Rối Loạn Tiêu Hóa

Triệu chứng và nguyên nhân

Rối loạn tiêu hóa là một tình trạng rất phổ biến và gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trong một thời điểm nhất định trong đời. Mặc dù thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên người bệnh cần có kế hoạch điều trị cũng như chăm sóc phù hợp để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Định nghĩa

Hệ tiêu hóa bao gồm đường tiêu hóa và các cơ quan hỗ trợ tiêu hóa, bao gồm miệng, thực quản hoặc cổ họng, dạ dày, ruột, hậu môn và trực tràng. Quá trình tiêu hóa bắt đầu ở miệng và hoàn thành ở ruột non. Điều này giúp phân hủy các chất dinh dưỡng đến từ thức ăn và chất lỏng được cơ thể tiêu thụ để tạo thành các phân tử nhỏ hơn, được hấp thụ vào máu và nuôi sống các mô, tế bào khắp cơ thể.

Rối loạn tiêu hóa được mô tả là những cơn co thắt bất thường ở cơ vòng hệ tiêu hóa. Tình trạng này thường được biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, đau dạ dày, chuột rút, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Điều này có thể dẫn đến khó chịu, mệt mỏi cũng như suy nhược cơ thể do thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.

Tương tự như các bệnh lý khác, rối loạn tiêu hóa có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Theo thống kê có hơn 20 loại rối loạn tiêu hóa khác nhau. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của đường tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, ống mật hoặc ruột. Do đó, xác định được loại rối loạn tiêu hóa là cách tốt nhất để có kế hoạch xử lý phù hợp.

Cụ thể, các loại rối loạn tiêu hóa phổ biến và dấu hiệu nhận biết bao gồm:

  • Chướng bụng: Một trong những tình trạng phổ biến và nghiêm trọng nhất, là có khí trong hệ thống tiêu hóa. Điều này dẫn đến đầy hơi, thay đổi thói quen ăn uống và nhu cầu đi đại tiện của người bệnh.
  • Táo bón: Táo bón xảy ra khi hệ thống tiêu hóa không thể thải phân ra khỏi cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước và có lối sống ít vận động.
  • Viêm dạ dày: Viêm dạ dày là tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến các cơn đau, đặc biệt là trong bữa ăn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn H. pylori. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến hình thành các vết loét nhỏ ở niêm mạc dạ dày và gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa.
  • Hội chứng ruột kích thích: Đây là bệnh lý gây viêm ruột, thường ảnh hưởng đến ruột già. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau dạ dày, buồn nôn, đầy hơi và giảm cân không rõ lý do. Phụ nữ thường có nguy cơ mắc Hội chứng ruột kích thích hơn nam giới.
  • Bệnh Crohn: Tương tự như Hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn là tình trạng viêm ruột, nhưng lan rộng khắp hệ tiêu hóa. Các triệu chứng bao gồm gây đau dạ dày, tiêu chảy, mệt mỏi, sụt giảm cân nặng và thậm chí là gây suy dinh dưỡng do cơ thể không thể hấp thụ thức ăn đúng cách.
  • Chứng liệt dạ dày: Liệt dạ dày là tình trạng dạ dày không thể co bóp thích hợp để quá trình tiêu hóa bắt đầu. Do đó, dạ dày không được làm rỗng đúng cách, dẫn đến buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó, người bệnh luôn cảm thấy nó, khó chịu và đầy bụng.
  • Tắc ruột: Khi một phần ở hệ thống tiêu hóa bị tắc nghẽn sẽ khiến thức ăn không thể đi qua ruột và tiếp tục quá trình tiêu hóa. Dấu hiệu phổ biến nhất khi bị liệt dạ dày tắc ruột là không thể đi đại tiện và đầy hơi. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể gây chết các mô trong hệ thống tiêu hóa.
  • Viêm túi thừa: Túi thừa là các túi nhỏ hình thành ở hệ thống tiêu hóa, thường gây ảnh hưởng đến đại tràng. Thông thường, túi thừa không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu túi thừa bị viêm, nhiễm trùng có thể dẫn đến đau đớn kéo dài, buồn nôn, táo bón và sốt.
  • Viêm ruột thừa: Ruột thừa là một túi nhỏ nằm ở phía trên ruột kết và thường không có công dụng cụ thể. Tuy nhiên, nếu ruột thừa bị viêm có thể dẫn đến đau đớn dữ dội, đột ngột ở phía bên phải của bụng. Viêm ruột thừa cần được phẫu thuật khẩn cấp để tránh các rủi ro không mong muốn.

Hình ảnh

Triệu chứng

Dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất là Hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi là IBS). Đây là một tình trạng mãn tính và có thể tái phát thường xuyên. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau bụng dưới thường xảy ra sau bữa ăn;
  • Thay đổi thói quen đi đại tiện, chẳng hạn như táo bón và tiêu chảy xen kẽ;
  • Có cảm giác đại tiện không hoàn toàn;
  • Đi ngoài ra máu hoặc có chất nhầy trong phân;
  • Đầy hơi và chướng bụng.

Bên cạnh đó, khi bị rối loạn tiêu hóa, người bệnh có thể nhận thấy một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:

  • Chứng khó tiêu chức năng, thường gây khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên, no, chướng bụng hoặc buồn nôn;
  • Nôn cơ năng;
  • Đau bụng cơ năng;
  • Táo bón hoặc tiêu chảy cơ năng.

Nguyên Nhân

Rối loạn tiêu hóa có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân cũng như bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như:

Chế độ ăn uống không phù hợp

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn uống không phù hợp. Hệ thống tiêu hóa thường bị kích ứng bởi thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay, đặc biệt là khi được tiêu thụ trước khi đi ngủ.

Dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến liên quan đến chế độ ăn uống là ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này khiến acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, dẫn đến cảm giác nóng rát, buồn nôn. Thông thường tình trạng này được điều trị bằng thuốc kháng acid không kê đơn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Các dạng rối loạn tiêu hóa khác liên quan đến chế độ ăn uống bao gồm bệnh Crohn, bệnh Celiac, Hội chứng ruột kích thích. Thay đổi chế độ ăn uống là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Căng thẳng

Căng thẳng đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe của hệ thống tiêu hóa. Căng thẳng, lo lắng kéo dài có thể tác động đến các hormone trong cơ thể, dẫn đến mất cân bằng trong hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Một số người trong cơn căng thẳng cao độ thường xuyên bị đau bụng nhẹ và tiêu chảy do niêm mạc ruột bị kích thích. Nếu không được cải thiện, căng thẳng có thể làm tăng lượng acid dạ dày có thể dẫn đến hình thành các vết loét.

Loét dạ dày có thể gây đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh nên có kế hoạch thư giãn và giảm căng thẳng để tăng cường sức khỏe.

Bệnh lý tiềm ẩn

Có nhiều dạng rối loạn tiêu hóa liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn hoặc nhiễm trùng trong cơ thể, chẳng hạn như:

  • Viêm túi thừa;
  • Hội chứng ruột kích thích;
  • Viêm đại tràng;
  • Ung thư dạ dày, trực tràng hoặc đại tràng.

Các bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch xử lý kịp lúc. Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Có máu trong phân;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Giảm cân không rõ lý do;
  • Chứng ợ nóng không được cải thiện khi sử dụng thuốc kháng acid.

Lạm dụng thuốc kháng sinh

Lạm dụng hoặc sử dụng quá mức thuốc kháng sinh là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ em. Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ thống vi sinh vật đường ruột, dẫn đến khó tiêu hóa, đau bụng hoặc đầy hơi. Do đó, thuốc kháng sinh cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là khi sử dụng cho trẻ em.

Trong trường hợp cần sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, người bệnh nên có kế hoạch cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột để tránh gây rối loạn tiêu hóa. Trao đổi với bác sĩ về liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh chế độ ăn uống không hợp lý và các bệnh lý liên quan, có một số nguyên nhân khác dẫn đến rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như:

  • Sử dụng đồ uống có cồn: Đồ uống có cồn, chẳng hạn như rượu, bia và các chất kích thích khác, có thể gây mất cân bằng nồng độ pH dạ dày, làm loãng dịch vị tiêu hóa và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
  • Luyện tập mức mức: Thói quen tập thể dục kéo dài có thể gây ảnh hưởng không tốt đến các tế bào ở đường ruột, dẫn đến buồn nôn, đầy hơi và rối loạn tiêu hóa.
  • Thực phẩm mất vệ sinh: Sử dụng thực phẩm vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc, có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý phổ biến, có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi người. Tại Việt Nam, theo thống kê có khoảng 20% dân số bị rối loạn tiêu hóa và hầu hết các trường hợp, người bệnh có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, lạm dụng rượu bia và thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi. Trong một số trường hợp, rối loạn tiêu hóa có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý đường ruột, do đó điều quan trọng là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Biến chứng

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến, không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, rối loạn tiêu hóa có thể dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và thay đổi thói quen đại tiện của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng dẫn đến chán ăn, sụt cân và ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như chức năng tiêu hóa kém. Rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, chẳng hạn như viêm đại tràng, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí là ung thư.

Nếu bị tiêu chảy kéo dài, người bệnh nên có kế hoạch điều trị để tránh mất nước, mất các chất điện giải, suy nhược cơ thể và thậm chí là suy thận và dẫn đến tử vong.

Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ và có kế hoạch xử lý phù hợp.

Phòng ngừa

Có một số biện pháp phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Cụ thể, một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Nếu từng có tiền sử bệnh viêm ruột, viêm đại tràng, người bệnh nên kiểm tra các triệu chứng thường xuyên và có kế hoạch phòng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh và nguồn gốc xuất xứ. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
  • Vệ sinh dụng cụ nấu ăn, bếp cũng như rửa sạch nguyên liệu trước chế biến thực phẩm.
  • Nhai kỹ thức ăn và ăn chậm để hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt nhất.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ để ngăn ngừa các vấn đề về hệ thống tiêu hóa. Người bệnh có thể tăng cường rau xanh, trái cây tươi, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt để tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống.
  • Theo dõi phản ứng của cơ thể với một số loại thực phẩm cụ thể. Nếu khó chịu hoặc dị ứng thực phẩm, người bệnh nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các loại thực phẩm đó.
  • Nếu thừa cân hoặc béo phì, người bệnh nên có kế hoạch giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh các thói quen xấu, chẳng hạn như hút thuốc lá, uống rượu, để ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa.
  • Kiểm soát mức độ căng thẳng, tập thể dục thường xuyên để đảm bảo sức khỏe tổng thể.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng của người bệnh và tiền sử y tế, chẳng hạn như các loại thuốc đang sử dụng, đã từng phẫu thuật hay chữa, thói quen sử dụng chất kích thích, rượu, bia hoặc tình trạng căng thẳng, stress.

Mặc dù rối loạn tiêu hóa có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng, tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu và phân;
  • Nội soi đại tràng;
  • Nội soi đường tiêu hóa trên, bao gồm thực quản, dạ dày và ruột non;
  • Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm và chụp X - quang;
  • Một số phương pháp khác.

Chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp là cách tốt nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Biện pháp điều trị

Rối loạn tiêu hóa thường không nghiêm trọng và được cải thiện bằng cách biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc hoặc các biện pháp điều trị y tế khác để cải thiện các triệu chứng.

Nếu được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp điều trị như:

Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi chế độ ăn uống là một trong những cách điều trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả, đơn giản, có thể thực hiện tại nhà. Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn, có khẩu phần ăn vừa phải với các nguồn dinh dưỡng đa dạng, chất béo lành mạnh, protein nạc. Cụ thể một số lưu ý trong chế độ ăn uống bao gồm:

  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ có thể tăng khối lượng phân, làm mềm phân và giúp người bệnh đi ngoài dễ dàng hơn, từ đó cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Uống đủ nước: Tiêu thụ nước thường xuyên trong ngày là một cách hiệu quả để cải thiện các vấn đề tiêu hóa, đặc biệt là đối với người bệnh táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Probiotics: Bổ sung Probiotics vào chế độ ăn uống có thể cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường chức năng tiêu hóa và cải thiện một số triệu chứng, chẳng hạn như đầy hơi hoặc chuột rút bụng.

Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động đều đặn. Điều này có thể giúp giảm đầy hơi và táo bón hiệu quả. Người bệnh có thể tập thể dục từ nhẹ đến trung bình để kiểm soát quá trình tăng cân, loại bỏ căng thẳng và cải thiện các vấn đề ở hệ thống tiêu hóa.

Người bệnh có thể thực hiện xen kẽ các bài tập, chẳng hạn như chạy bộ, đi xe đạp và bơi lội. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể tham khảo các bài tập tăng cường cơ bắp, chẳng hạn như yoga hoặc Pilates.

Giữ thói quen lành mạnh

Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống và thường xuyên tập thể dục, người bệnh nên giữ các thói quen lành mạnh để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa. Cụ thể, một số lưu ý bao gồm:

  • Giảm căng thẳng bằng cách thở bụng, điều này có thể thư giãn các cơ và giảm các triệu chứng ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như ợ chua hoặc Hội chứng ruột kích thích.
  • Duy trì giấc ngủ lành mạnh có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa và tăng hệ thống miễn dịch.
  • Tránh sử dụng rượu, nicotine hoặc các chất kích thích khác. Điều này có thể hỗ trợ điều trị tình trạng ợ nóng, tiêu chảy và các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khác.
  • Sử dụng các liệu pháp thảo dược, chẳng hạn như bạc hà, gừng hoặc trà thìa là để làm dịu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

 Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa

Các loại thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa được chỉ định dựa theo nguyên nhân cơ bản và các triệu chứng cụ thể. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc có thể đi kèm với nhiều tác dụng phụ cũng như rủi ro không mong muốn. Do đó, việc sử dụng thuốc cần được hướng dẫn bởi bác sĩ có chuyên môn.

Tùy thuộc vào các triệu chứng, các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng: Thuốc có tác dụng làm mềm phân, giúp người bệnh đi đại tiện và cải thiện tình trạng táo bón.
  • Thuốc kháng acid: Có nhiều loại thuốc có chứa nhôm hydroxit hoặc natri bicarbonate, có tác dụng làm giảm tình trạng khó tiêu, loét dạ dày hoặc trào ngược acid dạ dày.
  • Thuốc chống co thắt: Các loại thuốc phổ biến bao gồm chẳng hạn như dicyclomine hoặc hyoscyamine, thường được chỉ định cho người bệnh Hội chứng ruột kích thích để cải thiện tình trạng tiêu chảy, co thắt đường tiêu hóa, buồn nôn hoặc nôn.
  • Thuốc chống trầm cảm: Chẳng hạn như chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng, đôi khi cũng được chỉ định để cải thiện các tình trạng rối loạn tiêu hóa. Thuốc có tác dụng giảm đau, chống tiêu chảy, táo bón và điều chỉnh chức năng ruột.

Phẫu thuật

Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể đề nghị để điều trị rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là khi người bệnh đi đại tiện không tự chủ, bệnh Crohn hoặc có các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng khác. Phẫu thuật đường tiêu hóa là thủ thuật mở đường tiêu hóa, từ thực quản đến trực tràng và điều chỉnh các rối loạn, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản.

Hầu hết các trường hợp rối loạn tiêu hóa không nghiêm trọng và đáp ứng các phương pháp tự điều trị hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều quan trọng là người bệnh cần xác định các nguyên nhân cơ bản để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Người bị tiêu chảy nên uống các loại nước như: Nước cam, nước lọc, nước khoáng bù điện giải, trà gừng, trà vỏ cam, nước chanh, nước lá ổi, trà thì là,... Bạn có thể uống từng ngụm nhỏ và uống nhiều lần trong ngày. Những loại nước này không chỉ giúp bạn bù nước mà còn cung cấp khoáng chất để cơ thể nhanh phục hồi.

Bên cạnh đó, khi bị tiêu chảy bạn nên kiêng uống các loại nước có chứa caffein, đường, rượu, sữa vì chúng gây mất nước, khiến tình trạng viêm ruột trở nên nặng hơn.

Xem chi tiết

  • Người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton và các loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng khó tiêu.
  • Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc mà phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android