Sạm Da

Triệu chứng và nguyên nhân

Sạm da, da sạm màu hay sạm da mặt là mối lo ngại phổ biến của bất cứ ai, đặc biệt là nữ giới. Để hiểu rõ và biết nên ứng xử thế nào đối với tình trạng da này, chị em đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Sạm da là thuật ngữ được sử dụng để mô tả làn da có vẻ tối hơn so với thông thường. Chúng sẽ càng rõ nét khi bạn tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.

Các đốm, vệt hay mảng da sẫm màu có thể xuất hiện trên da mặt, toàn bộ cơ thể và dễ nhận biết bằng mắt thường. Các vị trí thường xuất hiện sạm là: Mặt, tay, chân, cổ.

Bên cạnh xuất hiện các mảng da tối màu, bạn còn có thể gặp những biểu hiệu khác như: Da khô sạm, da sạm vàng, da sạm xỉn màu, sạm da đỏ…

Da sạm màu có thể phát triển ở bất cứ người nào, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, độ tuổi… Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường khói bụi, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện nhiệt độ cao nơi làm việc... có thể làm phát sinh sạm da ở người lao động, gọi là bệnh sạm da nghề nghiệp.

Hình ảnh

Triệu chứng

Chỉ cần quan sát làn da là có thể đoán biết bạn có bị sạm hay không. Các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện dưới dạng đốm khá nhỏ (đồi mồi) hoặc đốm nâu, phẳng lò. Ở mỗi người, các mảng da sạm màu có biểu hiện khác nhau về kích thước, vị trí và mức độ đậm nhạt. Hơn nữa, tùy từng nguyên nhân khác nhau mà sạm da sẽ có những đặc điểm riêng.

Bao gồm:

  • Da sạm màu do bệnh sắc tố Riehl (Riehl melanosis): Da mặt thâm sạm, đặc biệt là bị sạm da 2 bên má và trán, có thể kèm theo vùng thái dương. Trước đó có thể bị ban đỏ nhẹ và ngứa.
  • Nám da: Các mảng hay đốm sẫm màu phân bố đối xứng, trung tâm của các mảng màu từ nâu nhạt đến đậm với đường viền không đều. Gặp nhiều nhất trên da mặt.
  • Ochronosis ngoại sinh: Sẩn màu nâu đen, dạng chấm hoặc dạng trứng cá muối caviar, xuất hiện nhiều ở má, vùng trán, thái dương, quanh mắt, ít hơn ở quanh cằm hoặc miệng.
  • Tăng sắc tố quanh hốc mắt: Quầng thâm quanh mắt.
  • Bệnh gai đen (acanthosis nigricans): Các vệt màu từ nâu nhạt đến đen, mịn như nhung, xuất hiện đối xứng ở vùng cổ, nách, háng và dưới bầu ngực. Ít khi xuất hiện trên da mặt.
  • Dermatosis papulosa nigra: Các sẩn sắc tố hình vòm từ 1 - 5 mm, bề mặt láng, màu nâu đen, phân bố trên xương gò má.
  • Bớt xanh (Naevus of Ota): Các đốm hoặc mảng màu nâu, nâu đen hoặc xám xanh riêng lẻ, không nổi cao hơn so với bề mặt da, không tăng sinh lông, có thể gặp ở 1 hoặc 2 bên mặt, kích thước từ đầu kim tới đường kính vài mm.
  • Bớt Hori (Hori naevi): Xuất hiện những mảng tròn màu xám đến nâu, gặp nhiều ở gò má hơn so với trán, thái dương, mí mắt trên và mũi.
  • Tàn nhang: Các đốm màu sẫm hình tròn, bầu dục hoặc hình dạng bất thường, có ranh giới rõ ràng từ 1 - 3 mm.

Nhìn chung, da sạm màu không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần và giảm chất lượng cuộc sống. Để loại trừ những mối nguy hại tiềm ẩn kèm theo, người bệnh nên đi khám da liễu và sức khỏe tổng thể.

Nguyên Nhân

Da sạm màu có sự liên quan mật thiết tới hắc sắc tố melanin. Melanin không phải là một hợp chất đơn lẻ mà là một hỗn hợp của các phân tử sinh học được tổng hợp bởi các tế bào hắc tố (melanocyte) nằm ở lớp đáy của biểu bì. Melanin được phân loại thành 2 loại:

  • Eumelanin
  • Pheomelanin

Những người có làn da sẫm màu có tổng hàm lượng melanin cao hơn và lượng eumelanin cao hơn những người có làn da sáng màu. Bên cạnh đó, tỷ lệ eumelanin cao hơn pheomelanin sẽ khiến da sẫm màu hơn. 

Màu sắc của da là kết quả từ sự sáp nhập của các melanosome - bào quan hay túi chứa sắc tố melanin do các tế bào hắc tố sinh ra vào trong các tế bào sinh sừng (keratinocyte) của lớp biểu bì da và sự thoái hóa sau đó của chúng.

Khi tiếp xúc với tia UV, melanin sẽ được sản sinh để giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, nhưng nó cũng làm cho làn da có sắc tố sẫm màu dễ bị tổn thương hơn và gây ra tình trạng da sạm màu cũng như những dạng tăng sắc tố da khác (tàn nhang, đồi mồi...). Bởi vậy, nhiều chuyên gia nhận định ánh sáng mặt trời là “thủ phạm” chính gây ra sạm nám.

Ngoài ra, nguyên nhân gây da sạm màu còn có thể do nhiều tác nhân khác, bao gồm:

Biến động nội tiết tố: Thường gặp ở phụ nữ mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh... Khi đó, nội tiết tố nữ estrogen và progesterone kích thích cơ thể sản xuất quá mức melanin và gây ra nám đốm, nám mảng hoặc hỗn hợp.

Tăng sắc tố da sau tổn thương và viêm da: Nếu điều trị và chăm sóc các vết cắt, bỏng, xước da... không đúng cách, bạn có thể phát triển da sạm màu sau khi vết thương lành.

Do dùng thuốc hoặc bị bệnh: Da sạm màu cũng là triệu chứng của một số bệnh (bệnh tự miễn, bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, thiếu hụt vitamin...) hoặc được kích hoạt bởi một số loại thuốc (như thuốc hóa trị, thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật)...

Chăm sóc da không đúng cách: Lạm dụng mỹ phẩm, không tẩy trang sạch, không chống nắng tốt, dùng kem trộn…

Phòng ngừa

Để ngăn ngừa da bị sạm màu, bạn nên có một chiến lược chống nắng và chăm sóc da cẩn thận. Hãy chú ý những điều sau:

  • Thoa kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF trên 30 trước khi ra ngoài trời khoảng 15 - 20 phút
  • Chống nắng toàn thân
  • Chống nắng tốt trong cả mùa Đông và những ngày âm u
  • Tắm rửa sạch sẽ
  • Rửa mặt 2 lần/ngày
  • Dưỡng ẩm da hợp lý
  • Da sạm vì thức khuya là tình trạng thường gặp, bởi vậy nên đi ngủ sớm và ngủ đủ 6 - 9 tiếng/đêm
  • Giảm stress và quản lý tốt căng thẳng
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

điều trị sạm không hề đơn giản vì cơ chế bệnh sinh của tăng sắc tố da rất phức tạp. Tuy vậy, vẫn có hướng dẫn chung cho điều trị da sạm màu.

Dựa theo hệ thống phân loại loại da Fitzpatrick, các kiểu da II, III, IV và V cần được chú ý hơn cả trong việc điều trị và ngăn ngừa sạm.

Nếu sở hữu làn da dễ bị sạm nám, bạn nên:

  • Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng cao điểm (từ 10 giờ đến 16 giờ)
  • Chống nắng đúng cách bằng kem chống nắng, quần áo dài, hoạt động dưới bóng râm...
  • Tránh các tác nhân kích thích gây tăng sắc tố da, như viêm da, thuốc tránh thai, một số loại mỹ phẩm, kem trộn…

Đồng thời, bạn có thể kết hợp với một số cách trị sạmdưới đây:

Cách trị sạm da tại nhà

Với sạm mức độ nhẹ, chị em có thể tự áp dụng các cách điều trị tại nhà đơn giản hiệu quả từ thiên nhiên. Các nguyên liệu thường được sử dụng là nha đam, mật ong, hành tây, khoai tây, dầu dừa... đều rất dễ tìm kiếm và giá rẻ. Bạn cũng có thể chữa sạm da bằng hoa quả, mặt nạ thảo dược hỗn hợp...

Hãy thử áp dụng một trong những cách sau:

Trị sạm bằng dầu dừa:

  • Chuẩn bị 2 thìa dầu dừa tinh khiết, 1 thìa tinh bột nghệ và 1 thìa sữa chua nguyên chất không đường
  • Trộn đều các nguyên liệu trên rồi thoa lên vùng da bị sạm màu
  • Massage nhẹ nhàng trong vài phút
  • Rửa sạch sau 20 phút
  • Áp dụng 2 lần/tuần

Chữa sạm da tại nhà bằng đu đủ xanh

  • Rửa sạch một lượng đu đủ xanh vừa đủ (bỏ hạt)
  • Xay nhuyễn đu đủ xanh rồi trộn đều với 2 – 3 thìa mật ong
  • Thêm vài giọt nước cốt chanh
  • Đắp hỗn hợp vừa trộn lên mặt
  • Rửa sạch mặt sau 20 – 30 phút
  • Áp dụng 2 - 3 lần/tuần

Trị sạm mặt bằng cà chua

  • Rửa sạch 1 quả cà chua chín, bỏ hạt rồi xay nhuyễn và trộn với 1 thìa mật ong
  • Đắp hỗn hợp này lên da mặt
  • Rửa sạch mặt sau 20 – 30 phút
  • Áp dụng 2 - 3 lần/tuần

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần, khi áp dụng cách chữa sạm tại nhà, chị em cần lưu ý:

  • Không áp dụng cho vùng da bị trầy xước, có vết thương hở hay mụn mủ..
  • Nên chọn nguyên liệu sạch, an toàn
  • Rửa sạch các loại trái cây, thảo dược, rau củ... trước khi sử dụng
  • Kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học
  • Cách này chỉ hỗ trợ điều trị, không thể trị sạm da dứt diểm

Kem trị sạm da mặt

Các phương pháp điều trị tăng sắc tố da tại chỗ (thuốc bôi hay kem trị sạm) nhằm mục đích phá vỡ quá trình enzyme tyrosinase kích thích sản sinh melanin. Tyrosinase là một đích phân tử vô cùng quan trọng tham gia vào quá trình hình thành các sắc tố melanin. Ức chế tyrosinase có thể làm hạn chế việc sản sinh nhiều melanin, từ đó giúp điều trị sạm hiệu quả.

Có nhiều thành phần hóa học có thể nhắm mục tiêu vào các phân tử này, như:

Nhóm các chất giúp ức chế tyrosinase:

  • Arbutin
  • Axit azelaic
  • DeoxyArbutin
  • Axit glycolic
  • Hydroquinone
  • Chiết xuất cam thảo
  • Mequinol
  • N -Acetylglucosamine
  • N -Acetyl-4- S -cysteaminylphenol

Nhóm các chất ức chế, giảm sự chuyển giao melanosome:

  • Niacinamide
  • Retinoids
  • Chất ức chế trypsin trong đậu nành

Nhóm có khả năng tương tác với đồng tại những vị trí hoạt động của tyrosinase:

  • Axit ascorbic
  • Axit kojic

Nhóm chất kích thích sự thay đổi tế bào sừng:

  • Axit glycolic
  • Retinoids

Nhóm ức chế sự phát triển của melanosome:

  • Arbutin
  • DeoxyArbutin

Ức chế sự hoạt động của thụ thể kích hoạt protease (PAR- 2): Chất ức chế trypsin trong đậu nành

Chất thúc đẩy quá trình oxy hóa và phân hủy melanin: Lignin peroxidase

Ưu điểm của các loại kem trị sạm là tiện dụng, đa dạng và có liệu trình điều trị rõ ràng. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho làn da, như kích ứng, viêm da, sưng đỏ, bong tróc da… Sau khi điều trị da bị sạm màu bằng phương pháp này, sạm nám vẫn có thể tái phát. Vì những sản phẩm này chỉ tác động tới các cấu trúc da, điều trị sạm do tác nhân ngoại sinh. Đối với sạm nám do nội tiết tố và các nguyên nhân nội sinh, các loại kem bôi không thể xử lý dứt điểm được.

Các liệu pháp vật lý

Ngoài việc áp dụng liệu pháp tại chỗ nêu trên, để điều trị da thâm sạm không đều màu, bạn có thể tìm hiểu thêm các phương pháp khác, bao gồm:

Lột da hóa học hay thay da sinh học (peel da/chemical peels)

Lột da hóa học có thể được sử dụng một mình (độc trị liệu) hoặc kết hợp với các phương pháp trị da sạm màu khác. Kỹ thuật này sử dụng các dung dịch hóa học như axit glycolic, axit lactic, axit salicylic hoặc axit trichloroacetic để loại bỏ nám sạm và thúc đẩy tái tạo da mới.

Mài da (Dermabrasion)

Những bệnh nhân bị tăng sắc tố da kháng thuốc có thể cân nhắc áp dụng phương pháp mài da. Đây là phương pháp loại bỏ nám sạm tiên tiến​, được thiết kế để tác động tới lớp da trên cùng, gây ra tổn thương có kiểm soát ở lớp da này để kích thích nguyên bào sợi tự chữa lành. Khi đó, da sẽ sản sinh collagen để giúp cải thiện bề mặt của da. Da nhờ đó sẽ sáng, đều màu và mịn màng hơn.

Biến chứng có thể gặp của mài da trị sạm là nhiễm trùng, nổi mụn trứng cá, sưng đỏ da, thay đổi màu da và tạo sẹo (hiếm gặp).

Liệu pháp laser và IPL

Phương pháp công nghệ cao này giúp điều trị sạm khá nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng có nguy cơ cao gây tổn thương các mô xung quanh, dẫn đến tăng sắc tố sau viêm, làm sạm nám tái phát nặng và khó chữa hơn.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Những thực phẩm nên tăng cường bổ sung:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Các loại quả mọng, rau lá xanh đậm, râu mồng tơi, trái cây có múi...
  • Thực phẩm giàu omega-3: Cá hồi, cá thu, cá mòi, hạt lanh…
  • Rau củ quả giàu chất chống oxy hóa: Lựu, anh đào, táo, cà chua, cà rốt, khoai lang, bí đỏ…
  • Thực phẩm giàu biotin: Lòng đỏ trứng
  • Chất béo lành mạnh: Dầu dừa, quả bơ, hạnh nhân, hạt lanh, dầu olive, quả óc chó…
  • Thực phẩm thúc đẩy sản sinh collagen: Nước hầm xương, bột protein collagen....
  • Thực phẩm giàu kẽm: Thịt, động vật có vỏ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt...

Tránh những thực phẩm sau:

  • Đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn
  • Thực phẩm nhiều đường: Bánh, kẹo, nước ngọt
  • Caffeine: Cà phê, nước tăng lực, trà
  • Rượu bia
  • Thực phẩm nhiều tinh bột: Mì sợi, bánh mì trắng
  • Thực phẩm cay nóng: Ớt, tiêu, hồi
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android