Rối Loạn Giấc Ngủ

Triệu chứng và nguyên nhân

Rối loạn giấc ngủ là một bệnh lý thường gặp trong tâm thần học nói riêng và trong y khoa nói chung. Bệnh lý này có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động bình thường về tinh thần, thể chất, xã hội. Đồng thời tác động và làm ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc.

Định nghĩa

Giấc ngủ bình thường cần đảm bảo cả hai yếu tố gồm thời lượng và chất lượng của giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ thể hiện cho tình trạng cận giấc ngủ khi người bệnh có nhiều thay đổi bất thường trong giấc ngủ (thường xuyên gặp ác mộng), thời gian ngủ quá ngắn hoặc quá dài.

Nếu bị rối loạn giấc ngủ, bạn sẽ thường xuyên gặp ác mộng đến mức phải thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc sợ phải đi ngủ. Ác mộng thường có liên quan đến nhiều nguy hiểm tự nhiên khiến bệnh nhân sợ hãi trong lúc mơ hoặc có cảm xúc tiêu cực hay những đau khổ.

Bệnh rối loạn giấc ngủ được phân thành hai nhóm. Cụ thể:

  • Nhóm 1: Bao gồm các hiện tượng, vấn đề bất thường xảy ra trong giấc ngủ.
  • Nhóm 2: Bao gồm các vấn đề, rối loạn liên quan đến số lượng, chất lượng và những thời điểm khác nhau của giấc ngủ.

Hình ảnh

Triệu chứng

Tùy thuộc vào nguyên nhân khác nhau mà chứng rối loạn giấc ngủ sẽ phát sinh ra những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên bệnh lý này đặc trưng bởi những dấu hiệu sau:

  • Dậy sớm
  • Khó đi vào giấc ngủ
  • Tỉnh giấc nhiều lần trong đêm
  • Gặp ác mộng, hoảng sợ trong đêm
  • Ngừng thở khi ngủ
  • Ngủ nhiều vào ban ngày
  • Rối loạn cảm giác ở tay và chân
  • Đau đầu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Suy giảm trí nhớ
  • Ngủ gà ngủ gật.

Nguyên Nhân

Những loại rối loạn giấc ngủ xảy ra phổ biến gồm:

1. Mất ngủ

Mất ngủ được xem là một than phiền chủ quan của những bệnh nhân mắc bệnh về giấc ngủ. Cụ thể như: Chất lượng giấc ngủ không tốt, ngủ không đủ thời gian, điều này có nghĩa sau khi ngủ dậy, con người vẫn cảm thấy tinh thần và sức khỏe không được hồi phục, có thể mệt mỏi, có cảm giác uể oải, còn buồn ngủ.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, biểu hiện của sự rối loạn có thể là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức dậy sớm, thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc người bệnh có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn.

Theo kết quả thống kê, tỉ lệ mất ngủ chiếm từ 10 – 15% trong dân số. Trong các dạng mất ngủ thì mất ngủ tạm thời là thường gặp nhất. Nguy cơ mất ngủ tăng dần theo độ tuổi, nguy cơ ở nữ gấp đôi nam.

Mất ngủ tạm thời

Mất ngủ vài đêm hoặc mất ngủ trong một thời gian ngắn khoảng một vài tuần đối với những người bình thường. Đây là một dạng rối loạn xảy ra phổ biến nhất (chiếm từ 30 – 40% dân số).

Mất ngủ thứ phát do bệnh thực thể hoặc bệnh tâm thần gây ra

Nguyên nhân bệnh tâm thần: Mất ngủ có thể phát sinh ở tất cả những rối loạn tâm thần (chiếm 30 – 60% trường hợp).

  • Rối loạn lo âu: Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc đi vào giai đoạn ru giấc ngủ.
  • Rối loạn trầm cảm: Bệnh nhân mất ngủ vào sáng sớm, có nghĩa thức dậy lúc 3 – 4 giờ sáng.
  • Mất ngủ hoàn toàn xảy ra do trạng thái hoang tưởng, cơn hưng cảm, lú lẫn: Đây là rối loạn chu kỳ thức – ngủ, người bệnh thường bị kích động vào ban đêm.
  • Mất ngủ mãn tính: Nghiện ngập, rối loạn nhân cách thường gây ra tình trạng mất ngủ mãn tính.

Nguyên nhân thực thể: Mất ngủ do bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý sau:

  • Các bệnh tiết niệu: Tiểu rắt, u tiền liệt tuyến, tiểu buốt…
  • Những bệnh về đường tiêu hóa: Bệnh loét dạ dày tá tràng
  • Tình trạng đau cấp tính và mãn tính: Cơn đau do các bệnh viêm khớp thường tăng mạnh vào ban đêm…
  • Các bệnh hô hấp, tim mạch: Hen suyễn, viêm phế quản…
  • Những bệnh nội tiết: Cường giáp, tiểu đường…
  • Những bệnh thần kinh: Tai biến mạch máu não, Alzheimer, bệnh Parkinson…

Nguyên nhân do chất kích thích và thuốc

  • Lạm dụng chất kích thích: Amphetamine, cocaine, thuốc lá, cà phê…
  • Lạm dụng rượu: Lạm dụng rượu khiến người dùng dễ đi vào trạng thái ru ngủ nhưng thời gian ngủ sâu sẽ giảm, ngủ dậy sớm và không có cảm giác hồi phục sau khi thức dậy.
  • Dùng thuốc trong thời gian dài: Thuốc chống trầm cảm có khả năng kích thích, Theophylline, Corticoid, các loại thuốc ngủ dùng trong thời gian dài.

Mất ngủ mạn tính tiên phát

Mất ngủ mạn tính tiên phát chiếm phần lớn trường hợp mất ngủ nhưng không có nguyên nhân cụ thể về bệnh thực thể hay bệnh tâm thần nào. Mất ngủ là biểu hiện duy nhất của bệnh. Mất ngủ mạn tính tiên phát được phân thành những loại sau:

  • Mất ngủ vô căn phát sinh và tiến triển từ tuổi ấu thơ: Có thể bắt nguồn từ những sự kiện diễn ra trong ngày mà trẻ em chứng kiến.
  • Mất ngủ tâm sinh lý: Mất ngủ tâm sinh lý là tình trạng mất ngủ phát sinh từ việc lặp đi lặp lại do tâm lý sợ giấc ngủ. Cụ thể như ảo giác hoặc giấc mơ khiến bệnh nhân né tránh giấc ngủ.

2. Rối loạn tỉnh táo và ngủ nhiều

Rối loạn tỉnh táo và ngủ nhiều liên quan đến chất lượng và số lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày. Biểu hiện của rối loạn này gồm: Buồn ngủ, ngủ nhiều, ngủ gà ngủ gật trong ngày. Trái với tình trạng mất ngủ, rối loạn tỉnh táo và ngủ nhiều thường không được quan tâm và nhận biết, tạo nhiều khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị, người bệnh không nhận ra sự xáo trộn cấu trúc của giấc ngủ.

Ngủ nhiều do thiếu ngủ

Thiếu ngủ thường xảy ra ở những người làm việc quá nhiều, trực gác, làm việc ban đêm, mới sinh con, người thân bị bệnh…. Biểu hiện của rối loạn này gồm: Ngủ gật trong ngày, ngủ li bì khó thức dậy, giảm hiệu suất làm việc, bồn chồn dễ cáu giận, khó tập trung chú ý, cơ thể mệt mỏi.

Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ

Bệnh nhân thường ngưng thở vài phút trong lúc ngủ. Hiện tượng này thường lặp đi lặp lại khoảng 5 lần trong 1 giờ đồng hồ. Trước khi ngưng thở trong giấc ngủ, người bệnh ngáy lớn lên rồi ngưng thở, tình trạng này lặp đi lặp lại, sau đó là giấc ngủ rất ngắn.

Bệnh nhân thường không nhận biết tình trạng ngưng thở trong giấc ngủ. Sau khi ngưng thở, người bệnh thở lại một cách ồn ào. Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ thường đi kèm với biểu hiện gặp ác mộng, đi tiểu nhiều trong đêm, đau đầu. Trong ngày mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, lo lắng, quên, mất tập trung…

Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ xảy ra phổ biến ở những người dư trọng lượng và nam giới trên 50 tuổi.

Ngủ nhiều do thuốc

Một số loại thuốc được sử dụng trong y khoa có thể khiến bệnh nhân ngủ nhiều. Cụ thể: Thuốc ngủ, thuốc hướng thần, thuốc giải lo âu có thời gian bán hủy dài, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc giãn cơ, thuốc chống dị ứng…

Chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ xảy ra phổ biến hơn ở những nam giới bắt đầu độ tuổi vị thành niên, xuất hiện với 4 triệu chứng phối hợp sau:

  • Ngủ gà trong ngày, tình trạng này thường xuất hiện cùng một thời điểm ở mỗi người, các cơn ngủ rũ bất ngờ xảy ra, bệnh nhân không thể cưỡng lại được.
  • Các cơn mất trương lực cơ đột ngột xảy ra và kéo dài trong một thời gian ngắn. Tình trạng giãn trương lực cơ có thể khu trú ở một số cơ quan như khụy gối, gục đầu… hoặc có thể toàn thân, thường xuất hiện khi có xúc động.
  • Ảo giác thính giác, thị giác xuất hiện trong giai đoạn ru giấc ngủ dẫn đến hoảng sợ.
  • Biểu hiện liệt trong khi ngủ đặc trưng bởi tình trạng không thể hít thở ở biên độ bình thường, mất hoàn toàn mọi cử động cơ bắp, tình trạng này xảy ra vào lúc tỉnh giấc.

Ngủ nhiều vô căn

Ngủ nhiều vô căn được biểu hiện bởi một giấc ngủ dài bất bình thường vào ban đêm, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, phát sinh những cơn ngủ gà ngủ gật vào ban ngày.

Không giống với các dạng rối loạn ngủ nhiều khác, người bệnh có thể cưỡng lại cơn buồn ngủ. Sau giấc ngủ trưa và ban đêm, sức khỏe của người bệnh không được phục hồi. Ngủ nhiều vô căn bắt nguồn ở tuổi trưởng thành hay tuổi vị thành niên.

Hội chứng chân không nghỉ và những cử động chu kỳ của tứ chi

  • Hội chứng chân không nghỉ: Hội chứng này xảy ra vào buổi tối, đặc biệt là khi nằm ngủ. Các dị cảm khiến bệnh nhân khó chịu như bỏng rát hai chi dưới, cảm giác kiến bò… sẽ giảm bớt khi cử động, khiến bệnh nhân khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ. Hội chứng chân không nghỉ xảy ra phổ biến ở tuổi 30 và vào ba tháng cuối của thai kỳ ở những trường hợp chữa bệnh bằng thuốc chống trầm cảm.
  • Những cử động chu kỳ của tứ chi: Những cử động chu kỳ của tứ chi xuất hiện trong đêm vào khoảng thời gian sắp thức giấc. Rối loạn này biểu hiện bằng những cử động chi trong vài giây, xảy ra theo chu kỳ mỗi lần 30 giây, ở một số trường hợp xảy ra đồng thời với gấp gối. Bệnh nhân sau khi thức dậy không cảm thấy hồi phục, cảm thấy mỏi hai chi dưới và mất ngủ ban đêm. Các cử động này nặng nề hơn theo tuổi, có thể kèm theo hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ, cơn ngủ rũ. Xảy ra phổ biến ở những người dùng thuốc chống trầm cảm.

3. Các rối loạn nhịp sinh học ngày đêm

Các rối loạn nhịp sinh học ngày đêm gồm:

Hội chứng pha sớm

Hội chứng pha sớm đặc trưng bởi tình trạng ru giấc ngủ và thức dậy sớm. Bệnh nhân thường thức dậy vào khoảng 2 – 3 giờ sáng. Tình trạng này khiến nhu cầu ngủ sớm vào buổi chiều tăng cao. Hội chứng pha sớm xuất hiện phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Hội chứng pha trễ

Hội chứng pha trễ đặc trưng bởi tình trạng ru vào giấc ngủ trễ. Trong trường hợp phải dậy sớm để đi làm thì bệnh nhân sẽ ngủ gà ngủ gật vào buổi sáng.

Hội chứng nhịp ngày đêm dài

Tình trạng nhịp ngày đêm dài hơn 24 giờ đồng hồ với một sự khác biệt rõ rệt vào thời gian ngủ khoảng 1 giờ đồng hồ mỗi ngày dẫn đến hiện tượng ru giấc ngủ ngày càng trễ. Người bệnh có thể thường xuyên mất ngủ cả đêm và rơi vào trạng thái ngủ gà ban ngày.

Thay đổi múi giờ

Hiện tượng mất ngủ sẽ phát sinh khi người bệnh di chuyển sang những múi giờ khác nhau. Đầu tiên là tình trạng mất ngủ giai đoạn ru ngủ khi người bệnh di chuyển về phía đông và ngủ dậy sớm khi người bệnh di chuyển về phía tây, kết hợp với ngủ gà, mệt mỏi, bệnh nhân có sự rối loạn khí sắc. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 1 tuần.

4. Các hiện tượng bất thường xảy đến trong giấc ngủ

Các hiện tượng bất thường xảy đến trong giấc ngủ gồm:

Những rối loạn khi thức giấc

  • Miên hành: Miên hành thường xuất hiện ở trẻ em, hiếm khi xảy ra ở người lớn trưởng thành.
  • Trạng thái say: Trạng thái say phát sinh chủ yếu ở thanh thiếu niên và trẻ em. Bệnh nhân tỉnh giấc trong trạng thái u ám, một số trường hợp bị rối loạn định hướng cả về không gian lẫn thời gian, phát sinh các hành vi không phù hợp. Hiện tượng lú lẫn này càng nghiêm trọng khi xảy ra vào thời gian đầu của giấc ngủ, có thể xảy ra đồng thời với rối loạn ngủ nhiều vô căn, thường không nhớ gì.
  • Những cơn hoảng loạn vào ban đêm: Xảy ra đầu đêm, rối loạn thần kinh thực vật, hú hét lên ú ớ, tim đập nhanh, toát mồ hôi, thở mạnh… không tỉnh dậy, khi thức dậy quên không nhớ gì.

Những rối loạn di chuyển từ thức sang ngủ

  • Giật mình: Theo kết quả thống kê có khoảng 60% dân số có cơn giật mình xảy ra trong giai đoạn ru giấc ngủ, bệnh nhân đôi khi cảm thấy khó chịu, những cơn co thắt xảy ra bất ngờ ở một phần cơ thể hoặc toàn thân.
  • Nói trong lúc ngủ: Nói hoặc xuất hiện những câu nói thoại. Rối loạn này hoàn toàn lành tính và không cần phải áp dụng các phương pháp điều trị.
  • Co cứng chi dưới khi ngủ: Xuất hiện các cơn co cứng cơ, đau đớn nặng nề ở bàn chân và bắp chân khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Co cứng chi dưới khi ngủ thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi hoặc phụ nữ có thai.

Những rối loạn trong giấc ngủ nghịch thường

  • Ác mộng: Ác mộng hãi hùng làm tỉnh giấc, bệnh nhân còn nhớ những cảnh trong mơ nhưng không có dấu hiệu hoảng loạn ban đêm. Tuy nhiên cảm giác lo sợ có thể cản trở bệnh nhân ngủ lại.
  • Liệt khi ngủ: Liệt khi ngủ xảy ra vào lúc thức giấc ban đêm, tình trạng mất trương lực cơ xuất hiện trong vài giây khiến bệnh nhân hoàn toàn không thể cử động được.
  • Rối loạn cương cứng khi ngủ: Có cảm giác đau đớn nghiêm trọng lúc tỉnh giấc kèm theo hiện tượng cương cứng dương vật.
  • Rối loạn trong giai đoạn giấc ngủ nông: Rối loạn trong giai đoạn giấc ngủ nông đặc trưng bởi chứng nghiến răng. Sự co các cơ nhai khiến các răng bị mòn đi.
  • Rối loạn hành vi trong giấc ngủ nghịch thường: Rối loạn hành vi trong giấc ngủ nghịch thường xảy ra phổ biến hơn ở nam giới trên 50 tuổi. Nguyên nhân là do sự thiếu giai đoạn mất trương lực cơ sinh lý xảy ra trong suốt giai đoạn giấc ngủ nghịch thường, bệnh nhân hành động và sống cùng với giấc mơ của họ. Các hành động thường phức tạp, ở một số trường hợp có những hành động tấn công nguy hiểm.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Hiện nay trong y học có ba phương pháp phổ biến được lựa chọn và duy trì trong điều trị chứng rối loạn giấc ngủ. Bao gồm: Vệ sinh giấc ngủ, thư giãn tâm lý và sử dụng thuốc điều trị.

1. Thư giãn tâm lý

Đối với những người bình thường, khỏe mạnh thì sức khỏe tổng thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu thỉnh thoảng không ngủ đúng giờ và không ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm. Chính vì thế bệnh nhân không nên quá lo lắng.

Những người bị mất ngủ lâu năm thường cảm thấy sợ hãi vào buổi tối. Nguyên nhân là do những người này nghĩ rằng có khả năng sẽ không ngủ được. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, càng sợ hãi, lo âu về tình trạng bệnh càng khó đi vào giấc ngủ.

Nếu trong ngày người bệnh có những vấn đề chưa được giải quyết xong thì hãy ngừng suy nghĩ và tạm gác lại. Bệnh nhân không nên vừa nằm chờ đợi cảm giác buồn ngủ vừa suy nghĩ tìm hướng giải quyết các vấn đề.

Khi lên giường ngủ, người bệnh không nên làm hoặc suy nghĩ gì. Trong trường hợp không thể ngủ được, sau 10 – 15 phút nằm trên giường, bạn nên đứng dậy và di chuyển để đi làm một việc khác.

2. Vệ sinh giấc ngủ

Những biện pháp dưới đây có thể tạo điều kiện thuận lợi để giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không nhất thiết phải sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh rối loạn giấc ngủ.

  • Duy trì thói quen thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
  • Người bệnh cũng chỉ nên nằm trên giường dù có bị mất ngủ với thời gian nằm ở giường bằng thời gian ngủ bình thường trước khi bị mắc bệnh mất ngủ.
  • Tránh ngủ nhiều vào ban ngày
  • Không dùng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu, thuốc lá… vào buổi chiều.
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao đều đặn vào mỗi buổi sáng, người bệnh có thể tập luyện với những bài nặng.
  • Người bệnh nên tắm và thư giãn với nước ấm khoảng 20 phút trước khi đi ngủ.
  • Tránh tạo ra những kích thích làm nặng hơn tình trạng khó ngủ như đọc sách quá hay, nghe nhạc quá to, xem những bộ phim đòi hỏi phải chú ý và phải theo dõi sát sao…
  • Phòng ngủ nên ít ánh sáng, phải thoáng mát, không quá lạnh hoặc quá nóng.

3. Sử dụng thuốc điều trị

Có rất nhiều loại thuốc giúp bệnh nhân điều trị chứng rối loạn giấc ngủ. Cụ thể như zolpidem, chloral hydrate, benzodiazepine… Tuy nhiên việc đưa những loại thuốc này vào quá trình điều trị cần có sự hướng dẫn cụ thể và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Trong trường hợp có chứng trầm cảm hay hội chứng lo âu đi kèm, bệnh nhân nên phối hợp những loại thuốc giúp chữa trị rối loạn giấc ngủ.

Thuốc chữa rối loạn giấc ngủ nhóm benzodiazepin

Trước đây các thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ nhóm benzodiazepin được áp dụng cho những bệnh nhân bị mất ngủ liên phát. Tuy nhiên việc sử dụng kéo dài nhóm thuốc benzodiazepin sẽ khiến bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ. Đặc biệt là các thuốc chữa rối loạn giấc ngủ thuộc nhóm này có thời gian bán hủy dài.

Triệu chứng quên sẽ tiến triển và chuyển sang giai đoạn nặng hơn khi dùng benzodiazepin phối hợp với uống rượu. Đối với rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi, các loại thuốc điều trị có thể gây ngã và gây giãn cơ. Nhìn chung các thuốc chữa rối loạn giấc ngủ nhóm benzodiazepin đều có khả năng gây rối loạn giấc ngủ nên ít được dùng.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng khi được dùng sẽ phát huy tác dụng an dịu mạnh. Loại thuốc này có khả năng điều trị tốt bệnh mất ngủ liên phát, bệnh nhân có thể sử dụng lâu dài, thời gian chữa bệnh tối thiểu 18 tháng. Tồn tại một số trường hợp phải dùng sử dụng thuốc chống trầm cảm trong nhiều năm.

Tuy nhiên việc dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng có thể khiến bệnh nhân mắc nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, đắng miệng, khô miệng… Chính vì thế liều dùng thuốc phải tăng một cách từ từ, nhất là amitriptylin.

Vì thuốc gây an thần nên cần thận trọng khi dùng cho người vận hành máy móc và lái xe. Thuốc kích thích dẫn đến ăn ngon và tăng cân nên không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân bị thừa cân, béo phì.

Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ amitriptylin, người bệnh phải tăng liều từ từ.

  • Đối với tuần đầu: Uống 1 viên mỗi tối.
  • Đối với tuần 2: Uống sáng 1 viên, tối 1 viên.
  • Đối với tuần 3: Uống sáng 1 viên, tối 2 viên.
  • Từ tuần 4 trở đi: Uống sáng 2 viên, tối 2 viên.

Thuốc amitriptylin có khả năng an thần và ức chế thần kinh trung ương khá nhanh (khoảng vài giờ sau khi sử dụng). Tuy nhiên loại thuốc này có chu kỳ bán hủy dài (từ 9 – 36 giờ). Vì thế bệnh nhân cần chọn giờ uống thích hợp theo lịch ngủ của bản thân.

Người bệnh uống thuốc sớm khoảng từ 7 – 8 giờ tối thì có thể ngủ được vào khoảng 9 – 10 giờ đêm. Thức dậy vào lúc 5 – 6 giờ sáng sẽ cảm thấy cơ thể đỡ mệt, tỉnh táo. Khi đi ngủ mới uống hoặc uống quá muộn, khó dậy vào buổi sáng, khi dậy thường không tỉnh táo, mệt mỏi. Vì thế những người sáng sớm đi làm xa bằng xe máy không nên sử dụng thuốc quá muộn.

Dùng thuốc mirtazapine từ ½ – 1 viên vào mỗi tối (không cần tăng liều từ từ).

Thuốc an thần có khả năng an dịu olanzapine dùng ½ viên mỗi tối. Không dùng olanzapine cho những người bị thừa cân béo phì.

Rối loạn giấc ngủ xảy ra kéo dài có thể tiến triển và trở thành bệnh mãn tính. Từ đó gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android