Phẫu Thuật Rò Hậu Môn Khi Nào? Các Phương Pháp Thực Hiện

Phẫu thuật rò hậu môn được thực hiện nhằm mục đích làm lành các lỗ rò. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây tổn thương vòng cơ đóng mở hậu môn và dẫn đến đại tiện không tự chủ. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Phẫu thuật rò hậu môn
Phẫu thuật rò hậu môn được thực hiện để làm lành các tổn thương

Khi nào cần phẫu thuật rò hậu môn?

Rò hậu môn là một đường nối bất thường ở lỗ hậu môn và một cơ quan khác bên ngoài cơ thể, thường là da. Lỗ rò thường được hình thành khi các tuyến ở xung quanh hậu môn bị tắc, nhiễm trùng và tạo thành áp xe. Nếu khối áp xe vỡ ra sẽ làm tăng nguy cơ hình thành lỗ rò. Có khoảng một nửa các trường hợp áp xe hậu môn có thể dẫn đến hình thành các lỗ rò.

Triệu chứng phổ biến của lỗ rò hậu môn bao gồm:

  • Kích ứng da xung quanh hậu môn;
  • Đau và sưng ở vùng hậu môn;
  • Đau nhói liên tục ở vùng hậu môn;
  • Đau đớn khi bệnh nhân di chuyển, ngồi xuống hoặc đi đại tiện;
  • Đi ngoài ra máu hoặc có mủ, chất nhầy trên bề mặt phân.

Trên thực tế không có thuốc điều trị rò hậu môn và các lỗ rò cũng không thể tự lành. Do đó, hầu hết các trường hợp, rò hậu môn thường được chỉ định phẫu thuật. Có nhiều kỹ thuật khác nhau được chỉ định để loại bỏ đường rò, bao gồm phẫu thuật cắt lỗ rò, đặt seton hoặc đặt nút bịt sinh học ở lỗ rò. Các kỹ thuật này được chỉ định thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn và phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.

Phẫu thuật rò hậu môn thường là phẫu thuật ngoại trú và người bệnh có thể ra về ngay trong ngày phẫu thuật. Tuy nhiên người bệnh cần có kế hoạch nghỉ ngơi ít nhất là trong vài ngày sau khi phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.

Mục đích phẫu thuật rò hậu môn

Mục đích của phẫu thuật rò hậu môn là chữa lành đường rò mà không gây tổn thương đến các cơ vòng. Các tổn thương này có thể dẫn đến nhiều biến chứng, chẳng hạn như đại tiện không tự chủ hoặc rò hậu môn tái phát.

Vết mổ rò hậu môn lâu lành
Mục đích của phẫu thuật là làm lành đường rò mà không gây tổn thương cơ hậu môn

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể xác định một số yếu tố, chẳng hạn như:

  • Độ sâu của đường rò;
  • Cơ vòng hậu môn;
  • Các tổn thương ngoài cơ vòng.

Các lỗ rò dưới da hoặc bên dưới niêm mạc có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt lỗ rò. Đối với các loại đường rò khác, bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán như nội soi, để đảm bảo phẫu thuật chính xác, an toàn và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Các kỹ thuật phẫu thuật rò hậu môn

Các lỗ rò hậu môn không thể tự lành. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật rò hậu môn là bắt buộc để chữa lành các tổn thương và ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Loại phẫu thuật được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn, vị trí cũng như mức độ nghiêm trọng của lỗ rò.

Tùy thuộc vào vị trí lỗ rò và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các kỹ thuật cắt lỗ rò bao gồm:

1. Phẫu thuật cắt lỗ rò

Phẫu thuật cắt lỗ rò là thủ thuật phổ biến và hiệu quả nhất được sử dụng để điều trị rò hậu môn. Phẫu thuật này chiếm khoảng 90% các ca phẫu thuật rò hậu môn.

Mổ rò hậu môn có đau không
Phẫu thuật cắt lỗ rò là thủ thuật phổ biến và hiệu quả cao

Nếu đường rò nông, người bệnh sẽ được gây tê cục bộ trong quá trình phẫu thuật. Nếu đường rò sâu hoặc phức tạp, bác sĩ có thể đề nghị gây mê và người bệnh sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.

Trong thủ thuật này, bác sĩ thực hiện một đường rạch dọc theo toàn bộ chiều dài của đường rò, từ lỗ bên trong đến lỗ bên ngoài da. Tùy thuộc vào vị trí của đường rò, bác sĩ có thể cần cắt một phần nhỏ của cơ thắt hậu môn để tiếp cận đường rò hiệu quả hơn.

Sau khi đường rò được mở, bác sĩ tiến hành làm sạch các chất bên trong đường rò. Đường mở phẫu thuật sẽ được để hở, không khâu và che chắn. Thông thường, khu vực phẫu thuật này sẽ lành lại trong 4 – 8 tuần để tạo thành một sẹo phẳng trên da và ngăn ngừa đường rò tái phát.

Trong trường hợp các lỗ rò phức tạp, bác sĩ có thể mở đường rò theo từng phần. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần nhỏ của cơ thắt hậu môn. Điều này có thể dẫn đến tiêu không tự chủ. Do đó, trong các trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ có thể đề nghị các phẫu thuật khác để điều trị nứt hậu môn.

2. Kỹ thuật đặt seton

Nếu đường rò hậu môn đi qua cơ thắt hậu môn, bác sĩ có thể đề nghị đặt seton để điều trị. Seton là một đoạn chỉ phẫu thuật hoặc dây cao su mỏng được đặt ở lỗ rò trong vài tuần để giúp lỗ rò luôn mở và thông thoáng.

Điều này giúp thoát nước, chất dịch, mủ và giúp lỗ rò lành lại mà không gây tổn thương cơ vòng. Tuy nhiên, đặt seton được cho là không thể điều trị rò hậu môn vĩnh viễn và có nguy cơ tái phát cao.

Sau khi đặt seton, bác sĩ có thể che seton bằng một lớp đệm mỏng và băng lại. Nếu không có dấu hiệu biến chứng hoặc đau đớn, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật.

Kỹ thuật đặt seton được chỉ định cho những người có nguy cơ đại tiện không tự chủ sau phẫu thuật. Sau vài tuần, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra, điều chỉnh hoặc thay thế seton nếu cần thiết. Các lỗ rò thường lành trong vài tuần sau phẫu thuật.

3. Phẫu thuật tái tạo Flap

Trong trường hợp rò hậu môn phức tạp hoặc khi người bệnh có nguy cơ đại tiện không tự chủ cao sau khi phẫu thuật rò hậu môn, bác sĩ có thể đề nghị kỹ thuật tái tạo Flap để cải thiện các triệu chứng. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng một mảnh mô hoặc mô, từ trực tràng hoặc quanh quanh hậu môn để gắn vào lỗ rò và chữa lành lỗ rò.

Phẫu thuật này không gây tổn thương cơ vòng, tuy nhiên tỷ lệ thành công thường thấp hơn khi so với phẫu thuật cắt lỗ rò.

4. Thủ thuật thắt đường rò liên cơ thắt

Khi các đường rò đi qua da và cơ thắt hậu môn, cắt lỗ rò có thể dẫn đến đại tiện không tự chủ hoặc tổn thương cơ vòng hậu môn, do đó cắt lỗ rò thương không được thực hiện để tránh các rủi ro. Trong trường hợp này, thủ thuật thắt đường rò liên cơ thắt (LIFT) được chỉ định để chữa lành đường rò và hạn chế các rủi ro liên quan.

Mổ rò hậu môn bao nhiêu tiền
Thủ thuật thắt đường rò liên cơ thắt (LIFT) được chỉ định để hạn chế nguy cơ tổn thương cơ vòng hậu môn

Trong thủ thuật này, bác sĩ tạo một vết cắt ở phía trên lỗ rò và các cơ vòng sẽ được di chuyển ra xa nhau. Sau đó, lỗ rò hậu môn sẽ được bịt kín ở cả hai đầu và mở ra để tạo thành một mặt phẳng trên da.

Thủ thuật thắt đường rò liên cơ thắt (LIFT) là một kỹ thuật mới, do đó cần được nghiên cứu thêm để xác định hiệu quả, nguy cơ tái phát và các rủi ro liên quan khác.

5. Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật rò hậu môn thông qua nội soi sử dụng một ống dài mỏng có camera ở đầu để đưa vào lỗ rò. Sau đó một điện cực sẽ được đưa qua ống nội soi và bịt kín lỗ rò.

Phẫu thuật nội soi thường mang lại hiệu quả cao, an toàn và thường không dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng.

6. Phẫu thuật laser

Trong phẫu thuật này, bác sĩ sử dụng một chùm tia laser nhỏ để bịt kín lỗ rò. Tuy nhiên, hiệu quả và tính an toàn của phẫu thuật cần được nghiên cứu thêm.

7. Phẫu thuật đặt nút chèn đường rò

Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt một nút chèn sinh học ở bên trong lỗ rò. Điều này giúp lỗ rò giữ đúng vị trí và giúp thoát nước, chất thải ra khỏi đường rò. Sau đó, các mới sẽ được phát triển xung quanh và đóng kín đường rò.

Kỹ thuật này có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như đau đớn, lệch nút chèn hoặc tăng nguy cơ áp xe hậu môn.

Phẫu thuật rò hậu môn thường là các thủ thuật đơn giản, an toàn và dễ thực hiện. Tuy nhiên trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị các phẫu thuật phối hợp khác để xử lý các đường rò phức tạp. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Phẫu thuật rò hậu môn có nguy hiểm không?

Tương tự như các phẫu thuật khác, phẫu thuật rò hậu môn có thể dẫn đến nhiều biến chứng, chẳng hạn như:

1. Nhiễm trùng

Hầu hết các phẫu thuật đều có nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm phẫu thuật rò hậu môn. Trong một số kỹ thuật phẫu thuật rò hậu môn, quy trình phẫu thuật cần được thực hiện lặp lại nhiều lần hoặc kết hợp nhiều thủ thuật khác nhau. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng cục bộ hoặc nhiễm trùng toàn thân.

Tái phát rò hậu môn sau khi phẫu thuật
Nhiễm trùng là biến chứng phổ biến sau khi phẫu thuật rò hậu môn

Để tránh nguy cơ nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch.

2. Mất khả năng kiểm soát ruột

Phẫu thuật rò hậu môn có thể gây tổn thương cơ vòng hậu môn, đặc biệt là khi đường rò đi qua cơ thắt hậu môn.

Cơ thắt hậu môn hoạt động để kiểm soát nhu động ruột. Do đó, khi cơ này bị tổn thương, sức mạnh của cơ bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến mất kiểm soát khi đi đại tiện, rò rỉ phân từ trực tràng và khiến người bệnh đi ngoài không tự chủ.

Đại tiện không tự chủ là biến chứng phổ biến, theo ước tính có thể gây ảnh hưởng khoảng 3 – 7% các trường hợp phẫu thuật rò hậu môn. Nguy cơ này thường phụ thuộc vào vị trí của lỗ rò và kỹ thuật phẫu thuật được thực hiện.

Nguy cơ biến chứng cũng cao hơn ở những người có tiền sử đại tiện không tự chủ, bệnh nhân bệnh Crohn và phụ nữ.

3. Rò hậu môn tái phát

Trong một số trường hợp, rò hậu môn có thể tái phát sau khi phẫu thuật. Theo ước tính có khoảng 7 – 21% các trường hợp, bệnh tái phát sau khi phẫu thuật. Nguy cơ tái phát phụ thuộc vào kỹ thuật được sử dụng để điều trị đường rò.

Kinh nghiệm mổ rò hậu môn
Rò hậu môn có thể tái phát sau khi phẫu thuật

Hầu hết bệnh nhân rò hậu môn tái phát thường cần thực hiện một kỹ thuật phẫu thuật khác để loại bỏ đường rò.

Trao đổi với bác sĩ phẫu thuật về những rủi ro tiềm ẩn để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, sau phẫu thuật, người bệnh nên thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp để hỗ trợ quá trình hồi phục.

Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật phụ thuộc vào kỹ thuật phẫu thuật và mức độ nghiêm trọng của các đường rò. Hầu hết các trường hợp, các đường rò sẽ lành trong vòng 6 tuần.

chăm sóc sau mổ rò hậu môn
Tránh quan hệ tình dục sau phẫu thuật để hỗ trợ quá trình phục hồi

Để hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý, chẳng hạn như:

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen, để giảm đau.
  • Thực hiện chế độ ăn uống ít dầu mỡ, gia vị và bổ sung chất xơ cũng như uống nhiều nước để làm mềm phân, chống táo bón hoặc nứt kẽ hậu môn.
  • Vệ sinh khu vực phẫu thuật bằng cách rửa hậu môn với nước, lau khô cẩn thận hoặc vỗ nhẹ hậu môn. Không chà xát để tránh gây tổn thương khu vực phẫu thuật.
  • Thay băng thường xuyên.
  • Sử dụng gạc ấm đắp lên vết thương để ngăn ngừa chất dịch chảy ra quần áo.
  • Tránh quan hệ tình dục trong vài tuần sau khi phẫu thuật hoặc đến khi tổn thương lành hẳn.
  • Hạn chế các hoạt động gắng sức và vận động nhẹ nhàng để rút ngắn thời gian chữa lành vết thương.

Trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật rò hậu môn, người bệnh cần chú ý để các phản ứng của cơ thể để có kế hoạch xử lý phù hợp. Đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Chảy máu nhiều từ vết thương;
  • Đau đớn nghiêm trọng, viêm hoặc tiết dịch;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Táo bón;
  • Khó đi tiểu;
  • Sốt;
  • Đỏ, sưng hoặc đau ở vùng hậu môn;
  • Sưng hạch bạch huyết ở háng;
  • Mất khả năng kiểm soát ruột.

Phẫu thuật rò hậu môn ở đâu?

Hiện tại có nhiều cơ sở y tế, bệnh viện và phòng khám có thể thực hiện phẫu thuật rò hậu môn. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn khi phẫu thuật, người bệnh nên chọn lựa các cơ sở y tế uy tín, chẳng hạn như:

1. Tại Hà Nội

Khoa phẫu thuật Tiêu hóa – Bệnh viện Việt Đức:

  • Địa chỉ: Tầng 7 nhà D – Số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Viện phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

  • Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trung tâm tiêu hóa – Bệnh viện E:

  • Địa chỉ: Số 89 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội.

Khoa Phẫu thuật ổ bụng – Bệnh viện Việt Pháp:

  • Địa chỉ: Số 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc:

  • Địa chỉ: Số 286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.

Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc:

  • Địa chỉ: Số 55 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.

2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh

Khoa Hậu môn – Trực tràng của bệnh viện Đại học Y dược TpHCM:

  • Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TpHCM.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định:

  • Địa chỉ: Số 1 Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TpHCM.

Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh:

  • Địa chỉ: B1 – B3 – B5 Hẻm 781 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TpHCM.

Phẫu thuật rò hậu môn là phương pháp điều trị hiệu quả cao, an toàn và có nguy cơ tái phát thấp. Các kỹ thuật phẫu thuật và quy trình được chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Sau phẫu thuật người bệnh cần có kế hoạch phòng ngừa nguy có tái phát cũng như hạn chế các rủi ro. Điều này có thể tăng cường sức khỏe của hệ thống tiêu hóa và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android