh gây áp lực không tốt lên vùng cổ - vai - gáy, cần tránh tư thế ngủ sấp hoặc ngủ nghiêng người. Khi ngủ, bạn cũng nên thay đổi tư thế thường xuyên giúp quá trình tuần hoàn máu bên trong cơ thể có thể diễn ra một cách tốt nhất.
  • Nếu có thói quen ngủ nghiêng, bạn hãy đặt một chiếc gối ở giữa hai chân để giảm áp lực cho cổ và giữ cột sống thẳng hàng. Đồng thời, thói quen này còn giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn.
  • Sử dụng gối ngủ phù hợp giúp nâng đỡ vùng cổ và hạn chế gây áp lực lên cơ quan này. Nên sử dụng gối ngủ có độ cao phù hợp và làm bằng chất liệu mềm (thường dùng là lông vũ).
  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho phù hợp. Nhiệt độ phòng ngủ phải đảm bảo mát mẻ và thông thoáng, khi ngủ tránh để gió thổi trực tiếp vào người.
  • Ngủ ở ghế sofa hoặc ghế nằm xem TV cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ đau nhức cổ sau khi ngủ dậy. Vì vậy, bạn nên tránh ngủ ở những nơi không có lợi cho giấc ngủ như này.
  • Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nên cố gắng duy trì tư thế vận động sao cho đúng. Tránh ngồi quá lâu một chỗ, ngồi khom người hoặc cúi đầu khi nhìn vào màn hình máy tính.
  • Dành thời gian tham gia vào các hoạt động thể chất giúp tăng cường độ dẻo dai là linh hoạt của xương khớp. Bạn có thể thực hiện các bài tập như yoga, chạy bộ, đi bộ, bơi lội,...

Trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng đau cổ khi ngủ dậy bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Nếu bị đau nhức cổ sau khi ngủ dậy kèm theo triệu chứng bất thường, bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng không mong muốn. Còn với những trường hợp đau nhức chỉ diễn ra với mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng các mẹo cải thiện tại nhà, giúp giảm đau nhức và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android