[Giải Đáp Chi Tiết] Sau Khi Tiêm Vacxin COVID-19 Cần Lưu Ý Những Gì?

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 là cách để phòng chống nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về các tác dụng phụ, cũng như chưa nắm rõ những điều nên và không nên làm sau khi tiêm vacxin. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về những lưu ý quan trọng cho người lớn vừa tiêm phòng COVID-19 qua bài viết dưới đây.

Sau khi tiêm vắc xin nên làm gì và không nên làm gì?

Để cơ thể hạn chế các phản ứng nặng, nhanh chóng phục hồi và khỏe mạnh hơn, bạn cần có lưu ý một số điều về chế độ chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi sau khi tiêm vacxin COVID-19 theo hướng dẫn dưới đây.

Cần chú ý chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi đúng cách sau khi tiêm vacxin
Cần chú ý chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi đúng cách sau khi tiêm vacxin

Những điều cần làm sau khi tiêm phòng COVID-19

Ngay sau khi tiêm vắc xin nên làm gì để đảm bảo an toàn và khỏe mạnh trước các phản ứng cơ thể do sử dụng vaccine là câu hỏi của nhiều người. Trước hết, người dân cần tuân theo khuyến cáo của Bộ Y tế về những điều cần làm sau khi tiêm ngừa COVID-19:

  • Chờ tại địa điểm tiêm để được theo dõi: Các cơ sở y tế sẽ theo dõi tình hình sức khỏe của người dân trong ít nhất 30 phút ngay sau khi tiêm vacxin để đảm bảo không xuất hiện bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng hay triệu chứng sốc nguy hiểm nào. Người dân sau khi tiêm chủng tuyệt đối không chủ quan và bỏ về nhà trước khi thời gian chờ kết thúc.
  • Tìm hiểu các tác dụng phụ, ghi nhớ thông tin cấp cứu: Sau khi tiêm phòng, tùy theo cơ địa mà cơ thể thường xuất hiện một số phản ứng phụ từ mức độ nhẹ đến mức trung bình và thường tự biến mất trong vòng vài ngày cho đến vài tuần. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sức khỏe bất thường cần được nhận diện sớm để xử lý kịp thời tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, mỗi người dân cần tìm hiểu trước các mức độ tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin COVID-19 và nhớ kỹ mang theo giấy hướng dẫn, số hotline cấp cứu của trung tâm tiêm chủng.
  • Luôn có người theo dõi ở bên: Hãy cố gắng đảm bảo có người thân, bạn bè ở bên cạnh trong ít nhất 3 ngày đầu tiên sau khi tiêm. Người ở bên cạnh cũng cần có thông tin, số điện thoại trung tâm cấp cứu để sẵn sàng trước trường hợp người được tiêm có dấu hiệu sốc, tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Chuẩn bị đầy đủ các phương án xử lý các tác dụng phụ: Sau khi về nhà từ địa điểm tiêm chủng, hãy luôn sẵn sàng nhiệt kế bên mình để kiểm tra nhiệt độ thường xuyên, theo dõi các phản ứng của cơ thể. Đồng thời, chuẩn bị các biện pháp cho các phản ứng thông thường như: Thuốc hạ sốt, khăn mát,…
  • Hãy kiên nhẫn và thực hiện đúng lịch tiêm: Sau khi tiêm vacxin ngừa COVID-19, hệ miễn dịch cần thời gian để hình thành hệ thống đề kháng virus. Hãy cài đặt Sổ Tay Y Tế Điện Tử và chú ý tình trạng cập nhật thông tin số mũi tiêm. Đồng thời, cần lưu ý và thực hiện đúng lịch tiêm mũi thứ 2 theo từng loại vaccine.
  • Thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch: Dù đã tiêm 1 mũi hay đã đủ 2 mũi vacxin COVID-19, bạn vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn chống dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, tránh lây lan dịch bệnh. Hãy thực hiện nghiêm túc: Khai báo y tế khi đến các địa điểm công cộng, rửa tay, đeo khẩu trang, thông điệp 5K,…

[pr_middle_post]

Bên cạnh đó, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là nên ăn uống nghỉ ngơi như thế nào để phục hồi nhanh sau khi tiêm vacxin phòng ngừa COVID-19. Bạn nên áp dụng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi sau khi tiêm phòng dưới đây:

  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể: Sốt cao – phản ứng thường thấy sau khi tiêm vaccine khiến cơ thể dễ mất nước nên bạn cần uống đủ nước. Mỗi lần nên uống từ từ và chia nhỏ lượng nước trong ngày. Đồng thời, bạn có thể bổ sung các nhóm vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhanh hơn với nước ép hoa quả, rau củ.
  • Có chế độ ăn lành mạnh: Sau tiêm phòng, phản ứng phổ biến nhất của cơ thể là sốt, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn,… Điều này có thể cải thiện nhờ chế độ ăn lành mạnh. Cần chú ý ăn đủ bữa, đa dạng thực phẩm để bổ sung cho cơ thể đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất. Các món ăn nên chế biến ở dạng mềm, chia nhỏ các bữa để dễ tiêu hóa hơn.
  • Nghỉ ngơi đủ giấc và giữ tinh thần thoái mái: Cơ thể thường mệt mỏi rã rời do tác dụng phụ sau tiêm vacxin COVID-19. Tùy theo cơ địa, một số người sẽ có cảm giác buồn ngủ, mất tinh thần và một số người lại hưng phấn, khó ngủ ngon. Bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng. Tuy nhiên, giữa giấc ngủ sâu, bạn cần đặt báo thức cách 1 – 2 tiếng để thức dậy, giữ tỉnh táo nhất định và kiểm tra nhiệt độ cơ thể, đặc biệt đối với những người ở một mình, không có ai bên cạnh.
  • Vận động nhẹ nhàng: Ngoài ra, bạn chỉ nên vận động nhẹ nhàng sau ít nhất 3 ngày đầu và nên tập thể dục cường độ vừa phải trong 1 – 2 tuần sau đó.
Bổ sung cho cơ thể các nhóm vitamin, khoáng chất và đủ các nhóm dinh dưỡng 
Bổ sung cho cơ thể các nhóm vitamin, khoáng chất và đủ các nhóm dinh dưỡng

Không nên làm gì sau khi tiêm vacxin?

Bên cạnh những điều cần và nên làm sau khi tiêm phòng COVID-19 ở trên, dưới đây là một số lưu ý về những điều không nên làm để đảm bảo tác dụng miễn dịch của vaccine và giúp cơ thể phục hồi tốt nhất:

  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, đồ uống có cồn

Cả trước và sau khi tiêm chủng COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêm cần kiêng đồ uống có cồn như rượu bia vì chúng có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ biến chứng và sự mất nước của cơ thể. Ngoài ra, các phản ứng sau khi say có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của ngộ độc cồn và phản ứng của vacxin.

Ngoài ra, cần tránh hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích có thể gây rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch, gây nên những phản ứng bất thường, tạo cơ sốc nguy hiểm. Bạn nên kiêng trong ít nhất 3 ngày đầu tiên và tốt nhất là 1 tuần sau khi tiêm vacxin.

  • Không ăn thực phẩm kích thích và chứa nhiều chất béo bão hòa

Những loại thức ăn nhanh, đồ chiên nướng nhiều dầu mỡ thường chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, sẽ làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, kết hợp phản ứng của vaccine sẽ gây hại sức khỏe của bạn.

Bên cạnh đó, cũng nên kiêng một số loại thực phẩm kích thích, cay nóng khác vì có thể gây kích ứng dạ dày, làm hại hệ tiêu hóa trong giai đoạn cơ thể đang mệt mỏi, suy nhược và chán ăn do tác dụng phụ của vacxin ngừa COVID-19.

  • Không nên tập thể dục quá mạnh

Sau khi tiêm chủng, ít nhất trong 1 tuần đầu tiên, bạn có thể vận động nhẹ nhưng không nên tập dục thể thao quá mạnh, khiến nhịp tim, nhịp thở và huyết áp quá cao. Điều này kết hợp các phản ứng cơ thể đang tạo kháng thể có thể dẫn đến các triệu chứng bất thường và ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine.

  • Không tự ý sử dụng thuốc mà không có tư vấn y khoa

Trước những phản ứng sau tiêm phòng như: Sốt, đau đầu, tăng huyết áp, mất ngủ,… bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tự ý sử dụng các loại thuốc.

Chỉ sử dụng thuốc khi đã hỏi ý kiến bác sĩ, nhân viên y tế
Chỉ sử dụng thuốc khi đã hỏi ý kiến bác sĩ, nhân viên y tế

Tìm hiểu về những tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin ngừa COVID-19

Các phản ứng sau tiêm chủng còn được gọi là sự cố bất lợi hay tác dụng phụ của vaccine. Đây là những triệu chứng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện ngay tại chỗ tiêm hoặc trên toàn thân xảy ra sau khi tiêm phòng. Những phản ứng này không nhất thiết do việc sử dụng vaccine và có mức độ khác nhau tùy theo cơ địa từng người.

Tại sao cơ thể xuất hiện phản ứng sau khi tiêm phòng?

Giống như với phản ứng sau khi tiêm của tất cả các loại vaccine phòng bệnh khác, hầu hết phản ứng của những người được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 là những dấu hiệu thường xuất hiện ngay vị trí tiêm và các triệu chứng “giả cúm” trên toàn thân.

Các tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng khác nhau đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn. Chúng có thể kéo dài từ 1 – 3 ngày cho đến 1 – 2 tuần sau khi tiêm mới biến mất. Tuy nhiên, cũng có một số người không có bất cứ phản ứng nào sau khi tiêm vacxin.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng trước các triệu chứng thông thường. Thực tế đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang nhận diện virus SARS-CoV-2 và hệ thống miễn dịch đang xây dựng hàng rào bảo vệ cơ thể và tiêu diệt virus nếu mắc phải.

Hiện nay, Bộ Y tế nước ta đã cấp phép cho các loại vaccine khác nhau gồm: AstraZeneca, Sputbik V (hay còn gọi là Gam-COVID-Vac), Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna (còn tên khác là Spikevax), Janssen, Hayat-Vax và vacxin Abdala.

Các loại vaccine chống COVID-19 đều đã được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, trải qua kiểm duyệt nghiêm ngặt trước khi áp dụng tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Do đó, các phản ứng sau tiêm, tỷ lệ từng mức độ xuất hiện tác dụng phụ của người được tiêm chủng đều nằm trong dự liệu của nhà sản xuất vacxin.

Tuy nhiên, một số đối tượng có thể xuất hiện phản ứng nghiêm trọng không mong muốn sau tiêm chủng. Nguyên nhân chủ yếu là người được tiêm có cơ địa mẫn cảm, dị ứng dị nguyên hoặc mắc bệnh lý nào đó nhưng không nắm rõ. Do đó, việc theo dõi các triệu chứng của cơ thể và sẵn sàng trước các trường hợp sốc, mẫn cảm vacxin sau tiêm phòng COVID-19 là việc làm hết sức quan trọng để kịp thời xử lý.

Các triệu chứng sau khi tiêm ngừa COVID-19 nào là bình thường?

Một số phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm chủng phòng COVID-19 mà bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Phản ứng tại vị trí được tiêm: Bắp tay nơi tiêm đau, xuất hiện tình trạng nổi mề đay, mẩn đỏ (được gọi là “cánh tay COVID-19″), sưng tấy,…
  • Phản ứng trên toàn bộ cơ thể: Sốt (đặc biệt là sốt cao vào chiều tối), mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và mỏi xương, ớn lạnh, buồn nôn, chán ăn, rối loạn giấc ngủ,…
Một số phản ứng thông thường của cơ thể sau khi tiêm phòng
Một số phản ứng thông thường của cơ thể sau khi tiêm phòng

Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng phổ thông này, bạn có thể tự xử lý ở nhà bằng cách: Chườm giảm đau, thực hiện các biện pháp hạ nhiệt độ, uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh, vận động nhẹ,…

Những tác dụng phụ kéo dài và nguy hiểm cần chú ý sau khi tiêm vacxin

Sau khi tiêm chủng vacxin phòng COVID-19, một số người có thể xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng như sau:

  • Tê quanh môi hoặc lưỡi, mất vị giác,…
  • Da xuất hiện phát ban, nổi mẩn đỏ lớn, da tím tái hoặc ửng đỏ khu vực rộng.
  • Ngứa, căng cứng hoặc có cảm giác nghẹn ở cổ họng.
  • Buồn nôn và nôn liên tục, tiêu chảy hoặc đau quặn bụng, đau cơ theo từng cơn dữ dội.
  • Khó thở, thở rít hoặc thở khò khè kết hợp cảm giác tim đập nhanh, tăng hoặc tụt huyết áp.
  • Đầu đau “như búa bổ”, chóng mặt, xây xẩm, choáng, hoa mắt và không thể đứng vững.
  • Sốt cao liên tục trên 38.5 độ C, không giảm dù đã áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý và sử dụng thuốc hạ sốt.

Khi xuất hiện một trong những dấu hiệu này, hãy liên lạc ngay cho bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý và điều trị.

Cần nhận biết kịp thời các triệu chứng phản ứng nặng sau tiêm chủng
Cần nhận biết kịp thời các triệu chứng phản ứng nặng sau tiêm chủng

Sau khi tiêm vắc xin bị sốt nên làm gì?

Sốt là một phản ứng dễ xuất hiện nhất sau khi tiêm vacxin ngừa COVID-19, có thể kéo dài từ 1 – 3 ngày. Tuy nhiên, tùy theo cao độ thân nhiệt và tình trạng cơ thể sau khi sử dụng các biện pháp hạ nhiệt mà bạn có thể nhận diện đây là tác dụng phụ nhẹ và trung bình hay nghiêm trọng cần xử lý như thế nào.

Do đó, người được tiêm cần thường xuyên đo thân nhiệt trong những ngày đầu sau tiêm chủng:

  • Nếu sốt dưới 38.5 độ C: Đây là dấu hiệu thông thường, không cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế mà có thể tự hạ nhiệt. Bạn có thể thử các phương pháp hạ sốt vật lý như: Cởi bớt hoặc nới lỏng quần áo, chườm hoặc lau trán và cơ thể bằng khăn thấm nước, uống đủ nước. Tuy nhiên, cần chú ý bảo vệ cơ thể để tránh nhiễm lạnh. Thường xuyên đo lại nhiệt độ sau 30 – 60 phút.
  • Nếu sốt cao từ 38.5 độ C trở lên: Lúc này bạn nên sử dụng thuốc hạ sốt theo ý kiến bác sĩ đã tham khảo từ trước hoặc theo giấy chỉ dẫn được phát bởi cơ sở tiêm chủng. Nếu cơn sốt vẫn không cắt hoặc tăng lên nhanh trong vòng 2 tiếng (khi chưa hết hạn tác dụng của thuốc) thì bạn cần thông báo nhân viên y tế và di chuyển đến bệnh viện gần nhất.
Đo thân nhiệt thường xuyên, đặc biệt về chiều tối
Đo thân nhiệt thường xuyên, đặc biệt về chiều tối

Paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau, hạ sốt liều nhẹ khác có thể dùng cho người xuất hiện các tác dụng phụ như: Đau nhức đầu, sốt cao liên tục hoặc đau cơ xương mạnh sau khi tiêm vacxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc được khuyến cáo và tránh những loại thuốc có bất kỳ chống chỉ định cụ thể nào.

Bên cạnh đó, hãy bổ sung nước, các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là vitamin C, A, E, các vi khoáng và muối cho cơ thể. Tránh thức khuya, làm việc nặng và tâm lý căng thẳng, cần nghỉ ngơi đủ để giúp cơ thể mau hồi phục và góp phần tăng sức đề kháng.

Mức độ phản ứng sau khi tiêm vacxin nào cần gọi cho bác sĩ, bệnh viện gần nhất?

Các phản ứng sau khi tiêm phòng tùy theo từng người mà có thể có hoặc không và xuất hiện ở mức độ nhẹ – trung bình hay nặng tại vị trí tiêm và trên toàn thân. Sau khi thực hiện theo dõi tại trung tâm tiêm chủng khoảng 30 – 60 phút, về đến nhà bạn vẫn cần tự theo dõi tình trạng cơ thể hoặc có người ở bên cạnh ít nhất 3 ngày đầu và tốt nhất là trong vòng 1 tuần sau khi tiêm.

Tùy theo mức độ phản ứng sau tiêm ngừa COVID-19 mà bạn cần có cách xử lý hợp lý nhất:

  • Đối với những tác dụng phụ nhẹ và trung bình đã liệt kê ở trên, cũng như tình trạng sốt dưới 38.5 độ C, bạn có thể tự xử lý tại nhà.
  • Đối với những triệu chứng nghiêm trọng, tình trạng sốt cao liên tục trên 38.5 độ C và không thể hạ sốt bằng thuốc thì hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn trực tuyến hoặc đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Cần can thiệp kịp thời bằng các biện pháp y khoa để đảm bảo không gây biến chứng nặng hay xuất hiện sự cố không mong muốn.
Liên lạc bác sĩ và cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường sau khi tiêm vacxin
Liên lạc bác sĩ và cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường sau khi tiêm vacxin

Trên đây là những thông tin quan trọng mà bất cứ ai cũng cần lưu ý sau khi tiêm vacxin ngừa COVID-19. Tiêm vaccine toàn dân phòng chống virus SARS-CoV-2 là chủ trương của nước ta, do đó mỗi người dân cần hiểu rõ và biết cách xử lý các phản ứng sau tiêm chủng, có trách nhiệm tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe, bảo vệ an toàn cho chính mình và mọi người.

Xem thêm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *