Nhức Mỏi Chân

Cơ bản

Nhức mỏi chân có thể do đi lại nhiều, đi giày cao gót hoặc cũng có thể liên quan đến các bệnh mạch máu, bệnh dây thần kinh nên tuyệt đối không được chủ quan. Ngâm chân với nước ấm, massage chân, lựa chọn giày phù hợp sẽ chính là những biện pháp giúp cải thiện tình trạng này hiệu quả nhất.

Định nghĩa

Đau mỏi chân là một trong những tình trạng khá phổ biến, do rất nhiều nguyên nhân gây ra, điển hình nhất thường gặp ở phụ nữ. Thống kê cho thấy có khoảng 17- 30% dân số bị đau chân, trong đó tỉ lệ cao là những người phụ nữ trên 50 tuổi và những người béo phì. Phát hiện và điều trị sớm tình trạng này sẽ hạn chế các biến chứng nguy hiểm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng người.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân phổ biến

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn đột nhiên bị đau mỏi chân. Tuy nhiên đây là các nguyên nhân phổ biến nên thường không quá nguy hiểm, chỉ cần nghỉ ngơi hay thư giãn chân một thời gian là các triệu chứng đau nhức này sẽ nhanh chóng biến mất. Dù vậy bạn cũng không nên chủ quan mà cần nhanh chóng tìm biện pháp cải thiện nếu có liên quan đến các nguyên nhân cơ học này.

Cụ thể, các nguyên nhân phổ biến thường gây ra tình trạng này bao gồm

  • Đi bộ quá nhiều: nếu trước đó bạn không phải một người thường hay đi bộ thì việc đột ngột tăng tốc độ đi bộ, đi leo núi, đi đường dốc thì việc bị đau chân là điều không thể tránh khỏi. Bạn có thể bị đau từ bắp chân xuống bàn chân hoặc cả phần đùi do cứng cơ, co thắt cơ. Tình trạng này có thể thuyên giảm sau vài ngày đến 1 tuần,
  • Do chọn sai loại giày/ dép: đi giày quá cứng, quá chật hay các dạng giày búp bê cũng là nguyên nhân làm đau nhức chân phổ biến. Ngoài ra ở những người phụ nữ phải đi giày cao gót suốt cả ngày cũng dễ bị đau chân vào buổi tối do máu huyết khó lưu thông, cơ bị căng cứng, làm tăng áp lực lên bánh chè và ảnh hưởng đến gót chân. Người thường xuyên đi giày cao gót cũng rất dễ mắc các bệnh đau nhức xương khớp nên không được chủ quan.
  • Do đứng quá lâu: những người làm các công việc như phục vụ, lễ tân hay các công việc cần phải đứng cả ngày cũng dễ bị đau nhức chân do máu và nước tích tụ ở vùng dưới cơ thể làm mất cân bằng chất lỏng.
  • Do mất nước: nếu bạn cảm thấy bị chân bị nhức mỏi kèm theo khát nước, khô cổ, da khô thì rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị thiếu nước làm mất cân bằng chất điện giải trong máu dẫn đến đau nhức chân.
  • Chơi thể thao: người chơi thể thao hay luyện tập quá sức cũng rất dễ gặp tình trạng này, đặc biệt nếu không tiến hành làm nóng cơ thể trước khi luyện tập
  • Độ tuổi: đôi khi dù không có tác nhân nào thì rất nhiều người già cũng bị đau nhức chân do quá trình lão hóa của cơ thể khiến các neuron vận động mất dần cũng như dấu hiệu của một số bệnh lý có liên quan đến tuổi tác.

Ngoài ra, phụ nữ có thai nếu bị nhức mỏi chân cũng là trường hợp phổ biến, gặp ở hầu hết các bà bầu. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tuần hoàn máu và làm tăng áp lực lên dây thần kinh. Càng về những tháng cuối mẹ càng dễ bị đau nhức nghiêm trọng hơn nhưng sau khi sinh nở thì đa phần tình trạng này sẽ thuyên giảm nhanh chóng nên cũng không cần quá lo lắng.

Nhức mỏi chân do bệnh lý

Nếu tình trạng nhức mỏi chân kéo dài nhiều ngày, nhiều lần với tần suất và mức độ đều tăng thì tuyệt đối không được chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý. Người bệnh cần nhanh chóng đến các bệnh viện gần nhất để được thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng thì mới có thể xác định chính xác nguyên nhân gâ

 

Cụ thể, các bệnh lý có thể làm chân bị nhức mỏi bao gồm

  • Do các bệnh về xương khớp: đây chính là một trong những bệnh lý phổ biến nhất khi bạn bị đau nhức chân kéo dài. Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng này như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm,viêm khớp, hẹp ống sống, đau dây thần kinh tọa, gout, gót chân achilles.. cùng rất nhiều bệnh lý khác ở chân. Triệu chứng để bạn có thể nhận biết là mình đang gặp vấn đề về xương khớp thường là đã có các cơn đau âm ỉ từ lâu, thường bị tê chân, đau nhức hơn khi vận động, leo cầu thang hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn về đêm.
  • Chấn thương: bong gân, nứt xương có thể liên quan đến các chấn thương trong khi vận động hay chơi thể thao nhưng chưa thể phát hiện ra ngay thời điểm đó. Rất nhiều bị chấn thương âm ỉ bên trong nhưng chỉ đến khi cơn đau bùng phát nghiêm trọng mới đi thăm khám và phát hiện.
  • Các bệnh rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì đều có thể gây ra hệ lụy là đau nhức chân tay khiến nhiều người bị nhầm lẫn khi phát hiện bệnh. Nguyên nhân được cho là các bệnh lý này có thể  làm ảnh hưởng đến thần kinh và mạch máu khiến máu huyết kém tuần hoàn, không đủ để nuôi dưỡng cơ và xương nên gây nhức mỏi. Trong đó nếu liên quan đến tiểu đường bạn có thất chân tay có những vết loét nhỏ lâu lành, đây là một trong những dấu hiệu khá rõ rệt để nhận ra bệnh sớm.
  • Các bệnh về mạch máu: Quá trình trao đổi máu không ổn định sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó bao gồm cả các hoạt động của chân. Một số bệnh lý về mạch máu cũng gây đau nhức chân như suy giãn tĩnh mạch chân, đau cách hồi, huyết khối tĩnh mạch sâu.. Một số triệu chứng điển hình nếu liên quan đến các bệnh mạch máu như rụng lông, hư móng, sờ một bên chân lạnh hơn bên đối diện, chân tái nhợt nếu giơ lên cao.
  • Các bệnh về thần kinh: nếu có các triệu chứng như giảm cảm giác ở chân, lúc nào cũng thấy chân tê rân rân như kiến bò, cử động khó khăn thì rất có thể liên quan đến các tổn thương tại dây thần kinh.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: các mảng xơ vữa và huyết khối có thể làm tắc nghẽn các mạch máu ngoại biên và làm tắc nghẽn dòng chảy trong lòng mạch dẫn đến tình trạng đau nhức chân. Tình trạng này thường gặp ở những người hút thuốc lá, bệnh nhân tiểu đường, rối loạn mỡ máu...
  • Thiếu dinh dưỡng: người bị thiếu canxi, vitamin D hoặc các dưỡng chất cần thiết cho xương khác cũng dễ gặp tình trạng này. Ngoài ra những đối tượng bị thiếu chất còn có nguy cơ cao bị loãng xương, đặc biệt ở người già.

Những đối tượng dễ bị đau nhức chân

Đau nhức chân là tình trạng phổ biến, dễ gặp ở những đối tượng sau

  • Phụ nữ.
  • Người có tính chất công việc phải đứng nhiều, phải đi giày cao gót.
  • Người thừa cân béo phì.
  • Người lười vận động nhưng đột nhiên vận động, đi lại nhiều hoặc người vận động không đúng cách.
  • Người cao tuổi.
  • Người có bệnh nền.
  • Người hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.

Chăm sóc tại nhà

Tùy nguyên nhân và mức độ đau nhức mà mỗi người sẽ có hướng điều trị khác nhau. Nếu đau nặng thì có thể dùng thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau hoặc thậm chí là thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết. Do chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây nhức mỏi chân nên trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến các biện pháp giúp cải thiện tình trạng này không dùng thuốc.

Người bệnh nên tham khảo các phương pháp này tại nhà, nếu vẫn không hiệu quả thì nên đến đến ngay bệnh viện để kiểm tra và được chỉ định dùng thuốc phù hợp nhất.

Các biện pháp tại chỗ

Nếu bỗng nhiên cảm thấy nhức mỏi, căng cứng hai bắp chân, cảm giác chân tê không nhấc lên được thì hãy dùng ngón tay bóp chặt vào bắp chân trong khoảng 15-20 giây. Cách này sẽ giúp làm dịu cơn đau nhức nhanh chóng, sau đó hãy co duỗi hai chân hoặc đứng lên ngồi xuống vài lần sẽ giúp chân thư giãn hơn. Nếu được hãy uống một cốc nước ấm trước khi thực hiện sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.

Một cách massage chân khác chính là bạn hãy ngồi trên một mặt bằng phẳng như giường hoặc ghế, hai chân cố gắng duỗi thẳng sau đó dùng bàn tay nắm lấy cổ chân. Duỗi ngón cái thẳng, các ngón khác nằm ở một bên rồi bóp nhẹ từ gót chân lên đùi 3 lần. Tiếp tục dùng hai tay ôm lấy cổ chân, thực hiện chà xát mạnh từ cổ chân về phía đùi trong 5 lần  sẽ cải thiện được tình trạng đau nhức đáng kể.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng hoặc chườm lạnh luôn là một trong những cách giảm đau mỏi đơn giản nhưng có thể áp dụng cho rất nhiều trường hợp, bao gồm cả tình trạng đau nhức chân. Theo đó chườm nóng sẽ giúp kích thích mạch máu giãn nở, lưu thông tốt hơn để giảm đau nhức, tê bì trong khi chườm lạnh lại làm tê liệt dây thần kinh tạm thời nên cũng mang đến tác dụng giảm đau nhức.

Chườm lạnh có thể áp dụng với các trường hợp đau nhức xương khớp, sau chấn thương hoặc liên quan đến các vấn đề dây thần kinh. Chườm nóng có thể áp dụng với mọi trường hợp, đặc biệt nếu do tắc nghẽn mạch máu. Lưu ý dù có thể thực hiện được nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ nên áp dụng từ 15- 20 phút, không nên áp dụng quá lâu.

Ngâm chân với nước ấm giảm nhức mỏi

Sau một ngày làm việc căng thẳng, phải đi bộ đường dài, phải đứng quá lâu hay phải đi giày cao gót, chỉ cần dành 15 phút ngâm chân thì đảm bảo bao mệt mỏi cũng tan biến. Đây cũng là một phương pháp làm giảm nhức mỏi chân đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện, có thể áp dụng hiệu quả với mọi nguyên nhân, mọi đối tượng.

Hơi nước nóng sẽ giúp làm giãn ở mạch máu để máu lưu thông ổn định, đẩy nhanh tốc độ làm lành các tổn thương bên trong đồng thời giúp chân được thư giãn thoải mái. Bạn nên dùng nước nóng trong khoảng 40- 45 độ để ngâm chân, tuyệt đối không nên nên dùng nước quá nóng sẽ gây bỏng rát.

Để tăng thêm hiệu quả bạn nên sử dụng thêm muối, muối hồng, các dược liệu như gừng, bạc hà, trà xanh sẽ giúp chân thư giãn, chống viêm tốt hơn. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện phương pháp này hằng ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ sẽ thấy ngủ ngon hơn rất nhiều, không bị đau nhức hay tê bì chân về đêm.

Ngoài ra trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại máy ngâm chân kết hợp massage cũng khá tiện dụng, nếu bạn thường bị đau nhức chân do tính chất công việc cũng có thể tham khảo thiết bị này để thư giãn chân hằng ngày.

Massage bấm huyệt cho chân

Một phương pháp thường rất được dân gian áp dụng để giảm đau nhức, tê bì cho chân từ xưa đến nay. Phương pháp này không chỉ giúp bàn chân, bắp chân được thư giãn mà còn giúp thông kinh hoạt lạc, kích thích lưu thông tuần hoàn máu, tác động đến huyệt vị, đường phản xạ.. và mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Bấm huyệt xoa bóp lòng bàn chân đúng cách còn có thể cải thiện các vấn đề liên quan đến gan, giảm đau khớp, giảm mệt mỏi, cải thiện lo lắng, căng thẳng hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi cần phải thông hiểu về kinh huyệt để đảm bảo thực hiện đúng vị trí. Do đó nếu không quá am hiểu thì bạn chỉ nên áp dụng các biện pháp xoa bóp thông thường.

Hiện nay các spa đông y hay các phòng khám chuyên về đông y thường có các dịch vụ này, bạn có thể đến đây để chăm sóc cho chân tốt hơn. Đôi chân chính là một trong những cơ quan hoạt động nhiều nhất nên hãy dành thời gian và chi phí quan tâm nhiều hơn đến nó nhé.

Dùng các bài thuốc đắp hoặc xoa bóp để giảm nhức mỏi chân

Khi cảm thấy chân đau nhức mỏi, rất nhiều người thường dùng dầu nóng hay các loại rượu thuốc để xoa bóp. Đây cũng là một cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo cách làm một số bài thuốc đắp hay xoa bóp cho chân sau đây

  • Dùng 1- 2 thìa mật ong, hòa cùng với nước cốt chanh cùng một ít nước ấm rồi thoa và massage nhẹ nhàng lên vùng chân bị nhức mỏi sẽ thấy cải thiện đáng kể.
  • Dùng ngải cứu hoặc lá lốt sao nóng với một ít muối hột, sau đó bọc vào một cái khăn mỏng, đợi nguội bớt rồi đắp lên vùng chân bị nhức mỏi cũng đem đến tác dụng rất tốt
  • Giã nghệ tươi hoặc dùng tinh bột nghệ nguyên chất đem trộn cùng một ít rượu trắng để xoa bóp cũng giúp cải thiện đau nhức nhanh chóng.

Thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hằng ngày

Dù do bất cứ nguyên nhân nào thì việc thay đổi chế độ dưỡng chất hằng ngày cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho những người bị nhức mỏi chân. Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thể thao đúng cách còn giúp hạn chế tối đa nguy cơ lão hóa của cơ thể, đặc biệt cần thiết cho người già, người lớn tuổi.

Cụ thể, người bệnh nên tham khảo một số phương pháp sau:

  • Đảm bảo uống đầy đủ lượng nước hằng ngày, vào buổi tối nên ưu tiên uống nước ấm
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa việc dùng bia rượu hay các chất kích thích
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, có thể tham khảo học yoga hay thiền cũng rất tốt cho hệ thống xương khớp và sức khỏe toàn diện
  • Lựa chọn kích thích giày, dép phù hợp
  • Hạn chế hoặc quần áo quá bó
  • Nếu phải đứng hay đi giày cao gót quá lâu bạn nên dành 5- 10 phút/ 1 tiếng để chân được thư giãn, thả lỏng, hạn chế được tình trạng căng cứng
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường bổ sung canxi, vitamin D, vitamin B để tăng cường sự dẻo dai, chắc khỏe cho hệ thống xương khớp và thần kinh. Một số nhóm thực phẩm tốt cho người đau nhức xương như các loại rau có màu xanh, hải sản, các loại hạt, ngũ cốc..
  • Hạn chế các món ăn quá nhiều đạm, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn muối chua, nội tạng động vật...

Chẩn đoán bệnh

Như đã nói có rất nhiều nguyên nhân gây nhức mỏi chân, phổ biến có, nguy hiểm có nên nếu không thực hiện kiểm tra xét nghiệm chi tiết sẽ không thể biết do nguyên nhân nào. Tốt nhất nếu các triệu chứng diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, tăng về cả tần suất xuất hiện lẫn mức độ, có dấu hiệu sưng tấy, cử động khó khăn làm ảnh hưởng đến  cuộc sống hằng ngày thì nên sớm đi thăm khám để kiểm soát kịp thời.

Một số phương pháp được thực hiện giúp chẩn đoán chính xác nhức mỏi chân do nguyên nhân nào bao gồm

  • Chụp X quang.
  • Chụp MRI.
  • Chụp CT.
  • Xạ hình xương.
  • Siêu âm khớp.
  • Xét nghiệm máu.
  • Kiểm tra tốc độ dòng chảy của máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) mạch máu.
  • Siêu âm Doppler mạch máu
  • Chụp động mạch cản quang.

Bác sĩ sẽ thông qua các triệu chứng bên ngoài, cảm giác của bệnh nhân, cách đi lại của bệnh nhân cùng tiền sử bệnh lý để chỉ định những phương án xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Người bệnh nên tìm đến các bệnh viện có chuyên khoa lớn về xương khớp, có đầy đủ máy móc thiết bị, có bác sĩ giỏi để được hỗ trợ chẩn đoán  và điều trị chính xác nhất.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android