Rò Hậu Môn Tái Phát

Triệu chứng và nguyên nhân

Rò hậu môn tái phát là tình trạng phổ biến, chiếm khoảng 7 - 12% các trường hợp. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng lây lan và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Hình ảnh

Triệu chứng

Rò hậu môn có thể tái phát ngay sau khi điều trị hoặc khi vết mổ đã lành. Các đặc điểm và dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:

  • Chảy mủ tại vết mổ: Sau khi phẫu thuật nếu vết mổ bị sưng, chảy mủ hoặc chất dịch, điều này có thể là do quá trình phẫu thuật không đạt chuẩn hoặc người bệnh chăm sóc vết mổ không đúng cách. Mủ có thể gây ngứa ngáy, ẩm ướt, dẫn đến tắc nghẽn các tuyến ở hậu môn và đường rò tái phát.
  • Ngứa hậu môn: Một trong những dấu hiệu nhận biết phổ biến khi đường rò tái phát là ngứa hậu môn. Tình trạng này xảy ra khi vết mổ chảy mủ, chất dịch dẫn đến kích ứng da. Nhiễm trùng có thể nghiêm trọng hơn khi người bệnh gãi ngứa hoặc chà xát da.
  • Sưng hậu môn: Rò hậu môn có thể dẫn đến sưng cục bộ ở hậu môn hoặc xung quanh vết mổ. Người bệnh có thể sờ thấy một cục cứng hoặc cảm thấy da ở xung quanh hậu môn trở nên căng cứng.
  • Đau rát hậu môn: Đau đớn khi ngồi, di chuyển hoặc kích ứng lên hậu môn có thể là dấu hiệu tái phát rò hậu môn hoặc các biến chứng khác.
  • Đại tiện ra máu: Nếu rò hậu môn tái phát, đường rò có thể dẫn đến chảy máu khi đi đại tiện. Máu có thể dính vào phân, giấy vệ sinh hoặc thành bồn cầu.

Rò hậu môn tái phát cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh các biến chứng khác. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng này, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Nguyên Nhân

Trong một số trường hợp, rò hậu môn có thể tái phát ngay sau khi phẫu thuật điều trị. Theo ước tính tỷ lệ tái phát khoảng 7 - 12% và phụ thuộc chủ yếu vào loại đường rò và quy trình được sử dụng để loại bỏ đường rò. Hầu hết bệnh nhân bị rò hậu môn cần thực hiện một loại phẫu thuật khác để loại bỏ đường rò.

Có một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ rò hậu môn bao gồm:

1. Các yếu tố liên quan đến giải phẫu đường rò

Vị trí giải phẫu đường rò là một trong những yếu tố chính dẫn đến tái phát sau khi điều trị. Rò hậu môn được chia thành rò trên, dưới cơ thắt và rò trong hoặc ngoài cơ thắt. Theo thống kê, các đường rò trên và ngoài cơ thắt thường có nguy cơ tái phát cao hơn.

Theo nghiên cứu, hầu hết các đường rò hậu môn đều có nguy cơ tái phát. Trong đó, các đường rò trên và ngoài cơ vòng chiếm khoảng 39% các trường hợp tái phát rò hậu môn. Bên cạnh đó, có một dạng rò hậu môn ngoài cơ thắt, tình trạng này tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu bị rò hậu môn ngoài cơ thắt sẽ dẫn đến tình trạng đại tiện không kiểm soát và có nguy cơ tái phát sau điều trị rất cao.

Rò hậu môn phức tạp hoặc còn gọi là rò móng ngựa, cũng có tỷ lệ tái phát sau điều trị rất cao. Tỷ lệ tái phát có thể chiếm khoảng 35% các trường hợp.

Bên cạnh các yếu tố giải phẫu, một số bệnh lý kèm theo cũng làm tăng nguy cơ tái phát rò hậu môn, chẳng hạn như bệnh Crohn, ung thư hậu môn, tiểu đường, hệ thống miễn dịch suy yếu và người hút thuốc lá.

2. Các yếu tố trước phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật rò hậu môn, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chi tiết, thực hiện nội soi trực tràng để xác định vị trí, hướng đi của đường rò. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh để xác định vị trí đường rò so với cơ thắt hậu môn để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Việc xác định chính xác mức độ và vị trí của đường rò có thể ngăn ngừa nguy cơ tái phát hiện quả. Đường rò cần được dẫn lưu và làm sạch hoàn toàn để ngăn ngừa nguy cơ tái phát sau điều trị.

Các đường rò phức tạp với nhiều lỗ rò thường khó điều trị và nguy cơ tái phát cao. Do đó, trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể cần thực hiện nhiều xét nghiệm để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

3. Các yếu tố nội phẫu thuật

Việc không thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh phù hợp có thể làm tăng nguy cơ rò hậu môn. Việc cố gắng loại bỏ đường rò hậu môn mà không có hình ảnh xác thực là một điều khó khăn và có thể làm tổn thương cấu trúc ở hậu môn. Ngoài ra, việc điều trị không thích hợp có thể làm tắt lỗ mở của đường rò hậu môn, gây viêm quanh lỗ hậu môn và dẫn đến tái phát.

Một số yếu tố tái phát có thể liên quan đến kinh nghiêm của bác sĩ phẫu thuật. Điều quan trọng là bác sĩ phải đảm bảo quy trình phẫu thuật, nhận biết được các loại đường rò và các mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Theo thống kê, có khoảng 20% trong các trường hợp rò hậu môn tái phát liên quan đến đường rò không được điều trị hoàn toàn. Ngoài ra, các đường rò liên quan đến bệnh Crohn, thường có nguy cơ tái phát cao hơn.

Bên cạnh đó, nguy cơ tái phát cũng có thể liên quan đến tình trạng bác sĩ thực hiện phẫu thuật không đúng quy trình và chú trọng vào yếu tố thẩm mỹ. Do đó, điều quan trọng là bác sĩ cần dẫn lưu đường rò đúng cách để kiểm soát nguy cơ tái phát.

4. Yếu tố hậu phẫu

Các yếu tố liên quan đến hậu phẫu, chẳng hạn như sử dụng thuốc và chăm sóc vết mổ, theo hướng dẫn của bác sĩ cũng có thể hỗ trợ phòng ngừa nguy cơ tái phát. Các biến chứng có thể xảy ra ngay sau khi phẫu thuật nếu quá trình chăm sóc không phù hợp. Rủi ro phổ biến bao gồm bí tiểu, chảy nhiều máu, tiết dịch ở lỗ rò, hình thành cục máu đông hoặc phát triển búi trĩ.

Sau khi phẫu thuật rò hậu môn cần ít nhất 6 tuần để lành lại. Trong giai đoạn này người bệnh nên kiểm tra y tế mỗi tuần một lần. Nếu nhận thấy các triệu chứng đi ngoài không kiểm soát, sưng tấy, ngứa ngáy hoặc chảy máu, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được chăm sóc phù hợp.

Sau khi hồi phục, người bệnh cần được kiểm tra hậu môn, trực tràng, để đảm bảo phát hiện sớm nguy cơ tái phát. Các lỗ rò liên quan đến bệnh Crohn, cần được chăm sóc thường xuyên và nghiêm ngặt hơn để phòng ngừa các rủi ro liên quan.

Biến chứng

Rò hậu môn tái phát có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng lan rộng: Rò hậu môn không thể tự khỏi và cần được phẫu thuật. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan sang các vùng lân cận và dẫn đến lở loét vùng da xung quanh hậu môn.
  • Số lượng đường rò tăng lên: Rò hậu môn có thể dẫn đến nhiều đường rò ngoằn ngoèo và gây khó khăn cho quá tình điều trị. Nếu đường rò gây ảnh hưởng đến cơ thắt hậu môn, điều này có thể dẫn đến tình trạng đại tiện không tự chủ.
  • Tăng nguy cơ ung thư: Rò hậu môn có thể làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng hoặc hậu môn. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch điều trị phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ ung thư.

Rò hậu môn là bệnh lý phổ biến, có tỷ lệ biến chứng và tái phát cao. Do đó, sau khi được chẩn đoán và điều trị rò hậu môn, người bệnh nên có kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa phù hợp.

Phòng ngừa

Rò hậu môn có nguy cơ tái phát rất cao, do đó sau khi điều trị người bệnh cần có kế hoạch phòng ngừa phù hợp. Để hạn chế nguy cơ tái phát, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:

1. Ngâm hậu môn trong nước ấm

Tắm nước ấm hoặc ngâm hậu môn là một trong những cách tốt nhất để làm dịu hậu môn và ngăn ngừa kích ứng hậu môn, chẳng hạn như kích ứng, sưng, viêm và đau đớn. Người bệnh có thể ngâm hậu môn 5 - 10 phút mỗi lần và 3 - 4 lần mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

2. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp

Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh để giữ cho dạ dày và hệ thống tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Người bệnh nên tránh đồ ăn cay, thức ăn béo và đồ ăn vặt để cải thiện tình trạng tiêu hóa.

Thực hiện chế độ ăn uống nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và protein nạc. Thêm chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống cũng có thể giúp tránh táo bón, hạn chế gây kích ứng lỗ rò và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung một số loại thực phẩm, chẳng hạn như:

  • Dầu dừa: Người bệnh có thể thoa dầu dừa vào cơ vòng hậu môn hoặc thêm vào công thức nấu ăn để ngăn ngừa nguy cơ táo bón, nứt kẽ hậu môn và tái phát đường rò.
  • Mật ong: Mật ong có chứa thành phần kháng khuẩn và có thể tiêu thụ hàng ngày để tăng cường sức khỏe tổng thể. Người bệnh có thể sử dụng một thìa mật ong hòa với một cốc nước ấm, dùng uống mỗi ngày.
  • Hạt lanh: Người bệnh có thể pha một muỗng cà phê hạt lanh hoặc bột hạt lanh vào một cốc nước, khuấy đều, dùng uống trước khi đi ngủ. Điều này có thể cải thiện nhu động ruột và ngăn ngừa các bệnh lý ở hậu môn.

3. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là một trong những cách khắc phục đường rò hậu môn tại nhà hiệu quả và đơn giản nhất. Người bệnh nên uống 6 - 8 cốc nước lọc mỗi ngày hoặc tăng cường các loại thực phẩm chứa nước, chẳng hạn như dưa hấu, dưa leo hoặc bắp cải.

Tuy nhiên, người bệnh cần tránh rượu, bia, chất kích thích, chẳng hạn như soda hoặc caffeine để tránh gây kích ứng lên hệ thống tiêu hóa. Người bệnh có thể uống trà gừng, sữa nghệ hoặc nước ép trái cây để làm sạch ruột, giúp phân mềm và tránh táo bón.

4. Vệ sinh hậu môn

Luôn giữa sạch hậu môn sau mỗi lần đại tiện hoặc đi vệ sinh. Điều này giúp tránh vi khuẩn trên da và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, để ngăn ngừa vi khuẩn dính trên da.

Thay quần lót thường xuyên nếu hậu môn ẩm ướt hoặc có chất dịch rò rỉ từ hậu môn. Điều này có thể ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và giảm kích ứng xung quanh hậu môn, từ đó làm giảm nguy cơ tái phát đường rò.

5. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như tăng cường các loại cá, dầu ô liu, trái cây họ cam quýt và vitamin C để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm viêm trong cơ thể.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Hầu hết các trường hợp, rò hậu môn tái phát cần được phẫu thuật để loại bỏ đường rò. Các thủ thuật được thực hiện phụ thuộc vào loại đường rò và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Các đường rò thường đáp ứng tốt với phẫu thuật. Sau phẫu thuật người bệnh có thể ngâm hậu môn bằng nước ấm, sử dụng thuốc giảm đau, chất làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để tránh táo bón và hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu ở hậu môn sau khi phẫu thuật, do đó, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc gây tê cục bộ hoặc thuốc giảm đau để giảm đau. Nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau theo toa, sử dụng trong thời gian ngắn để cải thiện các triệu chứng.

Đường rò hậu môn cần được điều trị đúng cách để tránh nguy cơ tái phát. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc cũng như ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android