Rách Sụn Chêm Đầu Gối

Triệu chứng và nguyên nhân

Rách sụn chêm đầu gối thường xảy ra sau khi đầu gối bị chấn thương ở tư thế vặn xoắn mạnh mẽ. Sụn chêm bị rách đã khiến cho chức năng của khớp gối bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn khi thực hiện các vận động thông thường. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách điều trị, bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Khớp gối là một khớp lớn trên cơ thể, cần có khả năng chịu lực lớn để nâng đỡ cơ thể và thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Cấu tạo khớp gối gồm có hai tấm sụn chêm hình chữ C, một tấm nằm bên trong khớp và tấm còn lại nằm bên ngoài khớp. Sụn chêm là cơ quan có chức năng đặc biệt quan trọng đối với khớp gối, giúp tạo nên sự vững chắc bên trong khớp.

Đặc trưng của sụn chêm là rất dai và có độ đàn hồi cao. Một số tác dụng của sụn chêm đối với khớp gối là phân bố lực đều lên khớp, hấp thụ lực mỗi khi di chuyển, phân bố dịch bôi trơn giúp khớp hoạt động ổn định hơn, tránh để bao khớp và màng hoạt dịch bị kẹt vào khe khớp. Rách sụn chêm khớp gối là một trong những dạng chấn thương thường gặp tại khớp gối, có thể xảy ra ở cả sụn chêm trong và ngoài.

Hiện tại, tình trạng rách sụn chêm khớp gối được y khoa chia thành nhiều kiểu khác nhau dựa vào hình thái và vị trí của vết rách. Trong đó, rách sụn chêm ngang là tình trạng xảy ra phổ biến nhất, thường xảy ra ở người lớn tuổi và không có biểu hiện rõ ràng.  Khi sụn chêm bị rách sẽ giảm đi độ đàn hồi và không thể thực hiện chức năng vốn có, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của khớp.

Chuyên gia cho biết, rách sụn chêm là một trong những dạng chấn thương khớp gối xảy ra khá phổ biến và rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và can thiệp đúng cách sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Hình ảnh

Triệu chứng

Tình trạng rách sụn chêm khớp gối có biểu hiện và tiến triển rất nhanh chóng. Khi sụn chêm đầu gối bị rách sẽ phát ra tiếng "nổ" xung quanh khớp gối nhưng chưa xuất hiện cơn đau, người bệnh vẫn có thể vận động như bình thường. Sau khoảng 2 - 24 giờ, ngay tại vùng khớp gối bị tổn thương sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Bị đau nhức ở vùng khớp gối, đặc biệt là khi bạn dùng tay chạm vào khu vực bị tổn thương hoặc tiến hành cử động khớp gối.
  • Quan sát bên ngoài thấy vùng da quanh khớp gối trở nên sưng đỏ kèm theo nóng rát.
  • Có cảm giác kẹt ở đầu gối khiến phạm vi chuyển động của khớp gối bị suy giảm đáng kể.
  • Đau nhức dữ dội, không thể tham gia các vận động của cơ thể và gặp khó khăn khi di chuyển.

Nguyên Nhân

Rách sụn chêm khớp gối thường xảy ra sau khi khớp gối bị va đập mạnh, điển hình là chấn thương. Dưới đây là nguyên nhân gây rách sụn chêm đầu gối thường gặp, bạn cần nắm rõ để có thể chủ động phòng ngừa:

  • Với trẻ em: Trẻ bị chấn thương khớp gối khi vui chơi, chạy nhảy, chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông. Sụn chêm đầu gối sẽ bị rách nếu đầu gối ở trong trạng thái gấp và chân bị vặn xoắn khi chấn thương đang xảy ra
  • Với người trưởng thành: Xảy ra do chấn thương khi chơi thể thao. Vận động viên bóng rỗ, bóng đá và quần vợt là đối tượng dễ bị rách sụn chêm khớp gối nhất. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra khi bạn đứng lên đột ngột trong tư thế chân hơi vặn, nâng vật nặng, ngồi xổm sâu, quỳ gối,...
  • Người già: Tình trạng rách sụn chêm khớp gối thường xảy ra ở người già do nguyên nhân lão hóa. Tuổi tác càng cao sẽ khiến sụn chêm trở nên suy yếu, xơ cứng và dần mất đi chức năng vốn có. Nếu mắc thêm các bệnh lý liên quan như viêm xương khớp, thoái hóa sụn,... sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tăng lên.

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị rách sụn chêm khớp gối mà bạn cần lưu ý là:

  • Thừa cân béo phì.
  • Bị thoái hóa khớp gối.
  • Vận động viên các bộ môn thể thao tiếp xúc.
  • Chấn thương đầu gối trong quá khứ.

Biến chứng

Rách sụn chêm đầu gối khiến chức năng khớp gối bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm sau đây:

  • Đau nhức dữ dội: Rách sụn chêm sẽ gây ra triệu chứng đau nhức dữ dội bên trong khớp gối. Đặc biệt là khi người bệnh thực hiện động tác co duỗi khớp gối, nghiêng người sang trái hoặc phải,... Ở một số trường hợp, mảnh sụn chêm bị rách có thể bị kẹt vào giữa khớp gối. Lúc này bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng kẹt khớp gây sưng đau, không thể duỗi thẳng chân.
  • Teo cơ tứ đầu đùi: Rách sụn chêm khiến người bệnh không thể thực hiện các cử động tại khớp gối. Nếu để tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ gây ra tình trạng teo cơ tứ đầu đùi. Lúc này, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi vận động, không thể đi lại hoặc duỗi thẳng chân.
  • Hư khớp gối: Nếu tình trạng rách sụn chêm khớp gối không được điều trị sẽ khiến sụn chêm bị hư hỏng ở mức độ nghiêm trọng. Lúc này, bắt buộc bạn phải cắt bỏ sụn chêm để tránh các biến chứng không mong muốn. Điều này đã khiến cho tốc độ thoái hóa tại khớp diễn ra ngày càng mạnh mẽ và dẫn đến hư khớp gối.
  • Tổn thương các cơ quan xung quanh: Tình trạng rách sụn chêm khớp gối cũng có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác tại khớp như dây chằng chéo sau và trước, tủy xương,...
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Rách sụn chêm khớp gối cần được chẩn đoán xác định ngay từ sớm để có thể đưa ra phương án can thiệp kịp thời. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng thông qua các biểu hiện cụ thể tại khớp gối cũng như phạm vi chuyển động của chúng. Đồng thời, bác sĩ còn chỉ định thực hiện nghiệm pháp Mc Murray để kiếm vết rách tại sụn chêm. Ngoài ra, người bệnh còn phải thực hiện thêm một số xét nghiệm chần thiết khác để hỗ trợ cho việc chẩn đoán xác định như chụp x-quang, chụp MRI, siêu âm, nội soi khớp,...

Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị rách sụn chêm khớp gối được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:

Điều trị bảo tồn

Với những trường hợp rách sụn chêm ở những vị trí an toàn, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phương pháp bảo tồn kết hợp chăm sóc tại nhà đúng cách giúp tổn thương nhanh chóng được phục hồi. Ví dụ như rách vùng sụn giàu mạch máu nuôi, rách vùng sụn trung gian,... Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang lại hiệu quả tốt với trường hợp diện tích vết rách không quá lớn, không gây đau nhức và không ảnh hưởng đến chức năng khớp gối. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Để cải thiện triệu chứng sưng tấy tại khớp, bạn có thể tiến hành chườm đá hoặc dùng băng chun.
  • Nên hạn chế vận động khớp gối giúp sụn chêm có thời gian phục hồi tổn thương. Tốt nhất, bạn nên nghỉ ngơi và tiến hành bất động khớp.
  • Nếu bị đau nhức kèm theo viêm sưng, bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc giảm phù nề để cải thiện.

Phẫu thuật

Nếu vết rách trên sụn chêm có kích thước lớn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của khớp gối, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật cho phù hợp. Các loại phẫu thuật đó là:

  • Khâu sụn chêm: Được chỉ định thực hiện với những trường hợp xuất hiện vết rách dưới 2cm ở những vùng giàu mạch máu hoặc nơi tiếp giáp với bao khớp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thực hiện với những vết rách mới, không quá 8 tuần.
  • Cắt một phần sụn chêm: Được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị rách sụn chêm ở vùng vô mạch. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần sụn chêm bị tổn thương.
  • Cắt bỏ toàn bộ sụn chêm: Phương pháp này rất ít khi được áp dụng để điều trị bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, sụn chêm sẽ được cắt bỏ hoàn toàn cho đến tận bao khớp.

Mỗi phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh ở trên đều có tồn tại ưu và nhược điểm riêng. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật dựa vào tình trạng rách sụn chêm ở mỗi người. Đồng thời, người bệnh cũng nên tìm hiểu rõ và tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi áp dụng.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Thời gian phục hồi rách sụn chêm khớp gối còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là mức độ nghiêm trọng của vết rách. Thông thường, quá trình phục hồi sau phẫu thuật sẽ kéo dài từ 4 - 6 tuần và 3 tháng đối với trường hợp điều trị không phẫu thuật. Người bệnh không nên cố gắng hoạt động trở lại cho đến khi tổn thương tại sụn chêm được phục hồi hoàn toàn.

Để quá trình phục hồi diễn ra một cách tốt hơn và tránh các biến chứng không mong muốn, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn chăm sóc khớp gối mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Thời gian đầu bạn nên nẹp bất động khớp trong một khoảng thời gian nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, hạn chế vận động để vết rách nhanh chóng lành lại.
  • Khi vết rách tại sụn chêm đã phục hồi, bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để phục hồi khả năng vận động của khớp và tránh bị teo cơ.
  • Không nên thực hiện các động tác gây ảnh hưởng không tốt đến vết thương tại sụn chêm như tăng cường độ tập luyện đột ngột, gắng sức khi tập thể dục hay chơi thể thao, thực hiện các hoạt động khiến đầu gối bị vặn xoắn đột ngột,...
  • Cần thực hiện đúng kỹ thuật khi tập thể dục hay chơi thể thao, tiến hành khởi động và căng cơ trước khi tập luyện, nên có thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi tập, hoạt động thể chất phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe,...
  • Thực đơn ăn uống hàng ngày cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu các thành phần dinh dưỡng tốt cho xương khớp. Ví dụ như vitamin, kẽm, đạm, photpho, canxi,...
Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android