Rộp Lưỡi

Cơ bản

Rộp lưỡi là tình trạng xảy ra khá phổ biến do nhiễm trùng nhẹ dẫn đến loét, bị bỏng do ăn đồ cay nóng hay vì cơ thể thiếu sắt, vitamin B12… Vấn đề này không quá nghiêm trọng, tuy nhiên nó sẽ gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của bạn. Vậy để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách phòng tránh, điều trị khi lưỡi bị rộp, chúng ta hãy cùng theo dõi bài viết ngay sau đây.

Định nghĩa

Rộp lưỡi là tình trạng lưỡi nổi rộp rát, tổn thương trên bề mặt, nó có thể là dạng viêm loét hoặc sưng tấy đỏ, thường kèm theo cảm giác khô lưỡi, đau rát, đặc biệt là khi ăn uống. Rộp lưỡi là bệnh khá phổ biến, nó có thể xảy ra ở mọi đối tượng, kể cả người lớn và trẻ em.

Ngoài ra còn xuất hiện đột ngột sau một chấn thương như vô tình cắn phải lưỡi, ăn các món ăn quá nóng… Mặt khác, lưỡi bị rộp đôi khi cũng là dấu hiệu để gợi ý về một bệnh lý tại vùng miệng, lưỡi hoặc toàn thân.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rộp lưỡi đó là:

Viêm loét miệng lưỡi

Viêm loét miệng lưỡi là hiện tượng tổn thương miệng khá phổ biến, nó gây ảnh hưởng tới 25% dân số nói chung. Các vết loét có màu trắng đến hơi ngả vàng, thường xuất hiện ở niêm mạc hai bên của má, nướu răng, vòm họng và mặt trên của lưỡi. Rìa xung quanh vết thương sẽ tấy đỏ, hơi sưng, gây đau đớn nhiều. Đối với khu vực bị loét ở mặt trên của lưỡi sẽ gây ra cảm giác rộp, rát và các cơn đau tăng lên khi ăn uống, nói chuyện hoặc tác động vào nó.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét miệng cho tới nay vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như: Vệ sinh răng miệng kém, thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, stress…

Bệnh này gây đau đớn, khó chịu và làm ảnh hưởng nhiều tới việc sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên các vết rộp ở lưỡi sẽ nhanh chóng biến mất sau khoảng vài ngày mà không cần đến điều trị. Nếu các cơn đau trở nên dữ dội hơn thì bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, để sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn để cảm thấy dễ chịu hơn.

Viêm u nhú lưỡi thoáng qua

U nhú là các vết rộp, sưng đỏ trên bề mặt lưỡi, chúng thường có hình tròn, bề mặt nhô lên cao hoặc có dạng mụn nước, tiến triển dần thành loét. Trong nhiều trường hợp, các u nhú có kích thước lớn hoặc vết loét, mụn nước lớn có thể gây đau đớn nhiều và khó chịu cho người bệnh. Nguyên nhân gây u nhú hiện cũng chưa được làm sáng tỏ, tuy nhiên đây là thể bệnh nhẹ, không cần điều trị đặc hiệu và sẽ tự khỏi theo thời gian.

Viêm lưỡi bản đồ

Viêm lưỡi bản đồ hay viêm lưỡi di trú lành tính là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây rộp rát lưỡi ở trẻ nhỏ. Bệnh ở thể lành tính, thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ với biểu hiện chính là những đốm, vùng màu đỏ, trắng ở trên bề mặt lưỡi, chúng thường có viền bao quanh, tạo thành hình dáng giống như bản đồ.

Một số nghiên cứu đã ghi nhận sự liên quan mật thiết giữa bệnh viêm lưỡi bản đồ với bệnh vảy nến. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của nó vẫn chưa được xác định hay công bố. Bệnh thường không cần điều trị và sẽ tự khỏi trong vài ngày cho tới một tuần, Nếu trẻ bị đau nhiều, quấy khóc, biếng ăn thì bố mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định một số loại thuốc giảm đau hoặc chống viêm để cải thiện tình hình.

Bệnh nấm miệng

Nấm miệng là căn bệnh nhiễm trùng, do loại nấm có tên khoa học là Candida albicans gây ra. Bệnh thường tạo nên những tổn thương dạng mảng trắng ở mặt trên của lưỡi mà chúng ta thường gọi là tưa lưỡi, nó cũng khiến cho lưỡi bị rộp rát. Các mảng trắng này thường khá khó bong tróc, khó rửa đi bằng nước và rất dễ chảy máu, gây đau nhiều khi chạm vào.

Nấm miệng cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng rộp rát lưỡi ở trẻ nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ cần sớm nhận diện các biểu hiện bất thường của con để đưa trẻ tới gặp bác sĩ thăm khám và tìm giải pháp điều trị thích hợp.

Các chấn thương ở lưỡi

Bên cạnh những lý do kể trên thì một số chấn thương cơ học ở lưỡi thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày cũng có nguy cơ gây rộp lưỡi như: Cắn vào lưỡi, ăn những món quá cay, quá nóng… Điều này sẽ khiến lưỡi bị rộp rát, tuy nhiên các tổn thương này sẽ dần hồi phục và biết mất sau một vài ngày.

Một số nguyên nhân hiếm gặp

Một số tình trạng sau đây tuy khá hiếm gặp nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh rộp lưỡi. Cụ thể:

  • Lichen phẳng ở lưỡi: Bệnh có biểu hiện là các tổn thương tại bề mặt của lưỡi, niêm mạc má gây rộp, phồng, có màu trắng. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện và biến mất gián đoạn trong nhiều năm và tiến triển nặng hơn thành Lichen mạn tính. Nhiều người bệnh còn cảm thấy đau đau rát hoặc có các vết loét. Nếu bệnh ở giai đoạn mạn tính, bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có kế hoạch điều trị.
  • Hội chứng Sjogen: Đây là tình trạng rối loạn miễn dịch khá hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh là 0,5 - 1% dân số. Bệnh gây ra tình trạng viêm tuyến nước bọt, dẫn tới khô miệng, xuất hiện rộp lưỡi, nóng rát bên trong khoang miệng. Ngoài ra, nó còn dẫn đến các triệu chứng ở các hệ cơ quan khác như thay đổi màu da, khô mắt, đau nhức khớp…
  • Hội chứng Behcet: Đây là một dạng bệnh lý gây viêm mạch máu với triệu chứng đầu tiên thường là xuất hiện các vết loét trên lưỡi và trong miệng. Ngoài ra nó còn kèm theo một số biểu hiện khác như: Viêm kết mạc, viêm khớp, rối loạn tiêu hoá, loét da, loét sinh dục…
  • Ung thư miệng: Bệnh gây ra nhiều thay đổi khác nhau trong khoang miệng, khiến người bệnh cảm thấy đau ở vùng phía trên của lưỡi, xuất hiện tình trạng rộp rát, nướu răng kéo dài… Những triệu chứng khác có thể xuất hiện như: Có các mảng trắng hoặc đỏ hoặc ở dạng u bên trong khoang miệng, răng lung lay, tê bì da vùng mặt hoặc cổ, gây khó khăn trong ăn nhai và nuốt thức ăn…
  • Hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá thường xuyên không chỉ là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nghiêm trọng, mà nó còn có thể gây lở loét lưỡi, niêm mạc, các vấn đề về răng miệng khác như hôi miệng, vàng răng, sâu răng…
  • Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ trong thời kỳ có kinh nguyệt, mang thai sẽ khiến hormone trong cơ thể thay đổi, điều này làm cho hệ miễn dịch tại khoang miệng suy giảm. Khi đó lưỡi sẽ rất dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus, dẫn đến rộp, rát lưỡi, lưỡi bị lở loét…
  • Căng thẳng, stress: Việc bị căng thẳng, stress kéo dài sẽ khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động kém hiệu quả đi. Chính vì vậy mà khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của cơ thể kém dần đi, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như rộp lưỡi, loét miệng, lở loét lưỡi.

Chăm sóc tại nhà

Rộp lưỡi là căn bệnh lành tính, có thể tự khỏi theo thời gian, tuy nhiên nó vẫn gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Để đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng như giảm đau hiệu quả, bạn có thể tham khảo qua một số cách trị đơn giản ngay tại nhà sau đây:

Trị rộp lưỡi với bột nở

Sử dụng bột nở để trị rộp, rát lưỡi là mẹo khá hữu hiệu và được nhiều người áp dụng. Nó có thể làm dịu cơn đau nhanh chóng, đồng thời với khả năng kháng viêm, giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn. Hơn nữa, bột nở còn giúp cân bằng lại độ PH trong miệng.

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Cho 1 thìa bột nở vào ly nước ấm, khuấy đều để bột tan ra hoàn toàn. Dùng nước này để súc miệng trong vài phút trước khi nhổ ra, sau đó súc miệng lại với nước sạch.
  • Cách 2: Trộn một ít nước vào thìa bột nở sau đó trộn đều thành dạng bột sền sệt. Dùng hỗn hợp này thoa đều lên vùng lưỡi bị rộp và súc miệng lại bằng nước ấm. Thực hiện đều đặn 3 - 4 lần/ngày cho tới khi nào các vết mụn rộp biến mất.

Rau húng quế trị rộp lưỡi

Bạn cũng có thể trị rộp lưỡi ngay tại nhà với cây húng quế, đây là loại cây có khả năng làm giảm đau và viêm, nhờ vào các thành phần có đặc tính kháng viêm, sát trùng và kháng khuẩn.

Cách thực hiện: Lấy một vài lá húng quế tươi, rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào miệng nhai nhỏ rồi nuốt chửng và nhân nhi với một ít nước ấm. Thực hiện theo cách này đều đặn 2 lần/ngày trong khoảng 3 - 4 ngày,

Dùng vitamin B trị rộp lưỡi

Một trong những nguyên nhân gây rộp lưỡi chính là sự thiếu hụt vitamin B trong cơ thể, do đó bạn có thể bổ sung thêm vitamin B để điều trị và ngăn chặn sự tái phát của mụn rộp.

Cách thực hiện: Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày như: Chuối, trứng, ngũ cốc, yến mạch, bột cám, bơ, gà tây, gan và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai, váng sữa… Ngoài ra bạn cũng có thể uống thuốc bổ sung vitamin B giúp cải thiện tình trạng mụn rộp ở lưỡi.

Rộp lưỡi chườm đá lạnh

Chúng ta có thể làm dịu cơn đau gây ra bởi những vết rộp trên lưỡi một cách nhanh chóng bằng việc sử dụng đá lạnh. Bởi nó có tác dụng làm tê liệt vùng được chườm và giảm cảm giác đau đớn tức thì. Mặt khác, đá lạnh còn làm giảm viêm sưng - những triệu chứng phổ biến của tình trạng rộp lưỡi.

Cách thực hiện: Lấy một cục đá lạnh nhỏ, giữ cho cục đá trực tiếp trên vùng lưỡi bị rộp cho tới khi nào hết rát. Ngoài ra, bạn cũng có thể chà xát lên vùng bị rộp hoặc dùng nước lạnh để làm giảm cơn đau.

Rau mùi trị chứng rộp lưỡi

Với thành phần có tính chất sát trùng và chống viêm mạnh mà rau mùi có thể giúp bạn nhanh thoát khỏi tình trạng rộp rát vùng lưỡi, miệng. Thêm vào đó, theo Đông y loại rau này còn có thể làm giảm viêm, sưng tấy và giảm đau rất hiệu quả.

Cách thực hiện: Đun sôi một thìa cà phê lá rau mùi hoặc dùng hạt rau mùi cùng với một cốc nước lọc. Sau khi đun xong thì lọc lấy phần nước và dùng để súc miệng mỗi ngày từ 3 - 4 lần cho tới khi cảm thấy tình trạng được cải thiện.

Ăn sữa chua

Sữa chua nổi tiếng là nguồn probiotic tự nhiên và dồi dào, hoạt chất này có tính chống viêm, giúp giảm đau nhức và tình trạng viêm trên lưỡi. Nó cũng có chứa chất oxy hóa, tính kháng khuẩn nên mang đến công dụng điều trị bất kỳ dạng nhiễm trùng nào ở trên lưỡi.

Mặt khác, sữa chua vô cùng tốt cho hệ tiêu hóa, trong những ngày bị rộp lưỡi gây khó khăn cho việc ăn uống thì sữa chua chính là lựa chọn tuyệt vời giúp bạn cân bằng lại dinh dưỡng cho cơ thể.

Cách thực hiện: Ngay khi phát hiện lưỡi bị phồng rộp, bạn nên nhanh chóng ăn một cốc sữa chua, đồng thời thực hiện cách này ít nhất một lần mỗi ngày.

Tinh dầu trà xanh

Theo các chuyên gia, trong tinh dầu trà xanh có chứa một loại hợp chất là terpinen-4-ol, nó có đặc tính kháng viêm, chống lại bệnh nấm miệng vô cùng hiệu quả. Mặt khác, trong tinh dầu cũng có tính kháng khuẩn và khử trùng, có thể giúp bạn giải quyết nhanh chóng các vấn đề như rộp lưỡi, loét lưỡi và các triệu chứng của chúng.

Cách thực hiện: Chuẩn bị một cốc nước ấm, nhỏ từ 3 - 4 giọt tinh dầu trà xanh vào, rồi dùng nước này để súc miệng từ 3 - 4 lần mỗi ngày, tốt nhất là súc miệng sau các bữa ăn.

Baking soda trị rộp lưỡi

Bạn có biết, baking soda là nguyên liệu nổi tiếng với tính kháng khuẩn, chống viêm tốt. Đặc biệt là nó còn có tính kiềm, giúp cân bằng độ pH trong miệng và làm giảm cảm giác đau nhức do phồng rộp lưỡi gây ra.

Cách thực hiện: 

  • Cách 1: Thêm baking soda vào một cốc nước ấm, khuấy đều để hỗn hợp tan hoàn toàn, sau đó dùng nước này để súc miệng mỗi ngày.
  • Cách 2: Dùng bột baking soda trộn đều cùng một ít nước, để tạo thành dạng hỗn hợp sệt. Tiếp đến dùng hỗn hợp này bôi lên khu vực lưỡi bị tổn thương để chữa chứng phồng rộp.

Sử dụng hydrogen peroxide

Hydrogen peroxide là chất đã được chứng minh có khả năng chống lại chứng lở loét miệng - nguyên nhân chính gây ra tình trạng rộp rát, các vết loét ở lưỡi. Mặt khác, nó còn có tính khử trùng, kháng khuẩn, giúp nhanh lành vết thương và giảm đau hiệu quả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hydrogen peroxide là chất khá độc, không được nuốt vào cơ thể, khi sử dụng cần tuân thủ đúng liều lượng và tuyệt đối không được lạm dụng.

Cách thực hiện: Chuẩn bị một thìa hydrogen peroxide, trộn đều cùng một thìa nước ấm. Sau đó lấy miếng bông y tế sạch thấm đẫm dung dịch rồi áp trực tiếp lên vùng lưỡi bị tổn thương. Để đạt hiệu quả tốt nhất, chúng ta nên thực hiện đều đặn mỗi ngày 3 lần để chữa chứng phồng rộp lưỡi.

Lưu ý và phòng ngừa

Một số lưu ý sau đây tuy khá đơn giản nhưng cũng có thể giúp bạn làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh, cải thiện tình trạng rộp, rát, lở loét ở lưỡi. Mặt khác còn thúc đẩy quá trình hồi phục và ngăn ngừa xuất hiện vết loét, hình thành mụn nước trong tương lai.

  • Nên thường xuyên súc miệng và họng bằng nước muối ấm pha loãng hoặc nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn gây hại.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, chải răng bằng bàn chải lông mềm, không đánh răng quá lâu hoặc quá nhiều lần để tránh làm chảy máu chân răng, tổn thương lưỡi và niêm mạc, súc miệng, sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng kỹ càng sau mỗi bữa ăn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống có đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, các loại vitamin nhóm B, chúng thường có nhiều trong các loại rau củ quả, bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần mỗi ngày.
  • Hạn chế và kiêng ăn những thực phẩm cay nóng, đồ ăn chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn khô, dai, cứng, có nhiều góc cạnh, dễ gây tổn thương cho lưỡi và khoang miệng.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, sắp xếp thời gian làm việc phù hợp, tránh căng thẳng, stress, áp lực, nên tập luyện thể thao ở mức độ phù hợp và thường xuyên.
  • Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá hay các loại chất kích thích.
  • Khi bị rộp lưỡi, lở loét miệng, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh rộp lưỡi mà bạn cần biết. Tuy là loại bệnh lý lành tính, không quá nguy hiểm, thế nhưng nó lại gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống, sinh hoạt và ăn uống của nhiều người. Chính vì thế, hy vọng rằng qua bài viết này bạn sẽ biết cách phòng tránh và điều trị khi gặp phải tình trạng tương tự.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android