Sạm Nắng

Triệu chứng và nguyên nhân

Sạm nắng là hiện tượng da liễu phổ biến do rối loạn sắc tố da. Tình trạng này gây mất thẩm mỹ bởi làn da đen sạm, không đều màu. Vậy, sạm nắng (rám nắng) là gì, nguyên nhân hình thành do đâu và da rám nắng phải làm sao? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây để biết được thông tin chi tiết.

Định nghĩa

Sạm nắng (hay rám nắng) là hiện tượng làn da bị sạm đen đi. Rám nắng tiếng anh được gọi là “Tanning Skin” hoặc “Brown Skin”. Đây là kết quả của việc để da tiếp xúc quá lâu với tia tử ngoại từ bức xạ mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo (như máy làm sạm da). Khi lượng tia cực tím đủ lớn tác động trực tiếp lên bề mặt da, chúng sẽ kích thích quá trình sản sinh hắc sắc tố melanin. Sự tăng sinh quá mức của sắc tố melanin khiến da dần trở nên đen sạm.

Có thể bạn đã biết, làn da sạm nắng, rám nắng được xem là trào lưu thẩm mỹ được ưa chuộng ở nhiều nước phương Tây. Họ tắm nắng để có một làn da rám bóng, khoẻ, gợi cảm. Tuy nhiên, rám nắng có lợi chỉ dừng ở mức độ vừa phải, được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, bảo vệ kỹ càng với chế độ chăm sóc da kết hợp. Nếu lạm dụng việc tắm nắng trong thời gian quá lâu có thể gây hại cho da, như bị cháy nắng hoặc thậm chí ung thư da.

Ngoài việc tắm nắng để sở hữu làn da rám nắng, nhiều người đã áp dụng phương pháp giường thuộc da (giường tắm nắng hoặc giường nhuộm da) hoặc sử dụng sản phẩm nhuộm da nâu tự nhiên.

Hình ảnh

Triệu chứng

Tất cả những vùng da hở tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời đều có nguy cơ bị sạm nắng. Một số khu vực điển hình như: Mặt, cổ, vùng mắt, tay, chân, lưng, vai,.. Thậm chí, các vùng da được che chắn cũng nằm trong khả năng bởi tia UV có thể xuyên qua chất liệu mỏng.

Các biểu hiện điển hình của da bị sạm nắng gồm có:

  • Da ửng đỏ, nâu, sưng tấy, sờ thấy nóng rát
  • Các mảng da không đều màu xuất hiện, đặc biệt những vùng da hở trở nên sậm màu hơn so với khu vực còn lại, thậm chí để lại vết sạm rõ ràng
  • Đau nhẹ, ngứa ngáy và một số vùng có thể sưng nề

Nếu bạn gặp phải một số dấu hiệu dưới đây sau vài ngày da bị sạm nắng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn kịp thời, bởi đó có thể báo hiệu bạn đã bị nhiễm trùng da:

  • Các vùng da có biểu hiện tổn thương diện rộng, đau nhức
  • Sốt cao, đau đầu, nôn mửa, người lờ đờ
  • Màu da không cải thiện sau nhiều ngày, thậm chí xuất hiện các nốt bỏng rộp chứa dịch vàng.

Nguyên Nhân

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng da bị sạm nắng, điển hình nhất là việc để làn da tiếp xúc với tia cực tím (ánh nắng mặt trời) quá nhiều.

Ánh nắng mặt trời tạo ra 2 loại tia cực tím trực tiếp dẫn đến sạm nắng gồm tia UVA và UVB. Chúng có bước sóng khác nhau nên quá trình và nguy cơ gây sạm nắng không giống nhau:

  • Tia UVA: Bước sóng dài hơn, có khả năng thâm nhập vào lớp trung bì và hạ bì của da, phá huỷ các sợi collagen. Chúng gây rám nắng bằng cách oxy hoá melanin. Các hắc tố melanin sẽ trải qua một phản ứng hoá học sau khi tiếp xúc với tia UVA, khiến da trở nên đậm màu hay còn gọi là sạm nắng.
  • Tia UVB: Bước sóng ngắn, chỉ có khả năng tác động tới biểu bì da. Nếu bạn tiếp xúc ánh sáng mặt trời vào khoảng 10h sáng đến 4h chiều, đặc biệt mùa hè, sẽ khiến tia UVB gây ảnh hưởng xấu lên bề mặt da. Chúng gây rám nắng thông qua việc thúc đẩy sản sinh melanin trong da và một số thay đổi khác với tế bào melanin. Từ đó, làn da dần trở nên tối màu và sạm nám. Theo nghiên cứu, tia UVB chỉ tốt cho cơ thể và làn da nếu bạn phơi nắng vào buổi sáng sớm (trước 9h sáng).

Bên cạnh nguyên nhân kể trên, còn một số yếu tố khác gián tiếp dẫn đến hiện tượng da sạm nắng, rám nắng gồm có: Sử dụng thuốc kháng sinh trị mụn, thuốc tránh thai, dưỡng da sai cách, cơ thể thiếu nước và dưỡng chất, lạm dụng nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da … khiến làn da tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Biến chứng

Nói một cách khoa học, làn da rám nắng chính là đang tự bảo vệ mình dưới tác động tiêu cực của tia cực tím. Tuy nhiên, hiện tượng này có nhiều mức độ khác nhau và không phải mức độ nào cũng tốt cho làn da của bạn.

Đối với rám nắng tự nhiên, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trước 9h sáng sẽ cung cấp cho làn da lượng lớn vitamin D, giúp da khoẻ mạnh. Nhưng nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá mức có thể gây ra nhiều tác hại cho da. Khi đó, da dễ bị cháy nắng và nhanh lão hoá hơn. Các hiện tượng rối loạn sắc tố da như đồi mồi, nám, tàn nhang có điều kiện xuất hiện. Thậm chí, tắm nắng thường xuyên vào thời điểm an toàn mà không bảo vệ da cẩn thận cũng có thể gây sạm nắng. Nghiêm trọng hơn có thể gặp các vấn đề da liễu khác và ung thư da.

Đối với việc áp dụng thuộc da, bạn cần thận trọng vì phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với làn da và sức khỏe. Theo một số chuyên gia da liễu, giường thuộc da đời cũ tạo ra tia UV có thể khiến bỏng rát. Về sau, phiên bản mới hơn ra đời nhằm khắc phục nhược điểm này với mẫu giường thuộc da sử dụng tia UVA. Mặc dù không tác động mạnh lên da như tia UVB nhưng UVA không an toàn tuyệt đối. Trên thực tế, tiếp xúc quá lâu với UVA có thể khiến da bị tổn thương, gặp vấn đề về hệ miễn dịch, thậm chí ung thư da. Lạm dụng thuộc da có thể khiến da phát sinh nhiều nếp nhăn sâu.

Theo nghiên cứu, tia UVA có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch của một người, khiến việc chống lại bệnh tật trở nên khó khăn hơn và dẫn đến melanoma – ung thư tế bào hắc tố. Đây là loại ung thư da nghiêm trọng nhất, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực, tế bào ung thư có thể lây lan từ da đến các cơ quan khác của cơ thể và khiến người bệnh tử vong.

Bên cạnh đó, tiếp xúc quá mức với tia UV nói chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm khác: Ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô vảy, bệnh đục thuỷ tinh thể.

Phòng ngừa

Để phòng tránh da bị sạm nắng, rám nắng không có nghĩa là bạn phải tránh nắng tối đa thời gian bởi điều này là bất khả thi. Quan trọng, bạn cần có ý thức nghiêm ngặt với việc bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời. Dưới đây là những điều quan trọng để phòng tránh sạm nắng “ghé thăm”:

  • Sử dụng kem chống nắng là bước tối quan trọng: Chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF an toàn, phổ rộng để ngăn chặn tác động từ tia cực tím
  • Bôi kem chống nắng đều đặn mỗi ngày, không loại trừ mùa lạnh hay những ngày không có nắng.
  • Thoa kem chống nắng 15-30 phút trước khi ra ngoài, thoa lại kem trong ngày cách 2-3 tiếng.
  • Tránh ra ngoài vào những ngày nắng gắt, trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h chiều
  • Bảo hộ da kỹ càng với quần áo chống nắng, mũ rộng vành, kính râm, găng tay khi ở ngoài trời (đặc biệt với những người làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời)
  • Uống nhiều nước, trung bình từ 1,5 lít đến 2,5 lít/ngày
  • Cân bằng chế độ dinh dưỡng với thực phẩm có lợi cho da, hạn chế đồ dầu mỡ, cay nóng, đồ uống chứa nhiều cồn và caffeine, đặc biệt trong quá trình điều trị sạm nắng.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Có nhiều cách để cải thiện làn da bị rám nắng: Sử dụng kem bôi tại chỗ, đắp mặt nạ từ nguyên liệu thiên nhiên, dùng thảo dược tự nhiên, tẩy da chết, làm dịu da bằng nước mát. Dưới đây là thông tin chi tiết về các cách trị da rám nắng hiệu quả được áp dụng phổ biến hiện nay:

Dùng kem bôi trị sạm nắng

Sử dụng các loại kem chuyên dụng trị sạm nắng tại chỗ là cách được áp dụng phổ biến. Đa phần các sản phẩm đều chứa thành phần thiên nhiên, lành tính, an toàn cho da và có tác dụng cấp ẩm, làm dịu da nhanh chóng.

Hiện nay, trên thị trường có tới hàng trăm hàng ngàn dòng kem trị sạm đến từ các thương hiệu mỹ phẩm khác nhau. Để dễ lựa chọn, người dùng hãy lưu ý tới những thành phần trong kem được Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng dưới đây:

  • Hydroquinone (nồng độ khoảng 2%)
  • Axit salicylic hoặc axit glycolic
  • Retinol
  • Axit kojic
  • Niacinamide
  • Các loại vitamin A, B, C, E

Công dụng chính của các thành phần hoạt tính này là hỗ trợ giảm thâm sạm hiệu quả, ức chế quá trình tăng sinh melanin và kích thích tế bào mới phát triển. Qua đó, tình trạng sạm da dần được cải thiện, cùng với đó, làn da mềm mại, khỏe mạnh, sáng màu và đều màu hơn.

Bên cạnh kem bôi, người dùng có thể kết hợp viên uống trị sạm để đạt hiệu quả từ bên trong. Tuy nhiên, việc sử dụng kem bôi hay thuốc uống cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Hậu quả của việc tự ý sử dụng, lạm dụng thuốc có thể dẫn đến những tác dụng phụ có hại cho da và sức khỏe.

Trị sạm nắng bằng nguyên liệu thiên nhiên

Bên cạnh dùng kem trị sạm, nhiều người chuộng cách đắp hỗn hợp chế biến đơn giản từ nguyên liệu thiên nhiên. Phương pháp này dễ dàng thực hiện tại nhà, rất an toàn cho da và tiết kiệm chi phí.

Một số nguyên liệu phổ biến thường được áp dụng trị sạm da gồm:

Bột gỗ đàn hương

Cách thực hiện: Sử dụng 2 thìa canh bột gỗ đàn hương trộn với 2 thìa canh nước cốt dừa, trộn đều thành hỗn hợp sệt và đắp lên vùng da sạm nắng. Để khoảng 20 phút rửa lại với nước mát.

Baking soda và yến mạch

Cách thực hiện: Cho bột yến mạch và vài thìa baking soda vào bồn tắm (dùng nước mát), sau đó ngâm mình khoảng 15 phút để làm dịu những thương tổn trên da. Lưu ý trong quá trình ngâm không nên chà xát mạnh mà chỉ cần massage nhẹ nhàng.

Nha đam

Gel nha đam có tác dụng rất tốt trong việc làm dịu da và dưỡng da mềm mại. Bạn chỉ cần bôi trực tiếp gel nha đam lên da để giúp da mát và giảm kích ứng. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp nha đam với sữa chua, mật ong hoặc sữa tươi.

Nghệ

Thành phần curcumin trong nghệ có tính năng chống oxy hoá, làm mờ sạm nắng hiệu quả. Nghệ tươi còn chứa nhiều loại vitamin có ích cho làn da, giúp da trắng sáng và phục hồi những tổn thương trên da. Bạn có thể kết hợp nghệ tương với giấm trắng, dầu oliu, sữa chua và trộn thành hỗn hợp đắp lên da.

Nước mát

Cách chữa da bị sạm nắng hoặc cháy nắng đơn giản và nhanh nhất chính là hạ nhiệt độ kịp thời khu vực da bị sạm bằng nước mát. Bạn cần tránh dùng đá lạnh tác động trực tiếp lên bề mặt da vì cách này cũng có khả năng làm tổn thương da nhiều hơn.

Tẩy tế bào chết

Phương pháp tẩy tế bào chết giúp loại bỏ tế bào da chết ở lớp ngoài của da, qua đó làm sáng da, giảm thâm sạm. Hiện tại có 2 kỹ thuật tẩy tế bào chết thường được áp dụng, bao gồm:

  • Kỹ thuật hoá học: Thực hiện bằng cách sử dụng hoá chất như alpha và beta axit làm tan tế bào da chết, phù hợp với người có làn da khô và nhạy cảm.
  • Kỹ thuật cơ học: Thực hiện bằng cách sử dụng bàn chải da hoặc bọt biển để loại bỏ các tế bào da chết, phù hợp với người có làn da khỏe, dày.

Tẩy da chết là biện pháp dễ gây kích ứng da, sưng đỏ, tổn thương và phát sinh mụn trứng cá nếu lạm dụng hoặc áp dụng sai cách. Vì vậy, hãy lựa chọn tẩy da chết nhẹ nhàng.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android